Chúng ta đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP, đặc biệt là với Hoa Kỳ, nước có vai trò chi phối nhiều mặt trong các nước thành viên sau này. Đây là một trong những hiệp định đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại nói chung, trong đó có ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh của chúng ta nhưng lại chưa phát triển bền vững.
Các tài liệu liên quan đến lịch trình đàm phán cho thấy trong năm này, trao đổi thương mại nông nghiệp hai chiều giữa Mỹ với mười quốc gia TPP khác đạt mốc 94 tỉ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông nghiệp của Hoa Kỳ với thế giới. Trong đó, xuất khẩu nông nghiệp Hoa Kỳ vào 10 nước đối tác TPP đạt hơn 45 tỉ USD, tương đương 32% tổng lượng xuất khẩu Hoa Kỳ trên toàn thế giới. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng là một thị trường lớn. Các đối tác TPP cũng là nguồn cung cấp quan trọng các sản phẩm nhập khẩu nông sản vào Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 47% nhập khẩu của Mỹ.
Chế biến hạt điều xuất khẩu
Một trong những vấn đề cơ bản quan trọng nhất trong việc tham gia TPP chính là việc chuẩn bị hạ tầng, kỹ thuật và khả năng quản lý trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt khi tham gia TPP cũng buộc ViệtNamphải có những thay đổi tích cực để sản phẩm nông nghiệp ViệtNamcó chỗ đứng. Những cải cách đó bắt nguồn từ khâu cung ứng: cải cách phương thức sản xuất, công nghệ, bảo quản, tăng chất lượng; đến khâu xuất khẩu: phương thức tiếp thị, đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng cường sản phẩm mới…
Như vậy, nếu được gia nhập một sân chơi tập trung nhiều nước phát triển cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore… đó sẽ là cơ hội lớn cho cải cách nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cũng có điều kiện tiếp cận thị trường chất lượng cao trong phân khúc thị trường thế giới, giúp nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi hình ảnh “nông nghiệp giá rẻ”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, TPP có thể giúp thúc đẩy đầu tư của các nước trong khối vào Việt Nam, đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn, trong đó có mục tiêu nâng cao trình độ của lĩnh vực nông nghiệp, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên toàn cầu. Các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung là thị trường quan trọng của Việt Nam. Hai trong ba nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Nhật Bản, TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này cũng như các thành viên khác của TPP nhờ những cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn.
Tuy các nền kinh tế tham gia đàm phán TPP (Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam và Nhật Bản) có sự phát triển không đồng đều, nhưng rõ ràng Việt Nam là một nước có thế mạnh trong nông nghiệp, điều kiện thiên nhiên thuận lợi, đại bộ phận người dân sống ở nông thôn gắn bó có tính truyền thống với sản xuất nông nghiệp.
So sánh năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam và các nước tham gia đàm phán TPP thì chúng ta có thế mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm của ngành trồng trọt. Trong các nước tham gia TPP, Hoa Kỳ có vai trò đặc biệt và đối với chúng ta việc đàm phán với nước này có tính quyết định hơn cả.
Theo ghi nhận của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Mỹ là đối tác lớn nhất của chúng ta trong khối TPP và cũng là thị trường xuất khẩu hàng nông sản lớn nhất. Việt Nam là một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất sang Mỹ với các sản phẩm như cà phê, điều, tiêu, gạo và chè. Năm 2012, Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, đạt 203,5 nghìn tấn, kim ngạch xấp xỉ 460 triệu USD. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm tháng đầu năm 2013, khối lượng xuất khẩu cà phê vào Mỹ đạt 101,7 ngàn tấn, giá trị đạt 235,42 triệu USD, tăng 30,1% về lượng và 24,7% về giá trị so với cùng kỳ.
Trong các nước tham gia đàm phán thì Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới về ngũ cốc, hạt có dầu và chăn nuôi; và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam trong TPP với các mặt hàng nông sản như cà phê, rau quả…. Một số nước khác như Australia, Mexico cũng là những thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam trong khối TPP với các mặt hàng như điều, gạo, cà phê, hạt tiêu, rau quả…
Về nhập khẩu của Việt Nam trong TPP, Australia là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với các sản phẩm lúa mì, bông, rau quả, sữa và sản phẩm từ sữa. Mỹ là thị trường nhập khẩu nông sản và nguyên liệu đầu vào lớn thứ hai của Việt Nam với các sản phẩm như bông, thức ăn gia súc, sữa, lúa mì, rau quả.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có thể mang lại cho chúng ta thuận lợi trong một số lĩnh vực nông nghiệp này đồng thời cũng có thể tạo ra thách thức trong vài lĩnh vực nông nghiệp khác. Ngành có cơ hội hưởng lợi lớn nhất là ngành trồng trọt, nhất là lúa gạo. Thái Lan không tham gia đàm phán TPP, nên sẽ tăng cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam vào TPP, nhất là thị trường Nhật Bản (nhu cầu nhập khẩu gạo của Nhật Bản đứng thứ 3 trong TPP). Đồng thời, đa số các thành viên TPP là các nước phát triển, nên đây cũng là thị trường tiềm năng cho hàng nông sản chất lượng cao, nhất là gạo chất lượng cao. Ngành gặp khó khăn lớn nhất là ngành chăn nuôi. Mỹ, Úc, Canada, New Zealand,… xuất khẩu ròng sản phẩm chăn nuôi, trong khi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chất lượng chưa cao, hàng rào kỹ thuật của Việt Nam thấp. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ để bảo vệ ngành này trước những thách thức mới, cũng như nâng dần năng lực cạnh tranh cho ngành.
