Chúng ta đều biết lõi của trái đất là dung nham nóng rực. Nhưng bạn có biết rằng trong khối dung nham nóng rực ấy là cỡ 1.600 tỷ tấn vàng và bạn có biết rằng không chỉ núi lửa mà hồ nước cũng phun trào, một ngày có thể kéo dài cả 1.000 tiếng, đến cả hai cực Nam – Bắc cũng có thể đảo chiều?
Kể từ khi có nhận thức, con người đã luôn tìm kiếm lời lý giải cho các sự vật, hiện tượng tồn tại và xảy ra xung quanh. Chúng ta đã giải thích được vô số bí ẩn, nhưng cũng lại liên tiếp phát hiện thêm điều kỳ lạ mới.
Như vũ trụ càng tìm hiểu lại càng thấy sâu xa vô tận, trái đất, tuy đã được mổ xẻ suốt hàng ngàn năm, vẫn cứ mỗi lúc một lắm thứ khó trả lời.
1,6 ngìn tỷ tấn vàng trong lớp lõi
Nếu được hỏi trái đất được cấu tạo như thế nào, phần lớn mọi người đều có thể nói vanh vách rằng nó có 3 lớp bao gồm lớp vỏ, lớp phủ và lớp lõi. Chỉ có điều không phải tất cả chúng ta đều biết, trong lớp lõi có thể nóng đến cả 60.000oC ấy là… bát ngát vàng.
Nói đến vàng là nói đến nỗi khát khao của nhân loại. Từ ngàn xưa, con người đã bị vàng chinh phục. Chúng ta điên cuồng tìm kiếm, tích lũy vàng. Bất chấp rừng sâu núi đỏ, hoang mạc bức bối hay hai đầu địa cực phủ băng, người người đua nhau đi đào vàng.
Thời phong kiến, vàng dồn về cung điện, nâng cấp quyền thế của vua chúa. Trong thế giới tư bản, vàng là thước đo giá trị giàu sang. Ngay cả giữa thời đại toàn cầu hóa bây giờ, vàng vẫn quyết định sự sống còn của một nền kinh tế.
Vốn dĩ vàng không phải là kim loại được tạo ra trên trái đất. Địa cầu chỉ có sắt là kim loại quý nhất mà thôi. Nhưng trong thời kỳ sơ khởi, khi vũ trụ vẫn còn nóng rẫy và các ngôi sao liên tục húc đầu vào nhau như các viên bi trên mặt bàn bi-a, những mảnh thiên thạch chứa vàng đã bay vào trọng trường trái đất.
Thời Trung cổ, nhiều nhà giả kim cố công cả đời để luyện sắt, đồng hay đá thành vàng. Họ đều thất bại. Trong thực tế, vàng chỉ có thể được tạo ra khi hội đủ ba điều kiện: Nguồn neutron tương đối tinh khiết + Hạt nhân nặng như hạt nhân sắt để bắt các neutron + Môi trường nóng cỡ hàng tỷ độ.
Trừ trường hợp nổ siêu tân tinh ra, chúng ta không thể kiếm ở đâu điều kiện cần và đủ này để biến sắt thành vàng. Bởi vậy, số vàng mà trái đất may mắn có được từ ngày xửa ngày xưa ấy là tất cả số vàng mà nó có. Vì thế nên vàng mới hiếm và mới quý.
Chỉ có điều số vàng mà nhân loại đang sở hữu chỉ là một phần tí teo còn sót lại trên mặt đất sau cả hàng trăm triệu năm biến đổi địa chất mà thôi.
Phần lớn vàng đã bị hút vào tâm Trái đất. Nó nhiều đến nỗi, nếu chúng ta có thể lôi hết ra ngoài, thì lượng vàng ấy sẽ đủ để phủ kín cả địa cầu bằng một lớp dày những 45cm.
Theo ước tính của các nhà khoa học, có khoảng 1.600 tỷ tấn vàng trong lớp lõi của trái đất. Khổ nỗi, bạn không bao giờ có thể mó vào đống vàng này. Nên dù có biết cũng chỉ đành bó tay!
