Chúng tôi gặp nhau vào một buổi chiều tháng Giêng. Thúy Loan mặc một bộ vét đen, áo sơ mi màu hồng nhạt, lịch lãm. Gió thổi mát rượi nơi chúng tôi ngồi, một buổi chiều thanh thản và yên bình. Chị nói cuộc sống cứ trôi qua ồn ã, bận rộn quá, hiếm có khi nào thật yên như thế này để nhớ…
Là người khá kín tiếng và lặng lẽ, ít khi bộc lộ cuộc sống riêng tư, nhưng khi đụng đến ký ức ngày xưa, đến quãng đời vất vả mưu sinh và tự trang bị kiến thức thì bao kỷ niệm lại tràn về trong chị đầy xúc động. Những dồn nén chảy tràn không thể nào kìm giữ được. Có một ngọn lửa nào đó âm ỉ trong giọng nói nhỏ nhẹ của chị khiến cho không khí buổi trò chuyện chợt trở nên ấm áp. Chị biết cách làm cho người ta cười, làm cho người ta hạnh phúc. Bao nỗi cực nhọc vất vả của một thời đầy thử thách dường như chẳng ảnh hưởng gì đến vẻ đẹp của chị.
Nét quyến rũ thanh tao của những phụ nữ Bắc ngày xưa, mỏng mảnh, dịu dàng, đặc biệt là nụ cười đôn hậu. Là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam được trao chứng chỉ ACCA của của Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (Hiệp hội Kế toán – Kiểm toán chuyên nghiệp nổi tiếng quốc tế), từng thành lập công ty kiểm toán của riêng mình, phấn đấu không ngừng nghỉ để lấy được bằng thạc sĩ và sắp bảo vệ luận án tiến sĩ tại Việt Nam… Ý chí và nghị lực mạnh mẽ không làm cô Á hậu TP. Hồ Chí Minh và Hoa khôi Văn hóa sinh viên năm 1989 ngày xưa quên đi những lo toan vất vả thường nhật của người phụ nữ với gia đình, với hai con gái nhỏ…
——
Điều gì đã ảnh hưởng lớn nhất đến quá trình lập thân và ý tưởng kinh doanh của chị?
Tôi ảnh hưởng mạnh từ sự giáo dục của gia đình. Mẹ tôi vốn là cô giáo dạy văn, còn cha tôi xuất thân từ thợ mỏ. Tôi sinh ra ở Uông Bí – Quảng Ninh, sau 1975 gia đình tôi mới trở về Sài Gòn. Ngay từ hồi còn bé tí, mẹ tôi đã dạy tôi rất nhiều về cách sống, cách làm người, cách làm phụ nữ. Bà là người suốt đời chỉ lo cho gia đình con cái, đặc biệt không bao giờ đánh con, lúc nào sai cũng chỉ dạy rất nhỏ nhẹ, ân cần.
Tôi lớn lên trong bầu không khí gia đình vui vẻ, hạnh phúc, cha mẹ lúc nào cũng tạo mọi điều kiện cho con phát triển tốt nhất. Cha tôi là một người kiên cường và xông xáo, từ tay trắng làm nên sự nghiệp. Một người không ngừng nghỉ, luôn tìm kiếm những cơ hội kinh doanh. Bắt đầu khởi nghiệp từ người thợ mỏ, ông đã xây dựng được cả một nhà máy, quản lý bao nhiêu người thợ và kinh doanh thêm nhiều ngành nghề khác.
Chị em tôi tiếp xúc với kinh doanh ngay từ nhỏ, dù lúc ấy có thể chúng tôi chưa hiểu hết, nhưng theo ông điều đó làm cho con cái dạn dĩ hơn, có khả năng tự bảo vệ mình. Mọi quyết định kinh doanh của gia đình đều được đưa ra bàn bạc ngay từ khi chúng tôi còn nhỏ. Mặc dù gia đình giàu có, công nhân rất đông, nhưng ba luôn dạy tôi phải biết lao động.
