Mẹ em và bà chuyên viên tham vấn tâm lý học đường (school counselor) muốn tôi tham vấn cho em vì tôi chuyên về các ca trầm cảm và rối loạn cảm xúc. Mẹ em kể trong chuyến đi chơi cùng với gia đình trên một chuyến du thuyền cuối mùa hè vừa rồi, em đã cảm thấy tổn thương nặng nề và nói với mẹ: “Nếu mẹ không muốn thấy con nữa cũng được” chỉ vì bà mẹ đã nói “Nếu con không thích đôi dép Birkenstock đó nữa thì cũng đừng tỏ vẻ khó chịu như vậy”.
Birkenstock là công ty chuyên sản xuất dép và xăng-đan tại Đức, mỗi đôi thường trên dưới 100 USD. Để thực hiện ý muốn không cho mẹ thấy lại mặt mình nữa, em đã tự tử sau chuyến đi! May là sau khi uống thuốc, em đã gọi cậu em họ chở đến phòng cấp cứu và… báo tin cho tất cả bạn bè, thầy cô trên Facebook rằng mình đang trên đường đến phòng cấp cứu.
Dĩ nhiên tôi sẽ tiếp nhận ca này khi em quay trở lại trường, tham vấn cho em và tư vấn cho cả phụ huynh. Tôi sẽ điều tra thêm về các chi tiết như tiền sử sức khỏe tâm thần của học sinh, phương pháp khen thưởng và kỷ luật của phụ huynh, kỳ vọng và sự hỗ trợ của phụ huynh, cách trao đổi – truyền đạt giữa phụ huynh và học sinh.
Có những thông tin này tôi mới quyết định được sẽ điều chỉnh nhận thức và hành vi của học sinh đó như thế nào, hướng dẫn các phương pháp điều hòa cảm xúc ra sao, và bổ túc cho phụ huynh các thiếu sót khi dạy con. Thế nhưng một câu hỏi hiện ra trong đầu tôi: Phải chăng chúng ta đang đối diện với một thế hệ quá mỏng manh, dễ đổ vỡ về tâm lý?
Nhìn kỹ thì có gì đó “sai sai” trong hiện tượng “dễ tổn thương tình cảm” của thế hệ trẻ này và có cả điều gì đó bất thường trong tiếp cận của cha mẹ đối với con cái. Nhìn vào những gia đình trung lưu thành thị hiện nay, chúng ta đang thấy khác biệt lớn lao về cách dạy dỗ và chăm sóc tinh thần của cha mẹ so với thời xưa. Trước kia, nhiều bậc cha mẹ chỉ biết chăm sóc cơm ăn áo mặc cho con cái và xem đó là đầy đủ bổn phận. Khi đối diện với cảm xúc của con, cha mẹ – nhất là những ông bố vẫn quan niệm “khóc là nhục, rên là hèn, van xin là yếu đuối”, nên con cái phải ráng nghiến răng chịu đựng cuộc đời.
Thời nay, chúng ta lại đi quá đà trong việc bảo bọc và nuông chiều con cái theo kiểu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Tại một số nước với chính sách chỉ có từ một đến hai con, mỗi đứa trẻ lại còn có “nguy cơ” trở thành công chúa và hoàng tử trong vương quốc gia đình. Con muốn gì ta cho con nấy, từ gói bim bim đến cái iPad, từ bộ quần áo, đôi giày thời trang thậm chí đến chiếc xe gắn máy bóng loáng.
Đó là chuyện vật chất, còn chuyện tinh thần chúng ta bảo bọc con khỏi tất cả những thách thức của cuộc sống, đặc biệt là những chuyện bất ưng ý, thất vọng hay nhàm chán. Rõ ràng chúng ta đã biết quan tâm đến giới trẻ một cách toàn diện hơn, có nhiều tri thức về sự phát triển và biểu lộ cảm xúc của chúng hơn. Nhưng dường như chúng ta đã quan tâm chăm sóc rất nhiều nhưng lại đòi hỏi trách nhiệm và bổn phận từ con chẳng bao nhiêu.
- Xem thêm: Khi thế hệ Z đơn độc chọn đồng hành ảo
Bác sĩ Bruce McIntosh, Phó giám đốc khoa Nhi Trung tâm Y tế St. Vincent’s ở Jacksonville gọi hiện tượng một số trẻ có những hành vi ấu trĩ và ích kỷ là Hội chứng trẻ hư hỏng (Spoiled Children Syndrom). Nguyên do là vì phụ huynh không biết đề ra và áp dụng những giới hạn nhất quán và phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Giáo sư Michael Ungar, chuyên ngành Công tác xã hội của Đại học Dalhousie cho biết có nhiều bằng cứ cho thấy sự bảo bọc và cẩn thận quá đáng của phụ huynh tầng lớp trung lưu đã ngăn cản con cái cơ hội để trải nghiệm sự phát triển tâm lý xã hội cần thiết, đồng thời làm con thiếu sự chuẩn bị để bước vào tuổi trưởng thành và tự lập.
