Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam gia tăng mạnh mẽ trong hai năm trở lại đây được xem là biểu hiện sinh động của hội nhập kinh tế quốc tế.
Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh
Đầu tư ra nước ngoài không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiềm năng ở ngoài lãnh thổ mà còn tạo thêm cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài cũng khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời góp phần giữ vững quan hệ chính trị, đối ngoại với các nước bạn bè truyền thống.
Hoạt động này không chỉ góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước trưởng thành, tự tin hơn, mặc dù không phải dự án nào cũng mang về lợi nhuận.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (Viettel, Vinamilk, các công ty con của Tập đoàn Cao su Việt Nam, các ngân hàng có vốn nhà nước), thì đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt là của cá nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng tăng. Cụ thể là trong năm 2014 có 12,5% dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp phép là của nhà đầu tư cá nhân, 76% dự án của các công ty tư nhân. Trong đó, nhiều công ty đã có tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động của mình cũng bắt đầu đầu tư ra nước ngoài (FPT, BKAV, Tôn Hoa Sen, Kym Đan, Chuyển Phát Tín Thành…).
Năm 2014 được xem là điểm sáng của đầu tư ra nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 109 dự án đầu tư sang 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số vốn giải ngân lũy kế tính đến hết năm 2014 vào khoảng 6 tỉ USD. Lợi nhuận chuyển vềước khoảng 800-900 triệu USD.
Chuyện làm ăn lúc nào cũng tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, không chỉ liên quan tới vốn hay nhu cầu, giá cả trên thị trường, những hạn chế và bất cập trong quản lý nhà nước. Nhưng với hoạt động đầu tư ra nước ngoài còn phải đối diện với tình trạng một số cơ quan đại diện nhà nước ở nước ngoài như đại sứ quán, tổng lãnh sự quán hay cơ quan thương vụ chưa hỗ trợ bước đầu cho doanh nghiệp, đặc biệt trong hoạt động xúc tiến đầu tư dự án. Có thể nói đây là nguyên nhân chủ yếu làm các nhà đầu tư cảm thấy lạc lõng khi phải giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai dự án nơi xứ người.
Thực tế cho thấy việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn như một số dự án đầu tư vốn tư nhân không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn, một số dự án sử dụng vốn nhà nước chậm tiến độ do những biến động của môi trường đầu tư, thời điểm đầu tư, do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả. Ngoài ra một số dự án phát sinh các khó khăn nội tại trong việc huy động vốn đầu tư, thu xếp các nguồn lực để thực hiện dự án đầu tư…
Nhiều triển vọng…
Tình hình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp chúng ta hy vọng sẽ khởi sắc hơn khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… được ký kết và đi vào hoạt động, khi ấy thị trường nội địa và quốc tế sẽ trở thành thị trường khu vực, tạo thêm cơ hội cho các nhà đầu tư.
Điều này giải thích tại sao các doanh nghiệp như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam… đều đã có chiến lược đầu tư ra nước ngoài và đặt kỳ vọng rất nhiều vào các dự án đang thực hiện. Có thể kể ra đây một số doanh nghiệp thuộc loại này.
Báo cáo thường niên năm 2014 của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) cho thấy, từ khi thành lập vào năm 2007 đến nay, Viettel Global đã liên tục mở rộng mạng lưới, với các dự án phát triển mạng viễn thông ở Campuchia, Lào, Mozambique, Haiiti, Tanzania, Peru… Chính vì thế, trong năm 2014, tổng doanh thu của Viettel Global đạt hơn 1.200 triệu USD với mức tăng trưởng trên 20% so với năm trước. Các hoạt động kinh doanh, tiếp cận khách hàng đầy tính mới lạ, khác biệt đã giúp Viettel Global đạt thành công, tạo uy tín để nhiều quốc gia, đối tác chủ động mời Viettel đầu tư như Congo DRC, Bangladesh, Myanmar, Triều Tiên, Belarus, Ukraina…
Công ty cổ phần Thủy sản Hùng Vương cũng là doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài trong thời gian qua. Lãnh đạo công ty này cho biết đã đạt được thỏa thuận với đối tác Nga về việc xây dựng nhà máy chế biến thủy sản và kho lạnh tại Moscow với mức đầu tư khoảng 30 triệu USD. Đây được xem là khoản đầu tư đầu tiên của Hùng Vương ra nước ngoài dù trước đó công ty cũng đã tiết lộ về kế hoạch đầu tưở Indonesia thông qua việc hợp tác với đối tác Singapore.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) sẽ tiếp tục mở rộng quy mô bằng đẩy nhanh các dự án đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư ra nước ngoài với các dòng sản phẩm chiến lược, gia tăng năng lực cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm là nhiệm vụ được Vinamilk đưa vào trọng tâm lớn trong năm 2015 và những năm kế tiếp. Do đó ngoài các dự án đã đầu tưở các nước như Ba Lan, New Zealand,… Vinamilk đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy 23 triệu USD tại Campuchia mà công ty này nắm giữ 51% vốn (Công ty Angkor Dairy Product của Campuchia đóng góp 49%). Nhà máy tại Campuchia có công suất 19 triệu lít sữa nước, 64 triệu hộp sữa chua và 80 triệu túi sữa đặc có đường, sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Hoa Sen Group (HSG) thì cũng định hướng đầu tư ra nước ngoài như một hướng phát triển mới trong đó công ty đang nhắm đến đầu tưở một số quốc gia như Myanmar, Indonesia và Thái Lan.