Ông bảo: “Lao động là gốc con người, nếu không lao động lại thành một cô tiểu thư “bay bổng trên trời”, suốt ngày văn thơ lãng mạn chẳng biết gì hết”. Chúng tôi được cho ăn uống chung với công nhân, mùa hè thì lao động thêm với những việc đơn giản nhất như gọt vỏ xe, cuốn dây điện… Ba tôi rất nghiêm khắc, ông thường căn dặn: “Phải tôn trọng người làm việc cho mình, không được lấy tư cách người chủ để la mắng, đối xử bất công với thợ thuyền, bởi tình người với nhau, bởi người công nhân cần công việc để kiếm tiền, nhưng bản thân họ làm ra tiền cho mình”. Tôi học được từ ông đầu óc kinh doanh, luôn tìm mọi cơ hội cố gắng vươn lên và vượt qua những khó khăn cùng cực nhất của cuộc sống.
Phải tôn trọng người làm việc cho mình, không được lấy tư cách người chủ để la mắng, bởi người công nhân cần công việc để kiếm tiền, nhưng bản thân họ làm ra tiền cho mình.
——
Nhưng vụ đổ bể của nước hoa Thanh Hương hồi năm 1990 đã kéo theo sự phá sản của hàng loạt công ty, trong đó có công ty của gia đình chị… Chị lại trở thành cột trụ chính cho cả gia đình trong cơn khủng hoảng?
Chính sự giáo dục của cha tôi đã khiến chúng tôi không sợ hãi kể cả khi bị “quẳng xuống đất”. Lúc ấy gia đình vừa xây xong nhà máy sản xuất nước đá, tinh dầu, xà bông, vụ đổ bể của Thanh Hương đã khiến tất cả các cổ đông đổ xô rút tiền cho vay. Tất cả đều tan thành mây khói, mất hết toàn bộ nhà máy, xe hơi, nhà lầu. Lại bắt đầu từ con số không, lại làm những công việc bình thường… Năm ấy tôi 21 tuổi, đang học đại học năm thứ tư, lại mang thai đứa con đầu.
Một kỷ niệm mà tôi nhớ đời là đang trong giờ học, khát nước đến khô cả cổ mà không có nổi 300 đồng mua ly nước, phải đi ra vòi nước uống, về đau bụng gần chết… Tôi phải đi vay mượn từng đồng mua thuốc cho con mỗi khi con bệnh… Cũng nhờ được cha mẹ huấn luyện gian khổ từ lúc bé, hai chị em tôi vẫn cố gắng học tập và bước vào kinh doanh, bằng mọi cách trả hết nợ cho gia đình… Tôi không muốn nhắc lại những kỷ niệm đau buồn này vì sợ cha mẹ đau lòng.
Trải qua biến động, tôi nghiệm ra rằng phải luôn cẩn trọng, luôn cố tìm phương án phát triển nhưng phải an toàn, luôn để lại cho mình một đường lui. Trong thất vọng, dù có lúc tưởng như không còn sức nữa, nhưng vẫn phải gắng gượng. Nếu không đứng dậy sẽ nằm xuống mãi.
——
Trong hoàn cảnh như thế, nghị lực nào lại thôi thúc chị tiếp tục tự học để lấy bằng được chứng chỉ ACCA quốc tế?
Tôi nghĩ nếu không học tiếp, không thể thoát khỏi cái nghèo. Tôi không đi dạy tiếng Anh như bạn bè cùng lớp, mà học thêm kế toán, vi tính, rồi làm trợ lý cho kế toán trưởng một công ty nước ngoài. Thật may tôi đã có được một lời khuyên chân thành từ người sếp của mình. Ông nói: “Nếu cô muốn đổi đời, hãy học ACCA. Nếu có bằng này, cô có thể làm việc ở bất cứ nơi nào trên thế giới, vị trí và cơ hội lương bổng cao”. Động cơ ban đầu của tôi chỉ đơn giản là thế, tìm một “lối thoát” tốt nhất cho mình và gia đình.
