Câu chuyện giá thịt heo rớt thê thảm làm điêu đứng người chăn nuôi đang là tâm điểm của dòng thời sự chủ lưu hai tuần qua.
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ mới đây, vấn đề đã được mổ xẻ đến nơi đến chốn và Thủ tướng có những chỉ đạo khá mạnh mẽ, các bộ liên quan cũng có nhiều phiên họp triển khai phối hợp cùng các địa phương, đặc biệt với tỉnh Đồng Nai – nơi quy tụ nhiều nhất các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi heo.
Nhiều cơ quan ban ngành, các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Phụ nữ, các lực lượng vũ trang đã có những cam kết khuyến khích tiêu thụ thịt heo. Các siêu thị đáp ứng lời kêu gọi của Bộ Công thương có biện pháp tiêu thụ nhiều hơn thường ngày, ngay cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như Samsung của Hàn Quốc cũng được kêu gọi tham gia vào chiến dịch giải cứu này.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cũng vào cuộc, trong một thư kêu gọi các doanh nghiệp hội viên đề ra năm giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thịt heo.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thịt heo chiếm 72,3% trong tổng sản lượng thịt tiêu thụ các loại, tương đương 39,6kg/người/năm (2017). Như vậy, ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa khoảng 3.550.000 tấn thịt hơi/năm. So với nguồn cung dự kiến là 3.755.000 tấn thì dư hơn 200.000 tấn (chưa tính lượng nhập khẩu). Thực trạng nguồn cung heo hơi vượt xa nhu cầu trong nước dẫn tới giá lao dốc chỉ còn 20.000 đồng/kg gây thua lỗ nặng cho người chăn nuôi.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng có hai nguyên nhân chính.
Một là, cung lớn hơn cầu bởi những năm qua mâm cơm người Việt Nam thành phần chính không còn là thịt heo mà có thêm nhiều loại thực phẩm khác.
Hai là, do khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra.
Điều này không có gì mới, chỉ là cách giải thích theo lối mòn và lý thuyết chung chung, chưa đi sâu vào thực tế ngóc ngách của chuyện làm ăn, cũng như chưa thấy một giải pháp lâu dài nào mà chỉ mới có những biện pháo đối phó tình thế.
Trong khi đó, ngày 27-4 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn tiếp tục tìm các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ câu chuyện đầu ra và giải bài toán heo hơi rớt giá.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo thời gian qua là do các hộ nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khiến nguồn cung nội địa vượt quá nhu cầu trong nước.
Khi Trung Quốc tăng cường giám sát, phòng chống hoạt động nhập khẩu hàng hóa tiểu ngạch (trong đó có heo sống) trái phép qua biên giới đất liền thì hoạt động xuất khẩu heo sống sang Trung Quốc ngay lập tức bị ảnh hưởng, càng gây sức ép lên giá thịt heo trong nước.
Mặt khác, vấn đề quy hoạch ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Cũng như nhiều mặt hàng nông sản khác, mặt hàng heo thịt được chăn nuôi khá phân tán, hình thức chăn nuôi truyền thống, kiểu tận dụng với quy mô nhỏ lẻ đang tồn tại ở hầu khắp các tỉnh trong cả nước, chiếm khoảng 65 – 70% về đầu con nên tiêu thụ tại các vùng miền phần lớn phụ thuộc vào các tiểu thương mua gom và tự giết mổ bán cho các tiểu thương tại các chợ.
Chính điều này gây khó khăn lớn cho việc tổ chức lưu thông phân phối cũng như quản lý hoạt động của các thương nhân nhỏ lẻ ở khâu trung gian.
Hầu hết các hộ chăn nuôi đều chăn nuôi không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nên khi nguồn cung dư thừa rất khó để kết nối tiêu thụ vào các kênh lớn như các doanh nghiệp chế biến, giết mổ tập trung và các siêu thị. Sản xuất tự phát nên không có hợp đồng bao tiêu dẫn tới giá bấp bênh… Bên cạnh đó, chăn nuôi phần lớn nhỏ lẻ mang tính tự phát không theo quy hoạch, không tổ chức chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp chế biến, giết mổ, kinh doanh, đề nghị phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối tiêu thụ mặt hàng thịt; tăng lượng thu mua, giết mổ, chế biến, cấp đông.
Ngoài ra, trước thực trạng giá thịt heo tại hệ thống phân phối của các siêu thị và ngoài thị trường đang chênh lệch rất lớn so với giá heo hơi thu mua từ các hộ, trang trại, Bộ Công thương đã có công văn hỏa tốc gửi hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị chung tay chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng có hành động tương tự khi vừa ký công văn gửi đến các địa phương đề nghị khẩn trương vào cuộc ổn định tình hình chăn nuôi với năm giải pháp cấp bách trước mắt.
– Giao cho các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn và quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản xuất ở mức thấp nhất trong điều kiện có thể.
– Tuyên truyền, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn rà soát quy trình sản xuất, điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi để bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
– Chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường công tác kiểm tra dịch bệnh, tiêm phòng vaccine, không để tình trạng cắt bớt các khâu quản lý dịch bệnh, sẽ dẫn tới hệ lụy phát sinh dịch trong thời gian tới.
– Tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ, chế biến phát huy tối đa công suất và sản xuất các sản phẩm thành phẩm và dự trữ thịt lợn, góp phần tạo nguồn tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho người chăn nuôi.
Giải pháp cấp bách cuối cùng là tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.
Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, sở ngành liên quan tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị các địa phương rà soát, thống kê chăn nuôi để có quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương, vừa đảm bảo ổn định thị trường, đồng thời bảo vệ môi trường gắn với an toàn thực phẩm…
Vấn đề giá thịt heo giảm sâu sẽ còn tác động lâu dài, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay như kỳ vọng của Chính phủ. Điều này đòi hỏi những chủ trương phát triển bền vững không chỉ tiêu chuẩn hóa sản phẩm chăn nuôi mà cho cả giải pháp thị trường qua các hiệp định xuất khẩu chính ngạch.