Hệ thống Giám sát Trung ương (CMS) có nhiệm vụ giám sát các thông điệp văn bản điện tử, sự giao tiếp truyền thông – xã hội cũng như các cuộc gọi điện thoại và hơn trăm triệu người dùng internet hiện nay ở Ấn Độ. Dự án CMS – do Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin Ấn Độ (C-DOT) thực hiện – giúp các cơ quan thực thi pháp luật trong nước tiết kiệm được nhiều thời gian và làm việc hiệu quả hơn, theo báo cáo hằng năm của Bộ Viễn thông Ấn Độ.
Những yêu cầu của CMS bao gồm nghe lén trong thời gian thực, ghi âm, lưu trữ, phân tích và nhận diện giọng nói. Bên cạnh đó, chủ trương của Cơ quan Tình báo đối ngoại Ấn Độ (RAW) là sử dụng các mạng lưới điệp viên của mình để tiến hành những cuộc chiến phá hoại bí mật ở hải ngoại. Từ khi được thành lập năm 1968, RAW là cơ quan tình báo được coi là có tác động rất đáng kể vào chính sách đối ngoại của chính quyền Ấn Độ. Khi tiến hành những cuộc chiến bí mật, điệp viên RAW phải hiện diện ở hầu hết các quốc gia trong khu vực, mở rộng chiến tranh tâm lý với nhiều chiến thuật khác nhau.
Chiến dịch giám sát trong nước
Meenakshi Ganguly, nữ Giám đốc khu vực Nam Á của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), cho rằng chính quyền Ấn Độ hiện nay đang “mở đường cho những hành vi xâm phạm đời tư” của công dân. Mọi người không lạ gì chế độ giám sát và kiểm duyệt của chính quyền Ấn Độ – những cuốn sách hay bài hát ở nước này thường xuyên bị ngăn cản và cấm phát hành. Theo danh sách của Google, trong năm 2014, Ấn độ chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ với 4.750 yêu cầu tiết lộ dữ liệu người dùng internet (tăng 52% so với hai năm trước đó) và những yêu cầu xóa bỏ dữ liệu tăng 90% so với năm 2012.
Những yêu cầu đó thường được thông qua cảnh sát hay lệnh tòa án, song hệ thống CMS mới sẽ không đòi hỏi tiến trình pháp lý như thế nữa. Ganguly nhận định: “Khi các chính quyền trên thế giới ra tay kiểm soát sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội thì điều đó sẽ mở đường cho những cuộc biểu tình tự phát trên đường phố nổ ra và càng đẩy chương trình giám sát (internet) đi xa hơn nữa”.
Trong khi đó, Ấn Độ vẫn chưa có luật chính thức bảo vệ đời tư công dân để có thể ngăn cấm những hoạt động giám sát tùy tiện. Những người chỉ trích lên án hệ thống mới CMS không chỉ “xâm phạm đời tư và trao quyền hạn quá mức cho lực lượng an ninh” mà còn có tác dụng ngược về vấn đề an ninh quốc gia. Trong tiến trình thu thập dữ liệu để theo dõi hoạt động tội phạm, bản thân dữ liệu cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công cho bọn khủng bố và tội phạm; và Sunil Abraham – Giám đốc điều hành Trung tâm Internet và Xã hội Ấn Độ (CIS) – gọi đó là “hũ mật” ngon lành! Hơn nữa, theo Abraham, CMS có thể phá hoại ngầm các thị trường tài chính do gây phương hại đến lòng tin, các bí mật thương mại và tài sản trí tuệ.
An ninh quốc gia được tuyên bố là lý do cho sự tồn tại của CMS, nhưng không ai có thể nói được hệ thống có giúp chính quyền Ấn Độ ngăn chặn hiệu quả hoạt động khủng bố hay không. Ấn Độ cũng có sự kiện ngày 11-9 như nước Mỹ – đó là những vụ tấn công khủng bố liên hoàn đẫm máu ở thành phố Mumbai năm 2008. Nói về thảm họa này, chính quyền Ấn Độ được các cơ quan tình báo nước ngoài thông tin về âm mưu tấn công, nhưng họ đã không có hành động gì để ngăn chặn điều đó xảy ra.
Anja Kovacs ở Dự án Dân chủ Internet (IDP) nhận định “đó là thực tế chứng minh việc thu thập dữ liệu với số lượng khổng lồ không hẳn có thể bảo vệ người dân an toàn hơn”. CMS do C-DOT đảm nhận sẽ giám sát khoảng 900 triệu điện thoại di động cũng như điện thoại cố định và 160 triệu người dùng internet trong thời gian thực. Điều đó có nghĩa là các cơ quan chính quyền Ấn Độ giám sát được bất cứ cuộc nói chuyện nào qua điện thoại di động hay cố định, tin nhắn SMS, fax, lịch sử truy cập internet, các mạng xã hội, tìm kiếm trên internet và email.
Hiện nay, hai cơ quan tình báo Ấn Độ là IB và RAW cùng với bảy cơ quan chính quyền khác và Bộ Nội vụ được phép sử dụng hệ thống CMS. Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ cũng yêu cầu các công ty viễn thông quốc tế đang hoạt động ở nước này tham gia CMS – bắt đầu với Sing Tel của Singapore, AT & T Inc. và Verizon Communicationa Inc. của Mỹ, BT Group PLC và Vodafone Group PLC của Anh, cũng như Telstra Corp. Ltd của Australia.
Hiện nay, ước có khoảng 79 triệu người thuê bao điện thoại di động BlachBerry trên toàn thế giới – và chính quyền Ấn Độ muốn chuyển giao dữ liệu của mỗi chiếc điện thoại cho cơ quan tình báo nước này. Vào cuối năm 2012, trong chương trình gọi là Nghiên cứu sự di động, Công ty quản lý điện thoại di động BlackBerry cho phép chính quyền Ấn Độ giám sát các tin nhắn BalckBerry Messenger (BBM) và các email thuộc dịch vụ mạng BlackBerry Internet Service.
Nhưng hiện nay, chính quyền Delhi than phiền họ chỉ có thể gián điệp những giao tiếp của khoảng 1 triệu người dùng BlackBerry ở Ấn Độ – trong khi đó tình báo Ấn Độ muốn có danh sách của “toàn bộ” những chiếc điện thoại BlackBerry trên toàn cầu! Mỗi chiếc BlackBerry được cấp một mã PIN duy nhất dùng để gửi tin nhắn miễn phí đến những người dùng BlackBerry khác. Dịch vụ gây lo ngại cho cơ quan an ninh bởi vì những tin nhắn này – được gửi mã hóa qua các máy chủ đặc biệt – khó thể đọc lén được và do đó bọn tội phạm thường sử dụng nó để tránh né sự theo dõi của nhà chức trách.
Tuy nhiên, mặc dù chính quyền Ấn Độ cho biết tình báo nước này được cung cấp danh sách toàn bộ các mã PIN của những người dùng BlackBerry trong nước – nghĩa là việc giám sát những giao tiếp của những người dùng này hiện khả thi – nhưng họ vẫn chưa có các mã PIN của những người dùng bên ngoài biên giới Ấn Độ. Điều đó gây khó khăn cho tình báo Ấn Độ thực hiện nhiệm vụ xác định và nghe lén thông tin được trao đổi giữa những người Ấn Độ và người nước ngoài.
Theo tạp chí Economic Times của Ấn Độ, “chính quyền Ấn Độ muốn được cung cấp các mã PIN của tất cả thiết bị di động này trên toàn cầu giúp các cơ quan tình báo nước này thu thập thông tin trao đổi giữa những thuê bao trong nước và những người sống ở nước ngoài”. Công ty BlackBerry ban đầu không muốn cung cấp dữ liệu này do quan ngại về “quyền riêng tư và những điều khoản pháp lý”, song sau đó phải nhượng bộ chính quyền Ấn Độ vì bị đe dọa không được tiếp tục hoạt động ở nước này.
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất tìm cách thu thập dữ liệu như thế, mà những nỗ lực tương tự cũng diễn ra trên khắp thế giới đầy biến động hiện nay. Cuối năm 2012, Pakistan cũng cho lắp đặt những thiết bị nghe lén hiện đại nhằm “hạn chế những trang web bẩn và báng bổ” cũng như giám sát những cuộc giao tiếp qua điện thoại di động với mục đích chống khủng bố. Mỹ, Australia và Anh cũng đang có những nỗ lực nâng cấp các khả năng nghe lén của họ.
