Ở Việt Nam, húng quế chỉ là một loại cây gia vị cùng một số chức năng dược liệu, nhưng với người Ấn Độ thì đây là một loại cây thiêng gắn với nữ thần Tulsi và những câu chuyện thần thoại Hindu kỳ ảo.
Tulsi hay Tulasi (Ocimum tenuiflorum) hoặc “Basil linh thiêng” là loại cây húng quế thiêng trong tín niệm Hindu. Người Hindu coi cây như một biểu thị trần tục của nữ thần Tulsi, một tín đồ vĩ đại của thần Vishnu.
Việc dâng cúng những chiếc lá húng quế là nghi thức bắt buộc trong việc thờ phượng thần Vishnu và các hóa thân của thần như Krishna và Vithoba.
Các tín đồ Hindu trồng cây húng quế tulsi ở phía trước hoặc bên cạnh ngôi nhà của họ. Húng quế thường được trồng trong những chiếc chậu đặc biệt hoặc chiếc bồn được tô đắp công kỹ, gọi là Tulsi Vrindavan.
Theo truyền thống, Tulsi được trồng ở giữa sân trong các ngôi nhà của tín đồ Hindu giáo. Cây húng quế trồng vì mục đích tín ngưỡng, dược liệu và cung cấp tinh dầu. Ngoài ra, nó cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
1. Trong thần thoại Hindu, Tulsi (có nghĩa: “vô song”) được gọi là Vaishnavi (“thuộc về Vishnu”), Vishnu Vallabha (“người yêu dấu của thần Vishnu”), Haripriya (“người yêu dấu của thần Vishnu”), Vishnu Tulsi. Tulsi có những lá màu xanh lá cây được gọi là Shri – Tulsi (“Tulsi may mắn”); Shri cũng là một từ đồng nghĩa với Lakshmi, người phối ngẫu chính của thần Vishnu.
Sự đa dạng đó cũng được biết đến như Rama-Tulsi (“Tulsi rạng rỡ”); Rama cũng là một trong những hóa thân chính của thần Vishnu. Tulsi có lá màu tía hoặc xanh sẫm và thân tía được gọi là Shyama-Tulsi (“Tulsi sẫm tối”) đồng nhất với Krishna cũng là một hiện thân nổi bật của Vishnu.
Sự đa dạng này được coi là đặc biệt thiêng liêng đối với Krishna vì màu tía của nó tương tự như làn da sẫm màu của thần Krishna.
2. Cổ sự Devi Bhagavata Purana coi cây húng quế Tulsi như một biểu hiện của nữ thần Lakshmi, vị nữ thần của sự giàu sang và là người phối ngẫu chính của thần Vishnu.
Xa xưa, nhà vua Vrishadhvaja – một tín đồ của thần Shiva – đã ra lệnh cấm thờ cúng tất cả các vị thần khác ngoại trừ vị thần bảo trợ cho ngài.
Thần Mặt trời Surya đã bị kích động và nguyền rủa thần Shiva rằng thần sẽ bị nữ thần Lakshmi ruồng bỏ.
Bất hòa nổ ra, thần Shiva truy kích Surya: vị thần Mặt trời này đã chạy trốn, cuối cùng đến trú ngụ ở nơi của thần Vishnu.
Vishnu nói với các vị thần rằng đã nhiều năm trôi qua trên trái đất, Vrishadhvaja cũng như những người con trai của nhà vua đã băng hà và người cháu của ông – Dharmadhvaja và Kushadhvaja – hiện tôn thờ Lakshmi để có được những đặc ân của nữ thần.
Nữ thần Lakshmi đã ban phúc cho họ hạ sinh ra những con gái Tulsi (nghĩa đen là “vô song”) và từ Tulsi đến Dharmadhvaja và từ Vedavati đến Kushadhvaja).
Trong khoảng thời gian đó, Tulsi từ bỏ tất cả những lạc thú của hoàng gia và đi đến Badrinath để thực hành sự sám hối nhằm đạt được sự mong muốn thần Vishnu sẽ là người chồng của cô.
