Nếu được Bộ Khoa học – Công nghệ Việt Nam cấp chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi về vốn, thủ tục xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay rất ít doanh nghiệp trên cả nước quan tâm đến chứng nhận này.
Ngay tại Đồng Nai – một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, đến nay mới chỉ có hai doanh nghiệp được Bộ Khoa học – Công nghệ công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Công ty TNHH Bosch Việt Nam (100% vốn đầu tư của Đức) ở khu công nghiệp Long Thành (huyện Long Thành) và Công ty TNHH Taekwang Mold Vina (100% vốn của Hàn Quốc) ở ba khu công nghiệp Agtex Long Bình (TP. Biên Hòa).
Khoảng 10 năm trở lại đây, Đồng Nai thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những dự án công nghệ cao. Nhờ vậy, những dự án đầu tư mà tỉnh thu hút được phần lớn có công nghệ hiện đại hơn hẳn so với giai đoạn trước.
Các dây chuyền sản xuất hầu hết được tự động hóa và được theo dõi điều khiển trên máy tính. Có những dây chuyền sản xuất lớn chỉ cần 2-3 lao động có tay nghề cao làm việc.
Ông Georg F.W. Schaeffler, Chủ tịch Tập đoàn Schaeffler cho biết: “Tập đoàn mới khánh thành nhà máy ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất vòng bi cho các loại máy móc tại Đồng Nai. Sản phẩm của nhà máy xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được các đối tác đánh giá cao chất lượng”.
Dù đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất, chủ doanh nghiệp có thể kết nối internet theo dõi được mọi hoạt động của nhà máy, song Schaeffler không chú ý nhiều đến việc làm hồ sơ để được công nhận ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nguyễn Công Đoàn, Tổng giám đốc Công ty TNHH Daikan Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại khu công nghiệp Amata cho hay: “Công ty chuyên sản xuất các loại bảng hiệu, đèn LED xuất khẩu sang Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Tuy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng công ty ngại các thủ tục nên không làm hồ sơ để được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao”.
Phần lớn các doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất có khả năng đạt các yêu cầu của Nhà nước để được chứng nhận là ứng dụng công nghệ cao, nhưng nhiều lãnh đạo công ty không mặn mà.
Lý do là việc làm hồ sơ để doanh nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao có khá nhiều bước thủ tục và mất nhiều thời gian.
Trong đó, doanh nghiệp phải đáp ứng bốn yêu cầu chính khá khắt khe: sản phẩm sản xuất phải thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao; thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường; doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp phải đạt ít nhất 70%, trong tổng doanh thu thuần hằng năm; doanh nghiệp vừa và nhỏ chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam đạt ít nhất 1% trên tổng doanh thu hằng năm.
Trường hợp với doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỉ đồng và tổng số lượng lao động trên 300 người, tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%, trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động.
Ông Kawaue Jun-Ichi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp đều hoạt động khá hiệu quả.
Có những doanh nghiệp sau thời gian hoạt động đã tăng vốn, mở rộng sản xuất gấp 2-3 lần so với quy mô ban đầu.
Nhưng nếu các thủ tục hành chính của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo hướng đơn giản thì sẽ còn thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam, cũng như vào Đồng Nai nhiều hơn”.
- Xem thêm: Doanh nghiệp vẫn thờ ơ với FTA
Theo Sở Khoa học – Công nghệ, dù biết nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai đã ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất và Sở đã vận động các doanh nghiệp này đăng ký, nhưng số lượng doanh nghiệp làm hồ sơ vẫn rất ít. Hiện chỉ có 4-5 doanh nghiệp hỏi thủ tục để làm, phía Sở chỉ hỗ trợ bằng cách hướng dẫn làm các thủ tục, còn xét duyệt và công nhận là do Bộ Khoa học – Công nghệ làm.