Việc dân chúng đổ xô đi phóng hỏa các cột sóng 5G để “ngăn virus corona” vốn xôn xao hồi tháng 4 ở Anh nay bỗng rộ lên trở lại trong tháng 5 này.
Báo The Sydney Morning Herald ngày 18-5 dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông Úc Paul Fletcher gọi việc gắn 5G với virus corona là chuyện vô căn cứ. Ông Fletcher cũng nhắc lại lời giám đốc y tế Úc, bác sĩ Brendan Murphy, rằng “5G không sinh ra và cũng không làm lây lan virus corona”.
Những người phản đối 5G đã ngăn cản công nhân lắp đặt hạ tầng của Hãng Telstra ở New South Wales, trong khi hạ tầng của Hãng Vodafone ở Adelaide cũng bốc cháy đáng ngờ hồi đầu tháng này.
Còn ở New Zealand, tính đến ngày 17-5 đã có ít nhất 15 cột sóng di động bị đốt, vẫn còn ít so với gần 80 cột bị phá hoại ở Anh.
Bộ An ninh nội địa Mỹ hồi tuần rồi đưa ra cảnh báo các thuyết âm mưu về việc sóng 5G ảnh hưởng sức khỏe con người và làm lây nhiễm COVID-19 có thể sẽ kích động bạo lực và phá hoại hạ tầng viễn thông toàn cầu.
Phong trào chống 5G thật ra đã bắt đầu trong khoảng hai năm lại đây. Những “nhà hoạt động” phản đối 5G vốn đã liên tục gán cho công nghệ hiện đại này hàng loạt tội danh: gây vô sinh, ung thư, tự kỷ và cả chứng Alzheimer kèm theo bí kíp để đốn hạ hay phá hủy các cột phát sóng.
Đại dịch là một cái cớ mới và “hợp thời” để biện minh cho hành động phá hoại này. Các thuyết âm mưu không có bằng chứng khoa học nhanh chóng cập nhật cho theo thời: sóng 5G làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến con người có nguy cơ mắc COVID-19 hơn, hay thậm chí mạng di động cũng làm lây nhiễm virus.
Các thuyết âm mưu không dựa trên một bằng chứng khoa học nào, mà từ logic: sóng 5G mạnh hơn các thế hệ sóng di động trước đó như 2G, 3G và 4G, vì thế chắc chắn nguy hiểm hơn với con người và động vật!
Trong các group kín của hội chống phá 5G, các cá nhân bày nhau cách đốt phá, kêu gọi tìm và phóng hỏa hạ tầng 5G ở khắp nơi, và để lại các bình luận như “làm tốt lắm”, “còn cả đống cột khác cần phải đốt”, hay biện minh cho hành động phá hoại: “Gia đình là trên hết. Phản đối bệnh do phóng xạ không phải là tội ác”.
- Xem thêm: Mạng 5G là gì?
Đương nhiên các cơ quan hữu trách đã lên tiếng, dùng khoa học để dập thông tin vô lối. Stephen Powis, giám đốc y tế của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS), gọi các thuyết âm mưu về 5G là “hoàn toàn và cực kỳ rác rưởi, vớ vẩn, thứ tin giả tồi tệ nhất”. Chưa có bằng chứng vững chắc nào cho thấy 5G hay bất kỳ sóng di động nào có hại cho sức khỏe con người.
Trang Euronews ngày 15-5 cũng phải đăng thông tin để dập tin giả với mấy gạch đầu dòng ngắn gọn: các nhà khoa học đã chứng minh COVID-19 lây qua giọt bắn từ đường hô hấp, mà rõ ràng sóng 5G đâu có “tải” được giọt bắn. Nhiều nước trong nhóm ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất còn chưa có hạ tầng 5G, như Iran chẳng hạn.
Trong khi có những người nhất mực phải dẹp ngay 5G thì ở chiều ngược lại, công nghệ mới này lại được kỳ vọng sẽ hữu ích trong thế giới hậu đại dịch. Chuck Robbins (CEO Hãng công nghệ Cisco) và Steve Mollenkopf (CEO của Qualcomm), cùng tham gia một cuộc phỏng vấn với tạp chí Fortune ngày 18-5, đều đưa ra nhận định lạc quan hậu đại dịch khi họp từ xa, khám chữa bệnh từ xa lên ngôi. Tất cả các công nghệ này sẽ hoạt động ổn định, an toàn nhờ có 5G.
“Ta sẽ không bao giờ cần phải hỏi: “tại sao cần 5G” vì lý do thì ai cũng thấy – Mollenkopf nói – Chính phủ cần chuẩn bị gì cho đại dịch tiếp theo? Cần đầu tư vào khám chữa bệnh từ xa, giáo dục từ xa và đảm bảo khả năng kết nối cho các cá nhân và doanh nghiệp”.
Đó có thể là tương lai không xa, nhưng cuộc chiến trước mắt là dập các thuyết âm mưu và chống tin giả kiểu “sóng 5G làm lây lan virus” lan truyền trên mạng, mà nhiều trong số những “cái loa” phát tán tin vịt là người nổi tiếng với hàng ngàn người theo dõi.