Trên đường vào một khu chợ, có anh chàng vừa đẩy chiếc xe ba bánh chất đầy hàng, vừa rao lớn: “Mời bà con mua đi, hành tỏi khô Việt Nam chính hiệu. Xe này không bán hàng Trung Quốc!”. Trong lúc một số người coi như không có chuyện gì đặc biệt xảy ra thì một số khác tiến đến chiếc xe và quan sát. Có người nói: “Anh ấy rao đúng. Hành, tỏi Việt Nam đấy” và bỏ tiền mua mỗi thứ một bó. Vài người khác cũng mua theo.
Từ cọng hành, trái ớt… cũng đều là hàng nông sản Trung Quốc
Có phải đó là hành động ủng hộ hàng Việt Nam, là thể hiện tinh thần yêu nước? Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là điều cần được khuyến khích nhằm ủng hộ và hỗ trợ cho sản xuất trong nước phát triển. Trước nhiều mặt hàng có cùng chất lượng thì việc chọn hàng Việt Nam, cho dù giá cả có nhỉnh hơn một chút so với hàng nhập khẩu, rõ ràng là hành vi đáng được hoan nghênh.
Tuy nhiên, hiện nay đang có những tình huống mà nhiều người tiêu dùng không thể cưỡng lại được khi chọn mua hàng. Đó là hiện tượng hàng nông sản Trung Quốc có hình thức bắt mắt nhưng chất lượng không đánh giá hết, giá bán lại rẻ xuất hiện nhan nhản trên thị trường cả nước, từ Bắc vào Nam. Vài năm qua, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều loại quả của Trung Quốc như táo, nho, lê… luôn có mặt tại các sạp bán trái cây, còn nay, nếu rẽ vào bất cứ khu chợ lớn hay nhỏ nào bán rau quả, thực phẩm là đều có thể thấy đầy rẫy hành và tỏi khô của Trung Quốc. Người thường xuyên đi chợ biết ngay đó là “hàng Tàu” vì kích thước của chúng lớn hơn hành, tỏi Việt Nam, riêng màu hành khô thì vàng nhạt. So với hành, tỏi của Việt Nam, giá cả hàng Trung Quốc đúng là mềm hơn nên nhiều người đã chọn mua.
Chưa biết hành, tỏi Trung Quốc to thì có trong thành phần chất độc hại cho sức khỏe của người dùng hay không, nhưng đã có nhiều mặt hàng đến từ Trung Quốc như gà, trứng gà không được phép bán, trái cây, rau quả tẩm ướp hóa chất rất độc hại, thậm chí trong thành phần có cả một số loại phụ gia gây ung thư. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) từng phân tích và chỉ ra rằng nho Trung Quốc chứa hóa chất vượt ngưỡng từ ba đến năm lần nhưng được những kẻ buôn gian bán lận gắn mác “nho Mỹ” và chào giá cao gấp bảy, tám lần so với giá mua bán tại biên giới phía Bắc. Trong suốt một thời gian dài phát triển nóng, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp dồi dào hàng hóa giá rẻ nhưng chất lượng kém và chứa nhiều loại chất độc hại nên đã bị nhiều nước tẩy chay. Một điểm đáng lưu ý khác là trong chính sách thương mại của họ, hàng tốt được xuất đi các nước công nghiệp phát triển, còn những mặt hàng có chất lượng thấp, giá rẻ thì đẩy sang các nước đang phát triển, trong đó Việt Nam do “núi liền núi, sông liền sông” nên “được” nhận đủ những hàng hóa bát nháo nhất. Bán là vậy, còn mua thì thương lái Trung Quốc thường sử dụng chiêu đơn phương hủy hợp đồng thương mại, tận dụng tối đa các rào cản kiểm dịch và cố tình làm chậm việc thông quan hàng xuất khẩu từ nước ta tại các cửa khẩu biên giới khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu tổn thất nặng nề, nhất là khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản tươi sang Trung Quốc. Thời gian qua, việc họ dùng visa du lịch vào khuynh đảo thị trường, mua “hàng độc” với giá cực cao (gần đây nhất là chuyện hứa mua đỉa nhưng bỏ đi khiến nhiều địa phương phía Bắc đành cay đắng “ôm” nạn đỉa) đã gây phẫn nộ trong công luận. Do đó, đối với đông đảo người tiêu dùng, cảnh giác và cân nhắc kỹ khi tiếp cận với hàng hóa của Trung Quốc là cách tự bảo vệ rất nên làm.