Ở Mỹ hay châu Âu, bất cứ cuộc tranh cãi nào giữa các công ty viễn thông và chính quyền liên quan đến gián điệp nghe lén đều diễn ra trong những căn phòng đóng kín. Nhưng, chính quyền Ấn Độ có lẽ muốn công khai thương lượng với các công ty viễn thông. Không chỉ có BlackBerry, mà chính quyền Ấn Độ còn muốn khai thác thông tin ở Skype và Gmail. C-DOT là trung tâm phát triển công nghệ viễn thông của chính quyền Ấn Độ, được thành lập tháng 8-1984, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối internet của người dân nước này.
Trong những năm đầu mới thành lập, C-DOT đã làm một cuộc cách mạng viễn thông ở các vùng nông thông Ấn Độ, mở ra cơ hội cho người dân được kết nối toàn cầu. Trong quá trình phát triển, C-DOT đã xây dựng được cơ sở hạ tầng quy mô với những trang thiết bị hiện đại bắt kịp xu hướng phát triển thông tin của thế giới. C-Dot đã phát triển được các sản phẩm trong lĩnh vực quang học, vệ tinh và giao tiếp không dây. Nhân lực của C-DOT cũng bao gồm đội ngũ những chuyên gia là kỹ sư tài năng.
Những chiến dịch bí mật của tình báo Ấn Độ ở nước ngoài
K. Dhar – tác giả cuốn sách Các bí mật mở: Tiết lộ về tình báo của Ấn Độ – chỉ ra rằng: “Các chiến dịch của RAW nhằm chống phá các quốc gia khác trong khu vực được tiến hành với kỹ năng và tính chuyên môn cao, bao gồm sự thiết lập mạng lưới điệp viên ngầm khổng lồ bên trong các quốc gia mục tiêu. RAW sử dụng hệ thống tuyên truyền mạnh, sự bất đồng về chính trị, sự xung đột chủng tộc, tình trạng kinh tế yếu kém và các yếu tố tội phạm để tổ chức các hoạt động phá hoại ngầm và khủng bố nhằm làm suy yếu các nhà nước mục tiêu phục vụ cho những tham vọng khu vực của chính quyền Ấn Độ”.
Việc sử dụng các chiến thuật khác nhau tùy theo từng nước thể hiện rõ những gì mà M. K. Dhar đã viết trong cuốn sách. Theo kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng của RAW, vào ngày 30-11-1988, 400 lính đánh thuê tinh nhuệ xâm nhập thủ đô Male của Maldives và thủ tướng Ấn Độ lúc đó là Rajiv Gandhi nhanh chóng phản ứng với quyết định gửi khoảng 1.600 binh sĩ sang đảo quốc đánh bật bọn tấn công ra khỏi các đường phố.
Bằng cách này, Maldives đã hoàn toàn nằm dưới sự ảnh hưởng của Ấn Độ. Sri Lanka là một ví dụ chưa từng có về sự xâm nhập của điệp viên RAW khi nước này chìm sâu vào bạo lực trong thời thời gian dài. Theo tiết lộ của Ủy ban Jain (do chính quyền Ấn Độ thành lập để điều tra vụ ám sát Thủ tướng Rajiv Gandhi), từ năm 1981, RAW đã lập ra 30 căn cứ huấn luyện ở Ấn Độ nhằm mục đích ủng hộ ngầm Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) và một số thành viên của nhóm này thậm chí còn nằm trong bảng lương của cơ quan tình báo.
Trong quá khứ, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói với Tổng thống Siri Lanka Mahinda Rajapaksa rằng quyền và sự an toàn của cộng đồng người Tamil (ở miền Nam Ấn Độ và miền Bắc Sri Lanka) cần được duy trì. Trong suốt nhiều năm dài, chính quyền Ấn Độ cũng công khai can thiệp vào nội bộ của Nepal bằng cách sử dụng RAW để gây xung đột nội bộ nước này nhằm gây mất ổn định và thành lập chính phủ bù nhìn thân Ấn Độ. Năm 2001, RAW cũng đóng vai trò chủ chốt trong vụ thảm sát chín thành viên của hoàng gia Nepal khi ông vua nước này muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Ấn Độ.
