Thông thường, ai nấy đều mong rằng thi thể của họ sẽ được chôn cất tử tế hoặc là hỏa táng sau khi qua đời.
Một số nền văn hóa trên thế giới ủng hộ việc an táng nhanh chóng như Do Thái và các nước Hồi giáo hoặc có thể quàng trong khoảng ba tuần như Thụy Điển.
Một số nước chủ trương tổ chức tang lễ nhỏ gọn với những bài thánh ca, trong khi những nơi khác lại thích vui vẻ như đám tang kiểu New Orleans với khiêu vũ cả đêm.
Nói chung các nền văn hóa đều tổ chức tang lễ. Mặc dù chúng có thể khác nhau về chi tiết, nhưng sẽ kết thúc bằng việc xử lý thi thể người chết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà các bộ phận cơ thể con người có thể được bảo tồn sau khi chết.
Bảo quản thi thể các vị thánh
Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mình, Giáo hội Công giáo La Mã đặc biệt quan tâm đến việc thu thập các thánh tích.
Có hàng trăm bộ phận cơ thể các vị thánh được Giáo hội bảo quản và trưng bày cho giáo dân chiêm bái.
Mọi thứ có liên quan đến các vị thánh đều được bảo tồn – từ cái đầu của thánh Catherine của xứ Siena (được trưng bày tại nhà thờ Basilica Cateriniana San Domenico ở Tuscany) đến lưỡi của thánh Anthony, xứ Padua.
Các di vật khác bao gồm máu của thánh Januarius, bao quy đầu của Chúa Hài đồng, ngón tay của thánh Doubting Thomas, và di thể của thánh Mark…
Việc thu thập và trưng bày di tích các vị thánh không phải là độc quyền của Giáo hội Công giáo. Các tôn giáo khác cũng thờ phụng các thánh tích của riêng họ.
Ví dụ: ta có thể chiêm bái chiếc răng của Đức Phật trong một ngôi đền ở Sri Lanka và râu của Nhà Tiên tri Muhammad tại Bảo tàng cung điện Topkapi ở Istanbul.
Được xem như “chiến lợi phẩm”
Các bộ phận trên cơ thể người chết có thể được thu thập như là chiến lợi phẩm. Có lẽ do ảnh hưởng từ các bộ phim của Hollywood mà người ta tin rằng chính người Mỹ bản xứ (thổ dân) đã đề ra ý tưởng lột da đầu nạn nhân của họ.
Trên thực tế, nhà sử học Hy Lạp Herodotus đã ghi lại chuyện các chiến binh Scythia được lệnh phải lột da đầu quân địch nộp cho nhà vua vào thế kỷ 5 trước Công nguyên.
Có những bằng chứng cho thấy một số thổ dân lột da đầu kẻ thù của họ, và người dân sống tại các vùng biên giới cũng làm điều tương tự; họ lột da đầu làm bằng chứng về cái chết của ai đó và để nhận tiền thưởng.
Tuy nhiên, chiến lợi phẩm không chỉ giới hạn ở da đầu. Napoléon, vị tướng vĩ đại và cũng là hoàng đế nước Pháp, đã bị lấy đi một số bộ phận cơ thể sau khi ông chết trên đảo St. Helena.
Các bác sĩ khám nghiệm tử thi đã mổ lấy nội tạng cùng với dương vật của ông. Chúng đã được chia cho những người hiện diện như là vật lưu niệm, và vị linh mục làm lễ rửa tội được cho là đã nhận một vài xương sườn.
Dương vật của Napoléon cuối cùng được bán tại cuộc đấu giá với giá 3.000 đôla và hiện đang được bảo quản và trưng bày ở New Jersey. Cũng giống như chính Napoléon, phần cơ thể này của vị hoàng đế được cho là thực sự nhỏ.
Dùng làm vật trưng bày
Những bộ phận của thi thể đôi khi được sử dụng để chế tạo ra đồ trang trí nghệ thuật. Ở Tây Tạng, xương người có thể được chạm khắc thành các mẫu vật có hình dạng phức tạp và gắn kết lại với nhau để tạo thành một loại “tấm che phía trước”; chúng được mặc vào trong các nghi lễ đặc biệt.
