Thị trường chứng khoán đang ở vào thời điểm khá đặc biệt. Khó đột ngột “giảm tốc” để đi vào giai đoạn điều chỉnh sâu, do những chỉ báo tích cực vẫn còn, như dòng tiền của khối ngoại, sự cộng hưởng chính sách, tiềm năng của các doanh nghiệp và nền kinh tế… Nhưng để VN-Index tiếp tục tăng mạnh như một tháng trước đó, đột phá các mốc mới 640, 650 điểm… thì lại không đủ lực, khi nguồn tiền đổ vào thị trường có dấu hiệu giảm nhiệt. Bởi thế, sự “lình xình” là tất yếu, sau vài ba phiên tăng điểm sẽ là một vài phiên ngập tràn sắc đỏ, thị trường là sự giằng co giữa người bán và kẻ mua. Tuần từ 13 đến 17-7, VN-Index chỉ tăng 1,35 điểm (0,22%), lên 628,63 điểm. Điều này có nghĩa là trên sàn HoSE, xu thế chung vẫn còn là sắc xanh, dù đà tăng nhanh đã không còn khi thị trường chịu áp lực điều chỉnh khá lớn từ các cổ phiếu bluechip mang tính dẫn dắt trước đó. Trong phiên giao dịch cuối tuần (17-7) dòng tiền trở nên phân hóa hơn, bắt đầu chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu trung bình. Trong khi đó, HNX-Index bước vào chu kỳ điều chỉnh, giảm đến 1,17 điểm (1,33%), dừng ở 87,07 điểm. Với tâm thế của cả bên mua lẫn bên bán đang chờ đợi một xu hướng rõ ràng hơn, không khó lý giải khi thanh khoản của thị trường giảm sút. Trên cả hai sàn, khối lượng giao dịch khớp lệnh đều giảm, trên HoSE giảm 20,7%, còn trên HNX giảm 7,4% so với tuần trước.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng, nhưng con số tuyệt đối đã giảm mạnh, gần như không còn gây ra ảnh hưởng gì lớn đối với thị trường. Tuần qua, khối ngoại chỉ mua ròng 61,8 tỉ đồng trên cả hai sàn. Hiệu ứng “nới room cho khối ngoại” đã dần giảm nhiệt, một phần có thể do nhịp tăng vừa qua khiến nhiều cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu tài chính – bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán đã không còn ở mức giá hấp dẫn. Cũng là lần đầu tiên kể từ khi “dậy sóng”, đa số cổ phiếu ngân hàng đã giảm điểm. Thực ra, điều này từng được các chuyên gia phân tích, rằng tác động tích cực của khối ngoại đến giá cổ phiếu chỉ mang tính cục bộ chứ không thể lan tỏa đến toàn thị trường, bởi thống kê cho thấy gần 300 ngàn tỉ đồng giá trị thị trường của cổ phiếu khối ngoại sở hữu trên cả hai sàn (tương đương hơn 14 tỉ USD) tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định. Cụ thể, trên HoSE tổng giá trị vốn hóa của Top 10 cổ phiếu mà khối ngoại sở hữu nhiều nhất chiếm tỷ trọng 68% giá trị vốn hóa của toàn bộ khối này, tính đến Top 20 cổ phiếu tỷ trọng này tăng đến 80%. Trên HNX, tỷ trọng đó còn cao hơn: Top 10 cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chiếm 78% tổng giá trị vốn hóa của khối ngoại, Top 20 tỷ trọng lên đến 86%.
Có hai thông tin từ bên ngoài gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Đầu tiên, sau thỏa thuận cứu trợ dành cho Hy Lạp của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu, đồng euro đã sụt giảm mạnh về giá trị so với USD và yen Nhật. Chứng kiến sự bảo trợấy của các nước sử dụng đồng euro, giới đầu tư quốc tế cảm thấy lo ngại về sự trì trệ của khu vực kinh tế này. Trong khi đó, đồng USD tiếp tục duy trì vị thế nhờ những số liệu tích cực về kinh tế Mỹ và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang nước này sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong chín năm qua. “USD mạnh, euro yếu” sẽ có tác động không nhỏ đến các khoản nợ vay cũng như các mặt hàng xuất nhập khẩu của những doanh nghiệp sử dụng hai đồng tiền này trong thanh toán quốc tế. Tiếp đến, việc sáu nước đàm phán và Iran đạt được thỏa thuận, trong đó các nước phương Tây đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với chính quyền Tehran để đổi lấy việc ngừng chương trình hạt nhân của nước này đã khiến cho giá dầu thế giới giảm mạnh. Điều này đang và sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá các cổ phiếu của ngành dầu khí.
Trong nước, thông tin về một số ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất kỳ hạn một tháng (xuống 5%/năm) cũng có tác động tích cực, khiến nhà đầu tư yên tâm hơn về thanh khoản của thị trường. Trước đó, lãi suất huy động có xu hướng tăng khiến nhiều người lo ngại rằng giai đoạn lãi suất thấp hỗ trợ thị trường chứng khoán sắp qua đi. Trong ngắn hạn, việc lãi suất huy động giảm có thể hướng một phần dòng vốn vào các kênh đầu tư khác trong đó có chứng khoán.
Hiện đang là mùa công bố kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp niêm yết. Cơ hội tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhưng đã ít dần. Trong phiên giao dịch đầu tuần (20-7), điều này thể hiện khá rõ. Sắc đỏ bao trùm ngay từ đầu phiên. Với 146 mã giảm giá trong khi chỉ 72 mã tăng giá,
VN-Index mất 8,09 điểm, lùi về 620,54 điểm. Thanh khoản vẫn không cao, chỉ đạt 2.098,923 tỉ đồng. Nhịp điều chỉnh này là cần thiết để thị trường tìm điểm cân bằng và tìm cơ hội tăng trưởng mới.
Thành Huân (DNSGCT)