Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2017 Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính đối với DNNVV với tổng số kinh phí khoảng 560 tỉ đồng.
Theo đó, với mục tiêu khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DNNVV, Quỹ phát triển DNNVV và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình “Hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo. Hạn mức chương trình là 100 tỉ đồng. Thời gian ân hạn trả gốc tối đa 24 tháng. Mức cho vay tối đa là 10 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, với mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của các DNNVV trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Quỹ Phát triển DNNVV và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình “Hỗ trợ DNNVV lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản”. Hạn mức chương trình này là 180 tỉ đồng. Thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng. Mức cho vay tối đa 20 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, để tăng cường hiệu quả hoạt động của các DNNVV ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, Quỹ Phát triển DNNVV và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình “Hỗ trợ DNNVV lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo”. Hạn mức chương trình là 180 tỉ đồng. Thời gian ân hạn trả gốc tối đa 18 tháng. Mức cho vay tối đa là 25 tỉ đồng.
Đồng thời, để bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững, Quỹ Phát triển DNNVV và các ngân hàng nhận ủy thác triển khai chương trình “Hỗ trợ DNNVV trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải”. Hạn mức chương trình là 100 tỉ đồng. Thời gian ân hạn trả gốc tối đa 24 tháng. Mức cho vay tối đa là 25 tỉ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ những chính sách ưu đãi chung của các chương trình. Theo đó, mục đích vay vốn là để đầu tư cơ bản. Thời hạn vay bảy năm. Lãi suất cố định trong suốt thời hạn vay vốn là 7%/năm. DNNVV có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.
Những thông tin trên đây tất nhiên được doanh nghiệp đón nhận với tinh thần lạc quan, nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt, liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ tài chính. Về lâu dài, hoạt động của DNNVV cần được sự bảo trợ của luật pháp và hiện đã có những chuyển biến đáng kể trong vấn đề này.
Trong kỳ họp tháng 5 tới đây, Quốc hội dự kiến thông qua Dự thảo Luật hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) làm nền tảng pháp lý cho hoạt động của loại hình doanh nghiệp này.
Mặc dù đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, nhưng nội dung của dự thảo luật nói trên chưa thể hiện được như kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật giống như nghị quyết, chỉ định hướng, xác định các nguyên tắc, tên gọi của các giải pháp hỗ trợ mà chưa xác định rõ chủ thể hỗ trợ, đối tượng nhận hỗ trợ, nội dung hỗ trợ hay cách thức vận hành, một số biện pháp hỗ trợ không có bất kỳ dự liệu gì về cơ chế hỗ trợ cũng như hệ quả tương ứng.
Dù là luật dành cho DNNVV, nhưng dự thảo luật cũng chưa xác định chính xác từng loại doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ, mà giao cho Chính phủ xác định trên cơ sở các tiêu chí tối đa: có dưới 300 lao động và một trong hai tiêu chí gồm tổng nguồn vốn của năm trước không quá 100 tỉ đồng hoặc doanh thu của năm trước không quá 300 tỉ đồng. Về các tiêu chí này, rất nhiều ý kiến cho rằng chưa cụ thể về đối tượng để có nội dung hỗ trợ tương ứng, chưa tập trung vào đối tượng cần hỗ trợ nhất và doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới và thông lệ quốc tế từ lâu đã xác định doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng cần hỗ trợ chính nếu có dưới 10 lao động và tổng giá trị tài sản dưới 100.000 USD, tổng doanh thu dưới 100.000 USD. Việc áp dụng đồng thời ba tiêu chí sẽ bảo đảm chính xác, tránh cách hiểu khác nhau.
Dự thảo luật hiện chưa có bất kỳ quy định nào về thủ tục hành chính xác nhận DNNVV để hưởng các biện pháp hỗ trợ chung hay các biện pháp hỗ trợ mục tiêu. Đây là vấn đề rất được doanh nghiệp quan tâm vì các thủ tục này tác động trực tiếp tới hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trên thực tế, để doanh nghiệp cảm thấy được thoát khỏi cơ chế “xin – cho”.
