“Tôi đã chán ngấy cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh mình”, đây là sự khởi đầu của hàng ngàn người mất tích mỗi năm ở Nhật Bản. Họ đột ngột biến mất như bốc hơi khỏi chốn cũ, không để lại bất cứ dấu vết nào. Pháp luật Nhật rất coi trọng quyền riêng tư, không chia sẻ bất cứ thông tin cá nhân nào trừ khi có liên quan đến tai nạn hoặc phạm tội. Đất nước này thậm chí có cả các dịch vụ hỗ trợ mất tích, giúp người muốn trốn tránh âm thầm thoát đi trong đêm và vĩnh viễn không trở về.
100.000 người bốc hơi
Trong tiếng Nhật, người mất tích được gọi bằng thuật ngữ Jouhatsu. Nó có nghĩa là “bốc hơi, biến mất” và phổ biến từ thập niên 1960. Trên thế giới, người Nhật nổi tiếng là dân tộc tự cường nhất. Bất chấp chiến bại nặng nề trong Thế chiến thứ hai (1939-1945) và bị Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử, họ nhanh chóng tái thiết đất nước. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự phát triển thần tốc không hề rẻ. Từ năm 1946 trở đi, mỗi công dân Nhật Bản đều phải làm việc gấp đôi, gấp ba bình thường. Văn hóa Nhật Bản coi trọng sự hy sinh, cống hiến. Những ai thiếu nhiệt huyết đều bị xem thường và chỉ trích thậm tệ.
Norihiro đang yên ổn làm việc thì bất ngờ bị sa thải. Anh không dám nói thật với gia đình nên ngày ngày vẫn giả vờ đi làm. Buổi sáng, Norihiro thay đồ công sở, hôn tạm biệt vợ rồi lên xe. Anh lái đi vô định, đến tối mới về. Biết không thể nào đánh lừa được mãi, Norihiro lựa chọn biến mất. Điểm đến của anh là Sanya, góc phố xập xệ trong lòng thủ đô Tokyo. Nó cho phép những “kẻ thất bại” như anh xóa danh tính và tạm lưu trú. Tuy nhiên vào năm 1966, khu phố này đã bị chính quyền thủ đô xóa sổ.
Mặc dù Sanya không còn, những người muốn biến mất như Norihiro lại ngày càng nhiều. Theo thống kê chính thức của Nhật Bản vào năm 2015, cả nước có tổng cộng 82.000 người mất tích. Song Hiệp hội Hỗ trợ Tìm kiếm Người mất tích ở đất nước này cho biết con số trên chưa khớp với thực tế. Họ ước tính Nhật Bản phải có đến 100.000 Jouhatsu.
Những năm 1960-1970, lượng người mất tích ở Nhật Bản tương đối thấp. Bắt đầu từ nửa cuối thập niên 1980, khi nền kinh tế Nhật bước vào Thời kỳ Bong bóng (1986-1991), nó mới đột ngột gia tăng. “Tôi đã chán ngấy những mối quan hệ xung quanh mình”, Sugimoto, 42 tuổi, cho biết. “Một hôm, tôi quyết định xách chiếc vali lên và biến mất”. Mỗi năm, Nhật Bản có từ hàng ngàn đến chục ngàn người như Sugimoto.
Muôn vạn lý do
Không có ở đâu, yêu cầu kỷ luật và tinh thần đồng đội lại cao hơn môi trường làm việc tại xứ sở Mặt trời mọc. Ngay cả bây giờ, người Nhật vẫn phải làm việc nhiều thời gian hơn bất cứ công nhân viên của đất nước nào. Trung bình mỗi năm, Nhật có đến 200 người lao động thiệt mạng vì làm việc quá sức. “So với việc phải đối mặt với sự khinh bỉ hoặc chết quách cho xong, biến mất và bắt đầu cuộc sống khác ở nơi không ai quen biết có vẻ là lựa chọn tốt hơn”, nhà báo Jake Adelstein giải thích. “Dù thế nào, thà bốc hơi vẫn còn hơn là chết”.
Những năm 1960-1970, phần lớn Jouhatsu Nhật Bản là những đàn ông hoặc phụ nữ chán ngán cuộc sống vợ chồng. Quy định ly hôn ở Nhật thời gian này rất phức tạp, hiếm khi cho phép các cặp đôi được tự do. Thay vì tiếp tục chịu đựng hôn nhân không hạnh phúc, nhiều người chọn biết mất.
