Với tám mươi bức tranh khắc gỗ, triển lãm chuyên đề “Hội họa Trần Nguyên Đán” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 12-5 đến 12-6-2017) là một dịp để người yêu thích tác phẩm mỹ thuật thưởng ngoạn một dòng tranh truyền thống mà họa sĩ Trần Nguyên Đán là đại diện xuất sắc. Đây cũng là lần đầu tiên tranh khắc gỗ Trần Nguyên Đán được giới thiệu một cách hệ thống, đầy đủ với công chúng phía Nam.
Vào thế kỷ XIX, sự xuất hiện của những chiếc máy in đầu tiên tại Việt Nam đã khiến nhu cầu in ấn kinh, sách bằng kỹ thuật in mộc bản lần hồi biến mất; thế nhưng nghề in khắc mộc bản vẫn tồn tại nhờ in tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống… Tiếp theo đó, khi các trường đào tạo mỹ thuật hàn lâm ra đời và nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại được hình thành thì các thế hệ họa sĩ đầu tiên đã tìm tòi, sáng tạo bằng nhiều thứ kỹ thuật và chất liệu tạo hình, trong đó có kỹ thuật in mộc bản của cha ông. Trần Nguyên Đán là người từ buổi đầu theo học mỹ thuật vào thập niên 1960 cho đến hôm nay, khi đã ở tuổi bảy mươi lăm, vẫn chung thủy với tranh khắc gỗ. Tuy nhiên họa sĩ đã kết hợp được vốn cổ quý giá của tiền nhân với phương pháp tạo hình hiện đại để làm nên những tranh khắc gỗ đặc sắc, như nhận định của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: “Tranh khắc gỗ của Trần Nguyên Đán luôn gợi lên một cách không rõ ràng về một truyền thống nghệ thuật từ quá khứ. Nó làm ta nhớ đến những bản in kinh Phật trang trọng, hay những bản nhạc vui tươi của dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống, nhưng có một vẻ riêng của bút pháp hiện đại với tính chính xác và đa dạng của đường nét”.
Xem hết các gian trưng bày “Hội họa Trần Nguyên Đán” có thể thấy được những bước đi của tác giả khi không chỉ nối tiếp truyền thống quá khứ mà còn phát triển, làm mới dòng tranh khắc gỗ. Từ những bản in cách đây đã gần nửa thế kỷ chỉ với hai màu đen – trắng và những nét khắc đơn giản cho tới những tác phẩm đầy màu sắc, tỉa tót từng chi tiết công phu, cả những mảng và khối gần với tạo hình đương đại. Tất cả cho thấy một tình yêu bền bỉ, một sức làm việc đáng nể của tác giả. Xem tranh để thấy “càng về sau, các sáng tác của họa sĩ càng mặn mà, tinh tế hơn, cách truyền tải tâm tư, tình cảm thông qua từng nét khắc cũng ý nhị hơn, xứng đáng là người gìn giữ “nét khắc từ truyền thống đến hiện đại” (giới thiệu triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh).
Đình chùa, miếu mạo, lễ hội văn hóa dân gian là đề tài xuyên suốt của hội họa Trần Nguyên Đán. Ông tìm thấy sự tráng lệ trong những lớp trầm tích thời gian phủ lên các di sản kiến trúc ở Hà Nội, Huế, Hội An… Ông chưng cất những vẻ đẹp của sinh hoạt đời thường qua những góc phố cổ kính ở nhiều nơi đã đi qua, ở những ông cụ, bà cụ nặn và bán tò he phố Hội, ở những con thuyền neo đậu trên sông Hương. Ông mải mê ghi lại những váy áo điệu đàng của liền anh liền chị trong ngày hội quan họ Bắc Ninh. Gần đây là những vũ điệu khèn Mông ở Sa Pa, nơi ông thường xuyên lui tới từ khi nghỉ hưu vào năm 2003 để thực hiện những tác phẩm mô tả cảnh sắc, con người và những nét văn hóa đặc trưng của vùng cao này. Chỉ riêng mảng tranh về các vũ điệu khèn Mông, họa sĩ đã có hàng trăm bức, khá nhiều trong số đó đã thuộc về các nhà sưu tập tư nhân mà một tên tuổi điển hình là bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội – người đã tổ chức triển lãm “Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại”, trưng bày hơn một trăm tranh khắc gỗ và mộc bản của họa sĩ Trần Nguyên Đán tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 3-2016. Đây cũng là lần xuất hiện hiếm hoi của họa sĩ, sau 13 năm sống ẩn cư, chỉ cần mẫn vẽ và vẽ như con ong làm ra mật ngọt cho đời.
Sinh trưởng ở vùng đất quan họ Bắc Ninh nhưng sống và làm việc nhiều thập niên tại thủ đô, Trần Nguyên Đán đã gắn bó với Hà Nội bằng một tình cảm sâu đậm, được ông thể hiện qua nhiều tác phẩm. Trong Festival Áo dài 2016 được tổ chức vào trung tuần tháng 10 tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, nhà thiết kế Quang Huy đã giới thiệu bộ sưu tập áo dài mang tên “Góc nhìn Hà Nội” lấy ý tưởng từ những bức tranh khắc gỗ về đất và người Hà Nội của họa sĩ Trần Nguyên Đán. Tranh của ông hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Đà Nẵng… và nhiều bộ sưu tập tư nhân.
– Họa sĩ Trần Nguyên Đán sinh năm 1941 tại Bắc Ninh
– Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khóa I (1965-1970)
– Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội (1981-2003)
– Giải nhất Triển lãm 10 năm Nghệ thuật đồ họa toàn quốc (1985)
– Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007)
“Họa sĩ Trần Nguyên Đán là một gương mặt đặc biệt trong làng mỹ thuật Việt Nam bởi ông chuyên tâm gần như triệt để vào một chất liệu duy nhất: tranh khắc gỗ. Cả một đời nghệ thuật, kể từ bước đầu khắc gỗ năm 1966, thuở còn sinh viên đến nay đã nửa thế kỷ trôi qua, mặc ai “thử sức” hay “mở rộng” ra các chất liệu khác, ông chỉ chuyên chú đến mức đắm say vào tranh khắc gỗ mà thôi. Tất nhiên, vì từng theo học mỹ thuật nghiêm chỉnh nên ông cũng đã từng vẽ lụa, tranh cổ động, bột màu, màu nước… nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi một thời… Với rất nhiều giải thưởng đã giành được, Trần Nguyên Đán có quyền tự hào là một trong số không nhiều họa sĩ đồ họa tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam suốt từ nửa cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa
- Phạm Đán Bình