Theo một nghiên cứu mới đây của SIIA (Hiệp hội Công nghệ thông tin và phần mềm của Mỹ) thì có tới 65% các công ty ứng dụng các công nghệ tin học và truyền thông xã hội cho biết các ý tưởng tiếp thị dựa trên truyền thông xã hội hiện chỉ chiếm chưa đến 5%.
Vậy làm thế nào để tiếp thị truyền thông xã hội đem lại được những kết quả thiết thực hơn cho doanh nghiệp? Để trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp phải hiểu được các giai đoạn phát triển của tiếp thị truyền thông xã hội.
Theo nhận định của các chuyên gia, tiếp thị truyền thông xã hội thật ra vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ, đang phát triển và đa số doanh nghiệp vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, học hỏi.
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay tiếp thị truyền thông xã hội đã phát triển ở ba giai đoạn khác nhau là amateur (không chuyên nghiệp), messenger (truyền thông) và publisher (phát hành).
Chỉ khi bước vào giai đoạn thứ ba, doanh nghiệp mới tận dụng hết tiềm năng của truyền thông xã hội và tạo ra những lợi ích cụ thể trong kết quả hoạt động kinh doanh.
Giai đoạn amateur
Ở giai đoạn này, nhiều doanh nghiệp đổ xô lên các mạng xã hội như Facebook, YouTube, WordPress, Twitter, Slideshare, Tumblr, Pinterest và LinkedIn, nhưng đa số không có mục đích hay kế hoạch cụ thể gì. Họ chỉ nghĩ rằng đó là những kênh tiếp thị mới cần phải xuất hiện ở đó.
Việc phối hợp giữa các phòng ban của doanh nghiệp cũng không được tốt. Thường thì các phòng ban trao đổi thông tin với cộng đồng mạng một cách độc lập, không có sự tập trung vào một chủ đề cụ thể nào.
Tuy không đạt được nhiều kết quả nhưng đây là giai đoạn cần thiết để doanh nghiệp thâm nhập vào thế giới truyền thông xã hội.
Giai đoạn messenger
Đa số doanh nghiệp thuộc nhóm thích nghi sớm với truyền thông xã hội đều bỏ qua giai đoạn amateur. Trong khi đó, những doanh nghiệp tiếp cận với truyền thông xã hội muộn hơn lại bỏ qua giai đoạn messenger.
Đây là giai đoạn các doanh nghiệp tập trung vào khả năng “tạo ra một cuộc cách mạng” của truyền thông xã hội bằng cách trao đổi trực tiếp với khách hàng triển vọng và thiết lập quan hệ với họ. Do đó, mục tiêu của giai đoạn messenger là tạo dựng quan hệ với khách hàng triển vọng.
Các công ty tập trung khai thác các mạng xã hội để phát triển quan hệ với khách hàng mới vì đây cũng là một môi trường thuận lợi nhất để đạt được mục tiêu này. Chỉ cần thuyết phục họ kích chuột vào các kết nối Like (thích) hoặc Follow (đi theo) là đã có thể thiết lập được quan hệ với khách hàng.
Thông thường, doanh nghiệp sẽ không phải mất quá nhiều công sức để tạo ra các nội dung có sức thu hút và có tính hài hước cao, dưới dạng các thông điệp ngắn hay các hình ảnh bắt mắt, các cuộc thi hoặc đố vui có quà tặng hấp dẫn, các trò chơi mang tính giải trí cao để phát triển các quan hệ với những người có quan tâm.
Giai đoạn publisher
Các doanh nghiệp đi tiên phong trong ứng dụng tiếp thị truyền thông xã hội nhận thấy rằng những thông điệp ngắn, vui và có sức thu hút chỉ mới giúp doanh nghiệp có được những người yêu thích mình chứ chưa tạo ra được các cơ hội bán hàng.
Vì vậy, họ phát triển kênh tiếp thị này lên bậc cao hơn bằng cách đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực để tạo ra các nội dung dài hơn và có ý nghĩa hơn dưới dạng các trang nhật ký điện tử, sách điện tử và phim video.
Thay vì chỉ tạo sự hấp dẫn cho khách hàng như trong giai đoạn messenger, doanh nghiệp xây dựng các nội dung đi đúng vào những mối quan tâm của họ với nhiều thông tin và giải pháp có giá trị, giúp họ giải quyết các vấn đề của mình.
Ở giai đoạn này, các nhà làm tiếp thị vẫn sử dụng các mạng xã hội nhưng chỉ dùng chúng như nơi chuyên cung cấp các đường dẫn đến các nội dung có chiều sâu hơn đã được chuẩn bị trước, thường là tới trang web của doanh nghiệp.
Khi ghé thăm trang web của doanh nghiệp và đọc được những nội dung phản ánh những điều mà mình quan tâm, khách hàng sẽ có niềm tin hơn ở doanh nghiệp và đánh giá cao về sự hiểu biết của doanh nghiệp đối với những mối quan tâm của họ, từ đó sẽ tiến tới giao dịch mua bán với doanh nghiệp.
Giai đoạn này đòi hỏi doanh nghiệp phải dành nỗ lực rất lớn để xây dựng những nội dung có chất lượng, có đủ sức hấp dẫn nhằm gây được sự quan tâm lâu dài của khách hàng. Làm được điều đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng tạo ra nhiều cơ hội bán hàng và khi có thêm khách hàng mới cũng là có những nguồn doanh thu mới.