Qua thời gian, Tết là một lễ thức tổng hợp bao gồm việc tế tự, vui chơi, giải trí và giao đãi xã hội. Ở đó, tế tự chiếm một vị trí quan trọng. Các lễ nghi cúng tế bao gồm việc tế tự thiên thần, địa kỳ, và nhân quỷ. Nhân quỷ ở đây hiểu là tổ tiên ông bà.
Một cách tổng quát, tập tục thờ cúng tổ tiên có lịch sử lâu đời và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc ta. Việc thờ cúng tổ tiên, một mặt, biểu thị lòng hiếu kính, khiến con cháu biết giữ lấy lòng “Báo bản tư nguyên” và thủ nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”; mặt khác, việc thờ cúng tổ tiên còn là hành vi tôn giáo sùng bái linh hồn, trên cơ sở tín lý linh hồn bất diệt. Theo đó, tập hợp vong hồn tổ tiên trở thành một trong các gia thần có công năng giám sát và phù hộ cho con cháu.
Như vậy, việc thờ tự tổ tiên là tập tục quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Việt. Nơi thờ tự tổ tiên theo truyền thống là không gian tâm linh chiếm vị trí trung tâm trong mỗi ngôi nhà. Theo đó, việc trang nghiêm nơi thờ tự tổ tiên luôn được coi trọng. Kể từ cuối thế kỷ 19 đến nay, theo sự phát triển của tranh kiếng, các loại tranh kiếng thờ tổ tiên được ra đời và càng ngày càng phát triển đa dạng tạo nên một tập thành nghệ phẩm đáng chú ý.
Tranh đại tự
Loại tranh kiếng đại tự có xuất phát điểm từ những loại tranh đại tự hoặc hoa điểu (kiết tường) kèm hai câu đối tráng thuỷ treo ở trung đường, đã biến đổi để hình thành nên bộ tranh thờ “bộ ba” treo phía sau bàn thờ ông bà để thờ tự. Loại tranh kiếng đại tự thờ tổ tiên này được thể hiện với tấm giữa viết vẽ một đại tự chữ “Phước” hoặc “Lộc” hay “Thọ”, tô kim nhũ (vàng bột) phủ nền đen hoặc đỏ bằng bột màu pha dầu cá (theo truyền thống mà ngày nay còn thấy dùng cả sơn tây, sơn hộp và kỹ thuật tráng thủy để tạo tác), về sau những chữ đại tự này còn được người nghệ nhân tô vẽ hoa lá, linh vật, bát bửu… bên trong chữ cũng như có những hoa văn trang trí bốn góc hay trong một khuôn tròn hay oval bao quanh bởi những hoa văn dây lá trang trí để thêm phần sinh động cho tấm tranh thờ. Song có nghệ nhân còn thể hiện đại tự này trên nền sơn thủy. Hai tấm hai bên đặt hai câu đối như: Phước sanh phú quý gia đường thạnh/ Lộc tiến vinh hoa sự nghiệp hưng…
Ở loại tranh kiếng đại tự thờ tổ tiên này cũng phát triển nên bộ 3 tấm 9 tròng (3 tấm đóng khuôn chia 9 tròng) là hình thức được coi là đã định hình cho loại tranh kiếng thờ tổ tiên nói chung về sau này. Loại tranh bộ 3 tấm 9 tròng này được làm theo kiểu thức truyền thống với các bức khuôn đố 9 ô chạm gỗ sơn son hoặc đen, trên đó chạm khắc những câu, chữ Hán hoặc hoa văn thiếp vàng.
Bộ tranh này gồm: tấm giữa tròng trên vẽ hoa văn trang trí “thủ quyển”, giữa có chữ “Phước” hoặc “Thọ” (cách điệu triện) hay đề năm bằng chữ số, tròng chính vẽ một đại tự “Phước”, “Lộc”, “Thọ”; tròng dưới trang trí bông sen; hai tấm bên tròng trên gọi là “trám”, trang trí hoa trái; tròng giữa là câu đối đại khái: Phước tại tông thân sanh hiếu tử/ Đức do từ phụ xuất hiền tôn… và tròng dưới gọi là “lục bình” (độc bình) vẽ bình hoa. Trong bộ tranh thờ còn có thêm tấm hoành chia 3 ô hoặc bộ 3 khuôn, vẽ 3 Hán tự “Đức Lưu Phương” (Đức thơm chảy dài) hoặc họ gia tộc “Nguyễn Phủ Đường”, hay 3 ô giữa chữ “Phước”, “Lộc”, “Thọ”, hai bên vẽ chim công (đại cát), Nai (lộc), Mai điểu, Mẫu đơn trĩ… Đó là những hình vẽ biểu trưng hài âm kiết tường.
