Hôn không chỉ để tỏ tình. Đã có lúc trong lịch sử, người ta hôn để… giết nhau và người hôn có thể bị thiêu sống trên giàn hỏa! Để có được cái hôn công khai như ngày nay, nhân loại đã phải trải qua bao thăng trầm…
2 tuần lễ. Đó là thời gian trung bình tại châu Âu, người ta ôm hôn nhau từ khi sinh ra đời đến lúc chết! Kết qủa nghiên cứu công bố năm 2013 của hai giáo sư tâm lý học Wlodarski và Dunbar thuộc Đại học Oxford. Cái hôn là vô tội? Không đâu! Vào thế kỷ 4 TCN, nhà sử học Xénophone tại Hy Lạp đã từng cảnh báo về tai họa của nó: “Khổ thay […] Ngươi không nghĩ rằng: từ chỗ tự do, ngươi đã trở thành nô lệ trong chốc lát. Ngươi sẽ phải chi những số tiền rất to chỉ vì những thú vui thảm hại”. Nhưng tại sao người ta ôm nhau từ hàng ngàn năm qua?
Cách nay 3.500 năm, những kẻ yêu nhau đã hôn nhau trên tranh tường hay phù điêu của người Ấn Độ. Từ thời cổ, cái hôn đầy rẫy trong sách vở. Nhà văn Plutarque đã nói đến cái hôn vào miệng của người La Mã trong cuộc chiến tranh thành Troy. Lúc đó là thế kỷ 13 TCN, khi kết thúc cuộc xung đột khủng khiếp trong đại bại, người dân thành Troy phải chạy trốn đến Latium, thuộc miền Trung nước Ý, sau này là thành phố Rome. Sau khi ghé vào bờ, những phụ nữ quá mệt nhọc sau một chuyến đi dài, đã nổi lửa đốt thuyền để khỏi phải chạy nữa. Bọn đàn ông nổi khùng. Để làm cho họ dịu lại, phụ nữ đã vuốt ve và hôn vào miệng của họ! Từ đó, ra đời từ basium, nghĩa là một cái hôn sạch sẽ, thể hiện tình cảm, tương đương với chữ smack của tiếng Anh ngày nay. Người ta khoái chí, và từ đó cái hôn này trở thành dấu hiệu nhận ra nhau của người Kitô giáo. Vào thế kỷ 1 Công nguyên, thánh Paul đã từng khuyên: “Anh em hãy hôn nhau bằng một cái hôn thánh thiện”.
Nhưng hãy coi chừng, chớ có hôn bừa bãi! Khi cái hôn không phải là dấu hiệu của sự tôn trọng, nó có thể dẫn đến cái chết! Theo người viết sách Phúc âm Luca, khi muốn bắt Chúa Jesus vì tội nổi loạn, các đại giáo sĩ Do Thái đã thông đồng với tên môn đồ Judas, cho hắn 30 đồng vàng để chỉ điểm bằng một cái hôn làm dấu hiệu. Một buổi sáng, khi cả đoàn người gặp quân La Mã, Judas đã tiến gần đến Chúa Jesus, ôm lấy ngài, hôn thắm thiết. Chúa Jesus điểm mặt: “Judas, bằng cái hôn này, ngươi đã tố cáo Con người hay sao?”. Chúng bắt ngài và đóng đinh trên thập tự giá. Từ đó, cái hôn của Judas trở thành biểu tượng phản bội bằng hữu.
