Nuôi con chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, ngay cả với sinh vật bậc cao nhất – con người. Vả lại, dù là sinh vật bậc cao hay thấp, nhận thức quen thuộc vẫn là “nuôi con là chuyện của giống cái”. Tuy nhiên, thế giới luôn đầy rẫy những bất ngờ. Chuyện “gà trống nuôi con” vẫn có thể thấy ở một vài động vật như bọ nước, cá ngựa, ếch, đà điểu.
1. Bọ nước khổng lồ
Có thể gọi bọ nước khổng lồ đực là những “ông bố” miễn cưỡng nhất. Bọ nước khổng lồ cái đẻ trứng trên lưng bọ nước khổng lồ đực. Sau khi hoàn thành việc để lại hậu duệ cho đời sau, bọ nước khổng lồ cái thoải mái đi chỗ khác chơi, để mặc bọ nước khổng lồ đực với đám trứng bất tiện trên lưng và tương lai chăm lo cho con cái.
Như tất cả các ông bố phải một mình nuôi con trên thế giới, bọ nước khổng lồ đực buộc phải thay đổi lối sống. Nó không thể bay được nữa bởi đám trứng vướng trên cánh. Bọ nước khổng lồ đực cũng phải quan tâm luôn việc đảm bảo đủ oxy cho trứng thuận lợi nở. Vì thế, nó luôn chọn lặn nông. Tuy từng loài bọ nước khổng lồ, con đực có thể phải mất đến cả một tháng trước khi được giải thoát khỏi vai trò cõng trứng.
2. Cá ngựa
Điều thú vị ở cá ngựa là con đực mới là con mang thai. Sau khi nhận trứng từ cá ngựa cái, cá ngựa đực giữ chúng trong túi ấp trước bụng, ấp trứng trong khoảng 24 ngày. Một cá ngựa đực có thể ấp đến 2.000 trứng. Nó cũng là cá thể đực duy nhất trên Trái đất có khả năng mang thai và sinh con.
Nghiên cứu năm 2015 chỉ ra, cá ngựa đực được tìm thấy trong vùng biển nông, ôn đới trên toàn thế giới, có rất nhiều đặc điểm giống với các bà mẹ loài người. Túi ấp trứng của cá ngựa đực không chỉ cung cấp dưỡng chất cho trứng mà còn tạo điều kiện loại bỏ chất thải, trao đổi khí. Về cơ bản, nó có vai trò tương tự như nhau thai.
Nghiên cứu của Đại học Sydney (Úc) còn cho thấy có sự giống nhau giữa gen điều chỉnh thai kỳ của cá ngựa và các loài khác nhau thuộc các dòng tiến hóa khác nhau, trong đó bao gồm động vật có vú, bò sát và một số loài cá.
3. Cá ba gai
Hầu hết các loài cá đều không quan tâm con cái chúng nở ra sao, sinh tồn thế nào. Cá cái đơn giản đẻ trứng trong khi cá đực thụ tinh, sau đó đường ai nấy đi. Dù vậy, một phần nhỏ loài cá còn lại vẫn chăm sóc con cái. Và trong phần nhỏ ấy, có cả loại cá mà con đực đảm nhiệm vai trò nuôi dạy con thơ: cá ba gai.
Cá ba gai chủ yếu sống ở vùng nước ven biển. Chúng sống ngoài biển nhưng khi đẻ con thì tiến vào vùng nước lợ hoặc nước ngọt. Trên khắp các bờ biển Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á đều có cá ba gai. Chúng biết làm tổ để ẩn náu và tự vệ. Đôi khi cá ba gai đực còn tích cực quạt nước để đảm bảo đủ oxy cho trứng nở thành con.
“Ông bố” cá ba gai cực chăm chút các con, thích nhiều con đến nỗi sẵn sàng đi ăn cắp (hoặc điên cuồng bảo vệ) trứng đã thụ tinh từ (khỏi) con đực khác. Khoảng 30% số trứng trong một tổ cá ba gai là trứng chôm chỉa từ tổ khác. Theo một nghiên cứu năm 1981, có nhiều trứng trong tổ có vẻ là một “chiêu” để ve vãn cá ba gai cái của cá ba gai đực.
4. Đà điểu Nam Mỹ
Với chiều cao có thể lên đến 1,7m và cân nặng tới 40kg, đà điểu Nam Mỹ trống là “ông bố” to lớn. Dù thuộc loài chim, có cánh nhưng đà điểu Nam Mỹ không thể bay. Bằng sức vóc khổng lồ, chúng sẵn sàng choảng nhau với bất cứ kẻ nào dám mon men đến gần đám con yêu quý của mình.
Đà điểu Nam Mỹ trống tự làm tổ, ấp trứng, bảo vệ đà điểu Nam Mỹ con suốt sáu tháng đầu đời, không cho phép bất cứ loài động vật nào đến gần, bao gồm cả đà điểu cái. Thức ăn chủ yếu của đà điểu Nam Mỹ là rau cỏ và sâu bọ. Chúng chủ yếu sống ở các trảng cỏ ở Argentina, Brasil và Bolivia. Hiện tại, đà điểu Nam Mỹ được công nhận có ba loài: đà điểu Nam Mỹ lớn, đà điểu Darwin và đà điểu Nam Mỹ nhỏ. Cả đà điểu Nam Mỹ lớn lẫn đà điểu Nam Mỹ nhỏ đều đang trong tình trạng sắp bị tuyệt chủng.
5. Ếch Darwin
Ếch Darwin chủ yếu sống ở nam miền Trung Chile và Argentina. Không to lớn (chỉ dài tối đa 3cm) cũng không có độc, ếch Darwin đực sáng tạo một cách bảo vệ con độc đáo: ngậm trong miệng.
Sau khi ếch Darwin cái đẻ trứng trên mặt lá rụng trong rừng, ếch Darwin đực tiến hành thụ tinh. Khi trứng nở thành nòng nọc, ếch Darwin đực liền ngậm chúng trong miệng, nhảy đến nơi có nước gần nhất. Dưới cổ ếch Darwin phát triển một khoang rỗng như cái túi để giữ nòng nọc an toàn khỏi kẻ thù. Chỉ khi nòng nọc mọc chân thành ếch con, ếch Darwin đực mới mở miệng, “hắt hơi” một cái, đẩy chúng ra ngoài.
Ếch Darwin được chia làm hai nhánh, Darwin Chile và Darwin, cả hai đều trong tình trạng nguy cấp, cần được bảo vệ.