Ở phương Tây, công việc và các mối quan hệ xã hội thường tách biệt nhưng ở Việt Nam thì ngược lại: từ nhà quản lý đến nhân viên đều cho rằng họ cần thắt chặt mối quan hệ với nhau thông qua các chuyến nghỉ mát, các buổi tiệc hoặc karaoke tập thể. Điều này có lẽ cũng thể hiện xu hướng cộng đồng của người Việt Nam. Trong khi đó, những quan niệm của người phương Tây về vấn đề này lại mang đậm tính cá nhân. Ở Đà Lạt nơi tôi sống hoặc ở nhiều điểm du lịch khác, tôi thường gặp những chiếc xe chở khách theo đoàn nhưng trước kia tôi không hề biết những người khách này làm cùng một nơi. Tôi tưởng họ đi chung vì tình cờ cùng mua vé của một công ty du lịch. Mãi cho đến một hôm, khi đi cùng toa tàu với một nhóm khách đoàn, tôi mới biết ở Việt Nam có hình thức đi du lịch theo công ty. Trong những chuyến du lịch này, các nhân viên của công ty sẽ cùng đi chơi, cùng sinh hoạt và nhiều người ngủ chung trong cùng một phòng. Mọi chi phí công ty sẽ thanh toán. Quả thật là một kiểu đi du lịch hoàn toàn mới lạ với tôi. Người phương Tây thường thích sự riêng tư. Hai người lớn sẽ không ngủ chung trên một chiếc giường trừ phi họ là người yêu của nhau. Với họ, một nhóm dùng chung một phòng lại càng không thể.
Hằng năm, nhân viên ở phương Tây thường có hai tuần nghỉ phép và một số ngày nghỉ thêm trong trường hợp bị ốm hoặc đi thăm thân nhân. Họ cũng được công ty chi tiền cho đi nghỉ mát hằng năm. Với thời gian nghỉ ngơi được trả lương này, họ có thể đi chơi tùy thích nhưng hầu như không ai chọn đi chơi với đồng nghiệp. Trên thực tế, họ cảm thấy vô cùng vui vẻ nếu có được ít ngày rời xa công việc, rời xa sếp và các đồng nghiệp trong công ty. Họ sẽ đi nghỉ với người yêu, gia đình hay bạn bè và đến những nơi theo ý thích của mình. Có người thích câu cá, có người thích du lịch, có người lại thích đi thăm các bảo tàng,… Vì vậy mà ý tưởng đi chơi tại một địa điểm do công ty chọn thật là lạ lẫm với người phương Tây. Họ cảm thấy mình bị mất tự do cá nhân khi không được lựa chọn chỗ đi chơi.
Tôi từng hỏi một người bạn của mình, vốn là chủ một doanh nghiệp về việc chi tiền cho nhân viên đi hát karaoke hằng tháng. Điều tôi thắc mắc là liệu có phải mọi nhân viên đều thích thú và thấy được ích lợi của việc đi chơi một buổi tối với công ty không? Chẳng lẽ trong số đó lại không có ai muốn nhận tiền trực tiếp thay vì đi hát karaoke? Bạn tôi bảo rằng hầu hết mọi người đều thích đi chơi chung chứ không muốn nhận tiền mặt. Thật kỳ lạ. Trong trường hợp này người phương Tây sẽ chọn nhận tiền.
Người phương Tây quan niệm công ty là nơi làm việc và mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tính trật tự cũng như hiệu quả công việc. Trong khi đó, môi trường làm việc của người Việt Nam lại có nhiều mối quan hệ thân thiết, có khi là họ hàng, người thân hoặc bạn bè nối khố. Còn nếu chưa thân, họ sẽ tham gia các hoạt động tập thể để thân thiết hơn. Những mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp thông qua các chuyến đi chơi là động lực giúp họ gắn bó hơn với công ty và sẽ nỗ lực làm việc hơn. Với người phương Tây, hiệu quả công việc được đo bằng lợi nhuận chứ không phải bằng việc xây dựng tình bằng hữu. Đó là lý do vì sao những người phương Tây như tôi vô cùng ngạc nhiên khi khám phá ra các chuyến nghỉ mát do công ty tổ chức trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.
Lê Tâm dịch