Có rất nhiều thông tin sai lệch về Covid-19. Dưới đây là những điều ngộ nhận lớn nhất đã được các bác sĩ vạch trần.
Thậm chí đã nhiều tháng trôi qua sau đại dịch Coronavirus, chúng ta vẫn đang cập nhật thêm những điều mới về Covid-19 mỗi ngày, và trong thời đại kỹ thuật số này, thông tin sai lệch có thể lây lan nhanh hơn cả virus. Với những thông tin ồ ạt, khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là những ngộ nhận, đâu là những sự thật cần biết về Coronavirus. Để cập nhật những thông tin đúng đắn cho bạn, với sự trợ giúp của các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới và các bác sĩ đang làm việc, dưới đây là 25 sai lầm lớn nhất và lâu dài nhất về Covid-19 mà bạn cần ngừng tin tưởng.
Khẩu trang gây thiếu oxy
Việc đeo khẩu trang trong một thời gian dài có thể không thoải mái, nhưng sẽ không làm bạn bị ức chế hô hấp. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) giải thích rằng khẩu trang không gây thiếu oxy hoặc nhiễm độc carbon dioxide. Các báo cáo liên kết việc sử dụng khẩu trang với tình trạng thiếu oxy đã được công bố rộng rãi.
Kiểm tra nhiệt độ có thể phát hiện Coronavirus
Máy quét nhiệt là công cụ hữu ích vì chúng có thể phát hiện sốt, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng thực sự có thể phát hiện Coronavirus. Như WHO lưu ý, có nhiều lý do khác nhau khiến một người có thể bị sốt; vì vậy, nhiệt độ cao không phải là bằng chứng của nhiễm Covid-19. Quan trọng hơn là nhiều người có thể không có triệu chứng hoặc tiền triệu chứng, nghĩa là kiểm tra nhiệt độ sẽ không phát hiện ra khả năng truyền nhiễm của họ.
Có một loại vắc-xin Coronavirus ngoài kia
Hiện chưa có vắc-xin ngừa Covid-19. Theo các chuyên gia tại Đại học Johns Hopkins, “vẫn chưa có vắc-xin cho loại Coronavirus mới. Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu một loại vắc-xin, nhưng việc phát triển một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả ở người sẽ mất nhiều tháng”.
Về việc khi nào sẽ có vắc xin ngừa Coronavirus, bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID), tỏ ra lạc quan một cách thận trọng rằng sẽ có vắc xin này vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021.
Covid-19 có thể lan truyền trên mạng 5G
Công nghệ và tín hiệu điện thoại di động không liên quan đến Coronavirus, bất chấp những gì bạn có thể đã nghe đồn. WHO tuyên bố: “Virus không thể di chuyển trên sóng vô tuyến/mạng di động. Covid-19 đang lan rộng ở nhiều quốc gia không có mạng di động 5G”.
Tuy nhiên, vệ sinh sạch sẽ điện thoại của bạn – nơi có thể chứa vi trùng – không bao giờ là một ý tưởng tồi.
Giày có thể dễ dàng lây lan Coronavirus
Khi bạn đi lại cả ngày, đôi giày của bạn sẽ dính đủ thứ bụi bẩn từ mặt đất; vì vậy, hãy cởi giày ra trước khi đi vào nhà không phải là một ý kiến tồi. Nhưng cho rằng giày dép là một nơi dễ dàng để lây lan Coronavirus là một quan niệm sai lầm phổ biến. WHO cho biết: “Khả năng Covid-19 lây lan trên giày và lây nhiễm sang người là rất thấp.
Rửa mũi bằng nước muối sẽ ngăn ngừa Covid-19
Mặc dù mẹo nhỏ vệ sinh bằng nước muối có thể giúp làm dịu các triệu chứng của cảm lạnh thông thường, nhưng nó không ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Coronavirus, theo WHO.
Trước đây, bác sĩ Gary Linkov đã nói với Best Life: “Virus sẽ thường trú ngụ ở những khu vực sâu hơn trong mũi, chẳng hạn như các cơ quan nằm ở đỉnh vòm họng (adenoids), nơi chúng ta không thể tiếp cận chúng bằng việc rửa mũi”.