Kapalas, những cái chén làm từ sọ người, được sử dụng trong các nghi lễ Mật Tông. Kapalas thường được khảm thêm các kim loại và đồ trang sức quý hiếm; chúng cũng được đặt trên bàn thờ Phật.
Ở Pháp vào thế kỷ 18, nhà điêu khắc Honore Fragonard đã tạo ra những tác phẩm tinh tế từ cơ thể của người đã mất.
Tác phẩm Người đàn ông lột da của Honore là một sự kết hợp giải phẫu và nghệ thuật, cho thấy các cơ và cơ quan nội tạng bên trong cơ thể người. Ông đã lột da hàng trăm xác người và động vật để tạo ra các tác phẩm điêu khắc của mình.
Nhiều tác phẩm kỳ lạ của Honore được trưng bày bên trong Bảo tàng Fragonard d’Alfort ở Paris.
Một trong những tác phẩm nổi tiếng của Fragonard có tên là The Horseman of the Apocalypse (Kỵ sĩ Khải huyền). Nó thể hiện một người đàn ông ngồi trên lưng ngựa, cả hai đều được lột da, và bên trong bụng ngựa là một bào thai ngựa.
Phục vụ cho sự nghiệp phát triển y học
Một trong những lý do phổ biến để lưu giữ cơ thể sau khi chết là vì sự nghiệp y học. Việc nghiên cứu cơ thể người rất phát triển trong thế kỷ 18 nhờ sự xuất hiện của những tay đạo tặc chuyên đào mộ người chết.
Những người như Burke và Hare (hai đạo tặc nổi tiếng thời đó) rất tích cực trong việc giúp đỡ Grim Reaper (tiếng lóng ám chỉ thần Chết).
Xác chết được mổ xẻ công khai trước khán giả là các sinh viên y khoa, những người quan tâm đến giải phẫu và các quý ông buồn chán muốn giải trí bằng một sự kinh dị kiểu như ma cà rồng.
Bác sĩ phẫu thuật Robert Knox, nhân vật được nhiều người biết đến vào thời đó, thường biễu diễn công khai nghệ thuật mổ xẻ (Knox là khách hàng tốt nhất của Burke và Hare). Tuy nhiên, Knox đã bị bắt vì tử thi mà ông mổ xẻ là nạn nhân của một vụ giết người.
Ngoài việc mua xác chết từ bọn đào mộ, các trường y còn nhận được thi thể do người dân hiến tặng. Việc mổ xẻ tử thi thường mất một thời gian dài và các sinh viên y khoa có thể dành tới một năm làm việc trên cùng một xác chết.
Mặc dù ngày nay nhiều trường y đang chuyển sang dùng cơ thể nhân tạo và hình ảnh 3D vào trong giảng dạy, nhưng việc mổ xẻ một cơ thể thực sự vẫn được xem là kinh nghiệm quý báu và rất cần thiết cho các bác sĩ phẫu thuật.
Sau khi không còn sử dụng, các thi thể hiến tặng sẽ được hỏa táng hoặc trao lại cho gia đình để mai táng.
Chỉ vì ý nguyện lập dị của người chết
Jeremy Bentham là nhà triết học và nhà cải cách xã hội nổi tiếng thế giới. Sinh ra ở London vào năm 1748, Bentham đã dành phần lớn sự nghiệp viết về luật pháp và cách thức cải thiện nó.
Ông là người theo chủ nghĩa vị lợi, cho rằng hành vi con người nên được điều chỉnh bởi “điều tốt nhất cho số đông” chứ không phải theo các nguyên tắc tôn giáo.
Bentham là một người vô thần và có suy nghĩ phóng khoáng. Ông ủng hộ quyền bầu cử phổ thông và vấn đề hợp pháp hóa người đồng tính luyến ái; điều này được xem là cực kỳ tiên tiến với một nhà tư tưởng ở vào thế kỷ 18.