Nhưng khi học ACCA rồi, càng học càng mê. ACCA không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn truyền đạt phương pháp tư duy, đầu óc quản lý, tầm nhìn chiến lược dài hạn hơn, để có thể đưa ra những quyết định và dự báo, quản lý được rủi ro. Những con số bình thường khô khan bỗng trở nên đầy ý nghĩa. Với riêng tôi, việc học giúp mình tự tin, cởi mở, thấu đáo hơn trong cuộc sống. Tôi nghĩ nếu mình cố gắng hết sức khi còn trẻ sẽ có thời gian thư thả hơn cho tương lai, điều đó làm cho mình đẹp hơn, có ích hơn (cười).
Đối với người phụ nữ, thành công bao nhiêu cũng không bằng nuôi dạy con tốt, khỏe mạnh. Tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ để có được một mái ấm.
——
Mà dường như chị là người quá “tham lam”, khi cùng một lúc làm hai ba việc, vừa học, vừa làm công ty nước ngoài, vừa mở công ty riêng?
Để thách thức chính mình, tôi đã mở xưởng may cùng lúc đi học để mài giũa kỹ năng kinh doanh. Tôi có một ý chí mạnh mẽ giống y như ba tôi, và tôi nghĩ tôi cũng là một người theo chủ nghĩa cống hiến. Khi mang thai cháu thứ hai, bác sĩ khuyên tôi nên ngừng mọi việc để bảo đảm cho thai nhi, nhưng đang học làm sao bỏ được.
Thế là có bầu tháng thứ năm thì bay qua Hồng Kông thi, sanh song hai tháng lại thi tốt nghiệp ACCA… Vừa cai quản một xưởng may, vừa hoàn thành công việc ở công ty, về nhà lại chăm sóc chồng con, lúc ấy tôi gần như kiệt sức. Mỗi ngày tôi chỉ có hai giờ để ngủ. Tôi làm việc trối chết, học trối chết, bởi nỗi ám ảnh khi con bệnh không có tiền mua thuốc cứ đeo đuổi tôi. Có lẽ sự tận tụy là lý do để tôi làm việc được như vậy.
——
Cuốn sách dày 600 trang “Hệ thống dự báo điều khiển kế hoạch và ra quyết định” do chị viết xuất bản năm 2000 đã được nhiều người quan tâm, nhất là doanh nhân. Mở công ty kiểm toán của riêng mình, viết sách về quản lý, chị suy nghĩ gì về nghề kiểm toán và quản lý?
Làm thuê trong các công ty đa quốc gia và những tập đoàn lớn, tôi hiểu các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngày càng nhận ra những rủi ro về kiểm toán và quản lý. Người đứng đầu doanh nghiệp cần sự trợ giúp của các chuyên gia kiểm toán, quản lý để kiểm soát nội bộ, quản lý kinh doanh, đánh giá đầu tư, dự án, độ bền kinh doanh… Làm sao cho khách hàng được ngủ ngon, làm việc có hiệu quả nhất? Công ty tôi đã tư vấn cho rất nhiều khách hàng phòng chống được gian lận, giảm chi phí, hoạt động hiệu quả hơn.
Để hoàn thành luận án thạc sĩ Dự báo thất bại của doanh nghiệp, tôi đã phải nghiên cứu mấy trăm công ty từng bị phá sản, tìm hiểu những yếu tố vi mô, vĩ mô, yếu tố nội bộ… để lấy đó là kinh nghiệm tốt nhất tư vấn cho khách hàng và cho chính mình. Hiện tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ Hoàn thiện và xây dựng chuẩn mực kế toán Việt Nam và đang chờ bảo vệ.
Tôi nghĩ khiếm khuyết mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay thường mắc phải là chưa hoạt động thật sự hiệu quả do quản lý có sự chồng chéo lên nhau, chưa đáp ứng nhanh những nhu cầu đòi hỏi của thị trường, chưa có chiến lược dài hạn. Có những doanh nghiệp vốn ít, vay nhiều, mất cân bằng về cơ cấu tài chính, không hoạch định được chiến lược kinh doanh, khi có sự thay đổi nào đó rất dễ phá sản.