Tranh Cửu Huyền Thất Tổ
Loại tranh này phổ biến ở miền Tây Nam bộ, đặc biệt là các cộng đồng theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo.
Ở loại tranh thờ tổ tiên này thì mỗi bộ gồm 5 tấm ghép lại: 1/ Tấm hoành nằm trên cùng, ghi tên tộc họ: Nguyễn phủ đường, Lê phủ đường…, về sau thay bằng câu Đức lưu phương hay Phước Lộc Thọ; 2/ Tấm chính: nằm giữa tranh, ghi bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” và được trang trí bằng đồ hình tứ linh. Tấm tranh chính được bao quanh 4 tấm khác. 3/ Tấm thượng thổ ở phía trên (vẽ hình cuốn thư, hay năm sản xuất); 4/ Tấm hạ thổ: ghép dưới đáy (thường trang trí hoa-điểu hay mâm ngũ quả) và 5/ Đôi liễn, đặt dọc hai bên tấm chính, có nội dung tôn vinh công đức của cha mẹ, tổ tiên.
Ngoài ra, còn có bộ tranh thờ tổ tiên 3 tấm hay giản tiện hơn, loại tranh kiếng thờ tổ tiên này được thu gọn thành một bức duy nhất, đơn giản với chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” ở chính giữa hai bên là hai câu đối: Tưởng nhớ Phật như ăn cơm bữa/ Vọng Cửu Huyền sớm tối mới mầu, hoặc: Kính cửu huyền thiên niên bất tận/ Trọng thất tổ nội ngoại tương đồng.
Loại tranh thờ “Cửu Huyền Thất Tổ” còn thấy trong bộ 3 tấm 9 tròng với tấm chính ở giữa từng chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” được thể hiện trong những ô tròn ở cả dạng thức Hán tự lẫn quốc ngữ trên nền sơn thủy hay dọc theo cội lão mai của đề tài Mai-Lan-Cúc-Trúc.
Tranh Sơn thủy
Loại tranh kiếng sơn thủy thờ tổ tiên này khởi đầu được biến thể từ tranh kiếng 3 bức với tấm giữa thay vì viết vẽ một đại tự, thì nghệ nhân vẽ cảnh sơn thuỷ ở tấm giữa, thể hiện một dãy núi xa, con sông lớn, một hai chiếc buồm cánh én thả trôi theo gió, trên trời đàn chim bay về tổ, một dòng kinh hay suối nhỏ uốn khúc hai bên bờ mấy gian nhà tranh ẩn hiện dưới lùm cây, ngay mé nước có gian nhà lợp ngói khang trang biểu trưng cho ước mong khá giả của gia chủ, cùng chùa tháp nhiều tầng có chiếc ghe đậu bên nhà, chiếc cầu nhỏ bắt ngang.
Có nghệ nhân còn biến tấu thể hiện cảnh những ngôi nhà mái tranh ven con rạch với hàng dừa cùng con thuyền neo đậu dưới rạch và cây cầu gỗ bắc qua con rạch cho tấm chính của bộ tranh sơn thủy này. Ở đây, sơn thủy được hiểu theo nghĩa rộng là tranh phong cảnh. Đây là cảnh sắc đặc trưng của vùng sông nước Nam bộ với kênh rạch chằng chịt, đơn sơ, mộc mạc nhưng êm đềm.
Đôi khi tấm chính vẽ sơn thủy này còn được nghệ nhân thêm thắt vẽ đôi cột rồng chầu hay tấm liễn ghi “Cửu Huyền Thất Tổ” ở bên trên. 2 tấm 2 bên đặt 2 câu đối đã được nghệ nhân cải đổi đa dạng theo thị hiếu của gia chủ và đó là tiền thân của bộ tranh kiếng thờ tổ tiên với cảnh sơn thủy để biểu ý câu ca dao nổi tiếng: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra hay đôi câu đối: Giang sơn thiên cổ tú/ Vũ trụ vạn đại tôn, nói lên công ơn tổ tiên là cội nguồn tốt đẹp bền vững muôn đời.
Bộ tranh thờ tổ tiên sơn thủy này về sau được các nghệ nhân vẽ tranh kiếng Lái Thiêu hoàn chỉnh thành bộ 3 tấm 9 tròng là hình thức được coi là đã định hình.