Những năm 1980-1990, đa số Jouhatsu Nhật Bản là lao động thất nghiệp. Từ năm 2000 trở đi, nguyên nhân “bốc hơi” ngày càng mở rộng. Nó bao gồm từ lý do tích cực như bí mật vào đại học, tìm kiếm việc làm mới, kết hôn với người yêu thật sự, đến những lựa chọn tiêu cực như bỏ học, trốn chạy khỏi thực tế không như ý…
“Ở Nhật Bản, muốn bốc hơi là chuyện rất dễ dàng”, nhà xã hội học Hiroki Nakamori cho biết. “Luật pháp của Nhật bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt. Trừ khi người bốc hơi phạm pháp hoặc gặp tai nạn, cảnh sát tuyệt đối không cho phép thân nhân hay người tìm kiếm tiếp cận các thông tin cá nhân. Tất cả những gì người nhà có thể làm là thuê thám tử tư hoặc chờ đợi”.
“Tôi đã bị sốc nặng”, một phụ nữ Nhật luống tuổi giấu tên tường thuật. “Từ lúc thằng con trai 22 tuổi của tôi biến mất đến giờ, nó chưa một lần liên lạc về nhà. Tôi biết nó bị mất việc 2 lần và hẳn là vô cùng suy sụp vì điều đó. Tôi hiểu luật bảo vệ thông tin riêng tư là cần thiết, nhưng chẳng lẽ ngay cả kẻ làm mẹ như tôi cũng không được phép tìm kiếm con mình ư? Trong mắt pháp luật, tôi cũng chỉ giống như những tội phạm theo dõi, ăn cắp thông tin cá nhân hay sao?”.
Dịch vụ “biến mất trong đêm”
Trước thực tế người bốc hơi ngày càng gia tăng, Nhật Bản mở một dịch vụ bất thường nhất thế giới: “biến mất trong đêm”. Đó là những công ty tiếp nhận khách hàng muốn mất tích, hỗ trợ họ bốc hơi khỏi nơi ở và bí mật nơi đến vĩnh viễn.
“Những gì chúng tôi đã và đang làm là giúp mọi người bắt đầu cuộc sống thứ hai”, Sho Hatori – giám đốc một công ty “biến mất trong đêm” được thành lập vào thập niên 1990, chia sẻ. “Chúng tôi có rất nhiều kiểu khách hàng”, Miho Saita (49 tuổi) – nhà điều hành tập đoàn dịch vụ người bốc hơi đời thực Yonigeya TS Corporation cho hay. “Có người thì vì cái tôi hoặc tư lợi, cũng có người muốn trốn thoát khỏi cuộc sống bị lạm dụng, bạo hành. Tôi không phán xét và không bao giờ từ chối tiếp nhận người nào cả, bởi vì ai cũng đang trong cuộc đấu tranh riêng”.
Bản thân Miho cũng là Jouhatsu. 17 năm trước, cô bốc hơi khỏi nhà riêng ở Kanagawa vì không chịu đựng nổi người chồng ngược đãi. “Vào thời điểm đó, pháp luật chưa có quy định bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình”, Miho kể. “Cảnh sát chỉ có thể khuyên nhủ anh ta đừng đánh đập tôi nữa và điều đó là vô ích. Bước đường cùng, tôi lấy xe, ôm theo con chó của mình biến mất”. Vài năm về trước, Miho cũng nhận được một cuộc điện thoại liên quan đến bạo lực gia đình. Người gọi là phụ nữ, hoảng loạn nói rằng chồng mình có ý muốn giết con trai và hỏi liệu Miho có thể giúp con cô mất tích không.
Như mọi dịch vụ, “biến mất trong đêm” cũng đòi hỏi chi phí. Tùy vào lượng đồ đạc mà người bốc hơi muốn mang theo, tiền thuê sẽ dao động từ 50.000-300.000 yen (khoảng 11-65 triệu VNĐ). Trong trường hợp khách hàng là người trốn nợ hoặc dẫn theo trẻ con, giá sẽ nhỉnh hơn. Trung bình mỗi ngày, Miho nhận 5-10 yêu cầu hoặc tư vấn bốc hơi. Mỗi năm, công ty của bà giúp khoảng 100-150 Jouhatsu.
Theo thống kê của Yonigeya TS Corporation, có 20% khách hàng là nạn nhân của bạo lực gia đình. 80% còn lại thì bao gồm đủ các kiểu lý do, từ trốn nợ cờ bạc đến trốn kẻ đeo bám, tôn giáo, người áp bức và cả vô mục đích.
“Nỗi hối tiếc lớn nhất của tôi là đã rời bỏ vợ con”, Jouhatsu tên Sugimoto tâm sự. Trước khi biến mất, anh đã đề cập vấn đề với cậu con trai cả mới 13 tuổi. “Cuộc sống của bố là do bố quyết định và con không thể thay đổi được”, cậu bé trả lời. “Nghe nó nói còn giống người lớn hơn là tôi nữa”, Sugimoto tự hào.