Một hôm bà và mẹ đều bận, phải nhờ cô Ôsin đi đón cu Bi học lớp Hai về giùm. Cô tất bật đi và chở Bi về. Đến bữa ăn cơm hôm sau, cu Bi trách móc, từ nay mẹ đừng nhờ chị Tư đi đón vậy nữa nha. Tụi bạn của Bi chọc “Ê, ê, nhà nghèo”.
Đi bằng xe đạp. Mới bé xíu mà bọn trẻ đã “phân biệt đẳng cấp” như vậy rồi. Hỏng quá, chẳng trách người ta phê môi trường giáo dục.
Con chị đang học trung học cũng chen vào: “Mẹ có thấy còn mấy đứa đi xe đạp nữa không? Con nhà giàu có ôtô đưa rước, nhà bình thường cha mẹ chạy xe máy rước, đứa nào khá thì tự chạy xe máy, chứ ít đứa chịu đi xe đạp lắm”.
Thôi chết, bấy lâu nay tôi “quan liêu”, cứ tưởng hình ảnh trong thơ ca âm nhạc ca ngợi tà áo dài trên những chiếc xe đạp tung bay khi tan trường in dấu trên phố xá ai cũng khen đẹp, bây giờ sắp hết rồi sao? Bà xã mới nói: “Anh chúi đầu vào công việc, bạn bè, không biết gì hết. Cái đẹp đó vẫn còn chứ sao hết được, người nghèo vẫn nhiều chứ.
- Xem thêm: Phấn đấu cho bằng… cha mẹ lạc hậu
Đi xe đạp đến trường, cả một đoàn các cô trên cầu Tràng Tiền ở Huế đi xe đạp đội nón lá, mặc áo dài vẫn là biểu tượng chứ sao mất đi được. Người mãi tận năm châu xa xôi còn đến đây đi xe đạp xuyên chiều dài Việt Nam, các cô cậu choai choai ai chẳng thuộc “Xe đạp ơi” ca ngợi mối tình trong sáng…
Nhưng đó là đời sống tinh thần và thơ văn biểu tượng thôi anh ơi. Dọc đường Sài Gòn anh nhìn xem. Có cô nào mặc quần tây áo thun đi xe đạp ghé chợ chồm hổm mua mớ rau, thì đó không là sinh viên nghèo cũng là các cô công nhân khu công nghiệp hoặc dân nhập cư, người nghèo đô thị.
Hay một số ông bà già hưu trí không đi xe máy thôi. Tôi nói, vẫn có các ông bà quan chức lãnh đạo được phóng viên báo chí chộp những tấm hình đi xe đạp đó thôi. Dân chúng ca ngợi con người liêm khiết giản dị…
Bà xã cười ngất: “Em cũng mong… phấn đấu lên được… đẳng cấp đi xe đạp kiểu đó. Lên làm quan to, có nhà lầu, thừa sức xe hơi nhưng đi xe đạp mới… choáng. Chứ nghèo khổ mà đi xe đạp… Anh có thấy cô người mẫu chân dài, diễn viên, cán bộ nhân viên nào đi xe của quý đó hay chưa? Đi xe đạp cũng có đẳng cấp đó. Hoặc là dân thể thao, dân chơi xe đạp.
Họ có cả những trang mạng riêng, tư vấn cách chọn xe. Thiếu gì những lời rao như “Cần tư vấn mua xe đạp MTB cho người cao 1 mét 8 nặng… 98kg” (chắc là một ông Tây balô đến du lịch rồi). Hoặc “bác còn cái gọng nhôm bắt giữa ghi-đông với chắn bùn trước không?” (nghe là biết dân… ghiền xe rồi, chăm chút tỉ mỉ).
Có người gọi xe đạp là… vợ hai (bà nào không hiểu được niềm si mê ấy, đọc những dòng thế này của ông chồng không kỹ thì nổi ngay cơn điều tra): “Tình hình là sau khi thuyết phục vợ cả thành công (ủa, mình đồng ý hồi nào đâu, đàn ông dối trá!), em vừa rước vợ hai về.
Vợ hai em sinh năm 78 quốc tịch France sống ở Đức (trời đất, mơ lấy Tây nữa nè) giờ lấy chồng Việt Nam. Và vợ hai em đây, mời các bác chém!” (Trời ạ, hóa ra chiếc xe đạp. Hết hồn)…”.
Ngoài dân đam mê chơi thể thao kiểu đó và đẳng cấp siêu giàu bỗng “nổi cơn giản dị” ra, còn lại thì… ôi thôi, vì nghèo mà phải gắn bó với nó.
Tôi liền kể cho bà xã nghe câu chuyện một bạn vừa đưa lên Facebook, để “độp lại” sự toan tính giàu nghèo đẳng cấp. Ở bên Tây có cô kia nghĩ mình xinh đẹp thì nhất định phải lấy chồng giàu.
- Xem thêm: Giàu… oan
Cô bèn viết một lá thư rất chân thật (những tuyên bố kiểu trâng tráo bây giờ nhiều người bênh vực là dám nói thật đó thôi). Nói thật rằng cô thấy vợ của các đại gia sao ít khi xinh đẹp, nhan sắc trung bình.
Cô xin hỏi, cô muốn lấy anh nào thu nhập 500 nghìn đô một năm, dưới mức đó không được. Cô chân thành nhờ chỉ giúp, những anh chàng giàu có thường đến những địa điểm nào để cô tìm gặp…
Kết quả là một chàng CEO giàu có trả lời, anh không chọn cô. Lý do là cô muốn đổi nhan sắc lấy tiền. Mà nhan sắc sẽ mất dần theo thời gian, nên không ai đầu tư vào một “thương vụ” như vậy.
Đầu tư phải tạo ra giá trị gia tăng, còn tài sản của cô là thứ hao mòn. Với nhà đầu tư, một tài sản hao mòn lớn vậy thì họ thường đem bán hoặc cho thuê. Và chàng CEO khuyên cô hãy tự phấn đấu trở thành đại gia thì nhiều cơ hội hơn là kiếm một thằng giàu mà ngu.
Bà xã cười: “À hà, hay thật. Đừng tính toán ở lĩnh vực này, vì nếu cô muốn tính, thì phép tính sẽ là thế đó…”.