Đồng rúp Nga đã mất hơn 50% giá trị so với USD từ đầu năm đến nay và điều này sẽ có ảnh hưởng không chỉ đối với nền kinh tế Việt Nam thông qua kênh ngoại thương mà còn đối với giới làm ăn trong nước cũng như những người Việt buôn bán ở Nga.
Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 2 tỉ USD. Trong cơ cấu xuất khẩu, các mặt hàng chính là điện thoại và linh kiện (chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nga), hàng dệt may và cà phê (đều có kim ngạch trên 100 triệu USD), theo sau là thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép (đều có kim ngạch trên 50 triệu USD) và các loại nông sản khác…
Khi đồng rúp trở nên rẻ hơn so với USD, những mặt hàng xuất khẩu vừa nói trên đây trở nên xa xỉ với nhiều người tiêu dùng Nga, buộc họ phải cắt giảm mua sắm. Thế là những doanh nghiệp và ngành sản xuất những mặt hàng trên sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên của việc đồng rúp mất giá. Hiện đã có một số người tính đến chuyện chuyển nghề sang nuôi trồng, sản xuất ngay trên đất Nga để tìm lợi thế về giá cả.
Trong quan hệ buôn bán hai chiều, tuy chúng ta đang xuất siêu, nhưng xét về cơ cấu hàng nhập khẩu, có thể thấy phân bón, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, khoáng sản (quặng và than đá) là nhiều hơn cả. Chính vì vậy có khả năng đây là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đang bị xuống giá một cách bất ngờ, hàng trong nước không cạnh tranh nỗi.
Chưa dừng lại ở những tác động trực tiếp này, sự mất giá của đồng rúp còn tạo ra những tiêu cực khác cho Việt Nam, cũng qua kênh thương mại, mà ít ai ngờ đến.
Đó là sự mất giá dây chuyền của nhiều đồng tiền của những quốc gia có quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga. Điều đáng nói là một số nước này lại là thành viên của Hiệp ước Liên minh Hải quan có hiệu lực từ 1-1-2015 gồm ba nước khởi xướng là Nga, Belarus và Kazakhstan, sau này kết nạp thêm Kyrgyzstan và Armenia. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với chỉ riêng ba nước khởi xướng ước tính đã lên đến khoảng 4 tỉ USD trong năm 2014, gây thiệt hại cho Việt Nam qua kênh thương mại sẽ được nhân lên đáng kể, nhất là từ tháng 1-2015 chúng ta lại mở toang cửa cho hàng hóa của họ thâm nhập sâu rộng hơn nữa thị trường nội địa Việt Nam, tạo ra một áp lực cạnh tranh do hàng nhập tính bằng USD sẽ thấp.
Có thể nói chừng nào đồng rúp và các đồng bản tệ có liên quan còn tiếp tục mất giá thì chừng đó Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng đến mức đáng kể.
Đồng USD biến động không ngừng và đồng rúp của Nga đang mất giá mạnh nhất trong vòng 16 năm qua, kể từ diễn biến khủng hoảng năm 1998, khiến cuộc sống của cộng đồng hơn 200.000 người Việt ở Nga đối mặt với rất nhiều thách thức.
Ngày 17-12, thêm một ngày chứng kiến đà lao dốc chóng mặt của đồng rúp trên thị trường khiến nhiều người hoài nghi động thái tăng hơn gấp rưỡi lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga có thể cứu được tỷ giá đồng rúp.
Tuy sức khỏe tài chính công và dự trữ ngoại hối của Nga đều mạnh hơn năm 1998, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng Nga đang ở bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện.
Giữa tuần qua, một số điểm giao dịch tiền tệ đã không có đồng USD để bán ra, hoặc có thì cũng bán ra với giá rất cao, đã tạo ra một tâm lý hoảng loạn cho giới kinh doanh. Với những diễn biến bất thường này, giới chuyên gia dự đoán rằng, tháng 1-2015, Nga có thể rơi vào suy thoái.
