Khái niệm kinh tế xanh chưa thật phổ biến ở nước ta mặc dù Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh”. Trên thế giới khái niệm này đã được đề cập thường xuyên, nhất là trong tình hình môi trường sống đang bị đe dọa bởi nhu cầu phát triển quá nhanh của công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), kinh tế xanh là nền kinh tế hướng đến cải thiện đời sống con người và tính công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những hiểm họa môi trường và tình trạng khan hiếm tài nguyên.
Với nước ta, hơn 25 năm đổi mới và phát triển, bên cạnh những thành tựu đáng kể là những trả giá cho sự suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đối diện với những thách thức lớn liên quan đến chất lượng cuộc sống. Cũng như nhiều quốc gia khác, mô hình hướng tới nền kinh tế xanh chẳng bao lâu nữa sẽ phải là sự chọn lựa không chỉ vì phù hợp với xu hướng của thế giới mà chính vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế chúng ta.
Du lịch sinh thái cũng là một hướng phát triển kinh tế xanh
Một điều dễ nhận ra là mấy chục năm qua, bề nổi của nền kinh tế chúng ta thể hiện qua các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng và phát triển đô thị, giao thông vận tải mà hầu như tất cả đều tác động vào môi trường theo chiều hướng xấu. Đặc biệt, ngành xây dựng và công nghiệp qua việc sử dụng phí phạm đất đai đã không chỉ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mà còn đe dọa bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt.
Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại mô hình phát triển dựa trên tiềm năng và vốn tự nhiên. Tiềm năng đó là việc cung cấp những dịch vụ quan trọng hỗ trợ cho cuộc sống như nguồn nước sạch và không khí trong lành. Vốn tự nhiên là đất rừng phủ hơn 2/3 diện tích. Thế nhưng loại vốn này không phải là vô hạn và những chính sách tăng trưởng theo cách truyền thống nên nghĩ tới.
Trong mười lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế xanh do UNEP đề xuất thì Việt Nam có nhiều ưu thế chiến lược để định vị trong bối cảnh toàn cầu như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, du lịch và nguồn nước. Đây là những lĩnh vực kinh tế không chỉ cải thiện cuộc sống người dân trong nước mà còn đóng góp vào tình hình an ninh lương thực trên phạm vi toàn cầu.
Đã có rất nhiều ý kiến của các nhà hoạch định chiến lược là chúng ta nên tập trung xây dựng kinh tế nông nghiệp như một mũi đột phá không chỉ nhằm tăng sản lượng hay quy mô xuất khẩu mà quan trọng hơn là xây dựng được một quyền lực mềm. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, đứng thứ ba thế giới. Các chuyên gia cho rằng nếu nông sản được nâng cấp về chất lượng theo hướng vi sinh và công nghệ sinh học thì xuất khẩu gạo của chúng ta sẽ có vị trí đặc biệt trên thị trường thế giới bởi sản xuất thân thiện với môi trường đang là xu thế chung của các quốc gia tiên tiến.
Rừng núi của chúng ta cũng là một ưu thế lớn cho việc phát triển một nền kinh tế xanh. Chúng ta dễ nhận ra điều này khi nhìn về các vùng biên giới phía Bắc trùng điệp cũng như dãy Trường Sơn hùng vĩ xưa nay có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, nơi ăn chốn ở của hàng triệu người, kiểm soát thiên tai. Với diện tích phủ xanh khá lớn, ngoài giá trị quan trọng về quốc phòng, vùng rừng núi của chúng ta đã góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học đã làm một bài toán đơn giản, với 11 triệu hécta rừng, chỉ cần phân nửa diện tích ấy là rừng cây thân gỗ thì mỗi năm dãy Trường Sơn giữ được từ 22 đến 25 triệu tấn CO2, góp phần quan trọng làm giảm hiệu ứng nóng lên của trái đất mà không cần đầu tư gì ngoài việc bảo vệ rừng. Đây cũng là một loại tài sản có thể bán được cho các định chế thế giới về bảo vệ môi trường bởi trong “Thỏa thuận toàn cầu của nền kinh tế xanh”, cộng đồng thế giới rất quan tâm hỗ trợ các nước nghèo trong mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu. Lợi thế này của chúng ta đang bị bào mòn dần bởi những dự án cho thuê đất rừng làm kinh tế mà khi nhận ra thì đã muộn.
Vốn tự nhiên của chúng ta còn phải kể đến một hệ thống sông nước chằng chịt, phát sinh các giá trị kinh tế của các dịch vụ hệ sinh thái và cũng là tài sản thiên nhiên ban cho. Là đồng vốn quan trọng của một nền kinh tế xanh mà chúng ta chưa đánh giá hết.