Thần Brahma hài lòng với sự sám hối của cô nhưng nói rằng cô sẽ phải cưới quỷ Shankhachuda trước khi cô có thể kết hôn với thần Vishnu.
Sudama, một phần hóa thân của Krishna (một hiện thân của thần Vishnu) được sinh ra trên cõi đất là một con quỷ (Shankhachuda) bởi một lời nguyền.
Shankhachuda cũng khiến thần Brahma hài lòng với với sự sám hối của mình nên đã được ban cho Vishnu-Kavacha (chiếc áo giáp của thần Vishnu) và ban phúc rằng sự trong trắng của người vợ của ngài được giữ gìn và Vishnu-Kavacha luôn ở trên thân thể chàng, mà không ai có thể giết chàng. Shankhachuda và Tulsi đã sớm kết hôn.
Shankhachuda tràn ngập niềm kiêu hãnh và đe dọa mọi sinh linh. Để giải cứu vạn vật, thần Shiva đã thách đấu với Shankhachuda, trong khi thần Vishnu tìm đến Tulsi để phá vỡ sự trong trắng của cô.
Vishnu giả dạng Shankhachuda và cưỡng ép Tulsi. Sự trong trắng bị phá vỡ, Shankhachuda bị giết và Sudama được giải thoát khỏi lời nguyền của mình.
Giữa cuộc yêu đương của họ, Tulsi nhận ra kẻ giả dạng. Vishnu xuất hiện dưới hình dạng thật sự của thần và thuyết phục Tulsi từ bỏ thân thể trần tục của mình và trở về cõi trời của thần để sống như Lakshmi, người vợ của thần.
Thân thể trần tục của Tulsi suy tàn và trở thành con sông Gandaki, trong khi mái tóc của cô biến thành cây Tulsi thiêng liêng.
Một dị bản của truyền thuyết đã thay thế Shankhachuda thành Jalandhara/Jalandhar và tên gọi Tulsi thành Vrinda (một từ đồng nghĩa của cây húng quế Tulsi).
Nó tập trung vào câu chuyện về thần Vishnu phá hủy sự trong trắng của Vrinda để thần Shiva giết chết Jalandhara. Trong truyền thuyết này, Tulsi khác biệt với Lakshmi.
Vrinda nguyền rủa Vishnu biến thành màu đen và bị chia tách khỏi người vợ của thần – nữ thần Lakshmi.
Lời nguyền đã được thực thi khi thần Vishnu biến thành đá đen Shaligram (hóa thạch thực sự, chỉ duy nhất được tìm thấy ở con sông Kali Gandaki của Nepal), và trong hóa thân Rama, thần đã bị chia cách người vợ Sita – người đã bị bắt cóc bởi chúa quỷ Asura là Ravana.
Vrinda sau đó bị chết đuối trong đại dương, và các vị thần (hay chính thần Vishnu) đã chuyển linh hồn của cô vào một cái cây, mà trước đó được gọi là Tulsi.
Như một phúc lành được thần Vishnu kết hôn trong kiếp kế tiếp, Vishnu – dưới hình thức Shaligram – kết hôn với Tulsi ở Prabodhini Ekadashi. Để kỷ niệm sự kiện này, nghi lễ Tulsi Vivah được cử hành.
Trong một biến thể, Vrinda hiến tế chính mình trong tang lễ của người chồng nhưng thần Vishnu đã bảo chứng rằng cô sẽ hóa thân dưới dạng cây tulsi trên cõi đất. Trong cả hai dị bản, cô có được vị thế của một nữ thần tên là Tulsi, trong khi dạng thức trần tục là cây húng quế Tulsi.
Một truyền thuyết Vaishnava liên quan đến Tulsi là Samudra Manthana. Cuộc khuấy động nơi đại dương vũ trụ do các vị thần và quỷ Asura.