Chúng ta không nên và không thể tẩy chay hàng Trung Quốc vì nước ta đã tham gia ký hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, trong đó có cam kết thuế nhập khẩu của hàng Trung Quốc vào Việt Nam được giảm từ 0 đến 5%. Tuy nhiên, trước nhiều kiểu cách làm ăn không nghiêm túc, không trung thực của thương lái Trung Quốc thì người tiêu dùng phải xác định được thái độứng xử đúng.
Những thông tin thị trường cho thấy trong năm nay, hàng Trung Quốc đang nhập ồạt vào nước ta, trong đó lượng hàng nông sản chiếm tỷ lệ khá lớn. Chưa nói đến hậu quả của tình trạng này ở tầm vĩ mô là cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị thiên lệch nặng (nước ta nhập siêu rất lớn), cái hệ lụy nguy hiểm đang hiển hiện là sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương sẽ bị đình đốn. Nguy hại hơn, khi mà quá nhiều “hàng Tàu” vượt qua biên giới phía Bắc vào thị trường Việt Nam, khi nhiều người tiêu dùng đã cảnh giác với hàng Trung Quốc thì một trong những chiêu lừa đảo của những kẻ buôn bán bất chính là biến hàng Trung Quốc thành… hàng Việt Nam! Chúng lọc và phân loại nông sản rồi làm tiếp một việc đơn giản là thay bao bì. Những lô hàng to, đẹp, bắt mắt sẽ được chuyển về Hà Nội, vào tận TP.HCM, còn hàng xấu hơn thì để tiêu thụ tại các tỉnh khác.
Đáng tiếc là việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch (nói là nhỏ nhưng nhỏ với Trung Quốc, mà lớn với Việt Nam) của ta chưa chặt chẽ. Mặt khác, không hiểu sao cơ quan quản lý thị trường không sớm phát hiện ra sai phạm buôn bán hàng giả đó để xử lý thích đáng theo quy định của luật pháp nên hàng tấn, hàng tấn hàng nông sản Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam cứ liên tục lên tàu, xe vào Nam. Giá hàng Trung Quốc rất rẻ, ví dụ một ký hành Trung Quốc khi thâm nhập vào nước ta có giá chỉ khoảng mười ngàn đồng, nhưng sau khi đội lốt hành Việt Nam thì lên giá mười lăm ngàn đồng nhưng vẫn rẻ hơn so với hành Việt Nam chính hiệu.
Điều mà nhiều người thắc mắc là ở góc độ quản lý nhà nước, tại sao các ban ngành chức năng (cụ thể nhất là Bộ Công thương) không kịp thời lập được những hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn nạn tuôn hàng Trung Quốc. Các bộ khác như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… dường như quá bận rộn với nhiều việc khác mà gần như buông lơi công tác kiểm soát chủng loại mặt hàng và chất lượng hàng nông sản thẩm lậu từ Trung Quốc. Nhiều người đã lo ngại rằng cứ theo đà này, sang năm, hành, tỏi, khoai tây, cà rốt, gừng… Việt Nam sẽ không có mặt tại các khu chợ, mà chỉ rặt “hàng Tàu” thôi. Thật là hết sức nguy hiểm khi điều đó xảy ra. Vậy thì trước mắt, mong những người tiêu dùng nâng cao cảnh giác và hãy là những người tiêu dùng thông thái để góp sức ngăn chặn cái họa thấy trước ấy.
Hoàng Thi (quận 3)