Trong lịch sử nhân loại không thiếu những cuộc chiến tranh. Thường thường, con người dàn xếp xung đột với nhau, nhưng thiên nhiên không ít lần can dự. Chẳng hạn một số cuộc chiến thình lình kết thúc bởi thảm họa tự nhiên.
Một hòn đảo biến mất khi đang là đối tượng tranh chấp giữa hai quốc gia
New Moore Island (hay còn gọi là South Talpatti) là một đảo nhỏ, không có người sinh sống, nằm trong vịnh Bengal giữa Ấn Độ và Bangladesh.
Theo các chuyên gia, đảo này hiện diện đã 50 năm trước khi được khám phá vào năm 1974. Dù kích thước đảo nhỏ bé (dài 3,5km và rộng 3km), cả Ấn Độ và Bangladesh đều muốn áp đặt chủ quyền.
Một hòn đảo luôn là một lợi thế chiến lược đối với một quốc gia, hoặc lập một căn cứ quân sự trên đảo hoặc khai thác tài nguyên biển cả chung quanh.
Một cuộc chạy đua cắm cờ diễn ra. Năm 1981, Ấn Độ cử một toán quân ra cắm cờ trên đảo, để cho kẻ nào lăm lăm muốn chiếm đảo hiểu đảo đã thuộc quyền của người Ấn. Nhưng Bangladesh không chịu thua. Cả hai quốc gia châu Á này đã nhiều lần tranh cãi về số phận hòn đảo.
Rốt cuộc, không quốc gia nào giành chiến thắng trong cuộc xung đột này: năm 1987, các ảnh vệ tinh cho thấy đảo đang dần biến mất, bị nhấn chìm bởi nước biển. New Moore hoàn toàn không còn dấu tích gì trên mặt biển vào năm 2010.
Bão cát cản phá mưu tính giải thoát con tin Mỹ ở Iran
Đại sứ quán Mỹ ở Teheran bị các sinh viên Iran tấn công vào ngày 4-11-1979, giữa cao trào cuộc cách mạng Iran. 52 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán bị bắt làm con tin. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ra lệnh mở chiến dịch Eagle Claw nhằm giải cứu con tin, diễn ra trong các ngày 24 và 25-4-1980.
Nhóm cứu nạn gồm 8 trực thăng được giao nhiệm vụ tìm một điểm tập hợp được đặt tên là “Desert One”. Rủi thay, việc tổ chức và phối hợp lại kém hiệu quả, do nước Mỹ vào thời ấy vẫn chưa thiết lập Ban chỉ huy các chiến dịch đặc biệt.
Lại thêm bão cát che khuất tầm nhìn của phi công, khiến diễn tiến sau đó bị va vấp. Hai máy bay va vào nhau khiến 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Đội quân còn lại phải vội vã rút lui, các tài liệu liên quan đến nhân viên CIA vẫn nằm trong các máy móc bị bỏ lại tại chỗ. Sự thất bại này gây ảnh hưởng rất tiêu cực trên cuộc tái tranh cử tổng thống của ông Jimmy Carter và đưa đến sự tái tổ chức các lực lượng đặc biệt Mỹ.
Rốt cuộc các con tin được trả tự do vào ngày 20-1-1981, sau 444 ngày bị bắt giữ. Jimmy Carter phải nhường lại vai trò lãnh đạo nước Mỹ cho Ronald Reagan.
Mùa đông nước Nga năm 1709 chặn đứng hùng binh Thụy Điển
Không có gì tồi tệ hơn bị chết đói và chết rét. Bạn thử hình dung phải chịu đựng một trận bão tuyết mà bụng thì trống rỗng. Chẳng khác gì địa ngục.
Đó là cảnh huống mà quân Thụy Điển trải qua khi xâm chiếm nước Nga, diễn ra từ năm 1700 đến năm 1721. Trong cuộc đại chiến phương bắc này, Thụy Điển huy động hơn 40.000 quân, ít hơn nhiều so với số quân Nga, nhưng quân Thụy Điển nổi danh là đạo quân bất bại, bất kể lực lượng của đối phương.
Quân Nga thua xiểng liểng ở trận đánh đầu tiên; trước khi rút quân, họ đốt làng để kẻ thù không thể lợi dụng những gì còn sót lại.
Không chỉ thế, người Nga còn trộm lương thực của quân Thụy Điển, chỉ để lại một số thực phẩm ít ỏi, không đủ để nuôi quân.