Vì sao vậy? Theo chuyên gia tâm lý Jeffrey Pickar tại Bệnh viện McLean bang Massachusetts, có thể một số phụ huynh muốn bù đắp cho tuổi thơ khổ cực của mình với đói nghèo hay đòn roi nên đã đi quá đà trong chiều chuộng con. Trong một số trường hợp khác thì do hoàn cảnh, như chuyên gia tâm lý Richard Foxx mô tả: Cha hay mẹ đơn thân, cha mẹ chỉ có một con và cha mẹ quá bận bịu công việc không muốn con “không vui” với mình, bù đắp cho con những gì mà họ nghĩ con thiếu, đến nỗi phải nhượng bộ những yêu cầu và cơn giận dữ của con.
Một số cha mẹ khác đã quên lúc nhỏ mình đã học tập những kỹ năng tự lập như thế nào lại không kiên nhẫn với tốc độ tiếp thu mà họ cho là chậm chạp của con cái. Trẻ con cần thời gian để học, từ những chuyện đơn giản như ăn cơm mặc áo, dọn dẹp nhà cửa, giữ gìn sách vở đến những chuyện khó hơn như làm toán, làm văn hay giao tiếp với thầy cô, bạn bè. Hãy quan sát loài vật chung quanh chúng ta để thấy rằng (con vật) mẹ đã kiên nhẫn dạy con từng kỹ năng ra sao.
Chúng ta có thể nói trẻ làm sai là để trẻ nhận thức và sẽ làm đúng; qua đó chúng có thể học được bài học về quy luật nhân quả trong các hiện tượng vật lý, sinh học, tâm lý và cả xã hội. Nhờ lãnh những hậu quả tự nhiên như đút tay vào lửa thì bị phỏng, ăn không sạch thì rối loạn tiêu hóa, đòi hỏi nhiều thì thất vọng, khắc nghiệt quá thì cô đơn mà trẻ tự điều chỉnh được nhận thức và hành vi của mình ngày một tự tại và tự do hơn.
Với sự chăm sóc “đặc biệt” như thế, trẻ lớn lên vẫn cứ muốn được cung phụng dù tiếp tục ở nhà với cha mẹ hay sống với vợ/chồng; chúng vẫn muốn sống đời sống cơm dâng nước rót hoặc nói theo phương Tây là vẫn muốn “tiếp tục sống đời sống như ở khách sạn”. Nếu việc ỷ lại chỉ làm hại nhân cách của trẻ là một thì sự sợ hãi phải sống tự lập lại làm hại nhân cách của trẻ đến mười.
Những đứa trẻ khi được cha mẹ tức thì đáp ứng mọi nhu cầu vật chất lẫn tinh thần sẽ có nguy cơ không học được tính kiên nhẫn. Những đứa trẻ không tập được thói quen trì hoãn sự hưởng thụ sẽ khó mà học được bài tập tiết kiệm. Chúng cũng sẽ thiếu ý chí xây dựng sự nghiệp, không trì chí gian khổ trong những bước đầu lập nghiệp. Quả thật chúng ta đang đứng trước một nan đề giáo dục mà không dễ gì không hoang mang. Nhưng có thể chúng ta quên mất một điều đơn giản nào đó trong quy luật tâm sinh lý.
Có vượt qua gian nan, con mới hài lòng thấy giá trị của bến bờ bình an. Còn nếu cứ tạo cho con một vỏ bọc an toàn và vui vẻ, cách ly con với mọi khó khăn của cuộc đời và cả nội tâm của con thì con sẽ sẵn sàng chạy trốn. Con có thể chạy trốn vào những bạn bè, đàn đúm với những thú vui dễ dãi, với rượu chè ma túy, hay vào một thiên đường an bình mộng ảo.
Như một bắp thịt không bao giờ chịu áp lực thì sẽ không bao giờ phát triển, một tinh thần không qua thử thách sẽ không bao giờ kiên định và vững chãi. Có đối mặt khó khăn, con mới hãnh diện vì đã trui rèn ý chí. Nghệ thuật để tự rèn luyện hay giáo dục con cái là khả năng chú ý và điều chỉnh mức độ và tần số cho phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của chúng. Nhẹ và ít quá thì không phát triển; vượt qua ngưỡng chịu đựng được thì bị chấn thương, dù là thể xác hay tinh thần.