Có mối quan ngại rằng các nước ASEAN đang lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc ngày càng nhiều và liệu với tầm ảnh hưởng đang lan rộng nhanh chóng, Trung Quốc sẽ sử dụng đòn trừng phạt kinh tế để giải quyết những khác biệt về chính trị của họ với các nước láng giềng hay không?
Sách lược này từng được áp dụng khi đầu năm 2017, Bắc Kinh trừng phạt Hàn Quốc vì nước này lắp đặt Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối, bằng cách tăng cường khảo sát Tập đoàn Lotte Mart của Hàn Quốc, dẫn đến việc 74/99 cửa hàng bán lẻ của tập đoàn này ở Trung Quốc phải đóng cửa. Họ cũng khuyên các doanh nghiệp dừng việc đưa các đoàn du lịch đến Hàn Quốc, hậu quả là lượng khách du lịch Trung Quốc ở Hàn Quốc giảm mạnh trong năm 2017.
Philippines cũng từng khốn đốn bởi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu chuối từ nước này vào năm 2012 với lý do không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kiểm dịch. Lệnh cấm chỉ mới được dỡ bỏ vào năm ngoái khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định theo đuổi lập trường thân thiện hơn với Bắc Kinh.
“Bất cứ ngành nào phụ thuộc quá lớn vào bên ngoài như ngành du lịch ở Thái Lan, ngành trồng chuối ở Philippines và ngành khai thác ở Indonesia đều dễ bị tổn thương. Chúng ta có thể hình dung rằng Trung Quốc sẽ dễ dàng gây cản trở cho các ngành đến mức nào”, Dane Chamorro, Giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Tư vấn Rủi ro toàn cầu – Control Risks (Singapore), nói.
Cách đây hơn một năm, các lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên minh Mặt trận dân tộc ở Malaysia bày tỏ lo ngại sau khi Thủ tướng Malaysia Najib Razak mang về các thỏa thuận hợp tác kinh tế trị giá 34 tỉ USD trong chuyến thăm Bắc Kinh. Họ nói rằng các thỏa thuận này không chỉ chồng chất thêm gánh nợ hàng tỉ đôla cho Malaysia mà còn mở cánh cửa để Trung Quốc tác động trực tiếp hơn đến các vấn đề nội bộ của Malaysia.
Dự án đường sắt kết nối Thái Lan và miền Nam Trung Quốc thông qua Lào cũng vấp phải sự phản đối. Nhiều ý kiến ở Thái Lan chỉ trích những đòi hỏi quá mức của Trung Quốc trong dự án này cũng như việc Trung Quốc đưa ra các mức lãi suất cho vay quá cao. Tuy nhiên, hồi tháng 7, nội các Thái Lan đã tán thành triển khai xây dựng giai đoạn 1 của dự án.
Tại Myanmar, dự án đường ống dẫn dầu trị giá 10 tỉ USD của Trung Quốc có liên quan đến dự án “Vành đai và con đường” đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối. Người dân bức xúc vì lo ngại dự án này đe dọa đến môi trường và cho rằng họ không được bồi thường đầy đủ khi bị di dời để lấy đất phục vụ dự án.
Sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngày càng lớn là một mối lo ngại nữa đối với các nước trong khu vực có những điểm yếu cơ bản trong nền kinh tế. Mức tăng trưởng tiêu dùng ở các nước như Indonesia và Philippines đang trì trệ dù hai nước này đang đạt mức tăng trưởng GDP cao. Các nguồn đầu tư từ nước ngoài ngoại trừ Trung Quốc ở Indonesia đang chậm lại. Tại Thái Lan, đồng baht đang tăng giá trong những tháng gần đây, gây áp lực cho các nhà xuất khẩu.
Qua sự kết nối đáng kể với các nước Đông Nam Á và thương mại xuyên biên giới, gần đây có thông tin cho rằng Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng về kinh tế thông qua các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời Trung Quốc và một số nước ASEAN đang cố gắng giải quyết các tranh chấp về quyền hàng hải ở Biển Đông. Nếu các tranh chấp này vẫn không được giải quyết thì có thể Bắc Kinh sẽ nỗ lực sử dụng ảnh hưởng đòn bẩy kinh tế của họ để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược ở Biển Đông và bên ngoài khu vực này. Họ cũng có thể cố gắng sở hữu các tài sản cơ sở hạ tầng ở các nước ASEAN nhằm phục vụ cho các lợi ích quốc gia.
