Bài viết dưới đây được phát triển từ bài phân tích “China’s New Economic Advantage” của Jeffrey Wu, đăng trên Project Syndicate tháng 7/2025. Tác giả nhận định Trung Quốc đang chuyển mình từ lợi thế nhân công giá rẻ sang một mô hình kinh tế được dẫn dắt bởi AI và hiệu quả vận hành. Bài viết không chỉ tóm lược lập luận cốt lõi của Wu, mà còn mở rộng liên hệ đến bối cảnh Việt Nam – nơi vẫn đang đi theo mô hình “công xưởng giá rẻ” giữa lúc thế giới đã bước vào cuộc chơi của năng suất và tự động hóa. Đây là một lời cảnh tỉnh đáng suy ngẫm.

Có một buổi chiều tôi đứng trong một khu công nghiệp ở Thâm Quyến – cái nôi của hàng triệu chiếc smartphone xuất xưởng mỗi năm. Nhưng khung cảnh trước mắt không còn giống những gì tôi từng thấy trên báo chí cách đây 10 năm.
Không có tiếng máy hàn điện giật. Không có công nhân chen chúc trong bộ đồng phục xám tro, vai áo thấm mồ hôi. Chỉ là một nhà xưởng rộng, yên tĩnh như thư viện – nơi robot vận hành theo nhịp điệu riêng, phối hợp nhịp nhàng như dàn giao hưởng không nhạc trưởng. Tôi hỏi một kỹ sư trẻ: “Bao nhiêu người đang làm việc ở đây vậy?” Cậu ta cười, đưa mắt ra phía bảng điều khiển: “Chín người. Và một con AI.”
Tôi đã không nói gì. Vì trong khoảnh khắc đó, tôi hiểu: Trung Quốc không còn là cường quốc của nhân công rẻ – mà đang bước sang một kỷ nguyên mới, nơi hiệu quả trở thành tôn giáo, còn trí tuệ nhân tạo là ngôn ngữ chung.
Jeffrey Wu gọi đó là “lợi thế so sánh mới” – khi Trung Quốc từ bỏ vũ khí giá rẻ để chơi cuộc chơi hoàn toàn khác: nhanh hơn, chính xác hơn, và vận hành như một cỗ máy dữ liệu khổng lồ.
Nhưng thực ra, cuộc chuyển mình này đã bắt đầu âm thầm từ lâu.
Sau đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với sự già hóa, giá thành leo thang và chuỗi cung ứng đứt gãy. Đó không phải là khủng hoảng – mà là lời nhắc nhở. Và như thường lệ, Trung Quốc không đợi ai dạy mình phải làm gì.
Họ không đóng cửa nhà máy – họ thay đổi cách nhà máy hoạt động. Không kêu gọi người lao động trở lại – mà dạy máy móc học cách làm việc như người. Và trong một thời gian rất ngắn, AI không còn là sân chơi của những đại học hàng đầu hay các công ty khởi nghiệp ngáo công nghệ. Nó bước vào bệnh viện, nhà máy, công trường, thậm chí cả phòng họp của chính quyền địa phương.
Tôi từng được xem một bản demo tại một quận nhỏ gần Tô Châu: Một hệ thống AI được chính quyền dùng để phân tích các dự án công – từ đầu tư trường học đến hệ thống thoát nước. Phần mềm có thể đề xuất thứ tự ưu tiên ngân sách, dự đoán hiệu quả sau đầu tư, thậm chí đánh giá rủi ro tham nhũng dựa trên hồ sơ thầu. Tất nhiên, nó không phải thay thế con người – nhưng nó làm cho con người ra quyết định nhanh và chính xác hơn.
Đó là điều đáng sợ nhất: Khi một nền kinh tế không chỉ ứng dụng công nghệ – mà biết cách tổ chức lại mọi thứ xung quanh công nghệ đó.
Thật trớ trêu, phương Tây là nơi phát minh ra AI, nhưng lại là nơi loay hoay nhất với việc đưa nó vào đời sống. Ở nhiều nước phát triển, AI vẫn là chuyện phòng thí nghiệm, đạo đức và luật pháp. Còn ở Trung Quốc – nó đã là chuỗi cung ứng, hệ thống y tế và hành chính công.
Thế nên khi Wu viết rằng hiệu quả đang thay thế chi phí thấp trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi, tôi thấy điều đó hiển hiện ngay trên mặt đất, trong từng ngóc ngách kinh tế đời thực.
Hiệu quả không còn là con số trong báo cáo. Nó là tốc độ ra quyết định. Là thời gian triển khai. Là việc cắt bỏ trung gian mà không cần sa thải ai. Là việc sản phẩm đến tay người dùng trong 1 ngày thay vì 1 tuần – không vì nhân công rẻ, mà vì cả hệ thống biết cách làm nhanh hơn.
Tôi nghĩ về Việt Nam.
Chúng ta tự hào mình là điểm đến thay thế Trung Quốc. Chúng ta mừng khi Samsung mở thêm nhà máy, khi Intel rót vốn, khi các báo quốc tế gọi ta là “công xưởng mới của Đông Nam Á”.
Nhưng điều đó nghĩa là gì, nếu mô hình chúng ta dựa vào – chính là mô hình mà Trung Quốc đang rũ bỏ?
Chúng ta đang chào mời thế giới bằng nhân công rẻ, chính sách ưu đãi thuế, đất đai rẻ và hậu cần… không quá tệ. Nhưng nếu Trung Quốc giờ đây không còn cạnh tranh bằng giá – mà bằng cấu trúc hiệu quả tự động, thông minh, và nội địa hóa toàn bộ – thì chúng ta sẽ thay thế phần nào trong cuộc chơi đó?
Có một điều cần nói rõ: Việt Nam không thể bắt chước Trung Quốc. Không chỉ vì khác biệt thể chế, mà còn vì chúng ta không có một Baidu, không có một Alibaba Cloud, không có hàng triệu kỹ sư AI được đào tạo bài bản cùng hệ sinh thái dữ liệu tập trung.
Nhưng không có nghĩa là ta không thể chọn một con đường khác.
Thay vì chạy theo cuộc đua hạ giá, tại sao không chọn lối đi riêng – một nền kinh tế hiệu quả dựa vào chính những thứ Việt Nam đang có? Một hệ sinh thái nông nghiệp chính xác, nơi AI giúp nông dân dự báo mùa vụ. Một mạng lưới giáo dục thông minh, nơi công nghệ giúp cá nhân hóa lộ trình học. Một chính quyền số không cần mạnh – chỉ cần dễ tiếp cận và minh bạch.
Chúng ta không cần phải có hàng ngàn robot để trở thành quốc gia hiệu quả. Nhưng chúng ta cần dám đặt câu hỏi về mô hình đang tồn tại.
Mỗi lần đi qua khu công nghiệp, thấy hàng trăm người đổ ra đường lúc tan ca, tôi thấy mừng. Nhưng tôi cũng thấy lo. Vì một nền kinh tế không thể đặt toàn bộ tương lai vào đôi vai người lao động – trong khi thế giới đang tiến vào thời đại của trí tuệ tự động.
Khi bạn cạnh tranh với một quốc gia “giá rẻ”, bạn có thể tăng lương, tăng thuế, tăng chất lượng. Nhưng khi bạn cạnh tranh với một quốc gia “hiệu quả hơn bạn gấp 5 lần”, thì bạn buộc phải thay đổi từ gốc.
Và điều đó phải bắt đầu ngay bây giờ.