Để phát huy thế mạnh có tính tiền đề phát triển kinh tế xanh, chúng ta rất cần những bước đi vững chắc.
Trong khi điều chỉnh, cấu trúc lại nền kinh tế, chúng ta cũng cần xây dựng những địa bàn trọng điểm của nền kinh tế xanh ở nhiều vùng, như vùng cao ở phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long. Việt Nam cần phải khẳng định chủ trương chuyển dịch vào nền kinh tế xanh với những địa bàn trọng điểm này.
Cần rút kinh nghiệm trong công tác quy hoạch để tránh tình trạng điều chỉnh theo hướng tập trung vào ngành xây dựng hay giao thông, vì sẽ kéo theo những mô hình phát triển không những không bền vững mà còn có nguy cơ tụt hậu nữa. Có thể chọn một số tỉnh có lợi thế làm thí điểm kinh tế xanh và đưa công nghệ sinh học ứng dụng vào xây dựng và hiện đại hóa kinh tế nông thôn.
Một kịch bản đầu tư xanh được chuẩn bị chu đáo hoàn toàn có khả năng tăng trưởng việc làm trong nông nghiệp, trong xây dựng, lâm nghiệp; các lĩnh vực giao thông vận tải sẽ tăng cao hơn mức dự kiến của kịch bản thông thường.
Trong thập niên tới, việc làm trong nông nghiệp có thể tăng tới 4% trên quy mô toàn cầu. Đầu tư vào bảo tồn rừng và tái trồng rừng có thể thúc đẩy việc làm tăng đến 20% vào năm 2050. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cải thiện hiệu quả năng lượng trên tất cả các phương thức vận tải và chuyển đổi từ phương tiện giao thông cá nhân sang công cộng hoặc phương tiện không động cơ có thể làm tăng thêm việc làm so với kịch bản kinh doanh bình thường.
Mặc dù quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cần có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội chủ thể của cộng đồng quốc gia, nhưng vai trò của chính phủ và các nhà hoạch định mang tính quyết định trong việc thiết kế các khung chính sách hỗ trợ.
Một khuôn khổ pháp lý tốt có thể tạo động lực cho kinh tế xanh phát triển. Thuế sinh thái hay thuế môi trường được thiết kế nhằm định giá ô nhiễm hoặc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, sẽ kích thích việc làm nhờ giảm chi phí lao động. Thuế môi trường cần hướng vào việc doanh nghiệp giảm lượng khí thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn, cũng như khuyến khích người dân có những lựa chọn “tiêu thụ bền vững”, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc góp phần vào việc xây dựng một nền kinh tế “đùm bọc” đối với tất cả, kể cả vốn tài sản tự nhiên của đất nước.
Trong việc sử dụng đất có thể cho phép các chủ đất hưởng thêm tiền chi trả từ việc sử dụng những dịch vụ bảo vệ môi trường.
Mô hình phát triển và tiêu thụ không bền vững lâu nay đã làm suy yếu nhiều tiềm năng phát triển của nền kinh tế quốc dân. Vì thế, cần phải xem xét lại toàn bộ chiến lược quản lý và vận dụng tài nguyên môi trường cũng như chính sách và cơ chế hợp tác quốc tế về môi trường một cách có hệ thống.
Phát triển theo mô hình kinh tế xanh chính là nhằm giải quyết bài toán này qua các mục tiêu:
– Nâng cao năng suất lao động nhờ biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên với hiệu suất cao hơn.
– Mở ra thị trường mới bằng cách kích cầu các hàng hóa dịch vụ là sản phẩm của công nghệ xanh.
– Tạo lòng tin ở các nhà đầu tư, nhất là khi đa phần hàng hóa sản xuất hiện nay nếu thêm yếu tố bảo vệ môi trường sẽ làm tăng giá trị. Đó là chưa kể trong nền kinh tế xanh, các dự báo về sự biến đổi khí hậu là rất cần thiết cho các dự án đầu tư dài hạn.
– Tăng nguồn thu ngân sách bằng cách loại bỏ trợ cấp cho các dự án làm hại môi trường. Giảm thiểu khả năng thiếu nguyên liệu do sự lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Phát triển kinh tế xanh hiện là mô hình mới mà nhiều nước đang theo đuổi nhằm thoát khỏi mô hình công nghiệp hóa không bền vững gây lo ngại cho quá trình phát triển. Việt Nam cần chuẩn bị cho sự hội nhập này để không đi vào lối mòn của nhiều nước.
Chậm trễ trong định vị là quốc gia có nền kinh tế xanh sẽ là sự thiệt thòi không nhỏ trong một thế giới chuyển biến từng ngày. Càng chậm trễ càng mất thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thành Sơn