Từ năm 2005 đến 2015, thương mại của ASEAN với Trung Quốc và với Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, lần lượt ở mức 13% và 11%/năm, so với tốc độ tăng trưởng thương mại khiêm tốn ở mức 4% đến 5% với Mỹ, Nhật Bản và EU.
Thương mại của ASEAN với Trung Quốc tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2005-2015, cao hơn mức tăng đối với các dòng chảy bên trong chính khu vực ASEAN và thương mại của khối này với Hàn Quốc.
Tỷ trọng của các nền kinh tế tiên tiến trong tổng thương mại của ASEAN đã và đang giảm sút, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc đang gia tăng. Phần đóng góp của Hàn Quốc chắc chắn đang tăng lên, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với bước nhảy vọt của Trung Quốc. Khi các công ty đa quốc gia tiến hành các hoạt động sản xuất đơn lẻ trên nhiều quốc gia trong vài thập niên qua thì Trung Quốc và các nền kinh tế ASEAN đã trở nên gắn kết với nhau trong một mạng lưới các hệ thống sản xuất của khu vực, do đó gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau của họ.
Theo dữ liệu cấp quốc gia, tính đến năm 2015, tất cả các nền kinh tế ASEAN, ngoại trừ Singapore, đều có thâm hụt thương mại ngày càng cao với Trung Quốc trong giai đoạn 2008-2015. Điều này dẫn đến mối quan ngại với các nhà hoạch định chính sách vì đây là dấu hiệu tồi tệ về các chính sách.
Trung Quốc còn là một bên tham gia quan trọng đối với hàng xuất khẩu của toàn bộ ASEAN và quan trọng hơn thế đối với hàng nhập khẩu của họ. Điều này chứng tỏ Trung Quốc đang hưởng lợi nhiều hơn từ sự tiếp cận thị trường Đông Nam Á thay vì ngược lại. Không đối tác thương mại nào khác (ngoại trừ chính khu vực ASEAN) lại có một vị thế quan trọng như thế đối với đa số hàng xuất khẩu và nhập khẩu của các nền kinh tế ASEAN.
Có thể nói, tầm quan trọng của Trung Quốc trong toàn bộ mô hình thương mại của Đông Nam Á đang tăng lên. Đặc biệt đối với Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, những nước có thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc, cho thấy họ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc để có được hàng hóa nhập khẩu. Trung Quốc là một thị trường xuất khẩu chủ chốt đối với một số nước ASEAN, đứng đầu là Lào và Myanmar.
Dựa trên điều này, người ta có thể nói rằng sự phụ thuộc về thương mại của các nước ASEAN vào Trung Quốc là cao so với các đối tác thương mại khác, có khả năng đặt Trung Quốc vào vị thế mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy nghị trình chính trị của họ trong khu vực. Chẳng hạn như các tuyên bố chủ quyền hàng hải, hoặc gây áp lực với các nước nhỏ buộc phải duy trì khoảng cách với sự hiện diện an ninh của Mỹ ở Đông Á. Trong số các nước ASEAN, Trung Quốc xem Campuchia là nước thân tín và tận dụng mối quan hệ với quốc gia này để tác động đến các quyết định chính sách của khu vực như đã từng làm.
Trên một lĩnh vực khác, tầm quan trọng của Trung Quốc với tư cách một nước đầu tư vẫn còn khiêm tốn. FDI của Trung Quốc chỉ quan trọng đối với Lào, Campuchia và Myanmar. Tỷ trọng của FDI Trung Quốc còn tăng lên, nếu xem Hongkong là một cửa ngõ đầu tư đối với phần còn lại của khu vực.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính tới cuối năm 2012, Trung Quốc mới chỉ là nguồn vốn FDI lớn thứ bảy ở Đông Nam Á cả về tổng số vốn đăng ký lũy kế, cũng như các dòng vốn mới. Khối lượng FDI trong khu vực của Malaysia lớn gần gấp rưỡi so với Trung Quốc, vốn của Nhật Bản hay Mỹ đều lớn hơn khoảng năm lần.
