1. Không ai không rùng mình và cảm thấy nặng lòng khi đọc bản tin ngày 28-5 vừa qua, hai vợ chồng người Nhật bỏ đứa con mới bảy tuổi lại trong rừng có nhiều gấu với lý do trừng phạt đứa trẻ vì mắc lỗi ném đá vào xe hơi.
Theo lời khai của người cha, họ chỉ bỏ đi khoảng năm phút, quay lại không thấy con đâu. Một lực lượng cứu hộ gần hai trăm người đã vào cuộc và may mắn đã tìm thấy cậu bé vào ngày 3-6. Trên các trang mạng xã hội, các bà mẹ chia sẻ đường dẫn với những câu bình luận phê phán cha mẹ người Nhật.
Trên trang Facebook một phụ nữ nhiều năm làm việc ở Nhật và có nhiều bạn bè quen ở Nhật cho biết: “Người ta thường chỉ nói đến mặt tốt của người Nhật nhưng còn mảng khuất sau đó thì ít người biết mà chuyện họ phạt con là một ví dụ. Như, không cho con ăn, phạt ngồi bên ngoài ở những nơi có thể nguy hiểm đến tính mạng đứa trẻ như khu nhà cao tầng, không cho vào nhà hay nhốt trong nhà thật lâu trong khi những người khác đi chơi để nhục mạ tinh thần đứa trẻ…
Một kiểu phạt con mang thông điệp rõ ràng là nếu không đạt được điều bố mẹ yêu cầu thì không xứng đáng là con bố mẹ và nên… chết đi. Kiểu hành xử hà khắc không phải cá biệt. Họ rất coi trọng bộ mặt và chịu áp lực ghê gớm từ đồng hương nếu con thất bại”.
Người phụ nữ cho biết thêm: “Bọn trẻ Nhật học ở trường quốc tế và thường chúng có hai cuộc đời. Chúng được học và tham gia mọi hoạt động như những đứa trẻ phương Tây khác nhưng ra khỏi trường chúng bị gò vào nề nếp của người Nhật.
Mâu thuẫn ở đây là cha mẹ cho con tham gia vào một môi trường tự do thoải mái, cho chúng một tư duy hoàn toàn khác bố mẹ, nhưng lại muốn chúng giống như mình, tuân thủ nếp sống hà khắc truyền thống. Từ tiểu học, tan buổi chiều là vội vã đi học tiếp ở trường có dạy các môn văn hóa Nhật. Bài tập về nhà vừa của trường chính thức, vừa trường học thêm.
Một đứa trẻ cùng lúc gánh hai cuộc đời như vậy thực sự quá tải. Người ta thấy có cả trẻ em ở tuổi tiểu học tự tử”.
Người phụ nữ này kết luận, sẽ luôn tôn trọng “chất lượng Nhật” và vẫn yêu quý mặt tốt của người Nhật, nhưng không chịu nổi cách giáo dục của họ. Theo ý cô, không nên trông đợi một công thức nuôi dạy trẻ thành đạt mà quan trọng là nuôi dạy con thành người hạnh phúc”.
Nhiều bình luận cho rằng, lối sống của người Nhật khiến họ hơi cảm thấy ngột ngạt, khuôn mẫu. Họ hà khắc vì luôn kỳ vọng vào con cái. Người ta thống kê tỷ lệ người Nhật tự tử cao nhất thế giới, vậy nên con mình có… hư một chút cũng được chứ không đủ nhẫn tâm hành xử như cha mẹ ở trên. Nên chọn lựa một số điểm tốt trong giáo dục của Nhật thôi và không nên sùng bái quá!
Tinh thần của người Nhật thì rõ ràng có một không hai trên thế giới rồi, vậy nên đất nước họ mới phát triển nhanh, mạnh, vươn lên có vị trí hàng đầu thế giới từ đống tro tàn. Mỗi quốc gia mỗi khác. Với người Việt, chẳng ai cổ xúy cho việc giáo dục con cái hà khắc như vậy, tuy nhiên việc gì cũng phải có kỷ luật, kỷ cương và quan trọng là xây đắp nên tình yêu thương con cái.
2. Cũng trên Facebook, có dòng trạng thái khác kể chuyện về người Nhật. Một phụ nữ đi Nhật công tác, do sơ ý để quên điện thoại iPhone trên tàu điện ngầm. Vì thời gian về Việt Nam quá gấp ngay hôm ấy nên chị chỉ báo mất cầu may nhờ vào địa chỉ của khách hàng (Nhật). Chị vừa về nước thì phía Nhật báo đã tìm lại điện thoại thất lạc và đã gửi về cho chị. Vậy mà, khi đến nơi nhận, chị được thông báo phải đóng thuế với lý do là nhập điện thoại về. Trưng hết bằng chứng đây là điện thoại của chính chị để quên bên Nhật, người ta quá tử tế tìm giúp, gửi về, không có yếu tố mua bán, cho tặng gì ở đây hết. Vậy mà cuối cùng chị cũng bị gợi ý “chung chi cà phê”. Thật là tức anh ách!
Chuyện nọ xọ chuyện kia, liên hệ qua lại từ hai câu chuyện tuy không liên quan gì nhau nhưng để thấy một điều từ cách giáo dục cho đến hành xử con người đều phải được rèn luyện, tất nhiên mức độ chấp nhận không chỉ tùy theo bản lĩnh con người mà còn đặc thù của quốc gia nữa.
Câu chuyện của người Nhật luôn làm thế giới ngạc nhiên là vậy!