Động vật đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống nhân loại. Vì thế, từ xưa, dân gian ta cũng như nhiều nước châu Á, đã lập nên danh sách thập nhị chi, tức 12 con giáp để tán dương chúng. Xuân khép lại chu kỳ 12 con giáp, xin kể tới những con vật đã đóng góp to lớn cho khoa học, bay vào không gian, lập tiền đề cho những bước đi vững chãi của người trong vũ trụ.
Với mơ ước chinh phục không trung, từ thế kỷ XVIII khi chế ra khinh khí cầu, người ta đã thử cho động vật bay lên cao, xem chúng có sống tốt hay không, mà cụ thể là năm 1783, 3 con vật gồm gà, vịt và cừu đã được 2 anh em nhà Montgolfier (Pháp) đưa lên khinh khí cầu, bay hơn 3,2km, rồi hạ cánh an toàn.
Sinh vật đầu tiên gần chạm tới đường Karman, một biên giới tưởng tượng được xem là nơi khí quyển trái đất gặp không gian – vũ trụ, cách mặt đất 110km là các con ruồi dấm được Mỹ phóng lên trời trên tên lửa Nazi V-2 vào ngày 20.2.1947. Sau 3,10 phút, V-2 đã tới độ cao 108km, là chỗ hãy còn oxy để thở, nhờ vậy chúng vẫn sống sót và trở về bằng dù cứu sinh.
Kế tiếp, lên tới độ cao 134km, và là động vật có vú đầu tiên bay vào không gian là chú khỉ Albert II của Mỹ, cũng trên loại tên lửa V-2 và vào ngày 4.6.1949. Tuy nhiên, nó đã qua đời trên đường về do dù bị lỗi và rơi xuống. Trước Albert II, cũng có một chú khỉ đi được 63km, song vì tên lửa hỏng mà nhiệm vụ bất thành. Tổng cộng đã có 32 con khỉ, từ khỉ nâu đến khỉ sóc, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài và các con tinh tinh bước vào khoảng không.
Vào ngày 28.5.1959, Able và Baker là 2 con khỉ đầu tiên đã bay qua bầu khí quyển và trở về thành công trên tên lửa Jupiter. Trong thời gian 16 phút, phóng lên cao 480km và lao xuống thấp trong một chặng đường dài 2.400km, chúng đã bị chao đảo kinh khủng cũng như chịu sự vô trọng suốt 9 phút. Lúc về, Able đã bị chết khi các bác sĩ phẫu thuật để lấy những điện cực khỏi da của nó. Những điện cực này được cấy dưới da đã giúp các nhà khoa học biết được các tín hiệu sự sống của con vật khi bay. Song Baker vẫn còn khỏe mạnh và tới năm 1984 (27 tuổi) mới chết do suy thận.
Vào ngày 31.1.1961, chú tinh tinh Ham, 4 tuổi, trên tàu Mercury Redstone cũng là chú tinh tinh đầu tiên bay vào vũ trụ và về nguyên lành. Nó bay trước nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin của Nga, người đầu tiên bay vào không gian 10 tuần và nhà du hành Alan Shepard của Mỹ, người thứ 2 hơn 3 tháng. Đây là một con tinh tinh rất thông minh, đã làm quen với ánh sáng, tiếng động, tia điện từ lúc 2 tuổi và cách thích ứng trên một con tàu không gian, thay vì chỉ ngồi trên đó. Trong chuyến đi ngoài các chấn động, con vật cũng bị trôi nổi, mất trọng lực trong 6,6 phút, song khi về vẫn tỉnh táo, đùa nghịch như thường.
Tiếp tục vào ngày 29.11.1961, chú tinh tinh Enos trên tàu Mercury Atlas là linh trưởng đầu tiên bay vòng quanh trái đất. Không như Ham được lựa chọn nhiều năm, Nenos chỉ được chỉ định 2 giờ trước khi bay, nhưng đã làm tốt nhiệm vụ cùng với con tàu lượn quanh trái đất một vòng trong một giờ 28,5 phút. Vốn dĩ NASA định cho nó bay ba vòng, song vì khó khăn về kỹ thuật nên phải ngưng lại, và Enos hạ cánh an toàn ở Thái Bình Dương. Cả hai đều sống sót sau chuyến đi, đặc biệt Ham sống tới 26 tuổi.
Ngoài linh trưởng, trong các năm 1950, nhiều giống chuột và chó cũng được đưa ra ngoài không gian. Vào ngày 15.8.1950 là một chú chuột và ngày 3.11.1957 là một con chó. Con chó mang tên Laika là một thử nghiệm của Liên Xô đối với không gian. Đây mới thật sự là con thú đầu tiên bay vào quỹ đạo. Trong khi Mỹ thử nghiệm với những chú khỉ thì Liên Xô lại tiến hành nghiên cứu trên chó. Trước và sau Laika, họ đã gửi ít nhất 57 con chó lên không gian. Chúng đều là chó cái, thả hoang vì họ tin rằng nhờ sự tự lập, lang thang chúng có thể chịu được cái lạnh lẫn nóng cùng nhiều điều kiện khắc nghiệt. Đa số các con vật đều chết trước khi tới đích, song Laika hãy còn sống nhiều giờ. Thật đáng tiếc vào năm 1957, vì điều kiện chưa cho phép nên tên lửa mới chỉ bay một chiều, khiến con vật bị hết thức ăn hoặc là do căng thẳng, nóng bỏng quá mà chết.
Tuy nhiên, chỉ 9 năm sau, họ đã có 2 con vật không chỉ sống lâu mà còn ở ngoài lâu kỷ lục, đó là 2 con chó Veterok và Ugolyok với thời gian ngoài không gian lên tới 22 ngày trước khi trở về bình an vào ngày 16.3.1966. Và kỷ lục này phải đến năm 1974, mới có người phá nổi.
