Có thể thấy, từ thập niên 1980, người phụ nữ tham gia việc xã hội nhiều hơn thế hệ cha mẹ họ. Và, khi người phụ nữ không ở nhà thường xuyên, ít nhiều những đứa con có chút thiệt thòi hơn gia đình luôn có mẹ ở nhà.
Mẹ ở nhà tất nhiên lúc nào về cũng thấy mẹ đầu tiên. Nhiều người thú nhận rằng, mỗi lần thấy mẹ là có cảm giác… đói. Bình thường thôi mà bởi mẹ là nguồn cung cấp thức ăn vô tận cho cả nhà, từ các món chính cho đến ăn vặt đủ kiểu.
Ngủ trưa dậy, thấy nồi khoai lang đang luộc sôi ùng ục trên bếp, dở lồng bàn có mấy trái bắp, chén chè, đậu hũ, cái bánh ít, bánh bò… Mở tủ lạnh có tô mít đã bóc sẵn, miếng thơm. Đi học về, xuống bếp, cạnh nồi cơm nguội có nồi cá nục kho măng hay chảo thịt ram mặn mặn, ngọt ngọt, nước sắc sệt khiến cái bụng cồn cào sôi réo.
Hai người bạn gặp nhau. Một chị về hưu đúng tuổi (gọi là A), một chị về hưu sớm năm năm (gọi là B). Câu chuyện xoay quanh chủ đề mẹ ở nhà. Chị B cho rằng, chị tiếc sao mình không nghỉ việc sớm hơn để chăm nom nhà cửa con cái.
- Xem thêm: Bởi họ là mẹ
Giờ đây nhớ lại quãng thời gian trăm công nghìn việc ở cơ quan, về nhà túi bụi với việc nhà, hối hận nhất không phải là cả nhà không có những bữa cơm chế biến cầu kỳ mà là lúc nào cũng… la hét con cái bởi nhiều áp lực quá. Khi đó, con còn tuổi thơ là quãng đời tươi đẹp nhất của một con người thì thường xuyên thấy nét mặt khó đăm đăm của mẹ.
Buồn nhất mỗi khi cãi nhau với chồng, nhà đã không vui mà con cái có lúc là nơi trút giận. Cũng may chị nhận ra và điều chỉnh. Giờ đây tuy con chị đã lớn, một cháu lớp 12, một cháu lớp 10 nhưng chị thấy vẫn còn kịp.
Có mẹ ở nhà thì sao? Nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, drap giường, gối lúc nào cũng thơm tho bởi mẹ thường xuyên thay giặt, có khi chưa kịp dơ đã thay vì mẹ thích vậy! Cả nhà được ăn sáng ở nhà với các món ăn đảm bảo chất lượng, vệ sinh do mẹ nấu.
Quần áo phơi có người lấy vào xếp thẳng thớm bỏ tủ. Thêm nữa, tủ quần áo chẳng những ngăn nắp, phân biệt quần áo mặc nhà, đi học, chơi thể thao lại luôn có hương thơm bởi mẹ thường xuyên thay giấy thơm…
Hai chị này nói chuyện với nhau tâm đắc lắm vì cùng công việc hai chị đang làm mỗi ngày cho gia đình. Sáng dậy sớm tập thể dục hay đi bộ, sau đó nấu thức ăn sáng cho cả nhà. Đợi mọi người ăn xong đi hết, hai chị mới nhẩn nha phần mình.
Mở iPad vừa lướt Facebook, like, comment, chat… vừa ăn sáng. Có khi sa đà, nhìn đồng hồ giật mình sắp đến giờ chuẩn bị cơm trưa. Trưa có người về, có người không về cũng phải tươm tất vì chắc chắn câu đầu tiên người bước vào nhà sẽ là: “Trưa nay ăn gì mẹ”, hay “Có gì ăn không, con đói quá!”.
Người mẹ dù mới ăn sáng xong (do nhẩn nha), chưa kịp đói cũng ngồi lại với con bên bàn ăn, có thể là câu chuyện trường, lớp, có khi chẳng có chuyện gì vì cả hai mẹ con đều quẹt quẹt điện thoại hay iPad nhưng cảm thấy vui và an tâm. Bình yên là đó chứ đâu?
Sau giấc ngủ trưa ngắn, người mẹ mở máy tính lướt Facebook tán gẫu một chút với bạn bè, đọc tin tức hay lên sân thượng xem lũ rau canh đã cắt được chưa để buổi chiều có nồi canh rau tươi, nóng. Lục đục đến giờ chuẩn bị cơm chiều. Chuyện nhà tưởng vặt vãnh vậy mà chiếm trọn thời gian; không ai hối thúc, không hôm nay thì mai làm vẫn được nhưng sao không thấy an tâm.
- Xem thêm: Cơm mẹ
Đó là tâm lý bình thường của người ở nhà, việc như thế và họ phải chu toàn. Tất nhiên, do công việc chủ động nên người mẹ này có thể đi cà phê tán gẫu với bạn bè nếu thích, đó cũng là sự kết nối xã hội sau nhiều năm bù đầu việc cơ quan. Người mẹ này vẫn có thể sống cho mình nếu muốn đi đâu đó thăm bạn bè hay đơn giản chỉ là leo lên xe buýt đi chơi đâu đó.
Bao nhiêu năm chỉ biết con đường từ nhà đến cơ quan, ra chợ, mối quan hệ công việc, thì đây là thời điểm tốt nhất để hiểu hơn đời sống đường phố, để thấy cuộc đời còn quá nhiều thứ mà mình chưa biết. Những thông tin hè phố ấy sẽ là đề tài cho các thành viên gia đình thảo luận vài tình huống nào đó trong bữa cơm chiều, chẳng hạn.
Hai người bạn kết luận, có mẹ ở nhà thật thích, không phải ai cũng muốn hay có điều kiện để ở nhà. Đời người, quan trọng nhất là gia đình, nhiều người đến khi hiểu ra thì không còn hay quá ít cơ hội!