Lau cơ thể bằng nước tẩy rửa diệt khuẩn có thể tiêu diệt Coronavirus
Sản phẩm khử trùng rất hữu ích khi làm vệ sinh gia đình, nhưng không nên dùng chúng lên da. Trên thực tế, chúng có thể gây hại nghiêm trọng nếu dính vào mắt hoặc miệng của bạn. Trước đây, bác sĩ Eudene Harry, Giám đốc y tế của Trung tâm Trẻ hóa và Sức khỏe Oasis, đã nói với Best Life: “Chúng được sử dụng để khử trùng các bề mặt cứng, nhưng chúng không dùng để bôi lên da vì có thể gây hại”.
Uống sữa mẹ ngăn ngừa Covid-19
Vào tháng 4.2020, có thông tin cho rằng số người mua sữa mẹ tăng vọt do tin rằng nó sẽ giúp ngăn ngừa Covid-19. Nhưng tất nhiên, điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. Bác sĩ Dyan Hes, người sáng lập khoa Nhi Gramercy, nói rõ ràng với CBS News: “Đừng mua sữa mẹ để ngăn ngừa Covid-19. Điều đó sẽ không giúp ích gì cho bạn”.
Covid-19 do con người cố tình tạo và phát tán
Như những người ở Đại học Johns Hopkins khẳng định rõ ràng, ngộ nhận này là sai 100%. “Virus có thể thay đổi theo thời gian”, các chuyên gia cho biết. “Đôi khi, một đợt bùng phát dịch bệnh xảy ra khi một loại virus phổ biến ở động vật như lợn, dơi hoặc chim trải qua những thay đổi và truyền sang người. Đây có thể là cách mà loại Coronavirus mới hình thành”.
- Xem thêm: Corona – em từ đâu tới?
Nếu có thể nín thở trong 10 giây, bạn không bị nhiễm Coronavirus
Bất chấp những gì bạn có thể đã đọc được trên mạng xã hội, việc bạn có thể nín thở trong 10 giây trở lên mà không ho hoặc cảm thấy khó chịu không có nghĩa là bạn không bị nhiễm Covid-19 hoặc bất kỳ bệnh phổi nào khác.
Theo WHO, “cách tốt nhất để xác nhận bạn có nhiễm virus Covid-19 hay không là xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Bạn không thể xác nhận điều đó bằng bài tập thở này, thậm chí có thể gây nguy hiểm”.
Đặt mua các sản phẩm từ Trung Quốc có thể khiến bạn nhiễm Covid-19
Covid-19 chủ yếu lây lan qua các giọt chất lỏng. Vì vậy, mặc dù về mặt kỹ thuật, một sản phẩm đặt hàng từ Trung Quốc có thể chứa một chút chất lỏng bị nhiễm virus, nhưng khả năng điều đó xảy ra là gần như không thể.
Fauci nói với Trevor Noah trong một tập phát hành tháng 3 của The Daily Show: “Không cần phải cảm thấy ám ảnh về những gói hàng mua về bởi những suy nghĩ như vậy… Virus chỉ có thể tồn tại ở đó trong một thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nhiều người lại nói: “Tôi có nên mua một gói hàng từ cửa hàng tạp hóa có ghi ‘Sản xuất tại Trung Quốc’ không? Tôi sẽ không lo lắng về điều đó. Đó không phải là vấn đề”.
Nhưng với sự bùng phát dịch xảy ra ở một số quốc gia khác, các gói hàng có nguồn gốc từ các nơi này thì sao? Nhiễm Coronavirus từ thư là chuyện khó có thể xảy ra. Như Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) lưu ý: “Mặc dù virus có thể tồn tại trong một thời gian ngắn trên một số bề mặt, nhưng nó không có khả năng lây lan từ thư, sản phẩm hoặc bao bì trong nước hoặc quốc tế”.
Sự thay đổi nhiệt độ có thể giết chết Coronavirus
Theo WHO, “không có lý do gì để tin rằng thời tiết lạnh giá có thể giết chết Coronavirus mới hoặc các bệnh khác”. Và WHO cũng lưu ý: “Bạn có thể mắc Covid-19, bất kể thời tiết nắng hay nóng như thế nào”.