Tranh Mai-Lan-Cúc-Trúc
Nếu loại tranh sơn thủy nói trên biểu ý “Nước có nguồn” thì bộ tranh Mai-Lan-Cúc-Trúc là nhằm biểu ý “Cây có cội”. Bộ tranh này cũng theo mẫu 3 bức 9 tròng, nếu quy mô hơn là thêm một bức hoành ở phía trên, treo nghiêng qua phía trước. Bức hoành thường là những câu chữ Hán nằm trên đồ án lưỡng long tranh châu: Đức lưu phương, Phước lộc thọ… Bức chính, ở trung tâm, vẽ đề tài tứ quý Mai-Lan-Cúc-Trúc là những loài cây tượng trưng cho bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông. Nghệ nhân vẽ tranh kiếng lấy cội lão mai làm chủ thể, có kích thước chiếm phần lớn bức tranh; còn lan, cúc, trúc chỉ là hình trang trí phụ.
Cội mai được thể hiện sần sùi, rắn chắc mọc chen lên từ đá, với những cành hoa mai bung nở còn lan, cúc, trúc chen điểm nơi cội mai tăng thêm màu sắc, sự đa dạng cho bức tranh nhưng không làm loãng chủ đề “Cây có cội” biểu ý “Người có tổ có tông”. Đôi liễn cặp hai bên, phổ biến là Tổ công phụ đức thiên niên thịnh/ Tử hiếu tôn hiện vạn đại vinh (hay… vạn đại tôn). Lại nữa, nếu bộ tranh thờ này là bộ tranh chồng thờ vợ thì dùng câu liễn: Thê hồi âm cảnh an nhàn lạc/ Phu tại dương trần khả bi ai; và ngược lại, nếu là bộ tranh vợ thờ chồng thì câu liễn cải đổi lại: Phu hồi âm cảnh an nhàn lạc/ Thê tại dương trần khả bi ai.
Tranh Tre tàn măng mọc
Bộ tranh này cũng theo mẫu 3 bức 9 tròng. Tranh kiếng thể hiện nội dung Tre tàn măng mọc khá tương tự với đề tài Mai-Lan-Cúc-Trúc nói ở bên trên: Bức hoành thường là những câu chữ Hán nằm trên đồ án lưỡng long tranh châu: Đức lưu phương, Phước lộc thọ…
Bức chính, ở trung tâm, vẽ đề tài Tre tàn măng mọc, lấy bụi tre/trúc là chủ thể với những thân tre chen lẫn những cành non mảnh khảnh cùng những thân cây cứng cáp, già cỗi và đôi búp măng to khỏe. Đề tài này vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh của nội dung tứ quý Mai-Lan-Cúc-Trúc khi điểm xuyết nhành mai, cụm lan và đóa cúc được nghệ nhân thể hiện nơi ven sông với xa xa là cù lao thấp thoáng những ngôi nhà cùng những cánh chim chao lượn giữa đất trời sông nước mênh mang trong chạng vạng chiều hôm.
Tranh kiếng đề tài này chỉ duy nhất thấy được thể hiện bởi nghệ nhân Nguyễn Văn Nhựt (Tiền Giang). Đề tài Tre tàn măng mọc biểu ý sự kế thừa, thế hệ sau luôn tiếp bước thế hệ trước đồng thời cũng cho thấy sự sinh sôi nảy nở không ngừng tiếp diễn. Các câu đối vẫn sử dụng các nội dung nói trên.
Tranh kiếng thịnh hành vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 và từ đó phát triển thành nhiều thể loại đa dạng, từ các tranh thờ thần Phật, tranh chúc tụng, tranh phong cảnh… Ở đó, bộ tranh thờ tổ tiên là đặc phẩm mỹ nghệ đáng chú ý vì nó đã kế thừa những tín niệm thờ phụng tổ tiên truyền thống của dân tộc và đáp ứng nhu cầu phong hóa của cộng đồng. Chính vì vậy mà loại tranh này phát triển mạnh mẽ nhất về số lượng và các nghệ nhân cũng đã nỗ lực tạo tác bằng nhiều kỹ pháp nghệ thuật khác nhau: vẽ màu trên kiếng, tráng thủy và tô màu, dán ốc xà cừ, dán giấy trang kim cùng các phụ liệu cực kỳ đa dạng.
- Xem thêm: Nghệ nhân vẽ tranh kiếng Thạch Thị Phiên