Vào phút cuối, Dhanvantari đã nổi lên từ đại dương với Amrita (liều thuốc tiên trường sinh). Vishnu đã thu được nó cho các vị thần, khi những Asura cố đánh cắp nó.
Vishnu đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc, giọt nước mắt đầu tiên rơi vào Amritavà hình thành nên cây húng quế Tulsi.
Một truyền thuyết phụ khác kể rằng nữ thần Lakshmi đã giết một con quỷ vào ngày này và nó vẫn còn trên trái đất dưới dạng cây Tulsi.
3. Thờ phượng cây cối không phải là không phổ biến trong Hindu giáo, húng quế Tulsi được coi là loại cây linh thiêng nhất trong tất cả các loài cây.
Cây Tulsi được coi như là ngưỡng giữa trời và đất. Một lời cầu nguyện truyền thống cho rằng thần sáng tạo Brahma trú ngụ trong các nhánh Tulsi, tất cả các trung tâm hành hương Hindu giáo đều cư ngụ trong rễ cây Tulsi, sông Hằng chảy qua những rễ của nó, tất cả các vị thần trong thân, lá của cây và bộ kinh Veda ở phần trên những nhánh cây.
Cây được coi là vị thần bảo hộ cho gia đình đặc biệt được đề cập như “Vị thần của người phụ nữ”. Tulsi được gọi như “biểu tượng giáo phái trung tâm của Hindu giáo” và Vaishnavas (tín đồ thờ cúng thần Vishnu) coi đó là “biểu thị của thần trong thế giới các loài rau”.
- Xem thêm: Mặt nạ giấy bồi Raghurajpur
Cây Tulsi được trồng trong hầu hết các ngôi nhà của tín đồ Hindu giáo, đặc biệt là bởi những người Bà la môn và Vaishnavas. Một ngôi nhà với một cây Tulsi đôi khi được coi là một nơi hành hương.
Chúng được trồng ở những nơi thiêng liêng đó và được gọi là Vrindavan (lùm cây Tulsi). Vrindavan được xây bằng gạch hoặc đúc thành khối thường nằm ở giữa sân trong của ngôi nhà hoặc ở phía trước ngôi nhà.
Người ta tưới nước và chăm sóc cho cây Tulsi hàng ngày vì tin rằng việc làm đó là để đạt được moksha (sự giải thoát) và nhận được ân điển thiêng liêng của thần Vishnu.
Theo truyền thống, việc thờ cúng và chăm sóc cây hàng ngày là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Cây được biểu thị như là “vị thần của người phụ nữ” và là “biểu trưng của tình vợ chồng, mẫu tử lý tưởng”.
Mặc dù việc thờ cúng hằng ngày là bắt buộc, ngày thứ Ba và thứ Sáu trong tuần được coi là đặc biệt thiêng liêng cho việc thờ cúng cây Tulsi.
Các nghi lễ liên quan đến việc tưới cây, làm sạch khu vực xung quanh cây bằng nước và phân bò (được coi là thiêng liêng) cùng việc dâng cúng vật thực, hương hoa, nước sông Hằng…
Rangoli (các mẫu trang trí) dành cho các vị thần và nữ thần được vẽ sát gốc cây Tulsi. Tín đồ cầu nguyện Tulsi và luân phiên tụng niệm những câu thần chú. Cây Tulsi thường được cúng hai lần trong một ngày: vào buổi sáng và buổi tối, khi một ngọn đèn hoặc nến được thắp lên gần cây.
Vào thế kỷ 19, một số gia đình ở Bengal xem cây như là người bảo hộ hoặc vị gia thần của họ. Trong một cuộc điều tra dân số ở Ấn Độ, người dân các tỉnh phía Tây Bắc đã tự nhận mình là tín đồ Tulsi và không thuộc về Hindu giáo, Hồi giáo hoặc đạo Sikh.
