Kodak đã từng là một tượng đài vĩ đại của ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Ngày trước, việc nắm trong tay một tấm ảnh film Kodak đủ để mạng lại sự tự hào cho người sở hữu. Ngày nay, nhắc đến Kodak, người ta chỉ nhớ đến một câu chuyện buồn về sự lãng phí và cuộc đổi mới sáng tạo nửa vời.
Khi Kodak phá sản vào tháng 1 năm 2012, đó không chỉ là một thảm kịch kinh tế với một trong những công ty vĩ đại nhất của thế kỷ trước. Sự sụp đổ của Kodak đã khiến người dân tại thành phố Rochester (New York) – nơi đặt trụ sở của Kodak, thực sự tuyệt vọng. Kodak từng là một thương hiệu quen thuộc với vị thế bá chủ trong hoạt động kinh doanh film máy ảnh. Cụm từ “Khoảnh khắc Kodak” chính là ví dụ hoàn hảo cho sự phổ biến của thương hiệu này thời bấy giờ. Trong giai đoạn cực thịnh, Kodak thâu tóm khoảng 80% thị trường phim chụp cho máy ảnh tại Mỹ và 50% trên toàn cầu. Công ty này sử dụng tới hơn 60.000 lao động tại thành phố Rochester và đại đa số nhân viên của Kodak rơi vào tình cảnh thất nghiệp sau khi công ty sụp đổ.
Lược sử Kodak
- 1889: George Eastman thành lập công ty Eastman Kodak, cho ra đời chiếc máy ảnh Kodak đầu tiên và đặt tiền đề cho sự thành công rực rỡ trong những năm sau đó.
- 1935: Công ty ra mắt thành công Kodachrome, vật liệu in màu đầu tiên được sử dụng trong cả quay phim và nhiếp ảnh tĩnh
- 1962: Doanh thu bán hàng của Kodak vượt 1 tỷ USD
- 1963: Máy ảnh Kodak Instamatic với khay mực film giúp việc chụp ảnh dễ dàng hơn cho những tay không chuyên. Trong 7 năm đầu, 50 triệu chiếc đã được bán ra
- 1966: Doanh thu công ty vượt 2 tỷ USD
- 1972: Doanh thu toàn cầu vượt 3 tỷ USD
- 1975: Steven J. Sasson, một kỹ sư của Kodak đã phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên
- 1976: Kodak trở thành kẻ thống trị và đánh gục mọi đối thủ cạnh tranh trong ngành khi chiếm đến 85% thị phần máy ảnh và 90% thị phần film
- 1981: Doanh thu chạm mức 10 tỷ USD
- Cuối những năm 80: Nhiếp ảnh kỹ thuật số trỗi dậy với doanh thu ngày càng tăng trong khi doanh thu máy ảnh analog ngày một giảm
- 1984: Khách hàng của Kodak chuyển sang dùng Fuji vì giá thành film màu Nhật Bản rẻ hơn Kodak 20%
- 1991: Chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của Kodak ra đời
- 1991-2011: Kodak giới thiệu nhiều sản phẩm kỹ thuật số nhưng doanh thu liên tục giảm
- 2012: Kodak đệ đơn phá sản
Bước ngoặc ngành nhiếp ảnh và sự cấp thiết phải đổi mới sáng tạo
Bước ngoặc thứ nhất: Tiến đến kỹ thuật số
Vào những năm 80, nền công nghiệp nhiếp ảnh bắt đầu bước ngoặt đầu tiên bằng việc số hóa. Việc Kodak phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số khiến người ta nghĩ rằng việc chuyển sang lĩnh vực số hóa là một bước đi đúng đắn mà Kodak sẽ làm. Họ đã nhảy vào dòng chảy xu hướng kỹ thuật số với tư cách là kẻ đến sau và vẫn duy trì mảng kinh doanh máy ảnh film và analog. Kodak cũng phát phiển một hướng kinh doanh mới: máy in. Họ tập trung phát triển và kinh doanh những loại máy in đắt đỏ đi kèm với dòng mực in giá rẻ trong khi các đối thủ cạnh tranh của họ này kiếm được doanh thu khủng nhờ việc kinh doanh loại mực đắt tiền.
Giai đoạn 2: Từ kỹ thuật số đến mạng xã hội
Trong giai đoạn này, máy ảnh kỹ thuật số đã không còn là miếng mồi ngon nhất. Điện thoại thông minh đã làm điên đảo thế giới và doanh thu của máy ảnh kỹ thuật số nhanh chóng trượt dài. Thay vì in ảnh như trước kia, giờ đây mọi người lưu trữ chúng trên các thiết bị kỹ thuật số hoặc thậm chí chia sẻ trên các nền tảng xã hội trực tuyến.
Nhiều năm trước khi Facebook ra đời, Kodak đã có một bước đi đáng ngạc nhiên bằng việc mua lại Ofoto, một website chia sẻ hình ảnh, vào năm 2001. Tuy nhiên, thay vì phát triển theo hướng giống như Instagram ngày nay đã làm, Kodak lại dùng Ofoto để cố gắng thuyết phục người dùng đi in ảnh kỹ thuật số càng nhiều càng tốt.
