Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã diễn ra từ ngày 20-5 và còn kéo dài đến ngày 26-6. Qua hơn nửa thời gian của kỳ họp này, một trong những hiện tượng được các cử tri đánh giá cao là những ý kiến phát biểu mạnh mẽ của một số nữ đại biểu. Các ý kiến của họ nhằm trực diện vào hai vấn đề nóng hiện nay, trước tiên là những bất cập lớn trong quản lý hành chính, cụ thể là việc ban hành nhiều văn bản pháp quy xa rời thực tế, gây ra nhiều phiền hà trong đời sống xã hội. Kế đó là tình trạng lãng phí trong sử dụng công quỹ.
Sáng 22-5, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP.HCM) đã thẳng thắn đi sâu vào các tồn tại trong việc ban hành các văn bản pháp quy. Bà chỉ ra rằng trong thời gian qua có nhiều quy định được ban hành nhưng không được nhân dân ủng hộ, gây bức xúc trong dư luận và đưa ra nhiều dẫn chứng cụ thể. Đã vậy, khi các bộ, ngành gặp khó khăn trong quản lý lĩnh vực của mình và vì lợi ích cục bộ của ngành mình thì họ không ngại đẩy cái khó về phía người dân. Bà cho rằng ngoài vấn đề năng lực, trình độ của đội ngũ soạn thảo thì một nguyên nhân quan trọng khác là tệ quan liêu của bộ máy hành chính. Những văn bản không sát thực tế, thậm chí đi ngược với thực tế làm xáo trộn đời sống của nhân dân, khiến không ít người không còn tin tưởng nhiều vào luật pháp. Cách hành xử của một số bộ, ngành cũng như Chính phủ trong việc ban hành các văn bản đó thể hiện lối làm việc chưa thực sự cầu thị, chưa thực sự có trách nhiệm với nhân dân. Từ đó, bà đề xuất rằng bộ, ngành nào đưa ra quy định đi ngược lòng dân, gây phản ứng, hoang mang, bức xúc trong dân thì phải bị xử phạt, chứ không phải để họ cứ loay hoay chỉnh sửa là xong.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu trong phiên họp ngày 8-6
Đến sáng 30-5, đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) tiếp tục đào sâu hơn về vấn đề này và chỉ rõ thêm nguyên nhân của tình trạng ban hành những quy định bất hợp lý, xa rời thực tế, thiếu khả thi, cá biệt còn trái luật. Bà cho rằng một phần là do các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được chấp hành nghiêm, một phần do chất lượng của công tác thẩm định và kiểm tra văn bản còn yếu. Hai trường hợp điển hình là các quy định về quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và kinh doanh xăng dầu với nhiều bất hợp lý đã được đưa ra làm ví dụ. Cũng cùng quan điểm với đại biểu Võ Thị Dung, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng một số công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định không chỉ có năng lực hạn chế, mà còn mắc bệnh quan liêu, nhưng “hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản sai”. Để khắc phục tình trạng trên, bà đề nghị Quốc hội sớm tiến hành giám sát tối cao về chấp hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dư luận tỏ ra rất đồng tình với ý kiến của hai nữ đại biểu trên. Nhiều người cho rằng đã tồn tại không ít văn bản pháp quy có tính chất “hành dân”, dân cứ phải chịu đựng cho đến khi vấn đề trở nên quá nóng bỏng thì bộ, ngành chịu trách nhiệm ban hành văn bản mới có động thái điều chỉnh hay loại bỏ. Có người còn nêu ra trường hợp cơ quan quản lý hành chính địa phương trích lục hàng loạt đoạn văn trong các quy định để buộc người dân phải thi hành một quyết định nào đó, nhưng các trích dẫn đó thường là những đoạn có lợi cho cơ quan quản lý, còn những điều khoản có lợi cho người thi hành thì lại bị bỏ qua. Lại có ý kiến cho rằng phê phán thẳng thắn như thế là tốt, chỉ cần các cơ quan quản lý Nhà nước thực sự cầu thị, chịu sửa ngay đã là một bước tiến lớn, chứ không dám mong tới việc xử phạt như đại biểu Võ Thị Dung đã đề xuất.
Tình trạng lãng phí vì được sử dụng công quỹ khá tùy tiện ở nhiều ngành và nhiều địa phương trong những năm qua đã khiến bao nhiêu tiền của bị “đổ xuống sông xuống biển”, có những công trình đầu tư đến cả ngàn tỉ đồng nhưng rồi bỏ hoang. Khi bàn về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) đã có nhận định thống nhất rằng thiệt hại do lãng phí còn nặng nề hơn cả tham nhũng (đã lãng phí thì có tham ô). Trong báo cáo của Chính phủ, hằng năm số tiền lãng phí trong cả nước lên đến 20 ngàn tỉ đồng, còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ năm 2006 đến 2010, ngành tài chính thực hiện hơn 32.900 cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính chỉ được 18.473 tỉ đồng. Như vậy, đã qua hơn bảy năm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực nhưng trên thực tế, lãng phí vẫn tràn lan và chưa hề có vụ án xử tội lãng phí. Rõ ràng, tính khả thi của bộ luật này không cao vì mang nặng tính hình thức.
