Thông tin trên được đón nhận với thái độ không giống nhau. Vui mừng nhất có lẽ là các quan chức cao cấp trong ngành thể dục thể thao mà nhiều năm qua đã đeo đuổi mơước này vì nhiều lý do trong đó có cả lợi chung lẫn lợi riêng. Họ có niềm hãnh diện khi đã vượt qua một đối thủ cũng rất thiết tha với việc đăng cai ASIAD 18 và càng tự tin hơn là đã từng tổ chức thành công SEA Games 22 dù đây là một cuộc chơi khu trú trong 11 nước có trình độ thi đấu thể thao thuộc vào hạng thấp nhất thế giới, cũng như tổ chức thành công Đại hội Thể thao châu Á trong nhà năm 2009. Họ nhân danh tinh thần hội nhập và uy tín quốc gia để củng cố lòng tin rằng Việt Nam sẽ thành công với ASIAD 2019, bất chấp điều kiện nội tại của đất nước.
Các nhà tổ chức có thể viện dẫn lý do chúng ta dự kiến tổ chức một ASIAD “siêu tiết kiệm” để bảo vệ quan điểm của mình. Đúng là khoản tiền hơn 3.000 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD) là quá nhỏ không chỉ so với chi phí của các kỳ đại hội thể thao châu Á được tổ chức trước đó, mà còn chẳng là bao nhiêu so với những khoản lỗ hàng tỉ USD của những Vinashin, Vinalines, nhưng “tiền nào của nấy”, chất lượng của một đại hội thể thao tầm cỡ châu lục sẽ ra sao với khoản chi phí hứa hẹn ấy. Không khéo uy tín quốc gia bị tổn thương vì hiện nay nội lực chưa đủ cho một sân chơi lớn có đến 44 nước tham dự và nguồn nhân lực phục vụ có khi cả chục nghìn người. Và khi đứng trước “sự đã rồi”, chắc chắn ngân sách lại sẽ phải gồng mình gánh chi phí phát sinh, ngay cả khi không có tiêu cực, cho các công trình phục vụ ASIAD 2019.
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, cho biết gói đầu tư 150 triệu USD sẽ được chi chủ yếu cho việc xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, một phần sẽ dành cho chi phí cán bộ và phục vụ công tác tổ chức.
Các dự án xây mới chỉ gồm trung tâm báo chí, sân xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình, xây trung tâm thi đấu quần vợt, sân bóng chày, trường đua ngựa và năm môn phối hợp, hockey trên cỏ, rugby… Cơ sở vật chất sẵn có sẽ được tu bổ và nâng cấp cho phù hợp với tiêu chuẩn.
Thế nhưng, dưới một góc độ khác, đa phần người dân có cách nhìn thực tế hơn đã rất băn khoăn về chủ trương của Nhà nước đăng cai ASIAD 18 khi mà từ nay đến năm 2019, khoảng thời gian hơn sáu năm liệu nền kinh tế có đủ sức vượt khó không trong tình hình nợ công lên đến hơn 50% GDP với một dự báo tốc độ phát triển không khả quan trong vài năm tới. Suy nghĩ bình thường là trước những thách thức này Nhà nước nên tập trung nhiều hơn cho các công trình vì quốc kế dân sinh, tạo thêm việc làm.
Đó là chưa kể, chúng ta sẽ phải đầu tư bao nhiêu tiền của để có được một đoàn vận động viên đủ sức tham dự với tư cách nước chủ nhà, khi mà thành tích cao nhất ở ASIAD vừa qua của Việt Nam chỉ vỏn vẹn có một huy chương vàng môn Karatedo.
Đứng trước những lo âu vừa nói, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại các nước bạn đã phải chịu những áp lực nào khi đứng ra tổ chức ASIAD.
Thông tin gần đây nhất cho thấy dù đã đi được gần nửa chặng đường trong công tác chuẩn bị ASIAD 17 năm 2014 tại Incheon nhưng chủ nhà Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ước tính ban đầu tổng chi phí cho ASIAD 2014 vào khoảng 1,62 tỉ USD nhưng đến nay đã tăng vượt 110%.
Tháng 4-2012, tờKorea Times cho biết chính quyền thành phố Incheon đang gánh món nợ hơn 2,66 tỉ USD phần lớn do công tác chuẩn bị ASIAD 2014. Từ đó dẫn đến nợ lương hàng ngàn cán bộ công chức và nhân viên hợp đồng.