Lúc này bắt đầu vào đông, năm 1709, một mùa đông khắc nghiệt nhất ở châu Âu trong vòng 500 năm qua. Một số lính Thụy Điển sống sót trước đói và lạnh, đối đầu với quân Nga, nhưng không thể cầm cự lâu.
Mưa và mây mù ngăn Hitler tiêu diệt quân Đồng minh ở Dunkerque
Một loạt cuộc thất trận buộc quân Đồng minh phải rút về phía cảng Dunkerque, nhất là khi Pháp bị xâm chiếm vào năm 1940.
Nhưng thay vì tiêu diệt họ, Hitler lại ra lệnh cho quân Đức dừng tay. Hành động bất ngờ này đã giúp quân Đồng minh củng cố lại lực lượng và tiếp sức cho Anh.
Sự lui quân này khiến Đức không thể kịp xoay xở tấn công trở lại khi Thống chế Walther von Brauchitsch thuyết phục Hitler thay đổi quyết định.
Không ai rõ lý do khiến Hitler ngưng tấn công quân Đồng minh, có lẽ ông ta cho rằng quân Anh sắp đầu hàng.
Cũng có một giả thuyết cho rằng tư lệnh của quân đội Đức quốc xã đoan chắc với Hitler chỉ lực lượng Không quân Đức đủ để đánh tan quân Đồng minh.
Trong trường hợp này, quân Đức lại khó thể hành động, vì mây thấp, mưa bão và sấm sét ngăn mọi toan tính tấn công từ trên không.
Bão cướp chiến thắng của Pháp trong trận chiến Trafalgar
Nước Anh xem ra được thiên nhiên bảo vệ nhiều lần. Khi hạm đội Tây Ban Nha và Pháp phối hợp để đánh Anh vào ngày 21-10-1805, hải quân Anh đã được cứu bởi một trận bão làm chậm sức tiến của kẻ địch.
Bão hoành hành đến độ phá hủy tàu Fougueux của Pháp. Dù quân Anh cố kéo và bắt giữ tàu, biển động đến độ đánh đắm tàu. Một tàu khác của Pháp cũng chịu cùng số phận vào ngày hôm sau.
Nhiều tàu bị quân Anh bắt giữ, có nguy cơ bị đắm, nhưng quân Pháp tiếp tục chiến đấu để không đầu hàng. Sợ bị mất tàu và quân, Đô đốc Anh Collingwood ra lệnh bỏ lại và phá hủy toàn bộ tàu bị bắt.
Hạm đội Hà Lan bại trận trước kỵ binh Pháp do bão
Thật kỳ lạ khi các kỵ binh, chuyên sử dụng ngựa và đánh trận trên đất liền, lại có thể chiếm giữ nhiều tàu chiến! Thế nhưng sự cố khó tin ấy lại xảy ra vào này 23-1-1795.
Một trận bão đã ngăn đội tàu Hà Lan đến địa điểm đã định, buộc phải bỏ neo trong eo biển Marsdiep, cạnh một hòn đảo cạnh Texel (Hà Lan).
Sự cố này diễn ra ngay giữa cuộc Cách mạng Pháp. Hay tin, người Pháp phái kỵ binh đến chiếm tàu.
Quân Hà Lan định phá hủy tàu để tàu không rơi vào tay kẻ địch, nhưng lại thay đổi ý định. Vì quân cách mạng Pháp thắng trận, Hà Lan quyết định đầu hàng, với điều kiện họ được ở lại trên tàu.
Mưu đồ xâm chiếm Nhật của Mông Cổ bị ngăn cản bởi bão
Năm 1274, đế quốc Mông Cổ trải rộng khắp châu Á, họ đã chinh phục một phần của Trung Quốc hiện nay. Quân đội Mông Cổ lập căn cứ ở vùng này và muốn mở rộng lãnh thổ.
Năm ấy, hơn 35.000 quân Mông Cổ rời Trung Quốc hướng đến Nhật Bản. Hạm đội Mông Cổ, gồm 900 tàu đến vịnh Hakata, với mục dích chiếm Nhật.
Nhưng khi vừa đến nơi, một cơn bão dữ dội phá hủy một phần lớn đội tàu. Khoảng 13.000 quân chìm dưới nước, những quân còn lại buộc phải rút về Trung Quốc.
Nhưng sự thất bại này không khiến người Mông Cổ chùn bước, nhất là vào thời kỳ đế quốc này là một siêu cường. Năm 1281, toan tính thôn tính Nhật Bản được tiến hành với 4.400 tàu, chở theo 140.000 quân.
Khoảng 40.000 saimurai Nhật không đủ sức đương cự trong trận chiến trên. May thay, thời tiết lại ủng hộ người Nhật.
