Những lời góp ý dành cho một chính khách khiến nhân vật này đưa ra những quyết định phù hợp và kịp thời, làm thay đổi cục diện chính trường và qua đó, lịch sử.
Abraham Lincoln để râu theo lời khuyên của một cô bé 11 tuổi
Vào năm 1860, Abraham Lincoln là ứng viên của đảng Cộng hòa trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ. Cho đến lúc ấy, Lincoln, 51 tuổi, mặt nhẵn nhụi, râu cạo sát. Gương mặt gầy guộc ấy không đẹp dưới mắt cô bé Grace Bedell, 11 tuổi, và theo cô có thể khiến Abraham Lincoln mất phiếu bầu. “Gương mặt ấy sẽ rất dễ coi nếu để râu, con sẽ viết thư cho ông ấy”, cô bé nói với mẹ.
Trong lá thư đề ngày 15-10-1860, Grace Bell khuyên Lincoln để râu để thu hút thiện cảm của giới phụ nữ: “Mặt ông trông hốc hác. Tất cả phụ nữ đều thích đàn ông có râu; ông nên để râu và các bà sẽ bảo chồng bỏ phiếu cho ông, giúp ông trở thành tổng thống”.
4 ngày sau, cô bé nhận được thư trả lời của Abraham Lincoln, trong đó ông đặt câu hỏi liệu trông ông có vẻ ngớ ngẩn không khi để râu, điều ông chưa từng. Thế nhưng ý kiến của cô bé không bị bỏ qua, một tháng sau, Abraham Lincoln mang bộ râu quai nón lần đầu tiên trong đời. Và ông thắng cử, trở thành tổng thống Cộng hòa đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Năm 1861, trong chuyến công du vào ngày mở đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Lincoln, với bộ râu quai nón, yêu cầu dừng xe ở Westfield, thành phố nơi Grace Bedell cư ngụ, để cám ơn cô bé vì sự lưu ý tế nhị của cô dành cho ông. Ông thân ái hỏi: “Gracie, tôi để râu vì cháu đấy, cháu thấy thế nào?”.
Abraham Lincoln bị sát hại bởi một kẻ ủng hộ miền Nam vào ngày 15-4-1865, vào đầu nhiệm kỳ thứ hai. Ông được xem là một trong những tổng thống lỗi lạc của nước Mỹ, khởi sự bãi bỏ chế độ nô lệ, chấm dứt chiến tranh Nam Bắc.
Thư của một người mẹ, giúp phụ nữ Mỹ được quyền bỏ phiếu
Ngày 18-9-1918, Thomas Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28 của Mỹ (tiến sĩ lịch sử và khoa học chính trị), đọc diễn văn ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Chưa đầy 1 năm sau, Hạ nghị viện thông qua điều khoản sửa đổi hiến pháp, theo đó “quyền bỏ phiếu của công dân Mỹ không bị hạn chế hay bị từ chối vì tiêu chuẩn giới tính”. Đến lượt Thượng nghị viện Mỹ thông qua điều khoản sửa đồi này, nhưng diễn biến xem ra dai dẳng, chưa thể kết thúc. 36 bang phải bỏ phiếu chấp thuận để sửa đổi trên có hiệu lực.
Vào ngày 18-8-1920, 35 bang đã phê chuẩn sửa đổi hiến pháp. Cuộc đấu tranh mang tính quyết định sẽ diễn ra ở Nashville, bang Tennessee. 48 phiếu thuận và 48 phiếu chống nên tiếng nói cuối cùng thuộc về một dân biểu trẻ, 24 tuổi, Harry Thomas Burn. Trước đó, vị dân biểu này luôn có những phát biểu chống lại quyền bỏ phiếu của phụ nữ, tưởng chừng phe “chống” sẽ thắng. Thế nhưng, ngược với sự mong đợi, ông này lại bỏ phiếu thuận, trong khi vẫn đeo bông hồng đỏ, biểu tượng của những người chống lại quyền này.
Khi được các nhà báo hỏi lý do của sự đổi ý này, Harry Thomas Burn giải thích ông đã nhận được thư của mẹ, bà Febb Ensminger Burn, bảo ông bỏ phiếu “thuận”. Vì vậy, dân biểu này bị đặt biệt danh “Mama’s boy” (Con ngoan của mẹ) từ những kẻ chỉ trích. Ngày 26-8-1920, tu chính 19 của Hiến pháp Mỹ được thông qua.
