Bác sĩ chuyên khoa da liễu Melissa Kanchanapoomi Levin, người sáng lập Entière Dermatology ở New York, giải thích: “Đổ mồ hôi là một hiện tượng bình thường, cho phép cơ thể tự làm mát để không bị nóng quá mức.
Nhưng nếu đổ mồ hôi ướt đẫm áo, nóng quá mức ngay cả khi trời mát hoặc dùng nhiều chất ngăn tiết mồ hôi vẫn không có kết quả, có thể là do một số bệnh lý khác nhau”.
Rối loạn tăng tiết mồ hôi
Nếu đổ mồ hôi khi nghỉ ngơi trong một căn phòng mát mẻ, bạn có thể mắc hội chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis) – một rối loạn do tăng tiết mồ hôi quá mức. Những người bị hyperhidrosis thường đổ mồ hôi mà không cần làm mát cơ thể.
Đôi khi hyperhidrosis là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn như nhiễm trùng hay vấn đề về tim, tuyến giáp hoạt động quá mức, thậm chí ung thư, hoặc cũng có thể do các dây thần kinh hoạt động quá mức báo hiệu cơ thể tiết nhiều mồ hôi.
Lúc này, mồ hôi chảy thấm ướt áo, chảy thành giọt ở các đầu ngón tay, trên mặt hoặc bên trong vớ. Để khắc phục, hãy sử dụng chất ngăn tiết mồ hôi, thay vì chất khử mùi.
Nếu mồ hôi vẫn còn, hãy đến bác sĩ chuyên khoa để có cách xử trí hợp lý. Trường hợp này, có thể uống thuốc hoặc phẫu thuật.
- Xem thêm: Khi mồ hôi đổ ra khác thường
Bệnh về tuyến giáp
Nếu nóng và đổ mồ hôi, đứng thẳng người cũng không thể chịu đựng nổi sức nóng, có thể do tuyến giáp hoạt động quá mức, còn gọi là cường giáp.
Bác sĩ nội khoa Jonathan Arend, Bệnh viện The Mount Sinai (New York), cho biết: “Một trong những triệu chứng phổ biến của cường giáp là không thể chịu được sức nóng. Tuyến giáp điều hòa sự trao đổi chất, nếu hoạt động quá mức sẽ “làm nóng” các cơ quan trong cơ thể.
Còn theo bác sĩ David Weissman của LiveHealth Online: “Lượng hormon tuyến giáp cao hơn làm tăng sự sản sinh năng lượng, thân nhiệt tăng cao và tiết nhiều mồ hôi. Những dấu hiệu khác của cường giáp là tăng nhịp tim, nhịp tim bất thường, tăng áp lực máu và giảm cân không rõ lý do. Tuy nhiên, bệnh cường giáp rất dễ chẩn đoán và được chữa trị bằng thuốc”.
Thuốc uống
Một số thuốc phổ biến như các loại thuốc thông mũi, thuốc chữa rối loạn cương dương và một số thuốc chữa trầm cảm có thể gây tác dụng phụ thường gặp là tăng tiết mồ hôi. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là ngưng dùng thuốc – hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xem liệu có sự chọn lựa khác mà không gây tiết nhiều mồ hôi.
Bệnh tiểu đường, có thể do sốc insulin
Nếu bạn bị bệnh tiểu đường và cảm thấy bồn chồn, đầu có cảm giác lâng lâng và đổ mồ hôi, bạn có thể bị sốc insulin hoặc giảm lượng đường trong máu.
Trong trường hợp này, khi cơ thể gắng sức để đối phó với căng thẳng, các tuyến mồ hôi sẽ hoạt động quá mức, từ đó tăng tiết mồ hôi, ngay cả khi bạn không cảm thấy quá nóng.
Trong thời gian ngắn, việc dùng viên glucose hoặc uống ít nước ép trái cây có thể giúp tăng lượng đường huyết. Tuy nhiên, hạ đường huyết nếu không được chữa trị có thể dẫn đến co giật, thậm chí mất nhận thức. Do vậy, nếu bạn có những triệu chứng bệnh nhiều lần trong ngày, hãy đến gặp bác sĩ.
- Xem thêm: Phòng tránh say nắng ngày nóng
Đổ mồ hôi ban đêm có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư, tuy hiếm gặp
Đổ mồ hôi ban đêm có thể là phổ biến – lo lắng, căng thẳng và những vấn đề về giấc ngủ có thể thường gặp ở người khỏe mạnh.
Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm, có thể là một dấu hiệu của ung thư như ung thư máu, bạch cầu, thận và tuyến giáp. Khi cơ thể nóng lên để chống lại một trường hợp nhiễm trùng, hệ thống miễn dịch phải hoạt động nhiều để xử lý các mối đe dọa khác bao gồm bệnh ung thư.
Nếu bạn thường xuyên đổ mồ hôi ban đêm, ngay cả sau khi sử dụng tấm cách nhiệt, và kèm theo các triệu chứng khác như giảm cân không rõ lý do hoặc sốt, hãy đến gặp bác sĩ.