4. Lễ Tulsi Vivah được tín đồ Hindu giáo cử hành vào giữa Prabodhini Ekadashi (ngày thứ 11 Âm lịch trăng non Kartika) đến Kartik Poornima (trăng tròn ở Kartika), thường vào ngày thứ 11 hoặc 12 Âm lịch.
Đây là hôn lễ của cây Tulsi với thần Vishnu, dưới hình ảnh của thần, Shaligram hoặc hình ảnh của Krishna hoặc Rama. Cả cô dâu và chú rể đều được tôn thờ và kết hôn theo hôn lễ truyền thống của Hindu.
Nó đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ bốn tháng Chaturmas, tương ứng với gió mùa và được coi là bất hạnh cho đám cưới và các nghi lễ khác, vì vậy ngày này mở đầu cho mùa hôn lễ thường niên ở Ấn Độ.
Cuộc hôn nhân của Tulsi với Vishnu/Krishna giống như đám cưới Hindu truyền thống. Hôn lễ được tổ chức tại nhà và tại những ngôi đền, nơi một kỳ ăn chay được cử hành vào ngày Tulsi Vivah mãi cho đến chiều tối, khi buổi lễ bắt đầu.
Một mandap (rạp hôn nhân) được dựng lên ở xung quanh sân trong của ngôi nhà, nơi cây Tulsi thường được trồng ở trung tâm sân, trong bồn được trát gạch vữa gọi là Tulsi vrindavana.
Người ta tin rằng linh hồn của Vrinda ngự trong cây vào ban đêm và rời đi vào buổi sáng. Cô dâu Tulsi được mặc một bộ sari và đeo những món đồ trang sức gồm cả bông tai và dây chuyền.
Một khuôn mặt người bằng giấy với một bindi (dấu chấm màu ở giữa trán) và chiếc khuyên mũi có thể được gắn vào Tulsi.
Chú rể là một hình tượng bằng đồng thau hoặc hình ảnh của thần Vishnu hay thần Krishna, đôi khi Balarama (người anh lớn của Krishna) và thường xuyên hơn là đá Shaligram – biểu tượng của thần Vishnu.
Hình ảnh được phục trang trong một dhoti (một kiểu khố truyền thống của Ấn Độ). Cả thần Vishnu và Tulsi đều được tắm, trang trí bằng hoa và đeo vòng hoa trước hôn lễ. Cặp đôi được nối kết với một sợi chỉ sợi (mala) trong buổi lễ.
- Xem thêm: Jihad, góc khuất ít được nhắc đến
Tại Orissa, vào ngày đầu tiên của tháng Hindu Vaishakha (tháng 4 – tháng 5), một chiếc bình nhỏ có lỗ ở dưới đáy được đổ đầy nước và treo lơ lửng trên cây Tulsi để tạo nên dòng nước đều đặn, trong suốt cả tháng.
Trong giai đoạn này, khi mùa hè nóng bức bao trùm, người ta dâng cúng nước mát cho Tulsi hoặc đặt một chiếc ô để che cho cây khỏi cái nóng dữ dội, điều được tin rằng thanh tẩy mọi tội lỗi. Dòng nước cũng truyền tải những mong muốn cho một mùa gió tốt đẹp.
5. Tulsi đặc biệt thiêng liêng trong việc thờ cúng thần Vishnu và các hình thức hóa thân của thần là Krishna, Vithoba và các vị thần khác có liên quan đến Vaishnava. Vòng hoa được làm bằng 10.000 lá tulsi, nước hòa với tulsi, các món ăn được rắc Tulsi là lễ phẩm được dâng lên thần Vishnu hoặc Krishna.
Vaishnavas theo truyền thống luôn sử dụng japa malas (một chuỗi hạt cầu nguyện Hindu giáo) được làm từ thân cây Tulsi hoặc rễ cây gọi là Tulsi malas, đây là biểu tượng quan trọng của sự khởi đầu.