Tính riêng ở một số nước, vốn của Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan lớn gấp đôi so với đầu tư của Trung Quốc vào tất cả 10 quốc gia trong khu vực. Vào cuối năm 2013, Mỹ chiếm 1/7 lượng tiền đầu tư trực tiếp vào Singapore, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm dưới 1/50. Tại quốc gia bị coi là có sự phụ thuộc lớn vào kinh tế Trung Quốc như Philippines thì lượng vốn mà Bắc Kinh bỏ vào cũng chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng số vốn FDI. Vốn đầu tư của Nhật Bản lớn gấp 20 lần, còn Mỹ gấp 25 lần Trung Quốc. Thậm chí lượng tiền đầu tư của các doanh nghiệp Philippines vào Trung Quốc còn gấp đôi vốn mà các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ngược lại.
Đến năm 2014, Trung Quốc vẫn chỉ là nguồn vốn FDI lớn thứ sáu tại Đông Nam Á, chiếm 6,1% tổng số vốn được phê duyệt. Nhật Bản là nguồn lớn nhất chiếm 19,1%. Thực tế là, dù các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đang diễn ra mạnh mẽ tại các thị trường trọng điểm như Mỹ hay châu Âu, dường như Đông Nam Á không nằm trong mục tiêu của họ.
Do đó không thể kết luận rằng Trung Quốc là một nhân tố chi phối về FDI ở Đông Nam Á như có thể làm trên lĩnh vực thương mại. Ngoài các thành viên Campuchia, Lào và Myanmar kém phát triển hơn các nước khác trong khu vực, Bắc Kinh không thật sự có khả năng giữ các nước ASEAN làm “con tin” về kinh tế để thúc đẩy những nhu cầu chiến lược của mình.
Tại “võ đài” Đông Nam Á, cuộc tranh giành vị trí ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa đi đến hồi kết. Tuy nhiên, các chỉ số về quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại giữa các nước Đông Nam Á với hai cường quốc này, đã có thể nhìn thấy phần nào tầm ảnh hưởng của họ.
Theo đó, Trung Quốc đang chiếm ưu thế về thương mại khi giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất với các quốc gia trong khu vực. Ngược lại, với Trung Quốc thì các quốc gia Đông Nam Á là đối tác thương mại lớn thứ ba, trong khi với Mỹ thì thương mại khu vực này chỉ đứng vị trí thứ tư. Tuy nhiên, Mỹ lại chiếm ưu thế tuyệt đối về đầu tư, Đông Nam Á là khu vực nhận được nhiều đầu tư nhất từ các doanh nghiệp Mỹ trên khắp thế giới, với tổng giá trị khoảng 226 tỉ USD trong năm 2015.
Theo phân tích của tờ The Diplomat, về lâu dài tình trạng hiện tại sẽ thay đổi theo chiều hướng gia tăng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ và giảm dần vai trò của Trung Quốc. Việc Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nước Đông Nam Á trong vài năm trở lại đây là kết quả của việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng, nhu cầu nhập khẩu năng lượng, nguyên vật liệu thô và hàng hóa từ các nước trên thế giới lớn, trong đó, do cơ cấu hàng hóa, các quốc gia Đông Nam Á đã chiếm một tỷ lệ quan trọng. Vì thế, khi nền kinh tế thứ hai thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nhập khẩu giảm hẳn, thì tất yếu tỷ trọng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với khu vực này cũng giảm.
Việc một loạt các nước như Thái Lan, Philippines hay Malaysia tăng trưởng chậm lại trong năm 2015 là một dẫn chứng cho thấy hầu hết các nước này rơi vào tình trạng giảm mạnh xuất khẩu do bị tác động từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Như vậy, có thể nói, sự tăng vọt trong trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Đông Nam Á chỉ mang tính ngắn hạn. Trong khi, so sánh về mức độ đầu tư có quy mô lớn, bài bản và lâu dài tại các nước ASEAN thì Trung Quốc không thể so sánh với Mỹ.
- Tổng hợp