Nếu đang sử dụng công nghệ truyền thông xã hội để phục vụ cho việc kinh doanh, ắt hẳn bạn phải hiểu cách đo lường chúng. Việc đo lường nhằm để biết rõ chương trình nào thành công, chương trình nào chưa thành công và bằng cách nào có thể cải thiện được kết quả.
Truyền thông cộng đồng thông thường sẽ được cân đo theo hai cách: thống kê số liệu định kỳ và đo lường tập trung theo cấp độ dự án.
Thống kê số liệu định kỳ rất cần thiết vì giúp bạn nắm bắt toàn bộ nhịp điệu hoạt động chung của các chương trình truyền thông xã hội dành cho thương hiệu và doanh nghiệp của bạn.
Đo lường tập trung theo cấp độ dự án giúp bạn hiểu được tác động của các chương trình tiếp thị theo từng dự án, biết được mức độ phụ thuộc vào mục tiêu riêng của từng chương trình.
Một chương trình đo lường truyền thông xã hội hiệu quả nhất thiết phải bao gồm cả hai hình thức nêu trên và năm chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn thực hiện việc đánh giá hiệu năng truyền thông xã hội chính xác hơn.
Xác định mục đích
Trước khi đo lường bất kỳ một tweet (cập nhật tin) trên Twitter, hãy suy tính đến mục đích chính của bạn trong truyền thông xã hội. Bạn đang cố gắng tạo nên hoặc gia tăng những gì thông qua các kênh truyền thông ấy? Đâu là những kênh truyền thông phù hợp nhất với mục đích của bạn?
Truyền thông cộng đồng có thể phục vụ cho rất nhiều mục tiêu đa dạng khác nhau, từ thông tin muôn mặt về đời sống tới quảng cáo, rồi trả lời thắc mắc của người đọc. Vì vậy, trước tiên hãy chủ động lập ra danh sách những điều bạn muốn tạo dựng với độc giả của mình thông qua nỗ lực truyền thông xã hội.
Bước tiếp theo, thử nghĩ xem điều gì bạn muốn nhóm độc giả hành động sau khi đọc những điều mà bạn đã đăng tải trên kênh xã hội. Bạn muốn họ chia sẻ, trả lời, đăng ký mua hàng hay đơn giản chỉ là đọc để biết?
Tạo ra những bảng thống kê đo lường để đánh giá mục đích
Nếu bạn muốn đo lường mức độ gắn kết với độc giả thì đâu là điều chứng tỏ? Đó có phải là số lượng tái đăng tải thông tin của bạn hay số lượng câu trả lời, câu bình luận? Vài gợi ý sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
- Nếu muốn đo lường mức độ nhận thức thương hiệu, hãy sử dụng khối lượng đăng nhập, tầm với, mức độ bao phủ và mật độ thâm nhập của thông tin. Cần nắm được thông điệp quảng bá của bạn được truyền tải đi bao xa.
- Nếu muốn đo lường mức độ gắn kết, hãy sử dụng số lượng người tái đăng tải thông tin, số lượng bình luận, câu trả lời và người tham gia. Cần biết được có bao nhiêu người tham gia, mức độ thường xuyên tham gia của họ và họ thường tham gia thông qua hình thức nào.
- Nếu muốn lôi kéo thêm người đến với website, hãy theo dõi số lượng chia sẻ URL, số lần nhấp chuột và các cuộc trò chuyện đề cập đến bạn. Phải tìm hiểu được mọi người có đang dịch chuyển từ trang xã hội đến với website riêng của bạn không và họ thường làm gì khi vào đến website của bạn.
- Nếu muốn tìm kiếm người hâm mộ và đại sứ, hãy theo dõi nhóm người đóng góp và mức độ ảnh hưởng của họ. Phải phát hiện được ai đang là người tham gia cùng bạn và hiệu ứng của họ ra sao.
- Nếu muốn gia tăng tiếng nói của thương hiệu, hãy theo dõi khối lượng hoạt động miền xã hội của bạn so với các đối thủ chính. Thử so sánh xem có bao nhiêu phần trăm trong tổng số các cuộc trò chuyện về lĩnh vực hoạt động hoặc phân khúc sản phẩm bạn kinh doanh đã đề cập đến nhãn hiệu của bạn.
Lên biểu bảng phân tích số liệu
Trong một số trường hợp, bản thân các kênh truyền thông xã hội đã cung cấp một vài hình thức đo lường số liệu. Nếu không, bạn có thể nhờ đến những hỗ trợ của công ty chuyên xây dựng bảng theo dõi.
Nên hỏi thăm các nhà cung cấp giải pháp kinh doanh trực tuyến hoặc tìm kiếm trực tuyến để tìm ra các chọn lựa đa dạng.
Giám sát và đánh giá
Cần sử dụng các số liệu tìm kiếm trước đây để làm căn cứ cho việc đo lường trong tương lai và chia sẻ các con số ấy với bộ phận phân tích dữ liệu kinh doanh của doanh nghiệp. Hai câu hỏi quan trọng cần đặt ra là:
- Số liệu thực so với số liệu kỳ vọng có khác nhau quá xa?
- So với thống kê tương tự của đối thủ, chúng vượt trội hay thua kém?
Điều chỉnh
Sau khi xem xét các báo cáo thống kê, hãy tiếp tục trả lời những câu hỏi sau: Những số liệu ấy thực sự tốt hay xấu? Đâu là những thông tin vô dụng? Điều gì có thể cải tiến để tạo nên sự thay đổi?
Kế đó, nên cố gắng đo lường lại lần nữa và cần đảm bảo rằng những số liệu thống kê mới giúp bạn giải thích rõ những mục đích đề ra.
Cuối cùng là so sánh kết quả thu được với mục đích xác lập ban đầu.
Nếu đã tham gia vào thế giới truyền thông xã hội, bạn ắt hẳn phải hiểu ra nội dung đóng vai trò ra sao trong việc tạo nên mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp và chương trình đo lường tin cậy sẽ giúp bạn hiểu rõ mọi tiến trình một cách chính xác nhất cũng như quyết định vài biện pháp nhằm cải thiện hoàn cảnh khi cần thiết.