- Xem thêm: Trong nửa kỳ quái của trái đất
Một cơn bão khác giáng xuống đội tàu Mông Cổ, còn nặng nề hơn lần trước, 50% quân bỏ mạng và hầu hết tàu tan tành. Tàn quân Mông Cổ phải rút lui.
Từ lúc ấy, từ “kamikaze” (Thần phong) hình thành, để chỉ bão vì người Nhật tin rằng Thượng đế đã tạo bão ấy để giúp họ thoát khỏi sự thôn tính của Mông Cổ.
Cơn bão ngăn quân Pháp đến Ireland
Mối quan hệ giữa Anh và Pháp rất căng thẳng vào năm 1796. Anh tài trợ cho một số quốc gia tiến hành chiến tranh chống Pháp.
Đáp lại, Pháp toan tính liên kết với những nhóm ái quốc Ireland muốn tách khỏi nước Anh. Theo đó, Pháp ủng hộ Ireland trong cuộc đấu tranh giành độc lập, rồi chính thức xác lập liên minh Pháp – Ireland.
Nhưng thiên nhiên đã quyết định khác đi. Một cơn bão dữ dội chia cách đội tàu chở quân của Pháp khi tàu đang trên đường đến điểm tập hợp trước khi đổ quân chiếm đóng. Một số tàu bị đẩy về hướng nước Pháp, số khác đến được mục tiêu. Nhưng nhiều tàu bị đắm.
Tướng Lazare Hoche, người chỉ huy chiến dịch, đến được điểm gặp gỡ, nhận định tình huống, ra lệnh cho các tàu quay về vì e ngại một cơn bão khác, và nhất là một sự thất bại thấy trước do lực lượng đã yếu đi rất nhiều.
Hạm đội Tây Ban Nha bị bão đánh đắm khi muốn xâm chiếm Anh
Vua Philippe II của Tây Ban Nha không hài lòng trước đường hướng thiên về đạo Tin Lành của Nữ hoàng Elizabeth nước Anh và muốn lập một nữ hoàng theo đạo Công giáo.
Để thực thi kế hoạch, năm 1588, nhà vua phái 130 tàu, chở theo 30.000 quân ở Flanders, tiến hành chiếm đóng.
Trái với mọi chờ đợi, người Anh đã biết mưu đồ này và quyết định gây bất ngờ ở ngoài khơi Plymouth. Tây Ban Nha và Anh đã nhiều lần đối đầu, số lần thắng trận của hai bên tương đương.
Lần này, Anh là kẻ chiến thắng nhờ sự can thiệp của một cơn bão, đánh đắm tàu Tây Ban Nha. Đội quân Tây Ban Nha từ bỏ dự định và quay về Tây Ban Nha do bị bệnh tật đe dọa và lực lượng yếu đi do cơn bão. Nhưng trong khi họ rút lui, thiên nhiên lại nổi giông gió, và chỉ 60 trong số 130 tàu đã lên đường về được Tây Ban Nha.
Bão bất ngờ khiến trận đánh đầu tiên ở Fort Fischer bị ngưng lại
Những toán quân thuộc Liên minh, dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Benjamin Butler và Phó đô đốc David D. Porter toan tính chiếm pháo đài Fisher thuộc quân miền Nam (trong cuộc nội chiến ở Mỹ), trong khoảng từ 23 đến 27-12-1864.
Trong khoảng thời gian này, ngoại trừ Wilmington, tất cả các cảng thuộc miền Nam đều nằm dưới sự kiểm soát của quân Liên minh. Nhưng một trận bão lớn đã ngăn đoàn tàu xuất bến và cuộc tấn công bị chậm lại.
Vào ngày 19-12, hạm đội đã đến được pháo dài Fisher. Tuy vậy, tướng Butler và quân của ông buộc phải rút nhanh do một cơn bão lớn bất ngờ ập đến.
Dù vậy, họ đã quay lại vào ngày 23-12, khi bão tan, nhưng tướng Butler e rằng cuộc tấn công không còn gây bất ngờ với kẻ địch.
Ông lại phải ra lệnh rút quân khi hay tin một cơn bão khác sắp nổi lên và pháo đài đã được canh giữ chặt chẽ bởi đơn vị của tướng miền Nam Robert Hoke.
Có thể nói rằng lần này thiên nhiên đã thật sự muốn bảo vệ pháo đài Fisher, dù vậy pháo đài này cũng bị chiếm giữ bởi một lực lượng của Liên minh vào tuần sau đó.