Từ những tập đoàn bán lẻ nước ngoài đến những thương nhân chợ đầu mối và các doanh nghiệp thương mại điện tử đang đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) giới thiệu cho họ các nhà cung cấp rau quả, trái cây, thực phẩm tươi sống. Hầu như các nhà mua hàng đều đặc biệt nhấn mạnh tìm các loại đặc sản địa phương.
Nhu cầu lớn
Kết nối trực tiếp, trao đổi những yêu cầu cụ thể giữa nhà phân phối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất là nội dung quan trọng mà Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đang xúc tiến để chuẩn bị cho Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Lương thực thực phẩm lần thứ 3 (sẽ diễn ra từ 22-10 đến 26-10).
Ông Hồ Xuân Lâm, Phó giám đốc ITPC cho biết, thật đáng mừng khi chương trình được gửi đến các tập đoàn bán lẻ trong nước và nước ngoài, thương nhân ở các chợ đầu mối, doanh nghiệp kinh doanh siêu thị trên mạng… chỉ trong hai tuần, ITPC đã nhanh chóng nhận được thông tin nhu cầu của các nhà phân phối, bán lẻ này, không chung chung như trước đây, mà cụ thể từng mặt hàng mà họ cần. Điều đáng chú ý là hầu như các nhà bán lẻ đều nhấn mạnh nhu cầu mua những hàng rau củ quả, trái cây, thủy sản, thực phẩm mang tính đặc sản của VN.
Công ty Liên doanh Saigon Co.op – NTUC Fairprice Singapore đang muốn mua măng cụt, hồng xiêm, nhãn, vải, quýt hồng, thanh long ruột trắng, rau củ Đà Lạt (nhất là ớt chuông), cá basa, khoai lang Nhật ruột vàng để xuất sang Singapore. Hồng xiêm, quýt hồng và thanh long trồng ở VN được đánh giá là có trái đẹp, chất lượng ngon hơn ở những nước khác. Nhiều mặt hàng trái cây có lượng tiêu thụ tăng cao vào dịp tết, nên NTUC Fairprice Singapore muốn có nguồn cung cấp ổn định vào thời gian này.
Ông Lê Thành Trung, Phụ trách Điều phối và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết hệ thống siêu thị BigC đang tập trung phát triển các sản phẩm địa phương ở mọi miền VN, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì có gần đủ những nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến, đặc biệt có nhiều đặc sản địa phương được ưa chuộng. Trong khi một số nhà phân phối chú trọng nguồn nhập khẩu từ Úc, thì BigC sẵn sàng đón nhận nguồn cung thịt bò trong nước vì tin rằng vẫn còn nhiều vùng nuôi bò thịt cần sự hỗ trợ tiêu thụ. Cái thiếu của BigC là thông tin các nguồn cung ứng có chất lượng của các địa phương. Các loại cá nước ngọt của miền Tây Nam bộ cũng đang được người tiêu dùng chuộng, nên BigC cũng muốn tìm nguồn cung cấp hằng ngày. Để rút ngắn khâu trung gian và góp phần tăng thêm thu nhập ổn định cho nông dân, BigC sẵn sàng kết nối trực tiếp với từng hộ nông dân.
Thương nhân chợ đầu mối nông sản Thủ Đức và chợ nông sản – thực phẩm Hóc Môn cũng vào cuộc tìm kiếm thêm nguồn cung từ các nhà sản xuất rau củ quả và trái cây trong nước. Riêng trái cây, thương nhân đặc biệt chú trọng tìm đặc sản vùng miền nổi tiếng.
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Uy Tín – nhà kinh doanh thương mại điện tử – không bỏ qua cơ hội bổ sung danh mục hàng hóa cho siêu thị online Golmart.vn, nêu ra ngay nhu cầu mua hai nhóm hàng: hoa tươi trang trí, bonsai và thực phẩm chế biến đặc sản để chuẩn bị cho mùa mua sắm tết.
Thay đổi cách chọn nguồn cung cấp
Tuy cùng lúc nhiều người mua, tạo ra bức tranh tươi sáng hơn cho nhà nông cũng như nhà cung ứng, nhưng tiêu chuẩn quản lý chất lượng sẽ là “rào cản” không dễ dàng vượt qua. Các tập đoàn bán lẻ, các hệ thống siêu thị đòi hỏi rất khắt khe: các loại thịt phải có chứng nhận kiểm dịch; rau củ quả, trái cây không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; thủy sản không dư lượng kháng sinh; thực phẩm chế biến, đặc sản phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… Bởi thế, hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP đương nhiên được ưu tiên chọn.