Lãng phí biểu hiện phổ biến hiện nay là đưa ra các quyết định đầu tư thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa dựa trên các yếu tố bảo đảm tính kinh tế – xã hội, chưa căn cứ vào khả năng thu xếp vốn, vượt dự toán thậm chí sai mục đích… Hậu quả là rất nhiều công trình đầu tư lãng phí, hiệu quả thấp, nhiều dự án chậm tiến độ vì thiếu vốn, vốn đầu tư bị chôn vào các công trình kém hiệu quả hoặc chậm đưa vào khai thác.
Ngày 6-6 cũng là ngày nóng của kỳ họp. Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) trong phát biểu của mình nêu khá nhiều vấn đề cụ thể liên quan mắt xích giữa bất cập trong quản lý hành chính và lãng phí: “Chúng ta nói rằng 30 – 40% cán bộ, công chức hoạt động không hiệu quả, có cũng như không. Vậy sao cơ quan nào cũng thấy kêu thiếu biên chế?”. Bà cho rằng hiện đang có tình trạng vô cùng bức xúc là nếu các công trình do các cá nhân hoặc các doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn ra làm thì rất hiệu quả, nhưng nếu dùng nguồn vốn Nhà nước thì chất lượng kém, hiệu quả thấp. Từ đó, bà kiến nghị: “Cần phải quy định trách nhiệm người đứng đầu phê duyệt thầu, chỉ định thầu. Không thể để tiền của dân đem ra tiêu xài kém hiệu quả”. Ai làm sai phải bị truy cứu trách nhiệm, “kể cả về hưu cũng phải ra tòa” – bà nhấn mạnh đến việc đưa ra các quy định cứng rắn về xử lý trách nhiệm.
Theo dõi phiên thảo luận trong các ngày 6 và 8-6, nhiều người ngạc nhiên khi nghe đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) thẳng thừng phê bình một nội dung trong tờ trình của Chính phủ là “thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trước Quốc hội và trước nhân dân”. Thì ra trong đoạn văn bản ấy, câu sau phủ định câu trước, “nói vậy là như đi hàng hai”. Bà còn chỉ ra tình trạng tổ chức hội hè, lễ lạt hoành tráng và luôn có quà tặng, gây lãng phí lớn, mà tiền thì lấy từ ngân sách, từ tiền thuế nhân dân đóng góp. Nhiều dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng nhưng sau cả chục năm vẫn chưa xong, gây lãng phí, tổn hại mà chế tài lại không thấy có trong luật. Do vậy, trong lần sửa đổi này cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định gây lãng phí, đồng thời phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với trường hợp vi phạm. Cùng quan điểm với các nữ đại biểu trên, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) bổ sung: “Cần phát huy giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, giám sát của nhân dân để ngăn chặn, phát hiện kịp thời sai phạm”.
Bất cập trong quản lý hành chính và lãng phí là hai căn bệnh nặng đang cần thuốc đặc trị. Các nữ đại biểu Quốc hội đã thay mặt hàng triệu cử tri phản ánh thực tế và nêu những kiến nghị cụ thể. Việc bổ sung, điều chỉnh luật pháp sẽ được Quốc hội sớm thực hiện, song để thấy được những thay đổi rõ rệt, rất cần một phong cách lãnh đạo mới, sao cho các cơ quan và cá nhân đã có quyền lực quản lý thì cũng phải chịu trách nhiệm rõ ràng. Quốc hội cần tăng cường thêm các biện pháp kiểm tra, giám sát công việc của Chính phủ, còn Chính phủ phải tiếp tục mạnh mẽ cải cách hành chính, kiên quyết tuyên chiến với bệnh quan liêu và chứng tỏ được khả năng điều phối, quản lý nguồn vốn Nhà nước thực sự hiệu quả, năm sau hơn hẳn so với năm trước. Nếu vẫn tiếp tục xảy ra trường hợp gây lãng phí, cần nhanh chóng điều tra, kết luận và xét xử công minh. Đó cũng là một trong những lối thoát giúp ViệtNamtrong tương lai không bị sa lầy vào vùng trũng “các nước có thu nhập trung bình”.
Phan Hoàng (Quận Phú Nhuận)