Không hôn miệng vợ
Kinh thánh không luôn luôn khắc nghiệt với cái hôn. Bài thơ ca tụng tình yêu giữa dân Do Thái và Thượng đế dùng hình tượng tình yêu trai gái để mô tả như sau: “Chàng hôn em bằng cái hôn vào miệng. Bởi vì tình yêu của chàng ngon hơn rượu, mùi của chàng ngọt ngào, tên của chàng là hương thơm tỏa ngát. Chính vì thế bọn con gái mới yêu chàng”. Cái hôn trên miệng đã có một vị trí quan trọng trong những vần thơ đầu tiên của nhân loại. Vào thời cổ, người La Mã đã gọi nó là suavium, có nghĩa là “cái hôn đam mê”. Dơ dáy và bẩn thỉu, nó chọc lưỡi vào miệng đối tượng, nhất là với gái điếm và vợ bé. Người ta không suavium với vợ chính thức của mình! Catulle, nhà thơ La tinh vào thế kỷ 1 TCN, đã cầu xin người yêu của mình như sau: “Hãy cho anh một ngàn cái hôn, rồi một trăm. Và một ngàn cái hôn nữa, rồi một trăm. Lại một ngàn và một trăm. Sau hàng ngàn cái hôn qua lại, chúng ta hãy giữ bỏ tất cả mọi ghen tương giận hờn”.
Hôn bất cứ ai mình thích
Vào thế kỷ 13, quyển tiểu thuyết Bạn và Amile nói đến tình bạn tuyệt vời giữa hai hiệp sĩ, như sau: “Hai người đàn ông lao vào vòng tay nhau, hôn nhau nhiệt tình, siết chặt nhau đến nghẹt thở”. Vào thời Trung cổ, chuyện này chẳng có gì kỳ quặc. Cái hôn giữa hai hiệp sĩ là chuyện bình thường trong văn học. Mặt khác, đó cũng là chọn lựa duy nhất! Năm 397, Công đồng Carthage lần 3 của Kitô giáo đã cấm hôn – dù là trên má – giữa đàn ông và phụ nữ! Không sao cả, đàn ông sẽ hôn nhau! Chính vì thế, các hiệp sĩ đã nắm tay nhau và ngủ chung với nhau, chỉ nhằm tỏ tình đoàn kết trong chiến đấu. Người ta cũng gặp cái hôn giữa lãnh chúa và chư hầu, được người La Mã gọi là osculum. Cái hôn lưỡi chạm lưỡi dùng để chính thức hóa một hiệp ước hòa bình hay giao hảo giữa hai phe. Hai người đàn ông, tay nắm chặt nhau, hôn nhau vào miệng. Trong Giáo hội, các giáo sĩ tỏ lòng kính trọng cũng hôn nhau bằng miệng. Rất trái khoáy bởi vì lấy lý do tránh truyền nhiễm dịch hạch và cảm cúm, các nhà tư tưởng thời Phục hưng lại cấm hôn nhau giữa vợ chồng ở nơi công cộng.
Tín hiệu của quỷ
Cử chỉ yêu thương đẹp đẻ này đã nằm trong tầm ngắm của các giáo hoàng từ rất lâu. Theo Đức Giáo hoàng Grégoire IX, vào thế kỷ 13, hôn là dấu hiệu của quỷ! Khi ôm hôn, đàn bà trở thành kẻ ngưỡng mộ quỷ. Trong sắc lệnh Vox in Rama của Tòa thánh, ông viết: “Một số tên phù thủy hôn vào mông của quỷ một cách đáng xấu hổ, một số khác hôn vào miệng, chọc cả lưỡi vào mồm và hút lấy nước bọt. […] Kiểu hôn này làm mất đức tin Kitô giáo. Cái hôn tục tĩu – osculum infame – cũng là nguyên nhân bị tiêu diệt của các Hiệp sĩ Đền thờ. Năm 1307, vua Philippe Đẹp trai, muốn tiêu diệt các hiệp sĩ Đền thờ giàu có này. Thời kỳ đó, khi muốn gia nhập, người lính mới phải cởi hết y phục bên ngoài, chỉ chừa lại áo sơ mi và quần. Y phải mặc vào y phục của các hiệp sĩ Đền thờ, và người bảo lãnh phải hôn vào thắt lưng, miệng rồi đến rốn. Những cái hôn này bị xem là tục tĩu, và là lý do chính để kết tội các Hiệp sĩ Đền thờ là đồi trụy. Kết quả: năm 1314, thủ lĩnh của các Hiệp sĩ Đền thờ bị thiêu sống trên giàn hỏa.