Trong khi nhiều người hy vọng rằng mùa hè sẽ kết thúc đại dịch vì nó thường đánh dấu sự kết thúc của mùa cúm, nhiệt độ không bao giờ tăng cao đến mức đủ nóng để tiêu diệt Coronavirus. Có rất ít bằng chứng cho thấy mùa ấm hơn có bất kỳ ảnh hưởng nào đến sự lây lan của Covid-19, mặc dù việc sử dụng điều hòa không khí giữa cái nóng thực sự có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Tắm nước nóng sẽ bảo vệ bạn chống lại Coronavirus
Tắm nước nóng có thể mang lại những lợi ích thư giãn, nhưng nó sẽ không giúp bạn tránh được Coronavirus. “Tắm nước nóng sẽ không ngăn bạn nhiễm Covid-19”, WHO khẳng định. “Nhiệt độ cơ thể bình thường của bạn duy trì khoảng từ 36,5oC đến 37oC, bất kể nhiệt độ của bồn tắm hoặc vòi hoa sen của bạn như thế nào”. Và một lần nữa, đó không phải là nhiệt độ cần thiết để tiêu diệt virus – 56oC, khi đó bạn sẽ bị bỏng nghiêm trọng.
Muỗi có thể truyền Coronavirus từ người sang người
Mặc dù đã có một số nghiên cứu về câu hỏi liệu muỗi có thể lây lan Coronavirus hay không, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Covid-19 có thể lây lan theo cách đó, theo WHO. Các chuyên gia lưu ý: “Coronavirus mới là một loại virus đường hô hấp lây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ chất lỏng được tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, hoặc qua các giọt nước bọt hoặc dịch tiết từ mũi”.
Uống thuốc tẩy có thể chữa được bệnh do Coronavirus
Uống thuốc tẩy có vẻ vô lý đối với một số người, nhưng có những người tin rằng nó có thể chữa khỏi bệnh do Coronavirus. Trên thực tế, đã có một số người mua loại thuốc “chữa bệnh” này – Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cảnh báo về việc này trong một tuyên bố chính thức. Họ giải thích: “Uống bất kỳ sản phẩm clo dioxide nào cũng có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và các triệu chứng mất nước nghiêm trọng. Một số nhãn sản phẩm cho rằng nôn mửa và tiêu chảy thường xảy ra sau khi tiêu hóa sản phẩm. Họ thậm chí còn khẳng định rằng những phản ứng như vậy là bằng chứng cho thấy sản phẩm đang hoạt động. Tuyên bố đó là sai”.
Tiêu thụ colloidal bạc có thể giết chết Covid-19
Vào tháng 2, một chuyên gia về sức khỏe tự nhiên đã xuất hiện trong chương trình truyền hình của Jim Bakker và tuyên bố rằng colloidal bạc có thể tiêu diệt vi khuẩn và virus trong vòng 12 giờ. Mặc dù “chuyên gia” thừa nhận colloidal bạc chưa được thử nghiệm trên Covid-19, nhưng tin đồn vẫn tiếp tục lan truyền.
Trên thực tế, “colloidal bạc có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn”, theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp (NCCIH). Do đó, bang Missouri đã đệ đơn kiện Jim Bakker và công ty sản xuất của ông ta vì đã quảng cáo colloidal bạc như một loại thuốc chữa bệnh giả cho Coronavirus.
Tỏi luộc có thể chữa khỏi bệnh do Coronavirus
Vào tháng 3.2020, một thông điệp lan truyền trên mạng xã hội cho rằng việc tỏi nấu chín trong nước có thể “chữa khỏi” bệnh do Coronavirus. Tuy nhiên, theo WHO, “tỏi là một loại thực phẩm lành mạnh có thể có một số đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào từ đợt bùng phát hiện nay cho thấy ăn tỏi đã bảo vệ con người khỏi loại Coronavirus mới”.
Facebook đã gắn thẻ bài đăng với tuyên bố: “Các thông tin trong bài viết này là không chính xác”.
Thêm ớt cay vào bữa ăn có thể ngăn ngừa hoặc chữa bệnh do Coronavirus
Đáng buồn thay, không có thứ gì bạn có thể thêm vào chế độ ăn uống của mình, dù là hóa chất hay tự nhiên, sẽ giúp bạn không bị bệnh do Coronavirus hoặc làm cho bệnh hết nhanh hơn. Như WHO nói: “Ớt cay trong thức ăn, mặc dù rất ngon, nhưng không thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Covid-19”.
