Tuy vậy để vượt qua cơn bão kinh tế này thì bằng niềm tin vẫn chưa đủ mà còn phải biết khai thác các thế mạnh và khắc phục các điểm yếu.
Một dây chuyền sản xuất trong nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung Việt Nam
Áp lực cạnh tranh khu vực nhưng là cơ hội để thay đổi
Sau nhiều thập niên được cai trị độc đoán bởi quân đội và bị cấm vận của Mỹ, Myanmar đang nổi lên thành điểm nóng thu hút đầu tư của nước ngoài. Trước tình hình này, một số nhà đầu tư bắt đầu giảm chú ý vào các nước láng giềng ASEAN để khăn gói lên đường sang vùng đất mới.
Vốn cũng như máu lưu thông trong cơ thể, vốn chảy đến nơi nào kinh tế năng động và sinh lợi lớn. Vì thế, không chỉ có Việt Nam, các quốc gia ASEAN gần đây đều ở thế bất lợi đối với sự đổi thay của Myanmar. Vì thế, cùng với việc tìm ra giải pháp để bù đắp giảm sút FDI ở một số khu vực của nền kinh tế, chúng ta cần chú trọng hơn đến các lĩnh vực vẫn còn nhiều thế mạnh, đó là các nhà máy lắp ráp chế tạo hàng điện tử, viễn thông; nhà máy dệt nhuộm, vải sợi cung cấp nguyên liệu cho thị trường các tỉnh Nam Trung Quốc. Sở dĩ có hiện tượng này vì tính toán lợi thế về thuế xuất nhập khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do các nước ASEAN (AFTA) và ASEAN+3 có hiệu lực, các nhà sản xuất Hàn Quốc, Nhật, Singapore, EU vẫn muốn tiếp tục đầu tư mạnh các nhà máy chế tạo, lắp ráp các mặt hàng này, nhất là các tỉnh phía Bắc. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng được cải thiện, giá nhân công thấp ở các tỉnh phía Bắc nước ta so với nhân công các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… cũng là một thực tế thêm thu hút các nhà đầu tư quốc tế.
Việc sử dụng vốn ODA tuy vẫn quan trọng nhưng không còn hấp dẫn do nhiều nước coi Việt Nam là nước không còn thích hợp với loại hình vốn này. Thay vào đó, nên mạnh dạn mở cửa cho các công ty quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) hoặc hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT) theo hướng hợp tác công tư (PPP). Chính phủ Nhật và Indonesia trong tháng 10-2012 đã ký hợp tác song phương theo hình thức PPP một thỏa thuận lên đến 24 tỉ USD nhằm nâng cấp hạ tầng một số khu vực trọng điểm kinh tếở Indonesia. Nếu chúng ta không mạnh dạn lôi kéo các công ty Nhật theo hướng này, Indonesia, Philippines sẽ nhanh chóng trở thành điểm thu hút đầu tư của Nhật và như thế việc thu hút nguồn vốn FDI sẽ khó khăn hơn.
Nguồn vốn của Mỹ cũng sẵn sàng đổ vào Việt Nam. Cuộc viếng thăm liên tiếp của đại diện Ngân hàng Eximbank cho thấy, Việt Nam được xếp vào sáu quốc gia hàng đầu của Mỹ trong việc cấp hạn mức tín dụng từ ngân hàng này. Khoảng hạn mức tín dụng 1,5 tỉ USD Mỹ sẵn sàng cho vay mua thiết bị hàng không, đầu tư hạ tầng trong đó chú trọng hình thức PPP.
Quan sát thực tế, các tuyến đường sắt trên cao ở Bangkok, Thái Lan, MRT ở Kuala Lumpur, Malaysia… giai đoạn đầu đều do các nhà đầu tư quốc tế xây dựng, vận hành và khai thác. Còn ở TP.HCM, các dự án BOT do các công ty trong nước đầu tư hiện nay rất bất cập, do thiếu vốn, thiếu phối hợp đồng bộ trong quản lý điều hành. Chẳng hạn, dự án BOT cầu – đường Bình Triệu II; dự án BOT nâng cấp, mở rộng liên tỉnh lộ 15 giai đoạn 2; và hiện nay, dự án BOT cầu Phú Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản… Gần đây báo chí cũng đã nêu vấn đề hệ thống thu phí rào kín các ngõ đường TP.HCM khiến cho dư luận có thể hiểu sai hình thức đầu tư này.
Để thu hút FDI vào nước ta trở lại, chúng ta cần mạnh dạn áp dụng thực tiễn trên. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn đương thời đã nhắc nhở rằng phải nghĩ đến lợi ích của nhà đầu tư mới làm tốt thu hút đầu tư.