Con thỏ đầu tiên ở trong vũ trụ cũng là một thử nghiệm của Liên Xô và bay lên không gian vào ngày 2.7.1959. Vào ngày 18.10.1963, Pháp cũng gửi chú mèo đầu tiên lên khoảng không. Chú mèo tên là Felicette, đã lên tới 160km và về tốt lành.
Từ ngày 15 đến ngày 18.9.1968, tàu Zond 5 của Liên Xô vừa đưa 2 con rùa bay quanh trái đất, vừa lượn quanh mặt trăng trước khi trở về. 2 con rùa này còn rất khỏe mạnh, tuy rằng có bị sụt cân chút ít. Vào tháng 11.1975, tiếp tục có nhiều con rùa loại khác được ngao du suốt 90,5 ngày trên tàu Soyuz 20 của Liên Xô. Cuối năm 1975, học tập các nước, Iran cũng phóng tên lửa Kavoshgar 3 mang 2 chú rùa, 1 con chuột và vài con giun lên vũ trụ.
Loài cá đầu tiên bay lên trời là mummichog trong chuyến tàu thứ 3 lên Trạm Không gian Skylab – trạm vũ trụ thứ nhất của Mỹ năm 1973. Chúng là loại cá rất khỏe nên được tin sẽ thích nghi tốt với môi trường ngoài không gian. Kể từ đó cũng có nhiều loại cá được “bay”, gồm cá sóc, cá kiếm, cá chép… và đặc biệt năm 2008 là 72 con cá vây gai của Đức bay trong 10 phút.
Trong số các loài lưỡng cư được đưa lên, đáng kể có 2 con ễnh ương năm 1970 và 6 con ếch tre Nhật Bản trên Trạm Không gian Mir trong 8 ngày tháng 12.1990.
Có thể nói tuy muộn hơn Mỹ trong việc đưa sinh vật lên vũ trụ, nhưng Liên Xô là nước đạt nhiều thành tựu hơn cả, như có thú vật đầu tiên bay vào không gian (con chó Laika), người nam và nữ đầu tiên bước ra vũ trụ (Yuri Gagarin và Valentina Tereshkova). Vào ngày 19.8.1960, họ cũng có tàu Sputnik 5 là tàu đầu tiên đưa được các con vật từ quỹ đạo trái đất về mà hãy còn sống, đồng thời cùng lúc có nhiều loài vật du hành. Cụ thể là 2 con chó Belka và Strelka, 1 con thỏ, 2 con chuột (rat), 42 con chuột khác (mice) và nhiều con ruồi dấm. Vào năm 1968, họ cũng có tàu Zond 5 là tàu vũ trụ đầu tiên bay quanh mặt trăng, mang theo 2 con rùa, nhiều con ruồi rượu, ấu trùng, hạt cây và vi khuẩn… Cuối thập niên 70, Mỹ cũng gửi được một loạt các vệ tinh sinh học mang côn trùng, trứng ếch, vi sinh vật và cây cỏ lên không gian. Và sau đó là các nước Trung Quốc, Argentina, Nhật Bản và Iran.
Sau khi có người hạ cánh lên mặt trăng vào năm 1969, việc động vật bay vào không gian không còn mới nữa, song chúng vẫn được mang theo, gồm có nhện, kiến, dế, ong, bướm, gián, giun, tằm, bọ cạp, cóc ếch, ốc sên, chuột lang, sa giông, tắc kè, tôm sú, nhím biển, cá, sứa, a míp, tảo…
Kể từ năm 1947, đến nay đã có 7 nước tiến hành việc đưa động vật lên không gian. Các nhà khoa học gửi chúng lên đây là để thử nghiệm nhiều vấn đề, ví dụ năm 1970 nhằm tìm hiểu thêm về sự say sóng ở ngoài khoảng không với 2 con ễnh ương. Năm 1973, xem môi trường chân không có ảnh hưởng đến việc chăng tơ không ở 2 con nhện vườn Arabella và Anita. Kết quả là Arabella đã chăng một mạng nhện trên Trạm Skylab của NASA trong 59 ngày, mặc dù có nhiều độ dày mỏng khác nhau.
Năm 1984, gây dựng một trại ong với 30.000 con ong trong 7 ngày. Năm 1985, nghiên cứu sự tái sinh trên không với 10 con sa giông. Chúng được đưa lên tàu Bion 7 và bị cắt bỏ các chi trước để tự mọc mới và qua đó giúp người chế ra thuốc sớm hồi phục vết thương. Năm 1998, kiểm tra các rối loạn thần kinh ở hơn 2.000 con vật bay trong 16 ngày trên tàu Columbia. Một số nghiên cứu gần đây như năm 2012 là sự thích nghi của loài cá madaka Nhật Bản trên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS. Như các sinh vật khác trước môi trường vô trọng, chúng cũng có những phản xạ kỳ lạ và thay vì bơi thẳng thì bơi lòng vòng.
Năm 2014, quan sát những ảnh hưởng đến cơ, tim, hệ thần kinh của các giống chuột nếu ở lâu trên ISS. Cũng năm này, một đàn kiến được ISS theo dõi xem kiếm ăn thế nào khi ít lực hút. Năm 2016, 12 con chuột đực được bay trong 30 ngày để biết về sự biến đổi ADN. Và năm 2017, một số chuột được cho sinh ra từ tinh trùng lưu trữ tại ISS trong gần 300 ngày từ năm 2013-2014, tìm kiếm khả năng gìn giữ nòi giống của nhiều loài vật trên trái đất…