Vợ thở ra: “Nhiều nhà biệt thự, chung cư sang trọng mọc lên. Thảo Điền nhà mình nổi tiếng là khu “Tây và nhà giàu”, nhưng mà giàu như vậy thì giàu để làm gì!”. Ý cô ấy chỉ thích nội thành nhà phố dù nhỏ, còn anh chồng trẻ thích môi trường xanh, ở nhà chung cư cao cấp, có hồ bơi và bảo vệ 24/24 giờ. Hành lang, sân hè không bao giờ có một cọng rác.
Ai chẳng thích như vậy, nhưng anh thử xem, thí dụ khu Thảo Điền nổi tiếng quý tộc này, em có một thắc mắc: Tiền của người giàu tự phát đổ ra ào ào xây nhà lầu trên… đất ruộng, bãi tha ma. Không có cốt nền.
Mà cũng lạ. Không đâu như khu Thảo Điền, hầu như phố nhỏ xíu nhấp nhô, không có vỉa hè. Không đèn xanh đỏ giao thông, ngày nào cũng kẹt xe khủng khiếp, toàn xe hơi chở các cậu ấm cô chiêu đi học, các “sếp” đi làm. Không mưa cũng ngập theo thủy triều, còn mưa thì “bơi” đến trưa nước cũng không rút.
Mà giới có tiền thường đi đôi với quan lớn hoặc quen biết rộng, vậy mà không thấy Nhà nước đầu tư gì cho đường sá đi cho tử tế. Sao con cái ông lớn ở đây không nhờ cậy phụ huynh sửa đường cho đỡ khổ. Cả phường không có một cây xăng, không có chợ tử tế, lúc nào cũng điệp khúc “sắp xây”, “nay mai mở đường chạy thẳng ra cầu”… Cuộc sống tự phát của giới giàu có, trong nhà bóng loáng, bước ra cửa một cái là khổ hơn dân nghèo…
- Xem thêm: Giàu… oan
Chồng ngồi im không nổi. Anh biết cô ấy đang khơi lại cuộc chiến từ hồi bàn nhau mua nhà ở đâu. Thảo Điền nổi tiếng nhiều biệt thự giàu sang, nhưng cô ấy vẫn nói đó là “nhà quê tiêu cực”, đi xa muốn chết. Thử nhảy lên taxi vào Sài Gòn cái coi, đi về mất toi mấy trăm ngàn đồng.
Chồng vặn lại: Ai khiến đi taxi? Giờ có Uber, Grab, xe bus… Mà xa xôi gì, thời đại này, qua Âu – Mỹ coi, người ta đi làm hàng giờ chạy xe là bình thường, người ta sống xa thành phố, chứ ai ôm lấy “Phố cổ, phố khổ” như dân Hà Nội đâu.
Nói đến xe bus tại khu này thì lại như chọc tức, cô ấy tuôn ra ngay: “Bus hả? Muốn đến trạm, phải ra tận chân cầu Sài Gòn hoặc vòng vèo trong hẻm, xe ôm mất hai chục ngàn.
Lên bus xong, mất năm ngàn, công nhận rẻ. Nhưng đến nơi xuống, lại đi xe ôm hết hai chục ngàn nữa mới tới sở làm. Vậy là lên xe xuống xe, chuyển ba “cuốc” đi, tổng lại hết năm mươi ngàn đồng, ai dại hay sao không để ông xe ôm đón tận cửa đưa tận nơi cũng chỉ năm mươi ngàn?”.
Chồng: “Tại dân mình quá lười, chứ Tây người ta đi bộ ra bến xe. Mình thì xây chợ tử tế không ngồi, lê la bê cái thúng cái mẹt ra hè, “đón bọn lười” ghé cái xe, ghếch cái mông, mua mua rồi phóng. Làm sao khá được!”.
Vợ: “Nhưng mà vỉa hè còn đâu mà đi bộ. Đường sá hỗn loạn như điên, ai đi cũng than khổ than sợ…”.
- Xem thêm: Phấn đấu lên… đẳng cấp xe đạp
Cứ như vậy, cuộc tranh cãi không bao giờ phân thắng thua, không bao giờ kết thúc. Ai cũng dẫn ra đầy chứng cứ, thí dụ xanh rờn, khỏi cãi.
Vợ nói, sao không có “ông to bà lớn” tiến sĩ, thạc sĩ nào nghiên cứu cho ra vấn đề, tìm giải pháp. Chồng đáp, người ta nghiên cứu nát ra rồi. Luận án về các loại “thực trạng và giải pháp của…” chất đầy tủ lưu trữ, cam đoan là nhiều vô kể.
Vậy là em nói đúng nhé, càng giàu có càng chịu đựng nhiều thứ “không giống ai” xung quanh, nếu anh nói ở đâu mà chẳng vậy, thì hóa ra phú quý giật lùi à, mà cứ nói phát triển…