Báo chí, phim ảnh, truyền hình, âm nhạc và các trò chơi vi tính có thể trở thành những công cụ giáo dục đạo đức và lối sống hữu ích. Tuy nhiên, thật không may, tôi thấy hiện nay thanh niên lại ít được hưởng những ích lợi này của các phương tiện truyền thông hiện đại. Thời trước, nội dung của báo chí, phim ảnh, truyền hình giúp củng cố các giá trị đạo đức trong xã hội. Những mối quan tâm mang tính nhân văn luôn được ưu tiên trên các phương tiện truyền thông. Những nội dung có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ đều bị cấm. Một nhân vật anh hùng trong phim luôn là một người tốt, biết quan tâm đến những người khác. Kẻ ác thì luôn bị trừng phạt vào cuối câu chuyện.
Ngày nay, phim ảnh và truyền hình chỉ toàn những cảnh bạo lực, cảnh máu me. Những chỗ cần nhấn mạnh các bài học đạo đức lại bị thay bởi các hiệu ứng, các pha kinh dị, những thứ thu hút mắt do máy tính tạo ra. Tôi có cảm giác những bài học đạo đức truyền thống đang dần dần bị quên lãng.
Trong khi đó, các trò chơi vi tính đang đưa ra những cách ứng xử và chuẩn mực đạo đức mới. Các trò chơi này tạo ra một thế hệ chỉ tập trung vào sự thỏa mãn vật chất cho bản thân mình. Sự tương tác lạnh lẽo của các trò chơi vi tính đem đến cho giới trẻ rất ít cơ hội để biết xúc động. Trong trò chơi, đối tượng cần phải bị tiêu diệt. Các bạn trẻ chẳng có chút xót thương nào cho sự chết chóc. Trên toàn thế giới, chúng ta đã thấy xảy ra những vụ giết người hàng loạt như trong trò chơi điện tử. Bạo lực đi cùng với sự thờ ơ và thú vui tận hưởng. Những cái máy vi tính đã trở thành một phần trong cuộc sống của bạn nhưng không hề dạy cho bạn những giá trị nhân văn.
Với các thế hệ trước, phụ huynh và thầy cô là những người chịu trách nhiệm chính trong việc dạy dỗ con cái những giá trị đạo đức. Ngày nay, các bậc cha mẹ quá bận rộn với việc kiếm tiền. Họ làm việc cật lực, chẳng còn thời gian giáo dục cũng như đồng cảm, chia sẻ, thể hiện tình yêu thương với con cái và thậm chí là cả với nhau. Một số phụ huynh không làm gương tốt cho con học tập. Cha mẹ có thể mua cho con đồ chơi đắt tiền nhưng thời gian dành cho việc giáo dục con thì không còn nữa. Trong khi đó, ở trường, các thầy cô giáo lại chỉ tập trung “nhồi sọ” học sinh. Áp lực cần vượt qua các kỳ thi đã khiến họ chẳng có thời gian dạy học sinh những điều tốt đẹp. Đó là chưa kể nhiều giáo viên còn giảng dạy bằng phương pháp bạo lực như đánh, phạt, bắt học sinh đóng thêm tiền để phụ đạo, thờ ơ với những tâm tư nguyện vọng của các em.
Tôi nghĩ các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và báo chí truyền thông hiện đại nên xem lại bản thân mình. Chúng ta có nhiệm vụ giáo dục nhân cách cho những đứa trẻ qua những bài học đạo đức. Nếu không làm được việc này thì sự giàu có, những thành tích và cả sự phát triển của công nghệ chỉ đem lại bước thụt lùi cho xã hội.
Bài Renate Haeusler
Lê Tâm dịch