Khúc dạo đầu cho những đêm tân hôn
Thật may mắn, trong lịch sử nếu cái hôn làm cho người ta bị thiêu sống thì nó cũng tạo ra khoái lạc. Vào năm 2019, có ai còn nhớ động từ “hôn” có nguồn gốc là một cái hôn sạch sẽ chứ không phải quan hệ tình dục? Trong ngọn lửa nồng nàn, ý nghĩa của nó đã bị lấp liếm mất. Vào thế kỷ 16, nhà thơ nữ người Pháp Louise Labé thể hiện ước muốn với người tình bằng cách sử dụng ý nghĩa mơ hồ của từ hôn: “Hãy hôn em nữa, hôn nữa, và hôn. Hãy cho em nụ hôn ngọt ngào nhất của anh. Em sẽ trả lại bằng bốn cái hôn nóng hơn than hồng”. Đến thế kỷ 17, khởi đầu cho trụy lạc, từ “hôn” mới có định nghĩa như hôm nay, và Molière đã lạm dụng nó trong tác phẩm Dom Joan: “Ha! Anh nói cái gì thế? Hai bàn tay anh đẹp nhất thế giới, xin hãy để cho em hôn nó!”. Cùng lúc đó, động từ ôm nhau mới bắt đầu có nghĩa là hôn giữa hai người tình.
Năm 1896, một năm sau phát minh ra điện ảnh của anh em nhà Lumière, William Heise quay bộ phim The Kiss (Nụ hôn). Phim trắng đen, câm, kéo dài chưa đầy 1 phút. Người ta nhìn thấy hai nam diễn viên đùa với nhau, rồi bất ngờ hai môi dính vào nhau. Cái hôn đầu tiên trong điện ảnh đã ra đời! Ầm ĩ. Hiệp hội phụ nữ Kitô giáo phát động chiến dịch chống hôn miệng trên cả nước Mỹ, xem đó là mất vệ sinh. Động tác này bị xem như phim khiêu dâm ngày nay! Phim bị tẩy chay, cùng lúc đó lại hình thành các đường dây cung cấp lén lút phim kích dục. Từ sau bộ phim The Kiss, cái hôn trên màn ảnh trở thành kinh điển. Giống như Michèle Morgan thì thầm với Jean Gabin trong phim Bến cảng sương mù năm 1938: “Hãy ôm hôn em đi!”.
Hôn bàn tay thế nào mới đúng?
Vào cuối thế kỷ 18, hôn bàn tay xuất hiện như một động tác lịch sự, thay thế có thể chấp nhận cho cái hôn tình yêu bị xem là đồi trụy. Ở nơi công cộng, nhưng hiếm khi ở ngoài trời, phép lịch sự đòi hỏi người phụ nữ đưa bàn tay ra, quý ông hào hoa không được phép hôn vào bàn tay không chìa ra cho mình. Anh ta phải nghiên mình xuống cho vừa với tầm tay và không ngược lại! Cái hôn chỉ được phớt nhẹ trên môi. Không bao giờ được phép hôn bàn tay của phụ nữ hay bàn tay đang đeo găng!
Một cái hôn ăn cướp
Bức tượng cao 8 mét được dựng lên tại San Diego, bang California tái hiện bức ảnh nụ hôn nổi tiếng tại Quảng trường Times Squares ở New York. Một anh thủy thủ bất ngờ ôm cô y tá lạ hoắc giữa đường, đè ra hôn khi nghe Đài phát thanh báo tin kết thúc Thế chiến thứ hai năm 1945.
- Xem thêm: Khám phá bí ẩn của nụ hôn