Kết quả điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trên 70% doanh nghiệp chưa biết đến Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU. Đây là con số đáng giật mình khi các hiệp định này được cho là “cánh cửa” dẫn doanh nghiệp ra với thế giới.
Chưa nắm bắt thông tin
Là doanh nghiệp hiếm hoi có bài phát biểu tại hội thảo “Nhận diện cơ hội kinh doanh trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sớm được thông qua” vừa qua, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc May Hồ Gươm đánh giá cao cơ hội của doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực. Bởi khi đó, ưu đãi thuế suất gần như về 0%, giảm rất nhiều so với mức thuế bình quân 9,6% hiện tại.
Ông Phí Ngọc Trịnh cũng cho biết, Tập đoàn May Hồ Gươm rất kỳ vọng vào EVFTA. Bởi, hiện nay khách hàng của May Hồ Gươm đa phần là ở các nước châu Âu với lượng hàng xuất khẩu chiếm tới 60% số lượng xuất khẩu của công ty.
Khi EVFTA có hiệu lực thì May Hồ Gươm sẽ tăng trưởng xuất khẩu thêm khoảng 20% vì tìm thêm được nhiều khách hàng mới; đồng thời, lượng khách hàng cũ cũng sẽ tăng số lượng đặt hàng. Để đón đầu EVFTA, thời gian qua, May Hồ Gươm đã khai trương thêm một số nhà máy đặt ở Hưng Yên, Hòa Bình…
Tuy nhiên, điều đáng buồn là số lượng doanh nghiệp chủ động tìm hiểu và đón đầu các cơ hội từ các FTA như trên còn quá ít. Kết quả điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho thấy con số đáng quan ngại khi có 63% doanh nghiệp dân doanh không biết hoặc lần đầu tiên nghe nói về cộng đồng kinh tế ASEAN.
Với Hiệp định Đối tác toàn diện Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU, con số này lần lượt lên tới 71 và 77%.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, điều này cho thấy, bản thân doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng các hiệp định cũng không nắm được thông tin.
“Rõ ràng là rất khó để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế, khi mà họ chưa nắm được thông tin gì về các hiệp định quan trọng mà Chính phủ đã rất nỗ lực đàm phán trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, áp lực cạnh tranh trên sân nhà lại ngày một gia tăng khốc liệt hơn khi quá trình mở cửa thị trường theo các cam kết quốc tế đang diễn ra nhanh chóng”, Chủ tịch VCCI nói.
Đại diện VCCI cho biết, doanh nghiệp còn thiếu sự chủ động tìm hiểu các FTA, thậm chí có những chương trình tập huấn được đài thọ chi phí cũng rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia.
Vừa qua, phía Phần Lan sang Việt Nam giới thiệu cho doanh nghiệp Việt cách xuất khẩu hàng sang đó, nhất là nông sản. Tuy nhiên, VCCI rất khó mời doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Đại diện này cho hay, “nhiều khi cứ như đi xin doanh nghiệp”.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp ngại mất thời gian vì phải điền thông tin doanh nghiệp cần, có và muốn gì.
“Nhảy điệu tango phải có hai người”
Đánh giá về hiệu quả thực hiện các hiệp định thương mại trong thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam mới tận dụng được khoảng 40% lợi ích từ các hiệp định.
Tuy nhiên, trong số 40% này, khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 70%. Các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm được một phần nhỏ 30% của con số 40% lợi ích tổng.
Còn nhìn một cách tổng thể, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) lo lắng về khả năng hấp thụ các cơ hội mà FTA đem lại cho doanh nghiệp.
Theo ông Khanh, phía doanh nghiệp và cả các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chủ động. Đơn cử như khi Thủ tướng ban hành quyết định thực thi hiệp định CPTPP và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng hợp, nhưng Bộ Công thương chỉ nhận được kế hoạch của 10 bộ, ngành.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để tận dụng được cơ hội mà các hiệp định CPTPP hay các FTA mang lại, cần sự nỗ lực từ hai phía là các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh ví von: “Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Nhảy điệu tango phải có hai người”. Chúng tôi kêu gọi sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp Việt Nam”.
“Nhà nước tăng cường tuyên truyền nhưng doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu thì mới khai thác hết lợi ích của EVFTA cũng như các hiệp định FTA khác”, ông Khánh nói.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng rất quan trọng. Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết doanh nghiệp về các FTA thì Chính phủ cần “chụm đầu” với doanh nghiệp trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết.
“Chúng ta vẫn nói cắt giảm 50% thủ tục nhưng đã thực chất chưa? Có thể cắt giảm nữa không? Môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng thấp, thủ tục hành chính và chi phí đến năm 2018 vẫn gấp đôi gấp 3 so với ASEAN, vấn đề này phải được tiếp tục cải cách”, ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Đối với các doanh nghiệp, đại diện VCCI cũng kiến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro…
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa. Trong khi đó, còn rất nhiều vấn đề phi thuế quan khác cần quan tâm. Nếu không nhanh chân chớp lấy cơ hội thì doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với các nước khác.
Sẽ có một nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp
Liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, các cơ quan của Chính phủ đã cơ bản thực hiện toàn bộ các nội dung trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như xây dựng nghị định, khung pháp lý hỗ trợ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện quỹ này đã hoạt động ổn định. Ngoài ra các hoạt động tư vấn, đào tạo đã được triển khai từ năm 2018 khi luật có hiệu lực.
Sắp tới sẽ có một nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng sửa đổi Nghị định 118 về thực hiện Luật Đầu tư, trong đó bổ sung thêm bốn ngành hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính chất đổi mới sáng tạo.