Các thương nhân chợ đầu mối cũng trở thành người khó tính không kém. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý kinh doanh và Phát triển chợ đầu mối Hóc Môn cho biết, thương nhân chỉ thu mua rau củ quả, trái cây không có dư lượng thuốc trừ sâu. Vì thế, các nhà sản xuất trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã được thương nhân đề nghị kết nối. Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức vừa trực tiếp là nhà mua hàng, vừa kết nối thương nhân với các nhà sản xuất, yêu cầu hàng có nguồn gốc xuất xứ (nhà vườn, công ty trồng), công ty sẽ khảo sát thực địa, nếu nơi sản xuất đạt yêu cầu mới tiến đến thỏa thuận hợp đồng.
Lâu nay, những người sản xuất nông sản, thủy sản, thực phẩm dạng đặc sản với quy mô nhỏ rất ngại tiếp cận với các tập đoàn bán lẻ, thương nhân đầu mối, bởi họ đã từng không nhận được sự quan tâm với lý do số lượng sản xuất ít và lúng túng trong việc đạt chứng nhận những tiêu chuẩn chất lượng theo quy định chung.
Thế nhưng, ông Hồ Xuân Lâm cho biết đang có sự thay đổi trong cách chọn nhà cung cấp khi một số nhà mua hàng công bố “mở cửa” đón những cơ sở, hộ sản xuất quy mô nhỏ và có thể chung sức với nhà sản xuất thực hiện việc chuẩn hóa chất lượng của những nông sản, thủy sản cho đúng yêu cầu thu mua, đồng thời hướng dẫn phát triển sản xuất.
Theo ban giám đốc Saigon Co.op – NTUC Fairprice Singapore, nhiều nông dân đã sản xuất được nông sản chất lượng tốt, nhưng họ chưa mạnh dạn đầu tư, nên nếu thấy ở một vùng có nhiều nông hộ đạt được tiêu chuẩn nhà cung cấp, công ty có thể cùng các nông hộ định hướng sản xuất.
Còn BigC, từ tháng 10-2013 hệ thống siêu thị này đã thành lập bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để tích cực giúp nhà sản xuất nhỏ đưa hàng vào siêu thị, trong đó có nông sản. Với mặt hàng thịt bò, nếu địa phương nào có đàn bò tương đối lớn, cộng thêm đã có sẵn lò mổ, BigC sẽ hướng dẫn quy trình đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm và phối hợp với địa phương trong việc kiểm dịch thú y. Với rau củ quả, BigC chỉ làm việc với tổ liên kết, hợp tác xã, nhưng với mặt hàng cá nước ngọt, trái cây tại Đồng bằng sông Cửu Long, BigC sẵn sàng tiếp xúc với các hộ sản xuất có năng lực cung cấp.
Các nhà bán lẻ cũng nhận thấy với thực phẩm chế biến hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm các loại đặc sản. Tuy quy trình thủ công nhưng chất lượng sản phẩm được tín nhiệm lâu năm hay những sản phẩm mới, lạ từ các cơ sở nhỏ có danh tiếng tại địa phương. Do đó, để làm phong phú nguồn hàng trong siêu thị, các nhà bán lẻ đã không bỏ qua nguồn cung ứng này nếu biết rõ xuất xứ, quy trình sản xuất và minh bạch thông tin chất lượng sản phẩm.
Những tín hiệu tốt từ các nhà phân phối nói trên đã đến nhanh với các nhà cung cấp và đơn vị sản xuất thông qua các trung tâm xúc tiến thương mại các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 14-10 tới đây, ITPC sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ cho hai bên cung – cầu để chuẩn bị tiến tới những thỏa thuận hợp tác lâu dài.
Tuy nhiên, theo các nhà mua hàng, các địa phương không chỉ nên làm công tác xúc tiến suông. Lâu nay, nhiều hợp tác xã, tổ liên kết, nông hộ tuy có quy trình sản xuất tốt, sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng vẫn lúng túng trong khâu kiểm nghiệm vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thú y…, hoặc do vấp phải sự nhiêu khê khi làm thủ tục này nên khó bán hàng vào các hệ thống siêu thị hay được các nhà buôn lớn chú ý. Chính quyền địa phương đều biết rõ các nguyên nhân này nhưng hầu như chưa có sự hỗ trợ cần thiết, mà vẫn để người sản xuất “tự bơi”. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà nông Việt Nam chưa thể làm giàu bằng sản phẩm của mình.
Vân Khánh