Sa mạc khô hạn nhất nằm ở… Nam cực
Bạn ngỡ ngàng bởi điều này có đúng không? Nhưng sa mạc khô hạn nhất thật sự không phải sa mạc Sahara tại châu Phi hay Thung lũng Chết ở Bắc Mỹ. Nó là Thung lũng khô rộng tầm 4.000km2 tại Nam cực.
Chí ít thì trời cũng đã không đổ lấy một giọt mưa xuống Thung lũng Khô trong suốt 2 triệu năm qua. Và dù cả Nam cực bị bao phủ bởi băng, riêng Thung lũng Khô thì lại hoàn toàn… khô khốc.
Theo nghiên cứu địa chất, khoảng 12 triệu năm trước, một trận lụt đã xảy ra tại Nam cực, gây xói lở và hình thành nên địa thế Thung lũng Khô bây giờ. Thật kỳ quặc là dù nằm giữa khu vực luôn dưới 0 độ C, thung lũng này vẫn không hề bị đóng băng. Nó có một vài hố nước mặn, nhưng những hố nước mặn ấy cũng không đóng băng nốt.
Dẫu ở trong Thung lũng Chết, các nhà thám hiểm vẫn tìm thấy đôi ba loài động, thực vật. Song tại Thung lũng Khô, ngay cả vi khuẩn cũng không có lấy một mống. Bạn có thể thấy một vài xác động vật khi bước vào Thung lũng Khô, nhưng chúng đều là xác ướp từ đời nảo đời nào.
Tảng băng trôi phát ra tiếng sủi bọt
Đó không phải là tiếng đổ vỡ ầm ầm hay rào rạo mà lại tiếng sủi xèo xèo tương tự thức uống có ga. Thực ra, mỗi tảng băng trôi đều là một mảnh vỡ từ một sông băng nào đó. Chất liệu cấu thành nên tảng băng ấy lại chính là nước ngọt.
Trong nước ngọt luôn có cả không khí và các sinh vật sống. Khi dòng sông bị đóng băng, nó tất nhiên là đóng băng luôn cả không khí có trong nước lẫn các sinh vật không chạy thoát kịp.
Nếu sông băng bị nứt vỡ, một số tảng băng sẽ trôi theo dòng chảy. Vừa trôi, nó vừa bị tan. Không khí bị đóng băng liền được giải phóng ra ngoài, biến thành những bong bóng khí nhỏ li ti.
Những bong bóng khí đó nổi lên mặt nước và vỡ, tạo ra âm thanh. Vì thế, một tảng băng trôi không hề lặng lẽ mà liên tục phát ra tiếng động như tiếng sủi của nước ngọt có ga.
Thời gian không bất biến
Chúng ta vẫn tin thời gian là bất biến, vĩnh hằng. Một ngày luôn là 24 tiếng, một tiếng luôn là 60 phút, một phút luôn là 60 giây… Trái đất luôn cần đúng 1 ngày để xoay quanh chính nó, và một năm để quay quanh mặt trời.
Tuy nhiên, theo phân tích của các nhà nghiên cứu, áp lực từ thủy triều đang khiến Trái đất quay chậm hơn khoảng 1,7 mili giây/thế kỷ. Đừng vội cười vì con số gần như bằng 0 ấy bạn nhé! Tuy nhỏ bé nhưng rõ ràng là thời gian của Trái đất đang thay đổi.
Thực ra, vào 620 triệu năm trước, một ngày trên trái đất chỉ có 21,9 tiếng, và một năm có hẳn 400 ngày. Còn vào 350 triệu năm trước, một ngày chỉ xấp xỉ 23 tiếng, và một năm có tới 385 ngày. Sự xê dịch của thời gian cũng sẽ không dừng lại.
Điều ấy đồng nghĩa với việc sau này, một ngày sẽ dài hơn 24 tiếng, còn một năm sẽ ít hơn 365 ngày. Nếu Trái đất vẫn tồn tại sau 50 tỷ năm nữa, một ngày của nó lúc đấy sẽ dài những 1.000 tiếng.