Khác với người bản xứ gắn bó chi tiêu với đồng rúp, người Việt ở Nga vốn có thói quen giao dịch bằng tiền đôla Mỹ đang đứng trước những thách thức lớn. Giá USD tăng và biến động như hiện nay tạo áp lực vô cùng nguy hiểm đối với vốn liếng của người Việt. Người Việt ở Nga đa phần là làm ăn buôn bán, khi đồng rúp trượt giá, hàng hóa bão hòa không bán được và nếu bán thì càng lỗ vì hàng mua vào tính theo giá đôla mà bán ra với giá tiền rúp.
Với những doanh nhân lấy hàng từ Việt Nam, hoặc từ Trung Quốc phải thanh toán bằng USD, nhưng sang đến Nga bán ra bằng tiền rúp thì khoản tiền thua thiệt càng nhiều, khiến nhiều người hoảng sợ. Làm ăn thua lỗ, đã khiến nhiều người Việt có tâm lý “bỏ chợ”, nhiều xưởng may đã phải đóng cửa vì chi phí sản xuất cao, thế là nhiều lao động người Việt bị mất việc.
Thế mới thấy việc kinh doanh và cả cuộc sống của người Việt ở Nga đang rất khó khăn khi đồng rúp rớt giá mạnh.
Các hộ kinh doanh hàng hóa nhập hàng từ nước ngoài và đóng phí hải quan bằng đồng USD, trong khi bán ra và cho khách nợ lại bằng đồng rúp. Khi đồng USD tăng giá như hiện nay có nghĩa là người kinh doanh mất đến một nửa tiền. Những người buôn bán có lượng vốn quay vòng khoảng 1 triệu USD thì bây giờ chỉ còn 500.000 USD, tiền bốc hơi rất nhanh.
Đồng nội tệ của Nga lao dốc cũng khiến giá cả sinh hoạt tăng vọt, các loại thực phẩm như gạo, thịt, bánh mì, rau, đồ uống tăng từ 15 – 25%. Hiện nay người Việt ở Nga đang cố gắng giữ cuộc sống tối thiểu hằng ngày, khó có thể tích lũy như trước đây.
Khó khăn nhất, phải kể đến những người Việt mới sang Nga làm công nhân hoặc buôn bán vốn liếng mang theo chưa nhiều. Năm nào cũng vậy, ở thời điểm gần cuối năm, kiếm được ít tiền là mua USD gửi về Việt Nam cho gia đình. Nhưng với tình hình như hiện nay, nhiều người Việt không thể xoay xở được tiền để phụ giúp người thân ở quê nhà sắm sửa đón tết.
Sự mất giá liên tục của đồng rúp cũng ảnh hưởng nặng nề với ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Rất có thể các đoàn khách Nga vài ba trăm người sẽ không còn lũ lượt đến các điểm du lịch truyền thống như Cam Ranh, Nha Trang.
Theo các công ty lữ hành chuyên đón khách Nga, tỷ giá giữa đồng rúp và đồng USD tăng cao đã làm người dân Nga ngại đi du lịch. Chỉ trong tháng 10 và tháng 11, hoạt động kinh doanh của hơn 15 công ty du lịch lớn ở Nga bị ảnh hưởng nặng, thậm chí phá sản và biến mất khỏi thị trường du lịch.
Hiện tour sang VN đang được các công ty du lịch chào bán giảm giá 50% so với cách đây vài tháng nhưng không có khách đặt mua tour. Vé máy bay trên các chuyến bay thuê chuyến từ Nga về Việt Nam hiện giảm giá đến 50% so với trước đây, nhưng cũng không có khách mua.
Nhìn dưới góc độ tích cực thì đây là dịp để các doanh nghiệp du lịch chọn Nga là thị trường truyền thống nhìn lại phương án kinh doanh của mình.
Bài học rút ra là không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Không ít doanh nghiệp ở Mũi Né và Nha Trang đã tập trung chuyên môn hóa vào khách Nga. Nhiều cửa hàng, nhà hàng treo bảng hiệu và giới thiệu dịch vụ hoàn toàn bằng tiếng Nga. Điều đó không gây thiện cảm cho du khách các quốc tịch khác. Nhiều người nước ngoài khi đến những nơi này đã tỏ ra không hài lòng vì có cảm tưởng như đang ở tại một thành phố Nga. Nói chung, phương án kinh doanh tốt nhất là luôn luôn phải tìm cách đa dạng hóa thị trường.
Ngọc Anh (DNSGCT)