Thông tin mới nhất từ Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp nhà nước cho thấy, tính đến nay có đến 96,5% doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa (CPH) đã được hoàn tất, nhưng tổng số vốn CPH chỉ mới 8%, nghĩa là 92% vốn nhà nước chưa được chuyển đổi. Đây là hai mặt của một vấn đề: lượng và chất của CPH, một chủ trương được Nhà nước tiến hành hàng chục năm qua.
Trong một phiên họp sơ kết công việc sáu tháng đầu năm 2017, Trưởng ban Ban chỉ đạo – Phó thủ tướng Vương Đình Huệ – cho biết nếu từ nay đến cuối năm chúng ta CPH thành công được một số doanh nghiệp lớn thì tỷ lệ vốn hóa được chuyển đổi sở hữu sẽ rất lớn. Do vậy ông yêu cầu “dứt khoát phải phấn đấu hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn nhà nước và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn”.
Thực tế cho thấy có một khoảng cách không nhỏ giữa kỳ vọng và thực tế. Văn phòng Chính phủ đã đưa ra lộ trình 137 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được CPH giai đoạn 2017-2020, riêng năm 2017 cả nước sẽ phải hoàn thành chuyển đổi 45 doanh nghiệp trong số này.
Thế nhưng sáu tháng đầu năm nay chỉ mới CPH được sáu DNNN, 14 doanh nghiệp công bố giá trị doanh nghiệp và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong số này có những doanh nghiệp quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như ba doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 90.000 tỉ đồng, một doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) 24.000 tỉ đồng.
Hiện nay, đề án tái cơ cấu của EVN đã được thủ tướng phê duyệt, đề án của PVN đang được thẩm tra để trình Chính phủ. Còn lại năm đề án của các tập đoàn kinh tế chưa trình là các tập đoàn Cao su, Than-Khoáng sản, Viễn thông, Viettel và Hóa chất.
Bên cạnh đó, có nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chậm thực hiện danh mục DNNN trong diện sắp xếp CPH. Nguyên nhân chậm trễ, theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ là “đâu đó còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên đùn đẩy hỏi ý kiến lên tận Chính phủ cho an toàn”.
Vấn đề đặt ra là tiến độ chậm trễ CPH và thoái vốn nhà nước so với kế hoạch sẽ tạo nên một áp lực không nhỏ cho sáu tháng cuối năm. Hiện có 578 doanh nghiệp đã CPH nhưng chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán.
Về thoái vốn, đến hết ngày 25-3, cả nước đã bán phần vốn nhà nước có giá trị sổ sách 71,8 tỉ đồng tại 10 doanh nghiệp không cần nắm giữ và thu về 72,8 tỉ đồng, trong đó có sáu doanh nghiệp phải thoái vốn dưới mệnh giá.
Việc thoái vốn nhà nước tại 12 doanh nghiệp quy mô lớn theo chỉ đạo của thủ tướng Chính phủ cũng còn vướng mắc, cụ thể như trường hợp của Sabeco và Habeco, mà theo ông Đặng Quốc Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp này, cũng như các doanh nghiệp lớn khác, sẽ làm từ từ để không gây xáo trộn thị trường.
Hình thức thoái vốn là sẽ cho đấu thầu rộng rãi. Phương án thoái vốn ở Habeco và Sabeco sẽ được trình trong thời gian sớm nhất, với Sabeco hạn là trước 31-7 và Bộ Công thương thực hiện bán vốn nhà nước nội trong năm nay. Đơn vị tư vấn thoái vốn nhà nước xây dựng phương án thoái vốn tại Sabeco, Habeco đang hoàn thiện tờ trình phương án thoái vốn.
Hiện Nhà nước đang sở hữu 89,59% vốn Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Hai hãng bia này hiện đang chiếm tổng cộng khoảng 60% thị phần bia trong nước trong đó thị phần của Sabeco “áp đảo” với khoảng 40% thị phần.
Việc bán vốn sẽ được triển khai đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ chú trọng đến việc phát triển thương hiệu, đảm bảo quyền lợi cổ đông cũng như vị trí tại thị trường bia nội.
Mới đây, hãng bia lớn nhất Philippines đã ngỏ ý muốn mua lại cổ phần thoái vốn của nhà nước tại Sabeco. Đây là một phần trong kế hoạch đầu tư 34 tỉ USD của San Miguel.
Năm 2017, Sabeco đặt kế hoạch bán 1,664 tỉ lít bia, tăng 4,7% so với kế hoạch. Tổng doanh thu hợp nhất là 34.471 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 4.703 tỉ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chia 35%, nộp ngân sách 9.262 tỉ đồng.
Về phía Habeco, việc thoái vốn đang gặp vướng mắc trong thỏa thuận hợp tác với Carlsberg Breweries A/S.
Trên thực tế, việc thoái vốn nhà nước diễn ra không suông sẻ. Theo Ban chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp nhà nước, trong quý II-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 trình Chính phủ xem xét và phê duyệt. Do đó, hiện nay, khi có danh mục này, các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế căn cứ vào tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước để chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thoái vốn.
Vào cuối năm ngoái các nhà đầu tư đã được cung cấp một danh sách khá đầy đủ bao gồm 240 doanh nghiệp thuộc diện phải phát hành
cổ phiếu lần đầu (IPO). Theo đó có 103 DNNN sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ; bốn DNNN nắm giữ trên 65% vốn điều lệ; 27 DNNN nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; 106 DNNN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Thế nhưng tình hình không mấy khả quan khi nhiều đợt phát hành lượng cổ phần bán được rất thấp, cá biệt có doanh nghiệp chỉ đạt 1 đến 2% số cổ phiếu chào bán. Phải chăng điều này khiến 730 DNNN sau cổ phần hóa chưa chịu đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo quy định 51/2014 của Chính phủ, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp CPH (vốn điều lệ từ 10 tỉ đồng trở lên, có ít nhất 100 cổ đông) phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom theo quy định của Luật Chứng khoán.
Trường hợp doanh nghiệp CPH đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán, sau khi thực hiện các thủ tục để đưa cổ phiếu vào giao dịch theo quy định, trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp CPH phải bổ sung hồ sơ để hoàn tất thủ tục niêm yết tại các sở giao dịch chứng khoán.
Trường hợp doanh nghiệp đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần trước khi quyết định 51 có hiệu lực thi hành thì đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phối hợp, đôn đốc doanh nghiệp hoàn tất việc thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết theo quy định trong thời hạn tối đa một năm.
Chỉ thị số 04 của thủ tướng hồi tháng 2 năm nay về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN 2016-2020 một lần nữa nhắc lại quy định bắt buộc DNNN sau CPH phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn chứng khoán khi đủ điều kiện trong vòng một năm kể từ ngày IPO.
Câu hỏi đặt ra là tại sao hàng trăm doanh nghiệp sau CPH không thực hiện quy định này?
Đơn giản là vì nhiều DNNN sau CPH có tỷ lệ vốn nhà nước còn lại rất thấp hoặc không còn thì quyền quyết định có đăng ký niêm yết hay không phụ thuộc vào đại hội đồng cổ đông, chứ không còn ở Chính phủ.
- Hoàng Hải
Xem thêm: