Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Được cấp cứu càng sớm, sự an toàn tính mạng và khả năng phục hồi của bệnh nhân càng cao. Tuy nhiên, điều này không chỉ phụ thuộc vào đội ngũ bác sĩ cấp cứu mà trước đó là do thân nhân người bệnh.
Được cấp cứu kịp thời, cụ bà 84 tuổi hồi phục tốt sau cơn đột quỵ
Ngày 22.5 vừa qua, Trạm Cấp cứu vệ tinh 115 tại Bệnh viện Gia An 115 (thuộc Tập đoàn Hoa Lâm, Khu Y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Sangri-la, quận Bình Tân, TP.HCM) nhận được thông tin về một bệnh nhân cần hỗ trợ y tế khẩn cấp là cụ bà V.T.H (sinh năm 1936, ngụ tại Q. Bình Tân, TP.HCM). Xe cấp cứu ngoại viện ngay lập tức xuất phát, chỉ sau 5 phút đã tiếp cận bệnh nhân đang trong tình trạng miệng méo sang bên trái kèm ho sặc, liệt nửa người trái, tiếp xúc chậm.
Nhận thấy bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của đột quỵ não, quy trình cấp cứu đột quỵ liền được kích hoạt. Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong bên phải từ đoạn ngoài sọ (ngang mức thân sống C2-C3) đi vào trong sọ và tắc toàn bộ đoạn trong sọ.
Các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 ngay lập tức tiến hành lấy huyết khối cơ học để tái thông động mạch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của phần mềm RAPID ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán – điều trị đột quỵ và hệ thống chụp mạch xóa nền kỹ thuật số (DSA), can thiệp lấy huyết khối được diễn ra nhanh chóng, chỉ hơn 30 phút. Sau phẫu thuật, động mạch cảnh tái thông hoàn toàn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó, do bệnh nhân đăng ký bảo hiểm y tế ở một bệnh viện khác trên địa bàn nên đã định đưa bà đến đó cấp cứu. Tuy nhiên, sau khi gọi Trung tâm Cấp cứu 115, được tư vấn nên cấp cứu tại bệnh viện có chức năng điều trị đột quỵ vì bà V.T.H có thể bị đột quỵ não, người nhà đã quyết định liên hệ Bệnh viện Gia An 115.
Lưu ý đặc biệt khi gọi cấp cứu đột quỵ não
BS. CKI. Đàm Quang Huấn – khoa Cấp cứu, Bệnh viện Gia An 115, cho biết cấp cứu thường đòi hỏi nhanh chóng, hiệu quả nhưng với cấp cứu đột quỵ, yêu cầu đó còn cao hơn gấp nhiều lần. “Bởi vì mỗi giây, mỗi phút trôi qua, tính mạng bệnh nhân đột quỵ càng bị đe dọa, khả năng hồi phục giảm, nguy cơ di chứng, biến chứng sau đột quỵ tăng.
Càng được cấp cứu sớm trong “thời gian vàng”, khả năng cứu sống bệnh nhân và hạn chế di chứng càng cao” – BS Huấn lý giải, đồng thời lưu ý thêm: “Do đó, khi phát hiện người bệnh có các triệu chứng của đột quỵ não như yếu liệt nửa người, méo miệng đột ngột hoặc nói đớ, nói không rõ chữ… người nhà cần đưa ngay đến bệnh viện có đủ khả năng điều trị đột quỵ cấp và gần nhất”.
Chia sẻ việc đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân phải chuyển viện vì bệnh viện cấp cứu ban đầu không có chức năng điều trị đột quỵ, BS. Huấn cho rằng điều này vô tình làm mất đi “thời gian vàng” của người bệnh, khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội có kết quả điều trị tốt hơn: “Đây là điều rất đáng tiếc vì nếu cấp cứu trễ, dù được cứu sống thì bệnh nhân cũng sẽ phải sống suốt đời với những di chứng sau đột quỵ, chất lượng cuộc sống suy giảm nghiêm trọng”.
Chính vì thế, theo BS. Huấn khi có người thân xuất hiện các triệu chứng đột quỵ, bạn cần đặc biệt lưu ý: gọi cấp cứu hoặc đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có thể tiếp nhận, điều trị đột quỵ và gần nhất. Đây là tiền đề quan trọng để cấp cứu đột quỵ thành công, như trường hợp của cụ bà V.T.H.