Theo tiếng Hy Lạp, “corona” là một vật thể cong, mỏ quạ hay một vòng tròn ánh sáng. Ngoài ra, corona được gọi là khu vực ngoài cùng của bầu khí quyển mặt trời, có thể nhìn thấy như một quầng sáng mờ nhạt trong nhật thực.
Lạc bước “Corona”?
Còn trong kiến trúc thì “Corona” là một cái gì đó tương tự như một hào quang, một đèn chùm tròn treo trên mái nhà thờ. Trong thực vật học, “Corona” là phần hình kèn của tràng hoa thủy tiên và các loại cây tương tự. Đối với đường bao khí phát sáng không đều bên ngoài tầng quyển của mặt trời cũng gọi là “Corona”. Hiện tượng này chỉ có thể nhìn thấy khi nhật thực.
Năm 1809, nhà thiên văn học Tây Ban Nha Jose Joaquin de Ferrer đặt ra thuật ngữ “Corona”. Không biết tình cờ hay cố ý, người Nhật đã chọn “Corona” (Toyota Corona) làm tên của những chiếc ô tô được sản xuất bởi hãng ô tô Nhật Bản danh tiếng Toyota, từ năm 1957 đến năm 2001. Từ “Corona” sử dụng ở đây theo tiếng La tinh có nghĩa là “vương miện”. Một loại ô tô trước đó mà Toyota cung cấp cũng có tên là “Toyota Crown”. Đến năm 1968, cái tên Corona được biết đến rộng rãi và thành công trên thị trường xuất khẩu toàn thế giới.
Giờ đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có tên chính thức cho loại virus gây ra sự bùng phát của dịch Covid-19, trước đây gọi là virus Corona mới (2019-nCoV). Cụ thể, tên bệnh được gọi là bệnh “virus Corona” (Covid-19). Còn tên virus gây bệnh là “virus Corona-2” bởi nó gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2). Các chuyên gia cho biết hiện nay các dịch bệnh sẽ không được đặt tên theo vị trí địa lý hoặc tên động vật bởi vì họ lo ngại về sự kỳ thị.
Chẳng hạn các dịch cúm (cúm lợn H1N1) được đặt tên theo hướng tránh kỳ thị như trước. Ngày xưa, các đại dịch như “Spanish Flu” (dịch cúm Tây Ban Nha), “Mers”, “Ebola” là những cái tên đã gây ám ảnh và sợ hãi với nhiều người vì khả năng gieo rắc hàng loạt cái chết. Đại dịch “Spanish Flu” (đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918) được cho là đã giết chết ít nhất 40-50 triệu người trong khoảng từ năm 1918 đến năm 1920. Đại dịch này được đặt tên với ý đồ phân biệt chủng tộc hồi cuối Thế chiến thứ nhất. Thực tế, Tây Ban Nha là nơi khởi đầu của bệnh dịch đáng sợ này.
Riêng đại dịch Mers – chữ viết tắt của “Hội chứng hô hấp Trung Đông” – đã làm dấy lên sự hoảng loạn, xâm chiếm trí tưởng tượng của mọi người. Từ đó dẫn đến sự tàn sát hàng loạt động vật mà họ không cần suy xét nhiều về nguyên do. Trong khi đó, cái tên “Ebola” cũng đã trở thành tên của virus giết người. Nó xuất phát từ một địa danh ở Cộng hòa Dân chủ Congo bởi nơi đây căn bệnh này được xác định lần đầu tiên. Chắc chắn giờ đây, những cái tên gọi như vậy sẽ không còn nữa. Theo Sky News thì liên quan đến việc đặt tên cho đợt bùng phát rộng rãi mới nhất của “virus Corona” mới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cố gắng loại bỏ sự kỳ thị các loại bệnh được đặt tên dựa theo vùng địa lý hoặc tên động vật. Tất cả các ổ dịch lớn từ nay sẽ có tên khoa học chung chung, không liên quan đến vị trí bùng phát bệnh.
Từ những cái tên
Nói về chuyên môn, Covid-19 không phải là tên của virus bởi vì về thực chất, nó là 2019-nCov (viết tắt của “2019 novel coronavirus”) – một cái tên kỹ thuật và thường được gọi là virus Corona mới. Khi đặt tên cho căn bệnh này, WHO muốn nhấn mạnh rằng họ đang sử dụng cái tên Covid-19 cực kỳ nghiêm trọng, coi đây là trường hợp cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.
Nguồn gốc của nó đã khiến cho nhiều người gán cho nó cái tên “virus Vũ Hán” rất kỳ thị và không thực sự khách quan. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, chia sẻ lý do mà tổ chức của ông đã hành động để đặt tên mới cho căn bệnh này. Theo ông, “giờ đây chúng ta đã có một cái tên cho bệnh dịch này. Theo hướng dẫn đã được thống nhất giữa WHO, Tổ chức Thú Y Thế giới và Tổ chức Lương nông của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi tìm ra một cái tên không đề cập đến vị trí địa lý, động vật, cá nhân hoặc một nhóm người, nhưng liên quan đến bệnh dịch”.
Ngày 11-2-2020, WHO công bố tên gọi mới của chủng virus Corona gây bệnh là Covid-19. Đó là cách gọi mà truyền thông quốc tế hay báo đài Trung Quốc sử dụng trong khoảng thời gian chưa có tên chính thức. Nguồn gốc của cái tên này là do cấu trúc tương đồng của chủng virus mới với các dịch bệnh như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Dựa trên cấu trúc protein giống SARS đến 85%, các nhà khoa học lấy đó làm cơ sở để nghiên cứu vắc xin và các phương pháp điều trị bệnh mới.
Ngày 24-2-2020, việc định danh tên virus và dịch bệnh mới nổi đã được thực hiện và không thay đổi cho đến nay. Tên bệnh là Covid-19, tên virus là SARS-CoV-2. WHO đã đăng tải thông báo về việc đặt tên này trong phần “Hướng dẫn kỹ thuật” trên website chính thức của WHO. Ủy ban quốc tế về phân loại virus gọi tên là “International Committee on Taxonomy of Viruses” (viết tắt là ICTV) chịu trách nhiệm đặt tên cho các loại virus như thế. Việc đặt tên bệnh nhằm hỗ trợ việc trao đổi thông tin về phòng bệnh, sự lây lan, phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng và việc điều trị.
Với trách nhiệm chuẩn bị và ứng phó với các căn bệnh của nhân loại, ICTV của WHO đã thông báo vào ngày 11-2-2020: “Tên của loại virus mới (trước đây gọi là nCoV) là virus Corona 2. Nó gây ra “Hội chứng hô hấp cấp tính nặng” (SARS-CoV-2). Tên này được chọn bởi đặc tính gen của vi rút này liên quan đến loại vi rút corona gây dịch bệnh SARS vào năm 2003. Tuy nhiên, 2 loại vi rút này là khác nhau”.
Từ góc độ truyền thông, nguy cơ sử dụng tên SARS cho virus mới có thể gây ra những hệ lụy không lường trước được. Sẽ tạo ra nỗi sợ hãi không cần thiết cho một số người, đặc biệt là ở châu Á, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch SARS năm 2003. Tuy nhiên, cách gọi này không thay thế tên chính thức của virus là SARS-CoV2 đã được thống nhất với ICTV.