Về vấn đề này chúng ta có thể học hỏi từ nhiều nền kinh tế có kinh nghiệm đi trước hàng chục năm này, mà một trong số này là Nhật Bản.
Nhật là đất nước có nền công nghiệp rất phát triển, thế nhưng hiện nay DNNVV vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật cho thấy có đến 99,7% tổng số các đơn vị kinh doanh tại nước này là DNNVV, sử dụng 70% tổng số lao động, là một khu vực đa dạng về loại hình kinh doanh, trong đó ngành chế tạo chiếm 11%, bán buôn – bán lẻ và dịch vụ chiếm hơn một nửa.
Chính sách về DNNVV luôn là một phần quan trọng qua bốn mốc chuyển đổi:
Giai đoạn 1945-1955: Chống tập trung kinh tế, phát triển DNNVV; 1955-1970: Điều chỉnh phân cách giữa DNNVV và doanh nghiệp lớn; 1970-1989: Hỗ trợ các DNNVV có ý thức phát triển; 1989 đến nay: Hỗ trợ DNNVV, đơn vị kinh doanh nhỏ có quy mô rất nhỏ.
Đối với từng thời điểm cụ thể cũng có những chính sách tài chính, chính sách phát triển và hình thành tổ chức khác nhau. Theo ông Hiroshi Arai, một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, những năm gần đây, sức khỏe của các DNNVV tuy đang được cải thiện nhưng có xu hướng đi ngang. Đơn vị kinh doanh nhỏ đang giảm, năm năm gần đây giảm 400.000 đơn vị. Số vụ doanh nghiệp phá sản đang giảm nhưng số vụ ngừng hoạt động và giải thể gia tăng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hiroshi Arai cho biết ngoài luật cơ bản, Nhật Bản còn có khoảng 70-80 chính sách, luật hỗ trợ cho doanh nghiệp quy mô này. Hiện ở Nhật có khoảng 8.000 chuyên gia làm công tác hướng dẫn kinh doanh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp được hỗ trợ cách vận hành, thực hiện thủ tục kế toán hợp lý.
Ngoài hỗ trợ tài chính 310 triệu USD, các doanh nghiệp khu vực này còn được hưởng các chính sách hỗ trợ đào tạo, trong đó Luật khuyến khích hiện đại hóa là động lực chính thúc đẩy DNNVV phát triển.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, hiện nay tại nước này có cơ quan hỗ trợ đặt ở chín khu vực khác nhau với 47 điểm tư vấn. Các hiệp hội công thương, phòng thương mại và công nghiệp được thành lập với tổng khoảng 2.500 địa chỉ để sẵn sàng trợ giúp khu vực DNNVV.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), tại Việt Nam số lượng DNNVV của Việt Nam hiện chiếm 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 49% cho GDP và 41% cho ngân sách nhà nước. Có khoảng 78% nguồn nhân lực đang làm việc trong khu vực này.
Mặc dù quy mô các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam ngày càng lớn nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngày càng cao, từ 25,14% năm 2010 tăng vọt lên 65,8% năm 2015, tăng gấp 3 lần. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế năm 2010 giảm từ 22,87% xuống còn 7,26% vào năm 2012.
Thực tế này cho thấy chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của Nhật trong việc hỗ trợ DNNVV. Mới đây Jetro đã đưa ra những khuyến nghị giải pháp về chính sách hỗ trợ cho DNNVV Việt Nam, theo đó cần thúc đẩy ý muốn đầu tư vào ngành sản xuất thay cho bất động sản, chuyển các nguồn lực từ ngành này sang quỹ hỗ trợ DNNVV, đồng thời xây dựng chế độ hỗ trợ đặc biệt, trong đó có việc Nhà nước cần gánh lấy rủi ro để làm hạ lãi suất, thành lập ngân hàng chuyên cho DNNVV vay vốn với lãi suất thấp.
Hiện nay DNNVV đang kỳ vọng vào khung pháp lý cho các phương thức hỗ trợ, bởi đó chính là nền tảng vững chắc giúp loại doanh nghiệp này phát triển lâu dài và hiệu quả.
- Lê Minh Trí
Xem thêm:
Đổi thay nhiều quy định hỗ trợ doanh nghiệp