Mặt trái của TPP đối với nông nghiệp Việt Nam không phải là ít. Nông nghiệp Hoa Kỳ là một ngành có khả năng thâm nhập mạnh vào bất cứ thị trường nào nhờ chất lượng sản phẩm mang tính ưu việt, đồng thời cũng có khả năng phòng thủ rất tốt trước nông sản các nước. Cùng các rào cản kỹ thuật đặt ra khá khắc nghiệt, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể duy trì và bảo vệ nền nông nghiệp quốc gia trước những thách thức về nhập khẩu. Đây chính là điều chúng ta phải đối phó để tránh thiệt hại cho nông dân. Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đứng trước thách thức này. Như Nhật Bản chẳng hạn, trước khi tham gia vòng đàm phán gia nhập TPP, chính phủ nước này phải xem xét phương thức bồi hoàn thiệt hại cho nông dân. Những thâm hụt sản xuất trong ngành nông nghiệp – vốn được bảo hộ nhờ thuế nhập khẩu nông sản cao – sẽ là rất lớn, do TPP đã xóa thuế quan các mặt hàng nông nghiệp nhập khẩu.
Tất nhiên trình độ phát triển của chúng ta không thể làm như Nhật mà phải kêu gọi, thu hút sự hỗ trợ và đầu tư của các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, để giải quyết nhanh các vấn đề hạ tầng, kỹ thuật, quản lý. Muốn thế, chính sách thu hút đầu tư, thiện chí trong cải cách mở cửa phải được thực hiện mạnh mẽ và triệt để hơn nữa.
Tuy vậy chỉ chừng ấy cũng chưa đủ và có thể bị lệ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, mà tự lực cánh sinh là bài toán phải tính đến. Cụ thể là chính sách cải cách nông nghiệp từ khâu ruộng đất, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, công nghệ, phương thức sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường đầu ra… phải được thực hiện nhằm tạo thế mạnh, sức chịu đựng và khả năng đối phó với sự xâm nhập của nông sản các nước trên thị trường nội địa.
Những vấn đề đặt ra trên đây là chuyện lâu dài, còn trước mắt, trong giai đoạn đàm phán chúng ta phải lựa chọn thái độ nào đấy để thuyết phục được các đối tác.
Theo cam kết TPP, Việt Nam phải mở cửa thị trường trong nước, tức phải loại bỏ 100% dòng thuế (thuế quan nhập khẩu) đối với các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời các nước tham gia TPP cũng phải mở cửa cho nông sản Việt Nam.
Hiện nay, các nước tham gia TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ đối với nông sản nội địa. Cụ thể, với thị trường xuất khẩu, rào cản kỹ thuật của các nước sẽ khắt khe hơn, trong khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam không cao nên khó tận dụng lợi ích từ việc giảm thuế quan.
Về thị trường nội địa, do nền nông nghiệp nước ta lạc hậu, thu nhập không cao và nông dân là nhóm dễ bị tổn thương trong hội nhập, nên cần bảo hộ một số lĩnh vực nhất định trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài. Đáng nói là rào cản kỹ thuật lĩnh vực này của chúng ta chưa có hoặc không cao nên thị trường nội địa sẽ gặp bất lợi.
Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT) và biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) rất quan trọng đối với khả năng tiếp cận thị trường các nước của nông sản Việt Nam.
Tại sao vậy? Bởi dù thuế quan được cắt bỏ nhưng việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các đòi hỏi về nhãn mác bao gói… vẫn ngăn chặn khả năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam, thậm chí rủi ro hơn nhiều hơn so với thuế quan.
Để đưa ra những đề xuất thích hợp trong xây dựng phương án bảo vệ ngành nông nghiệp, nước ta cần có đánh giá đầy đủ về tương quan năng lực cạnh tranh của ngành này với các đối tác TPP, đặt trong bối cảnh các cam kết mở cửa thương mại hiện có của Việt Nam với các nước này.
Và cũng đừng quên các quỵ định về sở hữu trí tuệ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng rất quan trọng mà nếu chậm chân từ bây giờ thì sau này nhiều nông sản của chúng ta như vải thiều Thanh Hà, thanh long Phan Rang, cam Vinh, cà phê Đắk Lắk… sẽ gặp khó khăn vào thị trường TPP nếu có ai đó nhanh chân đăng ký trước tên gọi.
[note color=”#c2bfc3″]Diễn biến đàm phán TPP từ 2009 đến nay
- – Vòng đàm phán 1 và 2: Có tám nước tham gia: Australia, Mỹ, New Zealand, Chile, Singapore, Brunei, Peru và Việt Nam.
- – Vòng thứ 3 đến 14: Có chín nước tham gia, với thành viên mới là Malaysia. Từ sau vòng 3, Việt Nam chính thức là thành viên đầy đủ (trước đó chỉ là thành viên liên kết).
- – Vòng thứ 15 và 16: Có 11 nước tham gia, với hai thành viên mới là Mexico và Canada.
- – Vòng thứ 17: Có 12 nước tham gia với thành viên mới là Nhật Bản.
- – Vòng thứ 18: Diễn ra tại Malaysia từ 14 đến 25-7-2013.
Nội dung đàm phán:
(1) Cạnh tranh, (2) Hợp tác và xây dựng năng lực, (3) Dịch vụ xuyên biên giới, (4) Hải quan, (5) Thương mại điện tử, (6) Môi trường, (7) Dịch vụ tài chính, (8) Mua sắm chính phủ, (9) Sở hữu trí tuệ, (10) Đầu tư, (11) Lao động, (12) Các vấn đề pháp lý, (13) Thương mại hàng hóa, (14) Thương mại dịch vụ.
[/note]Phạm Thành Sơn