Tulsi malas được coi là tốt lành cho người đeo chúng và được xác tín là để nối kết với thần Vishnu hoặc Krishna và nhận được sự bảo hộ của các vị thần.
Chúng được đeo như một chiếc vòng cổ hoặc vòng hoa hay được giữ trong tay và được sử dụng như một chuỗi tràng hạt.
Mối liên kết tuyệt vời của Tulsi với Vaishnavas được truyền đạt với thực tế rằng Vaishnavas được biết đến như là “người mang chiếc vòng tulsi quanh cổ”.
Một số người hành hương mang cây tulsi trong tay họ trong suốt cuộc hành hương đến Dwarka, thủ đô huyền thoại của thần Krishna và là một trong bảy thành phố Hindu linh thiêng nhất.
Có những tài liệu mâu thuẫn nhau về việc sử dụng lá Tulsi trong việc thờ cúng thần Shiva, một giáo phái đối địch (Shaiva) với Vaishnava Vishnu.
Trong khi lá cây bầu nâu/Bael thường được dâng cúng cho thần Shiva, một số tác giả ghi chú rằng Tulsi cũng có thể được cung cấp cho vị thần này.
Thờ cúng Tulsi đôi khi được coi là thờ phụng thần Shiva, cho thấy sự hiện diện khắp mọi nơi của thần. Biểu tượng của thần Shiva là linga – đôi khi được quy định là phải tạo ra từ đất đen từ các rễ cây Tulsi.
Tuy nhiên, Tulsi là điều cấm kỵ trong sự thờ phượng Devi – người mẹ thiêng liêng của Hindu vì vị hăng cay của cây Tulsi khiến nữ thần giận dữ.
Nó cũng quan trọng cho việc thờ phượng Hanuman. Ở Orissa, cây Tulsi biểu trưng cho tất cả các vị thần và nghi lễ địa phương cũng được dâng cúng trước cây.
Những người thuộc đẳng cấp Nayar vùng Malabar dâng cúng cây Tulsi để làm yên lòng các linh hồn ma quỷ.
6. Mỗi phần của cây Tulsi đều được tôn kính và được coi là thiêng liêng. Ngay cả đất xung quanh cây cũng linh thiêng.
Các truyện cổ sự Padma Purana một người được hỏa táng bằng những cành Tulsi là nhằm đạt được giải thoát/moksha và siêu sanh về Vaikuntha trú xứ của thần Vishnu.
Nếu một thân cây Tulsi được sử dụng để đốt một ngọn đèn cho thần Vishnu, nó giống như các lễ vật lakh và đèn dâng lên các vị thần.
- Xem thêm: Nữ thần lúa ở Đông Nam Á
Nếu người ta làm hồ bột từ gỗ cây Tulsi khô (cây húng quế Tulsi chết một cách tự nhiên), bôi nó lên thân thể và đem dâng cúng thần Vishnu, là lễ vật đáng giá. Nước hòa với lá húng quế Tulsi được trao cho người sắp chết để đưa linh hồn của họ lên cõi trời.
Tương tự, nếu sự tôn kính Tulsi là thích đáng thì sự khinh miệt Tulsi thu hút sự giận dữ của thần Vishnu. Các biện pháp phòng ngừa được thực hiện để tránh điều này.
Những điều cấm kỵ tuyệt đối là không được tiểu tiện, bài tiết hoặc hất nước thải gần cây, cũng như cấm nhổ và cắt cành cây.
Khi cây khô héo, cây khô được ngâm trong nước, đúng theo nghi lễ tín ngưỡng đây là tập quán nhằm tiêu hủy những hình ảnh thần thánh/thiêng liêng, không xứng đáng để thờ phượng.
Lá Tulsi là vật phẩm cần thiết cho sự thờ cúng Hindu giáo, do đó có những quy tắc nghiêm ngặt dành cho nó. Người ta thường đọc lời cầu khấn xin tha thứ gửi đến Tulsi trước khi làm một việc gì mà họ còn băn khoăn.