Chu cha, anh ơi, dân mạng và truyền thông đang sôi nổi vì hình trời mưa, cây xăng Nhật mở ở Hà Nội có ông giám đốc cầm dù ra cúi gập mình chào khách kìa.
Biết rồi. Tràn ngập Phây sáng giờ, dân ta đang mê mẩn, đang… cảm nắng. Mấy ông cạnh tranh bằng cách trưng ngay bảng “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” lên ngay rồi, nhạy bén ghê vậy đó. Nhưng mà nên nhớ, nếu không có sẵn truyền thống mê hàng Nhật, chất lượng tốt, không có chuyện họ bán chính xác tới 0,01 lít… mà chỉ cúi chào thì… còn lâu nhé.
Ừ mà đúng, có người nói dân ta “cáo” lắm còn lâu mới… bị lừa, đã có ngay một người khác bình luận “cảm tính là nhược điểm lớn nhất của người Việt”. Chẳng biết ai nói đúng.
Chỉ biết rằng, đó là “cái cúi đầu chào… triệu đô”. Vì sao giá cao vậy? Có khi cả chục triệu, trăm triệu đô cũng đúng. Mỗi doanh nghiệp, nhà đầu tư trước khi vào thị trường nào, họ đều nghiên cứu kỹ.
- Xem thêm: “Xin đổi” sang làm… dân Nhật?
Quản trị hiện đại mà, họ tìm thấy insight (suy nghĩ, mong muốn ảnh hưởng đến quyết định mua hàng) của khách hàng Việt là những gì. Biết được họ đang thèm chất lượng và… sự tử tế – thứ mà nhiều doanh nghiệp Việt không có, coi thường. Miệng hô hào “khách hàng là Thượng đế” cả chục năm rồi chứ đâu phải không biết, vậy mà chẳng hiểu sao vẫn cứ tồn tại loại bún chửi cháo chửi, vẫn xô vào ăn.
Thầy giáo hỏi một sinh viên, thử bình luận việc “bún chửi lên CNN”. Đáp: “Vậy là tốt ạ. Mất bao nhiêu tiền, triệu đô chắc gì đã lên được CNN, khỏi mất tiền mà cả thế giới biết”. Nhưng mà biết gì? Biết ở Việt Nam có lối buôn bán… mất dạy như thế, cũng coi bình thường. Nhiều doanh nghiệp Việt làm ăn đứng đắn thì gian khổ lắm, mà có những doanh nghiệp sản phẩm chưa tốt, lại chỉ lo “ủ mưu” chụp giật, ảnh hưởng ghê gớm đến tâm lý người tiêu dùng.
Đằng này, xăng Nhật không cần PR, chẳng cần quảng cáo, tiếp thị truyền thông nghĩ nát óc. Cúi chào một cái, nổi như cồn. Không tốn xu nào. Thế chẳng phải triệu đô là gì?
Hình như để cân bằng lại, làm tỉnh cơn mê, trên mạng xuất hiện lời khuyến cáo, dùng tư duy kinh tế phân tích đúng đắn. Dân “cuồng Nhật” không rõ có “ngã ngửa” hay không.
Có hai thực tế, một là Nhật trải qua thập niên mất mát thứ ba – tới ba thập niên không phát triển thêm, nhưng nay chưa ngừng lại mà tiếp tục thập niên mất mát thứ tư. Hai là có thực tế, ngoài dẫn đầu về xe máy thì các thứ khác như điện tử, Nhật đang bị Samsung và LG chiếm lĩnh hết ở Việt Nam.
Và Nhật đã tiến nhờ “Tây hóa lần 1 thời Minh Trị” nhưng nay cần phải “Tây hóa lần 2” về quản trị mới mong mở mặt mở mày… Dân số già, đô thị già, thiếu niềm vui sống, quá căng thẳng vì quá cạnh tranh…
- Xem thêm: Câu chuyện của người Nhật
Ôi thôi, đang ngất ngây mê Nhật thì phải tỉnh lại. Đúng hết nhé.
Vợ nói: Em dám cá với anh rằng cửa hàng xăng Nhật sẽ vẫn đông khách như thường, dù đã biết nhiều chuyện chưa hay của Nhật. Dù miệng vẫn nói, giờ nên học phát triển kiểu Hàn Quốc, Israel…, nhưng nói gì thì nói, riêng business ethics – đạo đức kinh doanh, họ ăn đứt cả Mỹ. Thêm một cái nhất nữa: Cho vay mà không xâm lược, có nước nào dám vậy không?
Còn lý do cửa hàng Nhật sẽ đông khách là đây: Có người “khai ra” trên mạng các “lý do chính đáng” khiến cửa hàng bán xăng Việt Nam không thể tồn tại nếu không… gian lận. Đủ lý do, nào là xăng xứ nóng mau bốc hơi, xe chở bồn hao hụt, rồi đủ thứ đến thu tiền: Quản lý thị trường, phòng cháy chữa cháy, kiểm tra… Thế mới phải gắn chip gian lận, nghe nói mạch IC bằng ngón tay cái thế nào đó…
Vậy nên, vợ kết luận: Dù bệnh “cuồng Nhật” có thể sẽ đỡ, nhưng mua hàng Nhật đong đủ, được cúi chào lịch sự (chứ không chửi), thì vẫn cứ đông.
Một bài học cho những kẻ gian dối, chụp giật nhé. Không chỉ bán xăng mà cả những kẻ đang đầu độc bằng tẩm ướp chất độc…