Là một người vô thần, Bentham phản đối ý tưởng chôn cất theo kiểu Thiên Chúa giáo. Theo di nguyện của Bentham, thi thể của ông đã được mổ xẻ sau khi ông qua đời.
Bộ xương được mặc y phục và đặt trong tư thế ngồi bên trong một tủ kính, trong hành lang Trường Đại học London (UCL) với một cái đầu bằng sáp ở trên.
Tin đồn rằng thi thể của ông được đưa vào các cuộc họp hội đồng và ghi vào trong biên bản là “có mặt nhưng không bỏ phiếu” thực ra chỉ là một giai thoại.
Cái đầu của Bentham được lấy ra khỏi bức tượng khi nó bắt đầu phân rã. Nó được lưu giữ trong bộ sưu tập của UCL và thỉnh thoảng được mang ra trưng bày. Năm 2006, thi thể của Bentham một lần nữa được sử dụng bởi các nhà khoa học.
Họ trích các mẫu ADN từ hộp sọ để xác định xem liệu Bentham có mắc chứng tự kỷ hay không (Ông là một thần đồng đã đọc bộ lịch sử nước Anh dài nhiều tập trên bàn làm việc của cha mình khi còn là một đứa trẻ và bắt đầu học tiếng Latinh ở tuổi lên 3).
Để ngăn cản cái chết
Đôi khi, các bộ phận cơ thể được sử dụng như một loại văc-xin để ngăn ngừa bệnh tật và sự lão hóa. Ở Uganda, máu và nội tạng của những đứa trẻ đã chết được sử dụng để trị bệnh.
Chúng mang lại lợi nhuận to lớn cho những kẻ đầu cơ. Chính quyền cảm thấy lúng túng vì nhiều trẻ em đã bị giết có chủ ý để làm giàu cho các giao dịch kinh khủng này.
Kể từ khi cái chết của đứa trẻ đầu tiên được báo cáo vào năm 1998, hơn 700 thi thể trẻ em bị biến dạng đã được phát hiện cho đến nay.
Cảnh sát nghi ngờ các vụ giết người được thực hiện bởi các thầy phù thủy thu thập máu vì khả năng chữa bệnh của nó. Họ cũng bán các bộ phận cơ thể trẻ em như một loại bùa mang lại sự giàu có.
Mặc dù điều này là bất hợp pháp, nó vẫn xảy ra ở các vùng nông thôn ở Uganda. Tuy nhiên, các thầy phù thủy giữ kín bí mật địa điểm nơi hành lễ.
Chế tạo thành các vật dụng cá nhân
Đôi khi, phần còn lại của người chết được chế tạo thành đồ vật để sử dụng theo sở thích của ai đó. Lord Byron, nhà thơ lãng mạn Anh đầu thế kỷ 19, đã sở hữu một chiếc cốc được làm từ sọ người.
Cái cốc được viền bạc xung quanh và dùng đựng nước. Người ta tin rằng người làm vườn cho Byron đã đào được nó tại Newstead Abbey và ông rất thích chiếc cốc này.
Một trường hợp ghê tởm hơn là William Lanne xấu số. Ông là một trong những thổ dân Tasmani cuối cùng sống trên quần đảo Furneaux.
Bị xem là “những kẻ man rợ” và là “mắt xích còn thiếu” giữa người và vượn, họ bị những người định cư châu Âu đối xử tàn bạo.
Nhiều người đã chết vì bệnh tật do những người thực dân mang đến. Bệnh dịch tả đã càn quét qua các đảo và hủy diệt dân bản địa.
Ngay cả khi chủng tộc của họ bị xem là tuyệt chủng, thổ dân Tasmania vẫn tiếp tục chịu đau khổ dưới bàn tay của những người thực dân.
Các thành viên của Hiệp hội Hoàng gia Tasmania đã đào một số thi thể và mang đi trưng bày. Đầu của William Lanne đã bị lấy đi, và bìu của ông được làm thành một túi đựng thuốc lá.