Hồ nước có thể phát nổ
Dù hiện tượng này cực kỳ hiếm xảy ra, nó đã từng xảy ra. Vào ngày 21.8.1986, hồ Nyos của Cameroon (quốc gia ở Trung Phi) đã phát nổ, giết chết 1.746 người và 3.500 gia súc trong một đêm. Nguyên nhân dẫn đến tử vong là ngạt thở trong khi đang ngủ.
Người ta gọi hiện tượng nổ hồ nước là “limnic eruption” (phun trào nước ngọt). Một số hồ nước sâu có thể tích trữ một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2). Khi lượng CO2 này bị kích hoạt (bằng một trận động đất chẳng hạn), nó sẽ gây ra một vụ nổ, thổi tung nước hồ và giải phóng carbon dioxide vào không khí.
Trong vụ phun trào nước ngọt hồ Nyos, nước hồ đã bị thổi lên cao 91m, giải phóng sóng xung kích carbon dioxide đạt vận tốc 96km/giờ.
Nó liên tiếp lấy mạng các dân cư đang say ngủ trong vòng bán kính 24km. Với 800 người Cameroon sống quanh bờ hồ, chỉ có 6 người là sống sót. Và cả 6 người này đều bị hôn mê sâu do ngạt khí CO2.
Tương tự, hồ Kivu của Rwanda (quốc gia ở Đông Phi) cũng có khả năng bị nổ mỗi khoảng 1000 năm/lần. Hiện tại, nó không nằm trong nguy cơ phát nổ, nhưng nếu bất chợt phun trào CO2, nó sẽ đặt nguy cơ tử vong lên khoảng 2 triệu người dân Rwanda sinh sống xung quanh.
Sông có thể sôi
Truyền thuyết vùng Nam Mỹ nói rằng có một dòng sông sôi sùng sục trong rừng nhiệt đới Amazon. Nó nóng đến nỗi có thể luộc chín bất cứ thứ gì đang sống rơi vào.
Nghe đúng là… như truyền thuyết, nên không mấy ai tin. Tuy nhiên, nhà khoa học Andres Ruzo (Nicaragua) thì lại hiếu kỳ. Ông lặn lội vào rừng Amazon, tìm kiếm suốt nhiều ngày và cuối cùng thật sự tìm ra dòng sông sôi ấy.
Nó là một đoạn sông dài khoảng 8,8km của Amazon ở Peru. Đoạn sông này cũng chỉ sôi vào mùa khô. Các pháp sư của một số bộ tộc sống gần đấy xem khúc sông ấy như là đoạn sông thiêng, có khả năng chữa lành mọi bệnh tật.
Chỉ có điều, với độ sôi đủ để giết người ấy, người ta dễ chết vì bỏng trước khi chết vì bệnh nếu dám bước xuống ngâm.
Hai cực Bắc – Nam cũng có thể đảo ngược
Bạn luôn tin cực Bắc của Trái đất là cực Bắc, còn cực Nam là cực Nam đúng không? Nhưng vào khoảng 800.000 năm trước, cực Bắc mà bạn biết đang là cực Nam và ngược lại, cực Nam lại là cực Bắc.
Trung bình cứ mỗi 200.000-300.000 năm 1 lần, hai cực Bắc – Nam lại đảo chiều. Tất nhiên là chỉ trên tính chất thôi, chứ không phải là trên vị trí địa lý.
Do lớp lõi của trái đất luôn trong tình trạng nóng chảy, lượng sắt ở trong nó cũng liên tục di chuyển. Khi vị trí của lượng sắt lưu động này thay đổi, cái gọi là Bắc và Nam cũng buộc phải thay đổi theo.
Xét theo hồ sơ hóa thạch thì sự nghịch đảo của dòng sắt trong lớp lõi Trái đất không ảnh hưởng gì đến sự sống bên trên lớp vỏ. Nhưng với Cơ quan Không gian NASA thì nó khá đau đầu, vì sự thay đổi của từ trường Trái đất ảnh hưởng trực tiếp lên các vệ tinh bay xung quanh.