Ai cũng có khát vọng vươn lên trong cuộc sống, phần tốt trong mỗi con người lớn hơn phần xấu, hãy luôn cho người khác một cơ hội.
——
Lý do nào khiến chị đang kinh doanh hiệu quả như thế lại tự rút ra, chấp nhận từ người làm chủ sang làm thuê?
Cuộc đời tôi quả thật luôn có những khoảng lặng rất… thất thường dưới mắt mọi người. Đang làm xưởng may hút hàng, tôi quyết định ngưng và tập trung vào chương trình học. Lúc ấy tôi thấy mình quá mất cân bằng, dù sao mình cũng chỉ là một người phụ nữ, làm đến mất ăn mất ngủ thì không thể tồn tại lâu, vả lại việc học là dài hạn hơn. Khi mình có kiến thức, có phương pháp tư duy, thì cơ hội sẽ lớn hơn.
Sau một thời gian học chương trình tiến sĩ, nhìn ngắm những con cá bơi lội trong hồ, tôi giật mình: tại sao lúc nào mình cũng gồng cứng người, gò ép mình thái quá? Tại sao mình không thể tung tăng bơi lội như những con cá kia? Tôi bỗng khao khát có lại cảm giác như bao người phụ nữ bình thường khác, làm việc tám tiếng, tan sở về nhà phục vụ chồng con.
Người ta sinh ra không chỉ có làm việc, mà còn phải sống nữa. Mọi thứ bằng cấp cũng chỉ là giúp mình “biết sống”. Làm chủ hay làm công với tôi không có gì quan trọng, vấn đề là tôi có cảm thấy hạnh phúc hay không. Làm sao để tôi có nhiều thời gian hơn dành cho con cái, làm sao tôi được là “một người phụ nữ nhỏ bé”, đó là điều mà tôi quan tâm. Sau một thời gian căng thẳng, người ta rất cần chựng lại, để nhìn ngắm, chiêm nghiệm.
Và tôi lại bắt đầu khởi nghiệp ở một vị trí mới, nộp đơn tuyển dụng như bao người khác. Làm Phó Tổng Giám đốc Tài chính tại một công ty thuộc tập đoàn xi măng hàng đầu trên thế giới, có hệ thống kỹ thuật, quản lý ở mức độ chuyên nghiệp cao, giúp tôi phát huy tốt mọi hiểu biết của mình. Quản lý một số vốn 30 triệu USD, và thời gian tới sẽ nhiều hơn nữa lại là một thách thức lớn phải vượt qua (cười).
——
Chị nghĩ gì giữa việc hài hòa những phẩm chất truyền thống của một phụ nữ với hình ảnh người phụ nữ hiện đại?
Chuyện tôi sinh con vào những thời điểm căng thẳng nhất của sự nghiệp hẳn đã trả lời cho câu hỏi đó. Đối với người phụ nữ, thành công bao nhiêu cũng không bằng nuôi dạy con tốt, khỏe mạnh. Tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ để có được một mái ấm. Tôi luôn tự răn mình đừng bao giờ đánh đổi gia đình lấy tiền tài, địa vị. Tất cả đều là phù du. Nỗi sợ lớn nhất của con người là sự cô độc.
Hạnh phúc với tôi bình dị, đơn giản lắm, đó là những buổi sáng thức dậy nhìn lên vòm cây xanh thấy lòng mình thanh thản, những giây phút đọc chính tả cho con, những lúc con về khoe một điểm 10, ngửi mùi mồ hôi thân thuộc của con… Tôi không bao giờ dám “xâm phạm” vào thời gian cho chồng, cho con. Để thực hiện được mơ ước của mình, tôi bớt đi thời gian ngủ.
Bất cứ khi nào có dịp ra đường tôi đều dắt con theo, đi công tác tôi cũng bỏ tiền túi cho con đi cùng, chứ để con ở nhà sốt ruột lắm… Tôi nghĩ dù hiện đại đến đâu thì trước hết phải là một người phụ nữ. “Hiện đại” không có nghĩa là thoát ly khỏi truyền thống, mà chỉ là sự cộng thêm. Thiên tính nữ chính là vẻ đẹp lâu bền nhất của người phụ nữ.