Thư viết từ nhà giam Birmingham
8 giáo sĩ ở thành phố Birmingham (bang Alabama, Mỹ) viết một thư ngỏ cho mục sư Martin Luther King Jr., phê phán vai trò của ông trong những cuộc biểu tình bất bạo động diễn ra ở Birmingham bắt đầu từ ngày 3-4-1963. Nhà lãnh đạo phong trao đòi quyền công dân bị bắt giam vào ngày 12.4. Trong khi bị giam giữ, ông viết thư một bức thư hùng hồn đề ngày 16-4-1963 trả lời những giáo sĩ trên.
Thư ngỏ trên, “Thư từ nhà giam Birmingham”, trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh đòi quyền công dân, một tài liệu quan trọng, trong đó Martin Luther King Jr. kêu gọi công dân nổi dậy chống lại những luật bất công, thay vì thụ động chờ đợi phán quyết của tòa án.
Thư của George Washington lập hệ thống gián điệp đầu tiên của Mỹ
Năm 1777, các thuộc địa của Mỹ dần thất trận trong cuộc đấu tranh giành độc lập từ Anh. Thật vậy, quân đội Anh đã chiếm thành phố New York và tiến xa hơn mỗi ngày. Tổng tư lệnh George Washington phải nhìn nhận Mỹ đang thua trong cuộc chiến này. Ông nghĩ đến việc sử dụng điệp viên và lập mạng lưới gián điệp thu thập tin tức về hoạt động của quân đội Anh.
George Washington muốn phái một điệp viên đến New York để tìm hiểu những gì xảy ra trong vùng đất do kẻ địch chiếm đóng, nhưng không mấy người tình nguyện nhận công việc nguy hiểm này. Thế là ông viết một lá thư cho một người tên Nathaniel Sackett có kinh nghiệm tác chiến và viết mật mã. Nathaniel Sackett nhận 50 USD mỗi tháng và lập ra một hệ thống gián điệp. Rủi thay, hệ thống ấy hoạt động không mấy hiệu quả nên Sackett được thay thế bởi Benjamin Tallmadge vào mùa hè năm 1778. Người này khai triển mạng lưới gián điệp Culper Ring, có nhiệm vụ gửi những thông tin cần thiết về hoạt động của quân Anh ở New York và đón trước kế hoạch của họ. Mạng lưới hoạt động hiệu quả. Rốt cuộc, Trung tướng Anh Charles Cornwallis phải đầu hàng vào năm 1781, tạo đà cho thắng lợi của chiến tranh cách mạng Mỹ.
Thư của Albert Einstein gửi Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt
Các nhà vật lý hạt nhân Leo Szilard, Edward Teller và Eugene Wigner (đều là người tị nạn Hungary gốc Do Thái) tin rằng năng lượng được phóng thích từ sự phân rã hạt nhân có thể được Đức Quốc xã sử dụng để chế tạo bom. Họ thuyết phục Albert Einstein, nhà vật lý nổi tiếng nhất thời ấy, cảnh báo nguy hiểm với Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt qua một thư đề ngày 2-8-1939. Thư do Leo Szilard thảo và Albert Einstein ký. Einstein giải thích nguyên tố uranium có thể trở thành một nguồn năng lượng mới, rất quan trọng, cho ra một loại bom mới cực mạnh trong tương lai gần. Quân Đức có thể sở hữu bom ấy đầu tiên nếu Mỹ không phản ứng. Lúc ấy, nó sẽ trở thành một vũ khí chiến tranh đáng sợ đối với Mỹ.
Thư được chuyên viên kinh tế Alexander Sachs trao cho Tổng thống Roosevelt vào ngày 10-10-1939 do Ba Lan bị quân Đức xâm chiếm. Sau đó, Tổng thống Roosevelt cho lập Ủy ban tư vấn về uranium. Một ngân sách 6.000 USD được cấp cho nhà khoa học Enrico Fermi, thuộc Đại học Chicago, để thí nghiệm trên neutron. Bom nguyên tử được khai triển bí mật qua Dự án Manhattan, giúp Mỹ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước khi qua đời, Einstein thổ lộ ông ân hận ít lâu sau khi ký bức thư trên vì sợ góp phần gây ra một cuộc chiến tranh nguyên tử.