Uống rượu có thể ngăn bạn nhiễm Covid-19
Một số người tin rằng uống rượu sẽ ngăn họ nhiễm Coronavirus. Trên thực tế, WHO đã phải tiếp cận và vạch trần lầm tưởng này.
Hóa ra, điều ngược lại có thể đúng: “Một ly rượu có vẻ tốt, nhưng uống nhiều lần – đặc biệt là rượu mạnh – hoặc tăng lượng rượu tiêu thụ nhiều hơn qua từng ngày hoặc tuần có thể ngăn chặn các phản ứng miễn dịch hoặc dẫn đến khả năng bị viêm phổi cao hơn”, theo khoa Sức khỏe toàn cầu về y tế công cộng của Đại học Johns Hopkins Bloomberg.
Hướng máy sấy vào mũi có thể chữa khỏi bệnh Coronavirus
Có một số người tin rằng hướng máy sấy tóc lên mũi sẽ chữa khỏi Covid-19. Trên thực tế, chính trị gia Bryant Culpepper của Florida đã đi xa đến mức khoe khoang về xuất thân là một bác sĩ y tế khi ông công khai quảng bá phương pháp “chữa bệnh” này mà ông đã thấy “một trong những bác sĩ hàng đầu nghiên cứu về Coronavirus” tiết lộ trên truyền hình cáp. Ông tin rằng không khí nóng đi vào lỗ mũi và giết chết sự lây lan. Nhưng, như bạn cũng có thể đã nhận định, “phương pháp chữa trị” này chỉ là một loạt khí nóng. Máy sấy tóc rất tốt cho việc làm khô tóc, không thể chữa hoặc ngăn ngừa Coronavirus.
Máy sấy khô tay giết chết Covid-19
Giống như máy sấy tóc không giết chết Covid-19, máy sấy khô tay cũng không. WHO khẳng định rõ ràng: “Máy sấy tay không hiệu quả trong việc tiêu diệt” Coronavirus. Tuy nhiên, phải rửa tay thường xuyên và lau khô tay thật kỹ là điều cần thiết.
Uống nhiều nước sẽ giúp bạn tránh được Covid-19
Uống nhiều nước trong ngày tốt cho bạn, nhưng nó có giúp bạn tránh Coronavirus không? Không. Một meme thường xuyên được chia sẻ trên Facebook và Twitter trích dẫn lời một bác sĩ Nhật Bản giấu tên, người tuyên bố rằng uống nước mỗi 15 phút sẽ rửa sạch virus xuống thực quản để nó không thể xâm nhập vào phổi của bạn. Hóa ra, điều này hoàn toàn không đúng. Chắc chắn, uống nước là tốt, nhưng nó sẽ không ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19.
Tinh dầu và thực phẩm bổ sung thảo dược là những cách hiệu quả để chống lại Coronavirus
Không, tinh dầu cũng không ngăn được Coronavirus. Nhưng điều đó không ngăn được một số công ty cố gắng bán sản phẩm của họ như vậy. FDA đã chỉ trích công ty có trụ sở tại Idaho là Herbal Amy vì đã bán “các sản phẩm không được phê duyệt và dán nhãn sai liên quan đến bệnh do Coronavirus”. Cho dù đó là các loại thảo mộc truyền thống của Trung Quốc hay các chất bổ sung liên quan đến CBD/cây gai dầu, hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêu thụ thảo mộc sẽ giúp chống lại hoặc chữa khỏi Coronavirus.
Đèn khử trùng bằng tia UV (tia cực tím) có thể tiêu diệt Coronavirus
Một lần nữa, WHO cảnh báo đây là một lầm tưởng khác về Coronavirus. Họ lưu ý: “Không nên sử dụng đèn UV để khử trùng tay hoặc các vùng da khác vì bức xạ UV có thể gây kích ứng da”.
Thuốc sốt rét nên được dùng riêng để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Covid-19
Thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine đã được nhiều người coi là một phương pháp điều trị kỳ diệu đối với Coronavirus, nhưng bằng chứng về hiệu quả của nó còn mơ hồ và FDA hiện đang cảnh báo việc sử dụng thuốc cho bệnh nhân Covid-19 bên ngoài bệnh viện hoặc thử nghiệm lâm sàng. FDA lưu ý rằng các tác dụng phụ của thuốc có thể bao gồm các vấn đề về nhịp tim và suy gan.