Yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển của một dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là phải có được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thế nhưng, để đưa được công nghệ cao vào nông nghiệp, thì cần phải có cơ chế chính sách để khuyến khích…
Thị trường – bài toán cần cho nông nghiệp công nghệ cao
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp ở không ít địa phương trong cả nước còn mang tính phong trào. Bởi, việc xác định ngành, lĩnh vực để ứng dụng CNC chưa xuất phát từ nhu cầu thật sự của thị trường, trong khi đây là yếu tố then chốt quyết định sự thành công.
Bên lề hội thảo “Nhu cầu và giải pháp các ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” (ĐBSCL) được tổ chức tại thành phố Cần Thơ mới đây, một vị đại biểu cho rằng, khi áp dụng công nghệ cao vào ngành nông nghiệp có thể giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, công lao động cũng như tác động tích cực đến môi trường. Thế nhưng, nếu sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ sẽ ra sao? Sản xuất nông nghiệp dù áp dụng công nghệ cao hay bình thường như hiện nay, thì đầu ra vẫn là yếu tố quyết định.
Từ lập luận nêu trên, theo vị này, khi lựa chọn sản phẩm để xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao cũng nên có sự nghiên cứu triển vọng thị trường tiêu thụ đối với loại sản phẩm đó. “Vì vậy, việc phân tích dữ liệu về nhu cầu của thị trường trong ngắn, trung và dài hạn là rất cần thiết”, vị này cho biết.
Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Cà Mau tại hội thảo cho rằng, việc đặt vấn đề phải ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là hoàn toàn đúng. “Nhưng, từ vấn đề đặt ra, ở khía cạnh nếu tôi là người nông dân, thì thị trường tiêu thụ ở đâu?”, ông đặt câu hỏi.
Theo ông Sơ, nông dân có thể học và áp dụng theo quy trình công nghệ được các nhà khoa học khuyến cáo để cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất tăng. Thế nhưng, làm sao để tiêu thụ được sản phẩm, qua đó, đem lại lợi ích cho người nông dân mới là vấn đề để mạnh dạn đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác của trường Quản lý Cán bộ nông nghiệp II đặt câu hỏi: “Chúng ta áp dụng nông nghiệp CNC, nhưng thị trường ở đâu?”. Theo ông Hải, mô hình ứng dụng CNC của các nước trên thế giới hiện nay, họ đều đi từ thị trường, tức có thị trường mới hoạch định sản xuất.
“Hiện nay, doanh nghiệp Nhật đang sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, họ không bán vào thị trường Nhật, nhưng làm quy mô 300 héc ta ở tỉnh Long An để bán sang châu Âu. Họ có tiêu chuẩn, có quy trình được đưa ra để triển khai”, ông Hải dẫn chứng và gợi ý việc triển khai ứng dụng CNC ở ĐBSCL cũng nên có doanh nghiệp đứng ra chủ trì vì họ có thị trường.
Ông Đặng Kim Khôi đến từ Viện chính sách và Chiến lược nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các nước trên thế giới hiện đã sử dụng CNC vào việc dự báo thị trường. “Dự báo thị trường được chia ra ít nhất là hai nhóm, là thị trường trong nước và quốc tế. Còn thời gian, thì chia ra làm ngắn, trung và dài hạn”, ông cho biết.
Theo ông, nếu Việt Nam đưa được CNC vào trong dự báo thị trường để kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu, từ trung ương đến địa phương, thì sẽ tạo được hệ thống thông tin minh bạch và nó sẽ tạo được sự yên tâm, đồng thuận trong việc ra quyết định như quy hoạch vùng hay tổ chức xây dựng các mô hình ứng dụng CNC.
Gợi ý cho bài toán đủ: chính sách
Một khi bài toán cần là thị trường tiêu thụ đã “nắm trong tay”, thì bài toán đủ là chính sách thúc đẩy thực hiện cũng cần phải có để đưa CNC vào nông nghiệp được thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Ông Đặng Kim Khôi cũng cho biết, để triển khai các mô hình ứng dụng CNC, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời gian qua đã ban hành rất nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2010, Chính phủ có chương trình phát triển CNC đến năm 2020, trong đó, nhấn mạnh việc tài trợ toàn bộ chi phí nghiên cứu dự án cho CNC.
Quyết định 667 của Chính phủ về chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, trong đó, nhấn mạnh việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, có chương trình riêng cho nông nghiệp là phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC vào năm 2012 để đẩy mạnh công nghiệp ứng dụng CNC trong nông nghiệp; rồi mới nhất là nghị định 57 thay thế nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó, nhấn mạnh hỗ trợ tín dụng tối đa 300 triệu đồng đối với việc đầu cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ cho các doanh nghiệp ứng dụng CNC.
Tuy nhiên, theo ông Khôi, trên thực tế, các cơ chế chính sách được ban hành vẫn chưa đi vào cuộc sống, mà cụ thể là giữa quy định của cơ chế, chính sách và nhu cầu của người tiếp cận chưa gặp nhau. “Chẳng hạn, Nghị định 210 trước đây khi triển khai gặp rất nhiều vướng mắc trên thực tế, cho nên, Chính phủ, Bộ NN&PTNN cũng đã phối hợp với các bộ, ban ngành khác ban hành Nghị định 57 để thay thế”, ông dẫn chứng và kỳ vọng nghị định mới sẽ tạo ra được đột phá cho lĩnh vực này.
Để việc ứng dụng CNC thời gian tới được thuận lợi hơn, ông Khôi cho rằng, đối với các thủ tục về tín dụng, hiện cơ chế cho đối tượng hưởng lợi được áp dụng một cách cứng nhắc, kém linh hoạt dẫn đến việc triển khai các quyết định chính sách ưu đãi hết sức khó khăn khó. Vì vậy, cần một cơ chế linh hoạt hơn như được dùng chính tài sản đầu tư vào CNC để thế chấp.
- Xem thêm: Gỡ khó cho trồng hoa công nghệ cao
Một vấn đề nữa, đó là câu chuyện về đất đai, thì để xây dựng vùng nông nghiệp CNC đòi hỏi cần có vùng đất tập trung ở những vị trí thuận lợi nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư. Bởi, đầu tư vào nông nghiệp vốn đã rủi ro, thì đầu tư vào nông nghiệp CNC càng rủi ro hơn. “Vì vậy, việc hình thành vùng quy hoạch như thế nào và đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng làm với người dân để có diện tích tập trung cần xem xét giải quyết”, ông Khôi gợi ý.
Đối với thị trường khoa học công nghệ, theo ông Khôi, còn rất nhiều yếu kém và đặc biệt là thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa nghiêm. Ông cho biết: “Đây là vấn đề rất lớn dẫn tới nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam rất ngần ngại đưa ra bí quyết công nghệ vì sợ bị mất công nghệ khi cơ chế sở hữu trí tuệ của ta còn hạn chế”.
Một nội dung cần đột phá nữa, đó là phải đổi mới cách thức triển khai nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ. “Hiện nay, cách thức chuyển giao khoa học công nghệ của Việt Nam vẫn theo cách từ trên xuống, tức là Nhà nước và các viện nghiên cứu sẽ định ra chủ đề nghiên cứu mà họ thấy quan trọng, thì nên thay đổi theo hướng làm sao để khối tư nhân và doanh nghiệp tham gia được vào khối này, được hỗ trợ và được đặt hàng cơ quan nhà nước”, ông Khôi gợi ý.