Khi chính quyền Nepal muốn ngả theo Trung Quốc – quốc gia mà New Delhi coi là đối thủ chiến lược trong khu vực – lập tức mạng lưới điệp viên RAW thâm nhập sâu vào Quốc hội Nepal và các cơ quan chính quyền khác để gây xáo trộn nhằm lôi kéo nước này trở lại chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Về phía Banghladesh, RAW cũng tạo ra một đội quân nổi dậy gọi là Shanti Bahini (Những chiến binh vì hòa bình).
Từ đó, RAW ra sức huấn luyện cho những chiến binh của các bộ tộc Chakma và Shanti Bahini để tiến hành những hoạt động phá hoại ở Bangladesh. Ngày 17-8-2005, những bộ não khó hiểu của RAW liên tục gây xáo trộn nhiều khu vực khác nhau của Bangladesh với 370 vụ nổ. Những cuộc điều tra sau đó cho thấy rõ mục đích của RAW là gây mất ổn định nhà nước Bangladesh thân Trung Quốc. Nhưng, Pakistan đặc biệt là quốc gia phải hứng chịu nhiều chiến dịch phá hoại bí mật của RAW.
Dựa vào mạng lưới điệp viên đông đảo và chuyên nghiệp của mình, vào năm 1971 RAW đã cố gắng hết sức để gây tình trạng chính trị rối ren và bạo loạn ở Đông Pakistan. Mưu đồ của RAW là chia cắt đất nước Pakistan và từ đó dẫn đến việc thành lập nhà nước Bangladesh. New Delhi cho thành lập hơn 200 văn phòng ngoại giao và trại huấn luyện ở Afghansitan để giúp điệp viên RAW, với sự hỗ trợ chiến thuật của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ra sức làm suy yếu ảnh hưởng của Pakistan ở nước này.
Ngoài ra, hơn 20.000 phần tử khủng bố được RAW sắp đặt để xâm nhập vào những khu vực rối loạn ở Pakistan. Số người này đã liên tục tiến hành nhiều vụ đánh bom liều chết, nổ bom nơi công cộng và thực hiện các vụ ám sát có mục tiêu ở Pakistan, giết chết nhiều nhân viên an ninh cũng như người dân vô tội nước này.
Những hoạt động của RAW càng nổi bật ở Kashmir – khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Từ năm 1989, quân đội Ấn Độ đã hỗ trợ mạnh mẽ mọi hoạt động của RAW, giúp cơ quan tình báo gây xáo trộn cuộc sống của người Kashmir. Trong những năm sau này, hàng trăm ngôi mộ vô danh với ít nhất 2.000 xác chết được phát hiện ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Những người Kashmir này được cho là đã bị RAW tra tấn đến chết.
Nhưng, một trong những vai trò quan trọng hàng đầu của RAW là phá hoại mối quan hệ chiến lược Trung Quốc – Pakistan. Trong bối cảnh hiện tại, sức mạnh kinh tế đang tăng nhanh của Trung Quốc đi đôi với quan hệ chiến lược của quốc gia khổng lồ này với thế giới thứ 3 đã gây xốn mắt cho Ấn Độ và Mỹ. Do đó, sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ấn Độ với chiếc ghế thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và hiệp ước hợp tác hạt nhân giữa Mỹ và Ấn Độ là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm biến Ấn Độ thành sức mạnh đối trọng với Trung Quốc ở châu Á.
Trong khi đó, Bắc Kinh và Islamabad cũng có những bước đi quan trọng nhằm tăng cường hợp tác phòng thủ chung của họ. Ví dụ: hai quốc gia đã ký kết nhiều hiệp ước nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm năng lượng, viễn thông, thương mại và công nghệ hàng không vũ trụ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đồng ý cung cấp các lò phản ứng hạt nhân cho Pakistan. Đáp lại, Trung Quốc được Pakistan cho phép sử dụng các cảng Gwadar và Karachi để vận chuyển hàng hóa đến Trung Quốc và châu Phi.