Sử dụng như một loại ma thuật
Niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên của phép thuật là đặc trưng của nhiều nền văn hóa, đặc biệt là ở châu Phi, vùng cận sa mạc Sahara. Juju, một loại phép thuật, được người bản xứ tin rằng có thể giúp đỡ hoặc làm hại các tín đồ.
Juju được tin rằng sẽ truyền vào vật thể một ma lực kỳ diệu, ví dụ tóc của một người có thể chứa đựng bản chất tâm linh của anh ta. Những lá bùa chứa các tinh chất này có thể bảo vệ hoặc gây hại tùy thuộc vào phép thuật được sử dụng.
Thầy bùa Juju dùng máu kinh nguyệt, tóc, móng tay, bộ phận cơ thể và máu trẻ sơ sinh để làm phép gắn kết các tín hữu với thầy bùa và bắt họ làm bất cứ điều gì được sai khiến. Jjuju cũng được sử dụng để kiểm soát phụ nữ và buộc họ làm gái mại dâm.
Dùng xương người như vật trang trí
Sedlec, một ngôi nhà thờ nhỏ tọa lạc tại ngôi làng cùng tên ở Cộng hòa Séc, nổi tiếng thế giới nhờ các tác phẩm trang trí nghệ thuật được làm từ xương người.
Tại đây có treo một cái đèn chùm được làm từ các loại xương trên cơ thể người. Xung quanh bộ đèn là bốn chiếc tháp làm từ sọ người và xương cẳng tay, cùng với tượng Chúa Hài đồng bằng vàng trên đỉnh tháp.
Các chi tiết nội thất khác như những chiếc chân nến, đường viền mái, đường cong vòm nhà… đều được trang trí bằng những bộ phận xương khác nhau.
Nhưng Sedlec không phải là nơi duy nhất trang trí bằng xương người. Tại Rome, trong nhà thờ Capuchins đã lưu giữ hài cốt của khoảng 4.000 thầy dòng – không phải trong hầm mộ hoặc mộ mà dùng như vật trang trí phòng.
Sọ người xếp thành các bức tường, và ba bộ xương hoàn chỉnh của các tu sĩ Capuchin trong tư thế đứng chào du khách khi họ bước vào.
Một trong những nhà nguyện đặc biệt nhất có thể được tìm thấy ở Czermna, Ba Lan. Mỗi cm của các bức tường và trần nhà được lát bằng xương của các nạn nhân chiến tranh và dịch bệnh.
Phần còn lại của hơn 20.000 thi thể có thể được tìm thấy trong tầng hầm. Nhà nguyện được xây dựng bởi Vaclav Tomasek, một linh mục địa phương. Sau khi ông chết, hộp sọ của ông được đặt trên bàn thờ của nhà thờ, và nó vẫn còn cho đến ngày nay.
Bằng chứng của việc giết người
Đôi khi, các bộ phận cơ thể được lấy làm bằng chứng cho thấy ai đó đã bị giết. Khi Nhật Bản xâm chiếm Hàn Quốc vào thế kỷ 16, các chiến binh samurai đã cắt mũi kẻ thù của họ, một phần là chiến lợi phẩm và một phần vì họ được trả tiền theo số người mà họ giết. Mũi và đôi khi là tai của những người chết được mang về Nhật và được lưu giữ trong “ngôi mộ mũi”.
Được phát hiện vào những năm 1980, một trong những ngôi mộ này có hơn 20.000 cái mũi (được ngâm trong dung dịch bảo quản).
Một số người ở Hàn Quốc đã yêu cầu trả lại, trong khi những người khác nghĩ rằng chúng nên được tiêu hủy đúng nghi thức.
Mũi (và tai) được lưu giữ bên trong một ngọn đồi cao 9 mét được gọi là “The Ear Mound” (Đồi Mũi) ở Kyoto. Nó được duy trì bằng tiền ngân sách và Tokyo dường như bối rối vì chưa biết xử lý sao cho phù hợp.