——
Phải chăng tính cách luôn chấp nhận mạo hiểm và hy sinh đã giúp chị có những quyết định sáng suốt hơn trong cuộc sống, trong hoạn nạn?
Tôi là người không bao giờ ngừng chinh phục, không bao giờ đầu hàng số phận. Bản tính ấy đã có sẵn trong tôi từ khi mới lọt lòng. Đối với tôi, không có gì là không thể làm được. Tôi luôn đặt cho mình câu hỏi: “Tại sao người khác làm được, mà mình không làm được?”, và tìm câu trả lời. Té đau đến đâu cũng tự đứng dậy đi tiếp, gặp khó khăn thì đi đường vòng, hay “trèo qua tảng đá” mà đi.
Môi trường sống, môi trường kinh doanh luôn thay đổi, nếu mình không có khả năng thích nghi lớn sẽ khó nắm được những cơ hội tốt. Tôi thích sự “uyển chuyển”, và mức độ uyển chuyển ngày càng tăng lên cùng kinh nghiệm sống. Mọi thứ đều có thể xảy ra, phải luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng đón nhận và tận dụng tốt nhất cho mình và cho người thân xung quanh. Tôi luôn nhìn cuộc sống tích cực, từ những công việc hàng ngày nhỏ nhặt nhất, để làm cho nó bớt buồn chán hơn.
Mẹ tôi chẳng dạy gì cao siêu, bà chỉ nói: “Sống phải có hậu, không bon chen, không đạp người khác xuống để mình đi lên. Tôi nghĩ nếu sống có hậu thì may mắn, cơ hội sẽ đến. Tôi sống chân tình, không sợ sai, không giấu dốt. Tôi cũng học được từ những người thợ của cha tôi rằng ai cũng có khát vọng vươn lên trong cuộc sống, phần tốt trong mỗi con người lớn hơn phần xấu, hãy luôn cho người khác một cơ hội, cũng có nghĩa là cho chính mình cơ hội để gặp thêm một người tốt.
——
Vất vả thế mà chị lúc nào cũng tươm tất, dịu dàng?
Có gì đâu, lúc nào tôi cũng cười. Một nụ cười khiến bạn sống lâu thêm mười phút đấy! Cuộc sống lúc nào cũng đầy ắp sự thú vị, không phải làm kinh doanh là phải đoạn tuyệt với những điều thú vị ấy. Quan trọng là bạn phải tìm ra nó. Mình muốn trẻ, muốn đẹp, nên cần làm cho đầu óc được thanh thản (cười dí dỏm).
——
Chị vừa nói “được là người phụ nữ nhỏ bé” là hạnh phúc nhất, chị có thể chia sẻ “kinh nghiệm giữ chồng” với những người phụ nữ làm kinh doanh?
Đàn ông thích làm “Từ Hải” lắm, tôi luôn cho chồng tôi có cảm giác anh là một người đàn ông mạnh mẽ, còn mình thì yếu đuối, nhỏ nhoi trong gia đình. Một “kỷ lục” đã được anh lập ra, do thương vợ có bầu phải leo cầu thang, nên suốt chín tháng mười ngày anh đều… bồng vợ! Anh là hiệu phó Trường Đại học Kinh tế.
Anh ấy vừa là người bạn đời, vừa là người hướng dẫn, chỉ bảo tôi trong cuộc sống. Để giữ cho ngôi nhà là nơi trú ẩn, vợ chồng tôi có nguyên tắc là khi ai đó tức giận, thì người kia lập tức… đi chỗ khác, không lớn tiếng với nhau, lúc nào cũng phải biết kiềm chế. Đàn ông rất nhạy cảm, mình phải thay đổi, phải chấp nhận nhiều thứ mới có thể hòa hợp.
——
Điều gì chị muốn nói với những nữ doanh nhân nhân ngày 8-3?
Sống hết mình, kinh doanh hết mình, nhưng đừng… quên mình.