Những “chị tôi” này dần lớn tuổi, vẫn sống chung với một gia đình của anh chị em, bà con, và luôn sắm vai bà nội trợ. Tâm lý của họ là mình ở nhà không đi làm, không kiếm ra tiền nên rất tằn tiện chịu thương chịu khó.
Thỉnh thoảng bà xã tôi lại mắng yêu chồng: “Anh mà ở với dì T. thì bị mắng cả ngày”. Lý do là tôi luôn quên không tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi phòng, thậm chí có khi khóa vòi nước rồi cô ấy vào kiểm tra vẫn thấy chảy ri rỉ, chưa khóa van chặt. Dì T. ấy à, cái vỏ đầu tôm bóc ra cũng không được vứt đi, phải đem giã lọc lấy nước vì “còn ngọt lắm”.
Bây giờ các “chị tôi” có khi là bà cô đã về hưu, có lương, sống chung với gia đình em út. Bà cô này có học, hiểu biết chứ không phải dân ít học. Bà nấu nướng chợ búa chăm sóc cả nhà, xong việc là lên phòng riêng tập thể dục, xem tivi, đọc sách. Với những bà như thế thì đừng có mà hỗn hào, chết ngay đấy! Bà còn ngứa mắt bởi thấy “nhà chúng nó” có nhiều cái rất phi lý. Ăn uống chẳng có giờ giấc gì.
- Xem thêm: Người đẹp khó lấy chồng?
Chiều con cái quá đáng, hay chê bai đồ ăn thức uống, không biết công khó nhọc của nhà bếp. Đứa lớn thích ăn chả giò, con bé thích canh cua, phức tạp mấy bà cũng chiều. Nhưng bà nóng mắt nhất là khi trong nhà có cô con dâu mới, hiện đại, chỉ biết hưởng thụ, chẳng biết ý tứ là gì. Ăn xong vẫn để bà rửa chén, còn mình bay lên bàn nước ngồi đấu hót với chồng.
Đừng tưởng để bà cật lực lau nhà trong khi cô con dâu ríu rít thử những bộ đồ “mode” vừa sắm là chuyện bình thường không có gì. Bà có thể đang nghĩ “rửng mỡ, chỉ giỏi ăn chơi tiêu tiền phá của”. Không có mấy cô dâu ý tứ thỉnh thoảng mua quà cho bà chai dầu, lọ thuốc bổ hay bộ đồ mặc nhà (về chuyện này thì có thể giải thích rằng, đến mẹ đẻ ra cô, mẹ chồng mà cô đang phải nịnh cũng chưa chắc cô đã nhớ ra mà tặng, chứ nói gì đến bà cô quanh năm chỉ thấy hầu hạ).
Bà lại còn luôn lo lắng cho tương lai một ngày đau ốm già nua không còn làm gì được nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra. “Mình hầu nó gần chết mà nó còn chẳng coi ra gì, nay mai thành gánh nặng không biết chúng đối xử ra sao…”.
Nghe chuyện thấy bế tắc thương tâm quá, bà xã chuyển sang loại khác, hiện đại hơn. Đó là các cô gái chẳng làm chị tôi hy sinh cho ai cả. Không lấy chồng vì sợ khổ, phải thay đổi lối sống hiện nay.
Sáng dậy muộn, chẳng cần ăn sáng, đến công sở mua đại cái gì gặm với ly cà phê, mở máy tính check mail, nghe nhạc, vào Facebook. Buổi trưa ăn cơm văn phòng, tối đi ăn với bạn bè. Về nhà, đến nước sôi cũng không phải nấu vì cô đâu có uống trà.
Đã có chai nước mua sẵn, uống hết thảy luôn vỏ chai vô sọt rác, khỏi rửa. Thì giờ còn đi mua sắm, đi cà phê “tám” với hội bạn. Mà xem đấy, lấy chồng có được cái gì, ba cô bạn gái đi lấy chồng thì than khổ cả ba, hai đứa sắp ly dị, nghe chuyện chúng tố cáo mấy ông chồng mà ớn, dại gì mà chui vào tròng đeo gông ở cổ. Tiền để dành được lâu lâu đi du lịch một chuyến, thế lại chẳng sung sướng hơn hay sao.
- Xem thêm: Trai… ế
Loại không chịu lấy chồng nữa là các cô gái “cành cao”, đẹp như người mẫu, diễn viên. Nhiều cô quá ngưỡng ba mươi sắp bước tới bốn mươi đến nơi, nhưng vẫn còn chưa chọn được anh nào đủ “chuẩn không cần chỉnh”.
Phải có tiền, có nhà có xe là chuyện tối thiểu, có nghề nghiệp tiếng tăm và cao ráo trông được được chứ đừng “ghê quá”. Rồi lại phải chiều chuộng đưa rước tế nhị này nọ. Có như thế mới xứng. Còn nếu không có thì cặp bồ lợi dụng lăng nhăng, vui chơi cho đỡ buồn. Ngày xuân cứ thế trôi qua. Không phải các cô ế, mà là không muốn vì tìm chưa ra.
Đủ kiểu nhé, truyền thống, hiện đại có đủ. Ai mà nhìn hiện tượng rồi bình luận phê phán, thì chỉ có… từ sai trở lên.