Nhạc sĩ Y Vân có bài hát Lòng mẹ đi cùng năm tháng biết bao thế hệ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có tùy bút nổi tiếng Bông hồng cài áo được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết thành ca khúc dựa vào tứ của tùy bút mà bất cứ ai khi nghe đều thấy ngậm ngùi.
Các nhà làm nghệ thuật khai thác hết đời này sang đời khác cũng chưa hết câu chuyện về mẹ, bởi ai cũng có người mẹ của riêng mình để biết ơn, yêu thương…
Câu chuyện về những người phụ nữ luôn trải dài bất tận không có điểm dừng. Ở đó người ta thấy sự chịu đựng, hy sinh và cả việc phải “xù lông nhím” để bảo vệ người thân yêu của mình nữa. Người phụ nữ có tốt, có xấu nhưng đa phần ở họ, nói một cách lý thuyết dù có xấu cũng chỉ với mục đích tốt đẹp cho người thân yêu đôi khi gây ra phiền nhiễu hay bực mình với người chung quanh.
Đường một chiều xe cộ chạy vun vút, một phụ nữ đi xe đạp ngược chiều, trên xe chất đầy những bao tải cồng kềnh, không chỉ vi phạm luật giao thông mà còn nghênh ngang như chẳng có ai chung quanh, bắt buộc các xe khác phải né ra. Một phụ nữ khác đẩy chiếc xe ba gác trên đó cũng chất nặng đồ lạc xoong ve chai, ì ạch len qua và đi ngược với làn xe chạy một chiều. Một chiếc xe buýt trờ tới chật chội xoay trở cùng lúc với mấy hàng xe bên cạnh.
- Xem thêm: Bởi mẹ là mẹ!
Người phụ nữ có lẽ lúng túng, bị động bởi nhiều xe quá, chị không đẩy được chiếc xe thoát ra khỏi dòng xe chi chít ấy mà lại như muốn lao vào đầu xe buýt. Tài xế xe buýt thắng gấp và nhô đầu ra khỏi cửa xe la lớn, sao không né qua kia mà đâm vào đầu xe làm sao xe chạy. Người phụ nữ giật mình, khó khăn và nặng nhọc lái chiếc xe ba gác vào bên trong lề, tất nhiên phải len qua mấy lớp xe máy nữa.
Chứng kiến cảnh ấy, người nóng tính thì tức giận, người tỉnh táo nhất cũng buông ra lời khó chịu mà người nghe không biết là bực chị đẩy xe ba gác hay vì kẹt xe, trời nắng nóng, hay lại xót cho người phụ nữ phải mưu sinh vất vả…
Về tình huống thì người phụ nữ ấy đáng trách thật, nhưng xét về công việc chị đang làm thì hẳn phải có một động cơ nào mạnh mẽ lắm mới khiến chị phải khổ cực như vậy. Là phụ nữ ai chẳng muốn ăn trắng mặc trơn, thơm tho, ngồi trong nhà mát mẻ. Mỗi người một phần số, phước ai người ấy hưởng. Lỡ lấy phải chồng chẳng ra gì, con ai nuôi? Chẳng có người mẹ nào đành lòng nhìn con mình đói cả.
Cái định nghĩa căn bản về mẹ có lẽ là sự đói no. Mồ côi cha vẫn được ăn cơm với cá cơ mà! Nghĩ thế rồi lắc đầu cho qua, thầm nghĩ giá mà người phụ nữ ấy đừng vi phạm luật giao thông. Nếu có người đại diện công quyền nào đứng ra xử lý lỗi vi phạm này thì chắc cũng chỉ nhắc nhở rằng lần sau không được đẩy xe như vậy nữa mà thôi.
Nghĩ thêm một chút, hằng ngày có bao nhiêu người phụ nữ làm công việc chạy chợ bán mua, bám vỉa hè mưu sinh? Họ cũng vì miếng cơm manh áo cho con cái. Liên hệ rộng hơn, biết bao phụ nữ thành công, giàu có tự bươn chải một mình? Đứng trên đỉnh vinh quang mà trào nước mắt vì chẳng có ánh mắt nào nhìn mình động viên, khích lệ.
Nếu may mắn thì có những đứa con nhìn mẹ ngưỡng mộ, thán phục, yêu thương. Nếu không may thì sẽ như người lữ hành cô đơn, trơ trọi. Nhiều khi đằng sau vinh quang đó là những giọt nước mắt tuôn ra một mình, không có sự sẻ chia.
- Xem thêm: Có mẹ ở nhà
Nhưng, có một sự thật rằng người phụ nữ tuy là phái yếu nhưng trời ban cho đa phần họ có ý chí mạnh mẽ. Không gì có thể khuất phục được họ khi phía sau là những đứa con (nhiều người còn thêm gánh nặng ông chồng mà họ lại cho đó là hạnh phúc).
Chưa bao giờ có cái gọi là giải phóng phụ nữ cho dù họ giàu hay nghèo. Đôi khi người nghèo chấp nhận an phận và ít thấy buồn hơn người có danh vọng, giàu sang mà cô đơn. Những chứng trầm cảm của người phụ nữ cũng thường từ nguyên nhân này.
Thế nhưng, gì thì gì chỉ bởi họ là mẹ, là vợ, hai điều đó thôi khiến họ mạnh mẽ.