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đã và đang đặt chân đến thị trường các nước trên thế giới. Với việc xây dựng đội ngũ nhân viên, ứng dụng khoa học công nghệ và đưa ra các dịch vụ đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, Công ty TNHH Du lịch châu Á Thái Bình Dương (APT) đã mở nhiều văn phòng, đại lý tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á hay tại Tây Ban Nha, Mông Cổ…
…Nhưng vẫn còn nhiều rào cản
Khi phân tích về những khó khăn và rào cản của doanh nghiệp Việt Nam đi đầu tư tại nước ngoài, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, khó khăn nhất là về văn hóa xã hội. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh – Đại học Ngoại thương Hà Nội, để đưa ra được hàng hóa, dịch vụ phù hợp với thị trường đó, doanh nghiệp phải có sự tìm hiểu thật kỹ về thị trường, vượt qua được những rào cản về luật pháp, về cạnh tranh giá cả nhưng quan trọng nhất là doanh nghiệp phải hiểu được phong tục tập quán… của người dân tại nước đó. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn rất mù mờ về thị trường định đầu tư, mới chỉ dừng ở mức bán cái mình có chứ chưa bán cái thị trường cần.
Trong khi đó, đa số doanh nghiệp Việt Nam mới ra nước ngoài đầu tư trong thời gian ngắn nên thiếu kinh nghiệm, chưa nắm rõ chính sách và một số quy định về ngành nghề tại quốc gia khác. Khó khăn khác là doanh nghiệp tham gia đàm phán mà không hiểu về ngôn ngữ, luật pháp bản xứ thì rất dễ gặp những bất lợi.
Phân tích về thành công của Viettel, ông Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ kinh doanh vì lợi nhuận chứ chưa vì lợi ích. Ở thị trường Campuchia, Viettel thành công vì đã đưa ra được mức giá hợp lý, có chương trình tài trợ các hoạt động xã hội, chấp nhận không có lợi nhuận nhưng đã tạo được uy tín, dần ghi dấu thương hiệu vào đời sống của người dân thị trường này. Do đó, doanh nghiệp muốn thành công thì nên hướng đến con đường kinh doanh mang tính lâu dài, tạo được thương hiệu và uy tín bền vững.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có kỹ năng quốc tế để hiểu được những rào cản của thị trường nước ngoài đặt ra.
Cùng với những khó khăn về phía doanh nghiệp thì công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, vốn là đầu cầu cho doanh nghiệp vươn dài cánh tay, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại một số vấn đề: nhiều hoạt động tổ chức dồn dập – cụ thể là các hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn gây lãng phí, chưa có hiệu quả tương xứng. Mặt khác, các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, khảo sát thị trường kết nối đầu tư còn ít, chưa được quan tâm đúng mức.
Có người cho rằng đây là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Nhưng không hẳn vậy, đó còn là công việc của các doanh nghiệp.
Số liệu mới nhất về tình hình những tháng đầu năm 2015 cho thấy, hiện Việt Nam đã có 962 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 15 tỉ USD.
Ngoài ra còn có 115 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 5 tỉ USD. Như vậy, tính cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm đến nay là 20 tỉ USD. Điều đáng ghi nhận là sau một thời gian dò dẫm ở các nước khu vực, doanh nghiệp của chúng ta đã vươn cánh tay dài làm ăn ở nhiều châu lục.
Bên cạnh thị trường truyền thống như Lào (có 259 dự án với 3,9 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 27% tổng số dự án và 26% tổng vốn đăng ký đầu tư), Campuchia (có 171 dự án và 3,2 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư, chiếm 18% tổng số dự án và 22% tổng vốn đăng ký đầu tư); doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư sang Nga 18 dự án với tổng vốn đầu tư là 968 triệu USD. Tại châu Mỹ Latinh thì có hai dự án ở Venezuela với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỉ USD và sáu dự án sang Peru với 1,3 tỉ USD tổng vốn đầu tư. Một số thị trường khác cũng tập trung nhiều vốn như Algeria, Malaysia, Myanmar, Hoa Kỳ…
Phạm Thành Sơn (DNSGCT)