Theo nghiên cứu mới công bố của Công ty Kiểm toán PwC Việt Nam, chu kỳ tiền mặt (Cash to Cash cycle – C2C) của doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 68 ngày cho năm tài khóa 2017, cao gấp hai đến gần ba lần so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đánh giá của PwC cho thấy hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt trong bốn năm qua đang tồn tại nhiều mối lo ngại.
Bài học từ sự sụp đổ của các chuỗi bán lẻ toàn cầu
Nghiên cứu “Tăng trưởng bền vững và khả năng thanh khoản” trên của PwC được thực hiện với 400 doanh nghiệp lớn nhất tính theo doanh thu đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Một trong những điểm quan trọng nhất mà nghiên cứu đã chỉ ra là các doanh nghiệp đang sử dụng các yếu tố của vốn lưu động làm đòn bẩy tăng doanh thu, tuy nhiên không thể chuyển đổi lợi nhuận thành tiền.
Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI) cũng ghi nhận, tính đến năm 2017 giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam đạt mức 120 tỉ USD, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hằng năm gần 10% trong giai đoạn 2012-2017…
Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương với mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ nay đến năm 2022. Điều này là do mức tiêu dùng cá nhân tăng lên song song với nền kinh tế tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tối thiểu gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo phân tích của PwC Việt Nam, bên cạnh các yếu tố vĩ mô thì thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng Việt đang định hình lại cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ. Điển hình là tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và internet cao đang thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử, thể hiện ở sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này. Việc tìm nguồn cung ứng và gia công hàng hóa ở các nước trong khu vực cũng đang trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Trước xu hướng trên, giải phóng tiền mặt và quản lý vốn lưu động cần trở thành yếu tố ưu tiên, cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức của một số doanh nghiệp về vốn lưu động còn bị giới hạn vào các khoản mục trên bảng cân đối kế toán và nguồn tiền bị tắc nghẽn.
Sự sụp đổ gần đây của một số chuỗi bán lẻ hàng đầu thế giới như Toys “R” Us, Sears, Rockport… đã cho thấy sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hơn các rủi ro, cũng như các trình tự thanh toán. Quản lý hàng tồn kho tốt hơn cũng sẽ tăng khả năng thích ứng nhanh chóng của các công ty trước nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.
Chú trọng hơn trong quản lý vốn lưu động
Ông Johnathan Ooi, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn của PwC Việt Nam cho biết: “Trong các dự án mà PwC đã tư vấn, chúng tôi thấy nhiều trường hợp các công ty có tham vọng mở rộng với tốc độ theo cấp số nhân nhưng cuối cùng lại cạn kiệt tiền mặt và phải rất khó khăn mới tồn tại được. Tăng trưởng doanh thu đi cùng với sự tăng trưởng của lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là điều doanh nghiệp cần làm để phát triển bền vững”.
Theo PwC, tại Việt Nam, trong năm tài chính 2017 (FY17), tổng số tiền mặt bị mắc kẹt trong vốn lưu động của các công ty ở Việt Nam hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng lên đến 3,4 tỉ USD, trong đó 1,9 tỉ USD là lượng tiền mặt bị mắc kẹt trong ngành bán lẻ. Lượng tiền này đã tăng trung bình 15% mỗi năm.
Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 40% vốn lưu động. Hiệu quả vốn lưu động của một công ty thường được đo lường bằng C2C (được xác định bằng phương pháp lấy tổng chu kỳ phải thu khách hàng và chu kỳ hàng tồn kho, trừ đi chu kỳ phải trả người bán) hay số ngày trung bình mà một công ty cần để chuyển đổi nguyên vật liệu đầu vào thành tiền.
Đối với ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam, C2C kéo dài thêm 30 ngày trong bốn năm qua. Điều này chủ yếu là do quản lý chưa hiệu quả đối với các chu kỳ hàng tồn kho và chu kỳ phải thu khách hàng. Mặt khác, trong lĩnh vực bán lẻ, C2C đã được rút ngắn 11 ngày từ FY13 đến FY17 do những cải thiện trong quản lý hàng tồn kho, và kéo dài thời hạn thanh toán với nhà cung cấp.
Trong năm tài chính 2017, ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam có C2C cao nhất so với tất cả các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và toàn cầu. Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng tại Việt Nam tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và toàn cầu về việc quản lý khoản phải thu khách hàng và hàng tồn kho, cũng như khoản phải trả người bán. Ngược lại, ở ngành bán lẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia có C2C ngắn nhất, chỉ sau Úc, Mỹ và Canada trong năm tài chính 2017.
Theo các chuyên gia trong hai ngành trên, để vững bước trong tương lai, việc quản lý vốn lưu động cần được nhìn nhận như chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp. “Điều quan trọng là các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ cần sử dụng vốn lưu động tốt hơn để kịp thời thích ứng với thế giới luôn đổi thay”, ông Mohammad Mudasser, lãnh đạo dịch vụ tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam, nhận định.
“Nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ nhờ lãi suất cho vay được giữ ở mức tương đối thấp, do đó khủng hoảng tín dụng không phải là vấn đề lớn với các doanh nghiệp khi nguồn vốn vay mượn vẫn còn dồi dào và sẵn có.
Liệu điều này còn tiếp diễn lâu dài không? Liệu doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn vốn vay mượn? Các doanh nghiệp cần phải chú trọng tới quản lý vốn lưu động hay kiểm soát dòng tiền để đảm bảo nguồn vốn cần thiết nhằm cạnh tranh hiệu quả trong môi trường kinh doanh hiện nay. Đối với các công ty hoạt động hiệu quả, các yếu tố của vốn lưu động có thể được sử dụng làm phương tiện để tăng doanh thu”, ông Mudasser kết luận.