Vào năm 2012, khi Kodak đệ đơn phá sản, Facebook đã mua lại Instagram – một nền tảng mạng xã hội mới nổi và cực kỳ HOT, cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh trực tuyến – với giá 1 tỷ USD.
Tại sao Kodak thất bại?
Trên thực tế, Kodak có một kho tàng đồ sộ khoảng 7.000 bằng sáng chế chưa được khai thác một cách phù hợp để phát triển các sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Sau khi gượng dậy từ sự kiện phá sản, Kodak mới bắt đầu ngó ngàng nhiều hơn tới những bằng sáng chế này (nghĩa là phát triển công nghệ hình ảnh kỹ thuật số và màn hình cảm ứng).
Vậy câu hỏi ở đây là, tại sao Kodak không tiến hành đổi mới sáng tạo trong thời hoàng kim, khi họ vẫn còn tạo ra lợi nhuận?
Nguyên nhân thứ nhất: Thất bại trong làm mới chính mình
Câu chuyện của Kodak là ví dụ cho sự sụp đổ của một công ty nhưng thảm kịch của nó không chỉ dừng ở đó. Vấn đề không nằm ở việc công ty không thể cứu mình bằng cách thay đổi để phù hợp với thị trường mà là Kodak đã tạo ra được sự thay đổi nhưng cuối cùng chính sự thay đổi đó lại giết chết công ty.
Kodak đã tạo ra máy ảnh kỹ thuật số, đầu tư vào công nghệ và thậm chí họ cũng biết rằng những bức ảnh rồi sẽ được chia sẻ trực tuyến. Họ thất bại trong việc thừa nhận rằng việc chia sẻ ảnh trực tuyến thực ra là một lĩnh vực kinh doanh mới chứ không đơn thuần là cách mở rộng ngành công nghiệp in ấn.
Nguyên nhân thứ hai: Sự tự mãn
Ở Kodak ngập tràn sự tự mãn. Trong một bài phỏng vấn với tờ New York Times, Sasson – người phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của Kodak – mô tả lại phản ứng của hội đồng quản trị Kodak trước phát minh này:
“Đó là nghệ thuật nhiếp ảnh không cần phim, nên phản ứng của họ là: ‘Trông thú vị đấy – nhưng đừng kể với ai’”
Vào thời điểm đó, lợi nhuận khổng lồ của Kodak chủ yếu nhờ vào kinh doanh film máy ảnh. Tuy nhiên, khi máy ảnh kỹ thuật số ngày càng phổ biến, Kodachrome, con gà đẻ trứng vàng của Kodak, đã phải dừng sản xuất vào năm 2006, sau 74 năm hoạt động. Kodak không thất bại trong việc hình dung về một tương lai mới mà họ thất bại trong việc đầu tư vào trí tưởng tượng và phát minh của các nhà khoa học. (Trích sách “Công ty vĩ đại nhờ tinh thần khởi nghiệp”)
Kodak đã thất bại trong việc bắt kịp thị trường trước cả khi cách mạng kỹ thuật số ập đến, trong khi Fuji lại làm tốt hơn dù họ chỉ sở hữu một công nghệ cũ là film cuộn. Bằng sự tự mãn vững chắc của mình, không ai trong ban lãnh đạo Kodak dành mối bận tâm để giải quyết vấn đề cấp bách mang tính cơ hội này, chính điều đó đã khiến Kodak trở nên lạc lối.
Nguyên nhân thứ ba: Chậm chạm trong cách vận hành doanh nghiệp
Sự thiếu sáng tạo trong chiến lược phát triển đã khiến Kodak hiểu sai về nguyên tắc và loại hình công nghiệp mà họ đang hoạt động, để rồi sau này bị tàn phá khi chuyển đổi sang kỷ nguyên kỹ thuật số. Các vấn đề chiến lược được giải quyết bằng những cách cứng nhắc, và bởi vì lo ngại chi phí trong quá trình sản xuất trong khi lợi nhuận đang đạt được rất cao, Kodak đã tránh né đưa ra những quyết định mang tính rủi ro để thay vào đó là tiếp tục phát triển các quy trình và chính sách nhằm duy trì tình trạng hiện tại.
Sự sụp đổ của Kodak, cũng như nhiều tên tuổi khác như Nokia hay BlackBerry chính ví dụ điển hình và đanh thép nhất về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong sự phát triển của doanh nghiệp. Trong tựa sách “Công ty vĩ đại nhờ tinh thần khởi nghiệp”, nhóm tác giả nghiên cứu đã khẳng định rằng:
“Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà đổi mới sáng tạo thực sự rất quan trọng. Không thể phủ nhận rằng thế giới đang thay đổi mỗi ngày. Công nghệ và phần mềm đã thay đổi doanh nghiệp và xu hướng ấy sẽ tiếp tục ngày càng mạnh hơn. Các nhà lãnh đạo công ty phải thực sự ở trong tâm thế chối bỏ đặc biệt mới có thể nhìn ra những thay đổi đang ảnh hưởng tới việc kinh doanh của họ. Tránh né không còn là một chọn lựa. Họ cần có động thái đáp trả. Đổi mới sáng tạo không còn bị xem là vai phụ nữa. Giờ đây, nó chính là giải pháp của các doanh nghiệp trong thế kỷ 21 và là động lực chính cho tăng trưởng bền vững.”